Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào?
ĐGH Phanxicô vẫy tay chào những người trẻ trong cuộc gặp mặt liên tôn tại Cao đẳng Công giáo ở Singapore vào ngày 13 tháng 9 năm 2024. (Ảnh CNS/Vatican Media)
TGPSG – Mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gây xôn xao với một số nhận định ngẫu hứng khi nói chuyện với các người trẻ liên tôn ở Singapore, trong chuyến đi gần đây của ngài tới Châu Á. Ngài nói: “Tất cả các tôn giáo đều là con đường đến với Thượng Đế. Tôi sẽ dùng một phép so sánh, chúng giống như những ngôn ngữ khác nhau thể hiện sự thiêng liêng".
Như thường lệ, đoạn trích từ một số nhận định ngẫu hứng đã được đưa lên mạng xã hội và nhiều người đọc nó theo hướng tiêu cực, như thể Đức Giáo hoàng đang nói rằng mọi tôn giáo đều đúng như nhau (điều này có vẻ vô lý, vì mọi tôn giáo, theo một số khía cạnh, đều mâu thuẫn với nhau). Nhưng quan điểm của Đức Giáo hoàng là mọi tôn giáo đều là những cách thức giao tiếp với Thiên Chúa, chứ không phải tất cả đều "giống nhau".
Một số nhà bình luận đã diễn giải những nhận định của Đức Giáo hoàng theo hướng bác ái hơn, và đây là cơ hội tốt để làm rõ hơn về những gì Giáo hội dạy về các tôn giáo khác và mối quan hệ của đức tin Công giáo với các tôn giáo đó.
Một trong những tuyên bố nổi tiếng nhất về vấn đề này được Đức Giáo hoàng Boniface VIII đưa ra trong tông sắc Unam Sanctam vào năm 1302: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”. Tuyên bố này từ lâu đã được nhiều người Công giáo (và nhiều người Tin lành) hiểu là một lời khẳng định rằng những người không được rửa tội và không hiệp thông với Giáo hội Công giáo sẽ phải xuống địa ngục.
Tuy nhiên, chúng ta được biết trong Lumen Gentium, một trong những văn kiện chính của Công đồng Vatican II, rằng những người ngoài Công giáo “nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.” Giáo hội khẳng định rằng cánh cửa cứu độ mở ra cho tất cả mọi người (Gaudium et Spes, số 22).
Giáo hội cũng khẳng định trong Ad Gentes rằng “những hạt giống của Lời” có thể được tìm thấy trong mọi tôn giáo lớn. Những “hạt giống” này được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện và thông điệp của công đồng, ám chỉ những yếu tố được xác định trong các tôn giáo và nền văn hóa khác chứa đựng những tia sáng của cùng một chân lý mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng.
Điều này không phải là một sáng kiến mới. Ý tưởng này xuất phát từ một trong những nhà thần học vĩ đại đầu tiên của Giáo hội, Thánh Justinô Tử đạo, người đã viết rằng “những lời dạy của Chúa Kitô không xa lạ với triết học Plato”. Dante cũng miêu tả thiên đàng chứa đựng những người ngoại đạo tốt lành. Và các giáo hoàng như Alexander VIII và Clement XI sau đó đã lên án là lạc giáo những ý kiến cho rằng ân sủng của Chúa Kitô không hoạt động trong những người thuộc các tôn giáo khác (xem Sai lầm của những người theo giáo thuyết Jansenius và thông điệp Unigenitus năm 1713, những tuyên bố trong đó các giáo hoàng lên án phong trào lạc giáo Jansenius trong Giáo hội, thần học của họ ở một số khía cạnh giống với thuyết Calvin hơn là giáo lý Công giáo).
