Việc vận chuyển và tiêu thụ ma túy trên thế giới

Việc vận chuyển và tiêu thụ ma túy trên thế giới

Một số nhận định của ông Cesar Guedes, phối hợp viên Văn phòng ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc cho vùng châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi, về việc vận chuyển và sử dụng ma túy gia tăng trên thế giới

Trong một thống kê công bố mới đây Văn phòng đặc trách ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc báo động hiện tượng các tổ chức buôn bán ma túy ngày càng dùng nhiều nước châu Mỹ Latinh và Phi châu làm trạm dừng chân và cầu nối để tìm cách vận chuyển ma túy vào Âu châu.

Trong năm 2008 Châu Mỹ Latinh sản xuất khoảng 36.000 tấn canabis, tức chiếm 1 phần 3 tổng số lượng canabis toàn thế giới. Và hàng năm vùng này lọc từ 800 tới 1.000 tấn cocaine, tức là hầu như toàn bộ tổng lượng cocaine tiêu thụ trên thế giới. Vì các lý do môi trường và lịch sử, kỹ nghệ trồng cây coca tập trung trong vùng rừng núi Andes bên châu Mỹ Latinh trải dài trên khoảng 168.000 mẫu tây. Chỉ một mình nước Colombia đã sản xuất phân nửa tổng lượng cocaine trên thế giới. Số còn lại đến từ các nước Perù 36% và Bolivia 13%. Tuy nhiên đa số chất ma túy không được bán tại địa phương, vì giá của chúng qúa cao đối với đa số dân thuộc các nước miền nam bán cầu.

Vẫn theo thống kê của Liên Hiệp Quốc hơn 11 triệu trên tổng số 20 triệu người nghiện ma túy sống tại Âu châu, và nhất là tại Hoa Kỳ. Tại các nước miền bắc bán cầu cũng có 60 triệu người thường xuyên sử dụng cây canabis. Ba nước Mêhicô, Colombia và Guatemala sản xuất và cung cấp heroine cho 1,3 triệu người nghiện loại ma túy này tại các nước Bắc Mỹ. Để tránh bị kiểm soát, các tổ chức buôn bán ma túy vận chuyển ma túy qua nhiều nước và biên giới khác nhau, theo các lộ trình khác nhau.

Lộ trình chính đi qua các nước Trung Mỹ Latinh, rồi từ đó vào Hoa Kỳ. Hiện nay 90% tổng lượng ma túy theo lộ trình này vào Hoa Kỳ. Các xe vận tải chở đầy cocaine rời vùng sản xuất tiến vào Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala cho tới Mêhicô. Từ đây ma túy được chuyển sang Hoa Kỳ. Còn có một lộ trình khác nữa đó là lộ trình Thái Bình Dương. Ma túy được chất đầy dưới gầm tầu khởi hành từ các hải cảng của Colombia và Perù hay Ecuador và được chuyển vận tới Mêhicô, rồi từ Mehicô qua đường bộ gia nhập Hoa Kỳ và Canada.

Hiện tượng vận chuyển ma túy này cũng kéo theo hậu qủa là các vụ bắt cóc và sát hại giữa các tổ chức buôn bán ma túy. Chẳng hạn trong một vài nước Mỹ Latinh số người bị ám sát liên quan tới việc buôn bán ma túy rất cao: hơn 40 người trên mỗi 100.000 người. El Salvador đứng hàng đầu với 55 vụ, Giamaica 49 vụ và Guatemala 45 vụ. Các nạn nhân dưới 24 tuổi tại El Salvador lên tới 92 vụ trên 100 ngàn dân. Vẫn theo thống kê của Liên Hiệp Quốc 75% các vụ bắt cóc trên thế giới xảy ra tại các nước châu Mỹ Latinh.

Theo bản báo cáo của ”Cơ quan tình báo cho Phong trào Coca Hoa Kỳ” trong năm 2006 đã có khoảng 500 tấn ma túy được vận chuyển theo lộ trình Thái Bình Dương. Trong các năm qua lộ trình này đã thay thế lộ trình quần đảo Caraibi. Cho tới các năm cuối thập niên 1990, các tổ chức buôn bán ma túy Colombia chuyên chở ma túy trực tiếp bằng máy bay và dừng lại Venezuela hay Guyana trong quần đảo Antille: Giamaica, Porto Rico và nhất là Cộng Hòa Dominicana và Haiti là các trạm dừng chân đầu tiên. Đặc biệt Haiti trong một thời gian dài, đã là chiếc cầu nhún toàn vẹn cho việc chuyên chở ma túy vào Hoa Kỳ, ít nhất là cho tới năm 2004 khi Liên Hiệp Quốc can thiệp để bình định tình hình tại đây. Lý do là vì các biện pháp an ninh hoàn toàn vắng bóng tại Haiti, trong khi chính quyền trung ương thì thối nát và yếu kém. Không có việc kiểm soát các máy bay, kể cả hiện nay. Các chuyến bay chở ma túy tới và khởi hành từ Cap Haitien ở mạn bắc, trước sự thờ ơ của chính quyền. Tin tức cho biết trước khi xảy ra trận động đất ngày 12 tháng Giêng vừa qua, mỗi ngày đã có 3 chiếc máy bay cất cánh từ phi trường Cap Haitien hướng về Hoa Kỳ.

