Từ vựng Công giáo: Hành động thống hối?
1. Trong Nghi thức đầu lễ của Sách lễ Rôma, có phần chuẩn bị tâm hồn. Bản dịch Nghi thức thánh lễ xuất bản năm 2005 của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch là “Hành động thống hối”, nguyên bản tiếng Latin là “Actus pænitentialis”, trước nay vẫn không thay đổi, nhưng các bản dịch tiếng Anh trước đây dịch là “Penitential Rite” (1975), nay đổi lại là “Penitential Act”[1] (2002); còn trong tiếng Việt, trước đây dịch là “Nghi thức thống hối”, nay dịch là “Hành động thống hối”. Cách dịch của tiếng Việt có chính xác không? Thuật từ thống hối đã được bàn đến trong bài “Thống hối”[2], nên trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về từ actus dịch là hành động chính xác chưa?
2. Phần đầu lễ.
Nghi thức thánh lễ hiện nay gồm 4 phần: Nghi thức đầu lễ, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Nghi thức kết lễ. Phần Nghi thức đầu lễ gồm: (1) Ca Nhập lễ, (2) Lời chào (bái chào Bàn thờ, Thánh giá, chào cộng đoàn), (3) Phần thống hối, (4) Kinh Thương Xót, (5) Kinh Vinh Danh, (6) Lời nguyện Nhập lễ.
Trong phần thống hối (Actus pænitentialis), Sách lễ Rôma đưa ra 3 công thức thống hối khác nhau như những kiểu mẫu chứ không mang tính cách bắt buộc (Kinh Cáo Mình, Xướng đáp, Kinh Thương Xót và có thể thay bằng nghi thức thánh hoá và rảy nước thánh). Chủ tế có thể lựa chọn một trong những công thức này hoặc có thể tự soạn theo những quy luật nhất định.[3]
Phần thống hối này khác với Nghi thức thống hối (Penitential Rite) trong cử hành sám hối chung trước khi lãnh nhận bí tích Giải Tội. Vì trong cử hành bí tích Giải Tội, việc xưng tội với linh mục là một yếu tố thiết yếu của bí tích này (x. GLHTCG, số 1424 và 1456), còn ở đây, chúng ta không chú trọng vào việc xét mình hay liệt kê các tội đã phạm như khi đi xưng tội, mà chú trọng đến lòng thương xót và sứ mạng giao hoà của Chúa Kitô[4].
Trọng tâm của phần thống hối trong thánh lễ không phải là thú nhận tội lỗi, nhưng là nhìn nhận ơn tha thứ và lòng Thiên Chúa từ bi thương xót, nhận rằng chúng ta cần đến ân sủng của Thiên Chúa qua người con của Ngài là Đức Kitô Giêsu trong hy lễ Tạ Ơn được cử hành. Theo A.G Martimort và J. Gelineau: “Nghi thức thống hối đầu lễ không nhất thiết có bản chất sám hối, nhưng là kinh thờ lạy, ngợi khen, giống như một hơi thở mà cuộc đời dao động của ta rất cần đến khi bắt đầu cử hành thánh lễ”[5]. Có thể nói từ khoá của phần này là xưng thú (Latin: confessio; Anh, Pháp: confession) vì các tín hữu nhìn nhận tình trạng tội lỗi và bất xứng của mình trước Thiên Chúa, nhất là qua cụm từ “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…” như được đọc trong Kinh Cáo Mình (Confiteor). Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, xưng thú (confess) còn có nghĩa là tuyên xưng niềm tin cách công khai và rõ ràng. Các tín hữu khi nhìn nhận tội lỗi của mình thì đồng thời cũng có nghĩa là tuyên xưng đức tin của mình vào tình thương của Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân vì ơn tha thứ của Ngài chứ không phải quy về những lầm lỗi và thiếu sót của mình.
Phần thống hối kết thúc bằng công thức xá giải: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”. Khác với Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma ấn bản năm 1975, ấn bản 2002 nói rõ: “Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối”[6]. Theo Eliot L. Kapitan, đây chính là lý do mà tại sao (trong bản dịch tiếng Anh) tiêu đề “Penitential Rite” (Nghi thức[7] Thống hối) Sách lễ Rôma 1975 lại đổi thành “Penitential Act” (Phần Thống hối) trong Sách lễ hiện nay[8].
