Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần...

Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần...

Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng: “Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?”

Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:

“Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”

Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:

“Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa đủ nghe?”

Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.

Sau cùng ông bảo:

“Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”

Ngưng một chút, ngài lại hỏi: “Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”

Rồi ngài lại tiếp tục:

“Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng, ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó, họ đã biết đối tác nghĩ gì, muốn gì ...”

Ngài kết luận: “Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về!”

****

Một hôm Đức Phật hỏi học trò của mình là Bhikshu rằng “Bhikshu này, ngươi được bao nhiêu tuổi rồi?”

Bhikshu đáp: “Năm tuổi.”

Đức Phật ngạc nhiên: “Năm tuổi sao? Trông ngươi ít nhất cũng bảy mươi tuổi rồi. Ngươi trả lời như thế hàm ý gì?”

Bhikshu đáp: “Con nói như thế là vì tia sáng của sự chiêm nghiệm thiền định đã xuất hiện trong đời con mới cách đây năm năm, chỉ trong năm năm vừa qua thì tình yêu mới thấm đẫm cuộc đời con. Trước đó, cuộc đời con giống như một giấc mơ; con sống trong giấc ngủ. Khi đếm tuổi của mình con không kể đến những năm tháng trước đó. Cuộc đời thật sự của con chỉ mới bắt đầu cách đây năm năm. Con chỉ mới năm tuổi.”

Đức Phật bảo các học trò khác hãy ghi nhớ câu trả lời của Bhikshu: “Tất cả các ngươi nên tính đếm tuổi của mình theo cách này; đây là tiêu chuẩn để tính tuổi cho các ngươi.”
Nếu tình yêu và sự chiêm nghiệm thiền định không được sinh ra trong bạn; thì cuộc đời bạn cho đến nay vẫn là sự hoang phí; bạn vẫn chưa được chào đời. Không bao giờ quá trễ để bạn được tái sinh nếu bạn cố gắng. (Osho)

*****

Một du khách người Đức đến thăm khu du tích thần bí. Ắt hẳn trước đó anh ta đã rất tức giận vì một lý do nào đó. Anh ta tháo giày ra, vứt vào góc tường và đẩy mạnh cửa, bước vào.
Trong cơn tức giận, anh ta hành xử cứ như thể đôi giày kia là kẻ thù số một của mình vậy. Anh ta mở cửa thật mạnh cứ như thế cánh cửa kia và anh ta đã có hiềm khích với nhau từ lâu.

Anh ta bước vào và thể hiện sự thành kính của mình dành cho thần thánh.

Vị thần nói: “Không, ta không thể đón nhận lời chào của ngươi được. Trước tiên, ngươi hãy xin lỗi cánh cửa và đôi giày kia đã.”

“Ngài có bị sao không?”, người này nói “Xin lỗi cánh cửa và đôi giày? Tại sao? Chúng có phải là vật sống không?”

Vị thần đáp: ”Ngươi thậm chí còn không nghĩ đến việc khi ngươi vứt mạnh đôi giày và xô mạnh cánh cửa thì ngươi đã xem nó như những vật sống, ngươi xem nó như là kẻ thù số một của ngươi vậy. Ngươi đến xin lỗi chúng rồi ta sẽ nói chuyện với ngươi, nếu không ta sẽ không bao giờ nói chuyện với ngươi.”

Anh ta nghĩ về chặng đường dài từ Đức đến để gặp vị thần, lẽ nào chuyến đi này trở thành vô nghĩa chỉ vì một việc cỏn con. Thế nên anh ta khoanh tay trước đôi giày và nói: “Này bạn của tôi, hãy tha lỗi cho thái độ sai lạc của tôi nhé.” Với cánh cửa thì anh ta nói: “Tôi xin lỗi nhé. Tôi đã xô bạn quá mạnh trong khi đang tức giận.”

Trong hồi ký của mình, anh ta đã viết rằng thoạt tiên anh ta cảm thấy rất buồn cười về việc này, nhưng sau khi thực hiện xong lời xin lỗi của mình thì anh ta đã phải sửng sốt: anh ta cảm thấy trong lòng rất thanh thản, rất bình an.

Sau lời xin lỗi, anh ta bước vào và ngồi bên cạnh vị thần, vị thần bật cười lớn: “Được rồi đấy. Bây giờ ta có thể trò chuyện với nhau. Giờ ngươi đã có một chút tình yêu và sự cảm thông rồi. Thậm chí ngươi có thể rất cảm thông vì ngươi đang vui sướng trong lòng.”

****

CUỘC SỐNG

Ngày kia, Đức Phật đang ngồi, các môn sinh vây quanh Ngài, bỗng một tiên ông xuất hiện và nói: ”Ngài muốn sống lâu đến bao nhiêu? Hãy xin một triệu năm và ngài sẽ được như vậy!”

Không một chút do dự, Đức Phật trả lời: “Tám năm.”

Khi tiên ông đi rồi, các môn sinh thất vọng hỏi: “Thưa ngài, tại sao ngài không xin sống một triệu năm? Ngài thử nghĩ, biết bao thiện ích ngài sẽ làm cho hàng trăm thế hệ!”