Trong khi hầu hết chất coca do Colombia sản xuất được cung cấp cho Hoa Kỳ, thì Perù và Bolivia cung cấp cocaine cho các nước Âu châu; 60-70% tổng lượng cocaine là của Perù được chuyên chở bằng máy bay. Từ quần đảo Caraibi hay từ các nước miền nam Mỹ Latinh ma túy cũng được chuyển vận nhờ phong trào du lịch gia tăng nối liền các nước Argentina, Uruguay và Brasil với các nước bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra còn có một số lượng cocaine đáng kể được chuyển vận tới Âu châu từ các nước cầu nối vùng Tây Phi châu.

Các tỗ chức buôn bán ma túy chuyển vận chúng bằng đường tầu thủy từ Brasil hay Venesuela tới Tây Phi. Sau đó các kiện cocaine được chuyên chở bằng xe vận tải tới quần đảo Canarie và Madeira. Lộ trình Phi châu này khiến cho Liên Hiệp Quốc rất lo âu, vì ma túy có khuynh hướng nuốt trửng các nước nó đi ngang qua, bằng cách tàn phá hệ thống chính trị và kinh tế của các nước này. Đây là điều đã xảy ra tại các nước Trung Mỹ Latinh. Và hiện tượng này đang đe dọa các vùng như Guinea Bissau, Cap Vert và Gambia.

Hai thí dụ minh chứng cho hiện tượng này là tình hình tại Guatemala và Nicaragua. Tại Guatemla tổ chức phi chính quyền Aypoyo Mutuo cho biết trong năm 2009 đã có 5.500 vụ giết người; tính trung bình mỗi ngày có 20 người bị giết, đa số có dính líu tới việc buôn bán ma túy, và 98% các vụ sát nhân này không bị luật lệ trừng phạt. Các tổ chức buôn bán ma túy đút lót cho nhân viên các cấp của chính quyền, tài trợ các cuộc tranh cử địa phương, tạo ra các hãng xưởng kinh doanh làm bình phong che dấu việc buôn bán ma túy. Chúng cũng dùng các băng đảng tội phạm và người trẻ và trả tiền để chúng trở thành những kẻ giết mướn. Những người trẻ này thường chết sớm vì dùng ma túy qúa đáng, hay bị bắn vào gáy trong các cuộc thanh toán nhau. Chính quyền buộc phải đầu tư nhiều tiền hơn cho công tác chống tội phạm, và lấy tiền từ các ngân qũy sức khỏe, giáo dục và tạo công ăn việc làm để bù vào đó.

Nicaragua cũng là một quốc gia cầu nối nổi tiếng khác. Tại đây có một vùng đất không thuộc về ai hết rộng 50.000 cây số vuông. Ma túy từ Colombia được chuyên chở tới đây và từ đây vào Hoa kỳ. Trong 10 năm qua đã có 30.000 kílô cocaine được đưa vào Hoa Kỳ theo ngã này. Nhưng giới chuyên viên cho biết đây chỉ là 20% tổng lượng cocaine di chuyển trong vùng. Chính quyền hoàn toàn vắng bóng. Trong vùng này dân chúng là người gốc phi châu và thổ dân phải sống trong cảnh không có điện nước và không có các phương tiện liên lạc tối tân. Bên cạnh đó là các biệt thự sang trọng có gắn ”ăng ten parabol”. Nó là dấu chứng của sự sang trọng phát xuất từ tiền hối lộ của các tổ chức buôn bán ma túy, để giữ bí mật cho việc chuyển vận ma túy nói trên.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Cesar Guedes, phối hợp viên ”Văn phòng ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc cho Châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi”, về việc vận chuyển và sự sử dụng ma túy gia tăng trên thế giới.

Hỏi: Thưa ông Guedes, hiện nay đâu là vùng hấp dẫn nhất đối với các tổ chức buôn bán ma túy quốc tế?