Trong thông điệp Redemptoris Missio, Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi tâm hồn trên thế giới (số 6, 29), và rằng nhiều tôn giáo phản chiếu một tia sáng của chân lý duy nhất (số 56). Vị giáo hoàng này, người đã đạt được những bước tiến lớn trong đối thoại liên tôn, cũng đã viết trong cuốn sách Bước qua Ngưỡng cửa Hy vọng:
Công đồng Vatican II dạy rằng Chúa Thánh Thần hoạt động hiệu quả ngay cả bên ngoài cấu trúc hữu hình của Giáo hội, bằng cách sử dụng… nguồn gốc cứu độ chung hiện diện trong mọi tôn giáo. Chúa Kitô đã đến thế gian vì tất cả những dân tộc này. Ngài đã cứu chuộc họ và có những cách thức riêng để đến với từng người trong giai đoạn cánh chung hiện tại của lịch sử cứu độ.
Tất cả những điều này có nghĩa là Giáo hội, như chúng ta biết, không còn quan trọng nữa sao? Rằng việc một người là tín hữu Công giáo hay không cũng không còn quan trọng? Rằng tất cả các tôn giáo đều chân chính như nhau? Không phải như thế.
Chúng ta có thể khẳng định rằng Thiên Chúa luôn hoạt động cách ân cần trên toàn thể gia đình nhân loại, rằng các truyền thống đức tin lớn đều là những hành trình đích thực tìm kiếm Thiên Chúa và chứa đựng một tia sáng của cùng một chân lý, và rằng chúng ta tin Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền, ban các bí tích truyền đạt ân sủng, và rằng đức tin Công giáo chứa đựng sự trọn vẹn ân sủng và chân lý.
Giáo hội tin rằng đồng thời có thể khẳng định rằng mỗi người trên trái đất này đều được mời gọi đạt đến ơn cứu độ theo cách riêng của họ và rằng ơn cứu độ chỉ đến qua Thân Thể của Chúa Kitô. Giáo hội dạy rằng Chúa Kitô mong muốn "tất cả nên một" và con người có nghĩa vụ không ngừng tìm kiếm chân lý bằng đức tin tốt lành. Nhưng Giáo hội cũng dạy rằng Thiên Chúa không trừng phạt bất kỳ ai, những người thành tâm tìm kiếm chân lý và điều thiện, nhưng vẫn ở ngoài giới hạn hữu hình của Giáo hội vì hoàn cảnh, văn hóa, lịch sử hoặc thiếu hiểu biết.
Cùng với Giáo hội, chúng ta có thể nhìn một cách can đảm và hiếu kỳ vào "bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện" trong các đức tin khác mà không sợ làm tổn hại đến chân lý đức tin của mình. Sau đó, chúng ta có thể nhìn vào các bài thơ Sufi, hay các bài thơ ca ngợi cổ điển của truyền thống Trung Quốc hoặc truyền thống bản địa và tìm thấy những điều tuyệt vời để học hỏi, những điều này cộng hưởng với cùng một Logos (Lời) phổ quát trong cốt lõi đức tin của chúng ta. Chúng ta có thể nhìn những người anh em Hồi giáo, Khổng giáo hoặc Sikh của mình là những người cùng tìm kiếm Thiên Chúa, và tìm thấy sự đồng hành trong đó, ngay cả khi thực sự kiên định với trọn vẹn chân lý trong Giáo hội.
Điều này cho phép chúng ta đón nhận thái độ của Thánh Gioan Phaolô II, loan báo Tin Mừng theo cách thức chào đón những điều tốt đẹp trong các tôn giáo khác trong khi đồng thời giữ vững niềm tin rằng Giáo hội Công giáo "là bí tích phổ quát của ơn cứu độ" (Redemptoris Missio, số 9). Khi đó, chúng ta có thể hành động không phải vì sợ hãi hay mong muốn dập tắt các truyền thống khác, mà là để chia sẻ niềm vui trọn vẹn của Tin Mừng. Cuối cùng, chính niềm vui này làm cho tình bạn với Chúa Kitô trở nên hấp dẫn, và như G.K. Chesterton đã nói, là “chìa khóa mở ra mọi cánh cửa”.
____________________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: americamagazine.org
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople -
Đọc lại Đối Thoại Và Rao Giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Âu
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565