Và Đức Phật đáp lại với một nụ cười: “Nếu ta sống được một triệu năm, người ta sẽ thích chuyện kéo dài cuộc sống hơn là tìm kiếm sự khôn ngoan.”

Bạn có biết điều Đức Phật muốn nói? Rằng người ta muốn sống còn hơn là cải thiện chất lượng cuốc sống của họ. (Anthony De Mello)

***

CÁNH CỬA MỚI

Cách đây, hàng thế kỷ, tại một đất nước nọ có một họa sĩ. Anh muốn tạo ra một bức tranh thực sự tuyệt vời có thể tỏa ra sự thiêng liêng, một bức tranh về một gương mặt có ánh mắt tỏa ra sự bình yên vô hạn. Anh lên đường để tìm kiếm một người nào đó có gương mặt vượt ra khỏi giới hạn của đời sống này, một cái gì đó siêu việt.

Anh lang thang khắp đất nước, hết làng này đến làng nọ, hết cánh rừng này đến cánh rừng khác nhắm tìm một người như thế. Cuối cùng anh gặp một người chăn cừu trên núi có sự ngây thơ trong trắng trong đôi mắt sáng và gương mặt thanh tú với nét siêu linh. Chỉ cần liếc nhìn anh cũng đủ để tin rằng Thượng đế tiềm ẩn nơi nhân loại.

Người họa sĩ vẽ một bức họa về người chăn cừu trẻ tuổi này. Hàng triệu bản sao của bức họa này đã được bán sạch, thậm chí ngay cả ở những khu vực xa xôi. Mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có thể treo bức họa này trên tường nhà mình.

Hai mươi năm sau, người họa sĩ đã già, một ý tưởng khác chợt nảy ra trong tâm trí ông. Theo kinh nghiệm sống của ông, nhân loại không hòan toàn ngoan đạo; ma quỷ vẫn tồn tại trong họ. Ý tưởng này làm nảy sinh dự định vẽ một bức tranh nhằm phản ánh hình ảnh ma qủy trong con người. Hai bức họa này, ông nghĩ, sẽ bù trừ cho nhau, đại diện cho toàn nhân loại.

Ở tuổi già, ông lại lên đường tìm kiếm. Lần này ông muốn tìm một người không phải là người mà là ma quỷ. Ông đến các khu nhà ổ chuột, các quán rượu, các nhà thương điên. Người này cần phải có ngọn lửa của địa ngục; gương mặt của anh ta phải thể hiện được nét tàn bạo, xấu xí, ác dâm. Ông tìm kiếm hình ảnh của tội lỗi. Trước đây ông đã vẽ nên hình ảnh về sự hóa thân của loài quỷ dữ.

Sau khi tìm kiếm thật lâu, cuối cùng ông tìm được một tù nhân. Người tù này phạm bảy tội giết người và bị kết án treo cổ trong vài ngày tới. Ngọn lửa địa ngục đang bùng cháy trong mắt hắn; hắn trông giống như hiện thân của tội ác. Gương mặt của hắn là gương mặt xấu xí nhất mà bạn có thể hình dung ra. Người họa sĩ bắt đầu vẽ hắn.

Khi hoàn tất bức họa, ông mang bức họa trước đây ra đặt bên cạnh để đối chiếu. Nhìn từ góc độ nghệ thuật thì thấy khó có thể xác định được bức họa nào tốt hơn bức họa nào; cả hai đều là kiệt tác. Người họa sĩ đứng đó, mắt nhìn trừng trừng vào hai bức họa. Chợt ông nghe thấy tiếng khóc thút thít. Ông quay lại và trông thấy người tù bị xiềng xích đang khóc nức nở. Người họa sĩ vô cùng bối rối. Ông hỏi: “Này chàng trai, tại sao anh lại khóc? Hai bức tranh này khiến anh buồn sao?”

Người tù đáp: “Tôi vẫn luôn cố gắng che đậy một điều trước mặt ông, nhưng hôm nay tôi không thể giấu diếm được nữa. Bức họa thứ nhất cũng là bức họa về tôi. Cả hai bức tranh này đều vẽ khuôn mặt của tôi. Tôi chính là người chăn cừu mà ông đã gặp cách đây hai mươi năm trên ngọn đồi kia. Tôi khóc vì sự suy vong của mình trong suốt hai mươi năm qua. Tôi đã rơi từ thiên đàng xuống địa ngục.”

Cuộc sống con người đều có hai mặt. Trong mỗi con người cả thiên thần lẫn quỷ dữ tồn tại; trong mỗi con người luôn có thiên đàng lẫn địa ngục Trong mỗi con người luôn tồn tại những bông hoa xinh đẹp lẫn những đầm lầy xấu xí. Mỗi người đều liên tục dao động giữa hai thái cực này, nhưng hầu hết mọi người đều xuất hiện bên bờ địa ngục. Rất ít người có đủ may mắn để thiên đàng phát triển trong chính mình.

******

Top