Đáp: Hiện nay Âu châu đã trở thành thị trường hấp dẫn nhất đối với các tổ chức buôn bán ma túy quốc tế. Lý do là vì Hoa Kỳ đã trở thành nơi dư thừa ma túy rồi. Trận lụt ma túy mà các tổ chức buôn bán ma túy đã khiến xảy ra tại Hoa Kỳ trong các thập niên qua, đã khiến cho chất bột trắng heroine bị mất giá. Giờ đây để được lời tối đa, các tổ chức buôn bán ma túy quay sang thị trường Âu châu, nơi có hơn 4 triệu người nghiện ma túy, và giá ma túy vẫn còn cao. Bên Âu châu một gram cocaine giá đắt gấp 50 lần bên Hoa Kỳ. Nếu di chuyển xa hơn về phía Đông sang tới Nga chẳng hạn, thì giá 1 gram ma túy có thể từ 70-80 lần cao hơn bên Hoa Kỳ. Lý do là vì các nguy hiểm của việc vận chuyển. Đem ma túy vượt Đại Tây Dương phức tạp hơn, vì thế cũng có nhiều nguy hiểm hơn. Nhưng khi các nguy hiểm gia tăng, thì giá cả cũng cao hơn và các tổ chức buôn bán ma túy cũng kiếm được lời nhiều hơn.

Hỏi: Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ đang mất đi sức hấp dẫn đối với các tổ chức buôn bán ma túy, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng thế, các tổ chức buôn bán ma túy đang trải dài ảnh hưởng tới các thị trường mới để gia tăng lợi lộc. Âu châu, nhất là Trung Âu và Đông Âu, là một cơ may đem lại nhiều lợi tức lớn, vì cocaine là loại ma túy chưa đựơc tiêu thụ rộng rãi tại đây. Bên Âu châu nó vẫn duy trì được một quy chế, nghĩa là cho tới nay vẫn được coi như là ”thứ ma túy của người giầu”. Dĩ nhiên, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, nhưng khi vượt thắng được các khó khăn vận chuyển, thì các tay tội phạm buôn bán ma túy hốt bạc.

Hỏi: Vùng Tây Phi có phải là một cầu nhún thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy hay không thưa ông?

Đáp: Chắc chắn rồi. Vùng này được các tổ chức buôn bán ma túy dùng làm trạm trung gian vận chuyển ma túy ngày càng thường xuyên hơn. Các cơ cấu công cộng và chính quyền các quốc gia trong vùng rất yếu ớt, vì thế các tổ chức buôn bán ma túy rất dễ tránh né các kiểm soát của các lực lượng an ninh.

Hỏi: Việc buôn bán ma túy gây ra các hậu qủa nào cho các quốc gia vùng Tây Phi?

Đáp: Các hậu qủa do việc buôn bán ma túy gây ra cho các quốc gia vùng này rất là tai hại. Ma túy tàn phá hệ thống chính trị và kinh tế của các nước nó đi qua. Để che chở các chuyến vận chuyển ma tuy gía hàng tỷ mỹ kim, các nhóm tội phạm đút lót cho các quan chức chính quyền và nhân viên chính phủ cũng như gài người len lỏi vào các cơ cấu và đảng phái trong các cuộc tranh cử địa phương, và họ dùng các cơ cấu này để rửa tiền bẩn thỉu. Thế là các cơ cấu chính quyền, nền kinh tế, giới lãnh đạo và cuộc sống xã hội... tất cả đều bị chất ma túy khống chế. Các chính quyền càng yếu kém như các chính quyền vùng Tây Phi, thì hậu qủa do ma túy để lại càng sâu rộng và tai hại.

Hỏi: Việc buôn bán và vận chuyển ma túy gây ra các âm hưởng nào đối với nạn tội phạm tại các quốc gia cầu nhún thưa ông?

Đáp: Dĩ nhiên là ma túy len lỏi vào trong mọi giai tầng xã hội các quốc gia nó đi ngang qua. Việc tiêu thụ ma túy tại địa phương gia tăng, đặc biệt là giữa các băng đảng tội phạm nhỏ của người trẻ, là những thành phần cần tiền để mua ma túy. Và các băng đảng đó phạm các tội nghiêm trọng hơn. Và sự kiện này khiến cho nạn tội phạm bùng nổ tại các quốc gia cầu nối, và càng ngày nó càng có tính cách bạo lực hơn.

Hỏi: Như thế theo ông có thế làm gì để loại trừ cảnh suy đồi này?

Đáp: Điều quan trọng là phải củng cố sự hợp tác giữa các tổ chức tình báo của các quốc gia sản xuất ma túy, các quốc gia tiêu thụ, và các nước cầu nối vận chuyển ma túy. Chỉ như thế mới có thể chống lại nạn buôn bán vận chuyển ma túy quốc tế. Hiện nay Văn phòng đặc trách về ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc đang tập trung nỗ lực vào các quốc gia cầu nối vận chuyển ma túy. Chúng tôi sẽ đưa ra Hiệp định Santo Domingo và cơ cấu Managua để yểm trợ các hệ thống an ninh tại các quốc gia này.

(Avvenire 12-3-2010)


Top