3. Actus, hành động, kinh
3.1 Nghĩa của chữ actus.
Actus trong tiếng Latin có thể là động từ hay danh từ, trong trường hợp này đương nhiên là danh từ, nghĩa là (1) Hành động, hành vi, tác động, việc làm (act) (2) Thúc đẩy, tiến hành, xúc tiến (progress). (3) Biểu diễn (một vở kịch), cử hành (một nghi thức), hay phát biểu (một ý kiến) (performance). (4) Màn của vở kịch, phần của nghi lễ (series/sequence). (5) Kinh, lời cầu nguyện có tính khuôn mẫu, lâu dài không thay đổi. (6) (Luật) Chứng thư, án từ, pháp án, pháp lệnh. (7) (Triết) Hiển thể, hiện thể (dùng đối lập với tiềm thể potencia).
Như vậy, actus (pænitentialis) có thể dịch là cử hành / phần / kinh (thống hối)?
3.2 Nghĩa của hành động.
Hành: có bảy chữ Hán: 行, 衡, 珩, 蘅, 桁, 莖, 茎, trong thuật từ hành động là chữ行. Nghĩa là (dt.) (1) Đường sá: Hành hữu tử nhân (trên đường có người chết). (2) Lối chữ hành, lối chữ hơi đá thảo gọi là hành. (3) Bài kể truyện bằng thơ cổ phong: Trường ca hành (bài hát dài). (4) Họ Hành. (5) Một trong 214 bộ chữ: Bộ hành. (6) Tạm bợ: Hành thự (dinh quan đóng tạm). (7) Một trong ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ vi ngũ hành (vàng, gỗ, nước, lửa, đất là ngũ hành). (8) Quay quanh một thiên cầu: Hành tinh. (đt.) (9) Bước đi: Trực hành (đi thẳng). (10) Đi: Tống hành (đưa đi) (11) Di động: Vận hành (vận chuyển). (12) Lưu thông: Lưu hành. (13) Làm, nghề: Hành y (làm nghề y). (14) Ban bố: Phát hành. (15) Có thể: Hành bất hành (có thể được không). (16) Lúc này được ưa: Thịnh hành. (17) Đem ra làm: Thực hành; Hành động. (18) Cai trị: Hành chính. (19) Giết: Hành thích. (20) Thực thi án: Hành hình (thi hành án tử). (21) Ăn xin: Hành khất. (tt.) (22) Tài giỏi: Nễ chân hành (anh giỏi quá). (Pht.) (23) Tương lai: Hành tương tụ mộc (sắp chết). Nghĩa Nôm: (1) Từ đệm: Học hành; Họp hành. (2) Làm khổ: Mẹ chồng hành hạ nàng dâu.
Động: Có những chữ Hán: 洞, 動 (动), 働, 峒, 峝, ở đây là chữ動 (动). Nghĩa là (dt.) (1) Di chuyển: Tịnh cực tư động (yên quá muốn di chuyển). (đt.) (2) Bất cứ vật gì, tự sức mình, hay tự sức khác mà chuyển sang chỗ khác: Vi phong xuý động thụ diệp (gió nhẹ rung lá cây). (3) Sử dụng: Động bút (dùng viết). (4) Bắt tay vào việc: Động công (bắt đầu khởi công). (5) Gây cảm xúc mạnh: Động nộ (nổi giận). (6) Ăn (tiếng bình dân): Bất động huân tinh (không ăn mặn). (pht.) (7) Nhiều lần (cổ văn). Nghĩa Nôm: (1) Di dịch: Động đậy. (2) Cảm xúc mạnh: Động lòng bốn phương. (3) Đòi tình: Động cỡn; Động đực. (4) Bệnh giựt chân tay: Động kinh.
Trong tiếng Việt [9], “hành động” có nghĩa là: (1) (đt.) “Làm, ra tay” hoặc: “Làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện: Ra tay hành động, hành động cho phải lẽ” (2) (dt.) “Việc làm” hoặc “việc làm có mục đích: Có hành động quả cảm, một hành động cao cả”; và “cử hành” có nghĩa là: (đt.) “Làm cách trịnh trọng, có quy củ” hay “Tiến hành một cách trọng thể, nghiêm trang: Cử hành tang lễ, buổi lễ được cử hành trọng thể”. Nói “hành động thống hối” thì có thể hiểu là “việc làm thống hối”, nhưng trong phụng vụ, chúng ta không bao giờ nói đến “việc làm” hay “hành động” (làm việc cách đơn giản, thô thiển) mà chỉ có các việc “cử hành” (làm việc cách trọng thể, nghiêm trang, trịnh trọng, có quy củ). Do đó, nếu hiểu actus ở đây theo nghĩa là hành động hay việc làm, thì phải dịch là “cử hành” mới thích hợp.
