Từ một gia đình đa tôn giáo trở thành gia đình toàn tòng
Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ không cùng tôn giáo. Thực ra, khi cưới mẹ, bố tôi cũng theo đạo Công giáo và làm phép hôn phối tại nhà thờ Hàm Long - Hà Nội.
Nhưng sau đó, người không “giữ đạo” nữa, với lý do là con trai độc nhất, phải thờ cúng ông bà tổ tiên. Vì vậy, trong 7 người con, chỉ có anh cả tôi được rửa tội ngay sau khi sinh vào năm 1942.
Là một nghệ nhân đúc đồng, bố tôi thường nhận đúc tượng phật hoặc chuông cho các chùa. Pho tượng đúc năm 1960 tại chùa Khánh Long – Bình Định là tượng phật to nhất ngồi kiết già dưới gốc cây Bồ Đề cao 2,5m do bố tôi và một thợ bạn thực hiện. Vì thế, kiến thức của bố tôi về Phật Pháp khá phong phú. Sáng sáng cụ hay ngồi đối ẩm với ông thợ bạn bàn về điêu khắc tượng sao cho đúng giáo pháp hoặc theo tích truyện dân gian.
Năm 1970, anh cả tôi lấy vợ ở Lâm Đồng. Hôn lể cử hành tại nhà thờ Bảo Lộc. Cùng với gia đình, bố tôi có tham dự. Sau đó, người cởi mở hơn, cho phép mẹ tôi đi lễ trở lại. Bà có kể cho tôi rằng hằng đêm ngay cả khi bị “cấm cách”, bà vẫn lần chuỗi mân côi cầu cho bố tôi. Riêng tôi, năm 1977, sau khi trình bày với bố, cụ đồng ý cho tôi theo đạo công giáo. Bố tôi nói: “Các anh đã lớn nên có quyền chọn cho mình một tôn giáo để thờ kính”.
Năm 1985, bố tôi bị ung thư tuyến giáp. Bác sĩ cho biết bố tôi chỉ sống được 3 tháng nữa. Vì lo lắng phần rỗi của bố, nên gặp ai tôi cũng xin cầu nguyện cho người được ơn ăn năn sám hối và trở lại đạo công giáo.
Trước ngày từ trần một tuần, cụ hỏi tôi: “Chết rồi đi về đâu ?” tôi ngạc nhiên vì đến giờ này bố tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho vấn đề sinh tử của mình. Tôi trích câu nói của Chúa Giêsu để trả lời cho bố: “Nơi nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi để dọn chỗ cho các con và sẽ trở lại đón các con về nhà Cha”. Muốn vậy ta phải “sám hối và tin vào Tin Mừng tức Chúa Giêsu Kitô”, để sau khi qua đời ta được Ngài đón về ở trong cõi hạnh phúc và bình an của Chúa.
Bố tôi thinh lặng, mắt nhắm lại vẻ trầm tư. Sau đó, bố tôi nói: “Anh vào thỉnh Cha phụ tá ra đây, tôi muốn trình bày với Ngài về việc trở lại đạo”. Cha phụ tá đã ban các bí tích cho bố tôi. Người rất hân hoan và nói: “biết thế này thì bố theo đạo từ lâu rồi!”. Tôi hỏi lý do, bố tôi trả lời: “Bố cảm nhận đây là ân sủng Chúa ban chứ không phải do bố tự chứng và đắc đạo”.
Đến sáng Chúa Nhật kế tiếp, mặc dù rất yếu nhưng bố tôi cũng muốn đi lễ để tạ ơn Chúa. Chúng tôi dìu cụ vào nhà thờ dâng lễ. Lễ xong bố tôi ngỏ ý muốn vào chào cha sở. Vì đã biết chuyện, nên cha mừng rỡ lắm và nói với tôi: “Cả đời cha, cha luôn cầu cho những người đi tìm chân lý được gặp gỡ và tin kính Ngài”.
* * *
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến giáo lý công giáo dạy rằng: “Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trí khôn, tự do, lý trí và ý chí …”. Và chính Ngài đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhìn ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, vì chỉ nơi Thiên Chúa, họ mới sống và tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo...
* * *
Khoảng 6g sáng ngày thứ ba, người gọi mẹ tôi lấy nước súc miệng. Anh tôi thì lấy khăn lau mặt cho bố. Khi lau xong, mọi người thấy cụ không mở mắt ra nữa.
“Cụ đã về với Chúa rồi !”, tôi khẳng định với mẹ mình như thế và nhắc lại lời Chúa Giêsu xác định với anh trộm lành bên hữu Người, sau khi anh ta ngỏ lời với Chúa Giêsu: “Khi về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi”. Chúa đã trả lời dứt khoát rằng: “Ngay đêm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Sau đó, anh em tôi đã lãnh nhận các bí tích Khai tâm Kitô giáo và theo Đạo. Gia đình tôi trở thành một gia đình công giáo toàn tòng.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565