3.3 Nghĩa của kinh.
Kinh: Có 7 chữ Hán: 驚, (惊), 荊, (荆), 經, (经), 坕, 京, (亰), 痙, (痉), 仱. Ở đây là chữ經 kinh, nghĩa là (dt.) (1) Ðường dọc, sợi thẳng. (2) Về đường sá thì phía Nam Bắc gọi là kinh 經, phía Đông Tây gọi là vĩ 緯. (3) Về khoảng trời không và quả đất thì lấy con đường nam bắc cực chính giao với xích đạo là kinh: kinh tuyến (經線 theo hướng nam bắc, vĩ tuyến 緯線 theo hướng đông tây). (4) Kinh mạch của đông y, sách thuốc chia 12 kinh phân phối với các tạng phủ. (5) Đạo thường của con người, đạo đức pháp luật đã định không thể đổi được: Thiên kinh địa nghĩa 天經地義 (cái đạo thường như trời đất không thể di dịch được). (6) Sách có giá trị đặc biệt mà người ta phải tuân theo: Ngũ Kinh. (7) Lời dạy đời, sửa thân của thánh hiền hay bậc giáo chủ. (8) Lời cầu nguyện: Kinh Lạy Cha. (9) Đàn bà mỗi tháng máu tràn ra một kỳ: Kinh nguyệt. (10) Bài văn về việc chuyên môn: Trà kinh, mã kinh. (11) Số đếm cổ xưa, mười tỷ là một kinh. (12) Họ Kinh. (đt.) (13) Quản lý: Kinh thế tế dân. (14) Hoạch định việc làm: Kinh thương. (15) Trải qua: Kinh lịch. (16) Chia vạch địa giới. (17) Tự thắt cổ chết: Tự kinh. (tt.) (18) Luôn luôn: Kinh thường. (19) Lâu dài không thay đổi: Bất kinh chi luận (Lý luận để lại lâu dài). Thường kinh: Cách đối xử luôn phải theo: “Tưởng rằng trong đạo thường kinh” (Truyện Hoa Tiên).
Trong Kinh cầu Đức Chúa Thánh Thần, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn Năn Tội vv... Từ “kinh” được hiểu theo nghĩa là lời cầu nguyện có tính khuôn mẫu, lâu dài không thay đổi.
Actus có thể dịch là kinh, như Kinh Tin (Actus Fidei, Act of Faith), Kinh Cậy (Actus Spei, Act of Hope), Kinh Mến (Actus Caritatis, Act of Charity), Kinh Ăn Năn Tội (Actus Contritionis, Act of Contrition), Kinh Dọn Mình (Actus reparationis, Act of Reparation)... Trong tài liệu “Chú thích bản dịch Nghi thức thánh lễ 1992” của Ủy Ban Phụng Tự, khi nói về phần thống hối (trang 14), Ủy Ban đã dùng tiêu đề “Các mẫu kinh sám hối” (vì nội dung của phần này gồm 3 mẫu công thức thống hối (số nhiều). Chúng tôi nghĩ rằng tiêu đề Actus paenitentialis (số ít) không thể dịch là Các mẫu kinh... (số nhiều) được, hơn nữa, mẫu thống hối thứ hai (Xướng đáp) có thể thay đổi, không cố định như một bản kinh.
Góp ý về cách dịch Actus paenitentialis là “Hành động thống hối”, Cha Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo (O.Cist.) viết: “Đọc một lời kinh, đấm ngực ba cái mà đã gọi là ‘hành động’ thì con thấy quá lố. ‘Actus’ của bản Latinh dùng không chỉ có nghĩa là ‘hành động’. Bản tiếng Pháp dùng ‘Préparation pénitentielle’ rất hay và đúng nghĩa: chuẩn bị đi vào cử hành. Con nghĩ nếu không biết dịch từ ‘actus’ là gì, chúng ta chỉ cần để ‘phần thống hối’, hoặc ‘lời kinh thống hối’ có vẻ rất nhẹ nhõm và ai cũng hiểu. Còn ‘hành động’? Con nghĩ phải bỏ của lễ đấy đi về tìm người anh chị em có vấn đề với mình rồi chào hỏi, bắt tay, quỳ gối van xin tha lỗi hoặc vác thập giá đến Giêrusalem làm việc đền tội thì mới gọi là ‘hành động’ được. Đọc những từ ‘hành động thống hối’, con cảm thấy gai gai người thế nào ấy!”[10]
4. Nhận xét
Tóm lại, theo chúng tôi Actus paenitentialis trong Sách lễ Rôma nên dịch là Phần thống hối hay Cử hành thống hối thì dễ hiểu hơn là Hành động thống hối.
Ước mong sao những nhận xét góp ý xây dựng trên đây của người viết cũng như của nhiều người khác bấy lâu nay có liên quan đế đến bản dịch Nghi thức thánh lễ nói riêng và Sách lễ Rôma nói chung, được các vị có thẩm quyền ghi nhận thích đáng để Hội Thánh tại Việt Nam trong một tương lai gần có được một bản dịch Sách lễ Rôma tốt hơn.
________________________________
[1] “Actus pænitentialis” bản của Hoa Kỳ và Úc trước năm 2012 thì dịch là “Act of Penitence”, còn của Canada, Anh và xứ Wales thì dịch là “Penitential Act”. Bản của ICEL (International Commission on English in the Liturgy) 19-11-2012 thì dịch là “Penitential Act”.
[2] Bài giảng Chúa Nhật, số tháng 08, 2008.
[3] Dominic Thuần, sss, CỬ HÀNH THÁNH LỄ, tr. 31-32.
[4] Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, GIẢI ĐÁP CÁC VẤN NẠN VỀ PHỤNG VỤ, tập 1, tr.147
[5] J. Gélineau, HỌP NHAU CỬ HÀNH PHỤNG VỤ, tập II, tr. 154
[6] “Penitential Rite: After greeting the congregation, the priest or other qualified minister may very briefly introduce the faithful to the Mass of the day. Then the priest invites them to take part in the penitential rite, which the entire community carries out through a communal confession and which the priest's absolution brings to an end: Nghi thức sám hối: Sau lời chào cộng đoàn, linh mục hay một thừa tác viên xứng hợp có thể nói rất vắn tắt để dẫn đưa giáo dân vào thánh lễ ngày hôm ấy. Tiếp đến, linh mục mời mọi người sám hối. Tất cả cộng đoàn thú tội chung, và linh mục đọc lời xá tội để kết thúc” (GIRM 1975, 29).
“The Act of Penitence: Then the priest invites those present to take part in the Act of Penitence, which, after a brief pause for silence, the entire community carries out through a formula of general confession. The rite concludes with the priest’s absolution, which, however, lacks the efficacy of the Sacrament of Penance: Nghi thức thông hối: Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người thống hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối” (GIRM 2002, 51).
[7] Nghi thức (Rite): Theo quan niệm thông thường, nghi thức là một hành vi có tính cách văn hoá, hơn kém đã được cố định, cũng là một hành vi có tính cách tôn giáo, hơn kém đã thành thói quen. Ban đầu, từ ngữ này có nghĩa là “những thói quen đã được chấp nhận để duy trì trật tự thế giới” (xem: Dom Robert le Gall, Từ điển phụng vụ, 1982). Theo nghĩa Công Giáo: (1) Tổng thể những cử điệu, lời đọc, bài đọc trong một cử hành phụng tự Kitô Giáo, vd: Nghi thức thánh lễ; (2) Một phần của cử hành phụng tự, vd: Nghi thức kết lễ ở cuối thánh lễ.
[8] Eliot L. Kapitan: THE PENITENTIAL RITE, MASS, AND THE FORGIVENESS OF SIN: “But in order to be clear about the difference between Eucharist and penance, the newest version of the General Instruction of the Roman Missal gives this clarity: “The rite (act of penitence) concludes with the priest’s absolution, which, however, lacks the efficacy of the Sacrament of Penance” (no. 51). That is why the title will be changed from penitential rite to act of penitence in the new missal” (Ministry & Liturgy magazine, December 2006-January 2007, pages 44-45).
[9] Xem: TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, và ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[10] GÓP Ý VỀ NGHI THỨC THÁNH LỄ BẢN DỊCH 2006 của Fr. Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Giáo Phận Nha Trang, ngày 01/05/2006.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính)
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)