Sứ điệp của Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2025

Sứ điệp của Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2025

Sứ điệp của Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2025

Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025 - Nhân dịp đại lễ Vesak của Phật giáo – dịp tưởng niệm những biến cố chính yếu trong cuộc đời Đức Phật – Bộ Đối thoại Liên tôn đã gửi đến toàn thể Phật tử trên khắp thế giới một sứ điệp chúc mừng, với tựa đề: Phật tử và Kitô hữu trong cuộc đối thoại giải phóng cho thời đại chúng ta

Dưới đây là toàn văn sứ điệp, do Đức Hồng y George Jacob Koovakad, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, và Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, Thư ký Bộ, ký tên:


Phật tử và Kitô hữu

trong cuộc đối thoại giải phóng cho thời đại chúng ta

Quý bạn hữu Phật tử thân mến,

Như những năm trước đây, chúng tôi hân hoan gửi đến quý vị lời chào chân thành và lời chúc tốt đẹp nhân dịp mừng đại lễ Vesak. Lễ hội linh thiêng này – tưởng niệm sự đản sinh, giác ngộ và nhập diệt của Đức Phật – mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với quý vị. Lời chúc mừng năm nay của chúng tôi càng thêm phong phú nhờ tinh thần của Năm Thánh, vốn là thời điểm ân sủng, hòa giải và canh tân thiêng liêng đối với chúng tôi, các tín hữu Công giáo.

Là những người bạn đồng hành trong hành trình đối thoại, chúng tôi cũng xin gửi lời chào thăm quý vị trong tinh thần của tuyên ngôn Nostra Aetate, văn kiện nền tảng của Công đồng Vaticanô II về lập trường của Giáo hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo – mà năm nay chúng tôi đang mừng kỷ niệm 60 năm ban hành. Kể từ năm 1965, Nostra Aetate đã thúc đẩy mối liên kết sâu sắc hơn giữa Giáo hội Công giáo và các tín hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Được khơi nguồn cảm hứng từ tầm nhìn ấy, chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng: “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người.” (Nostra Aetate, số 2)

Cam kết đối thoại của chúng tôi càng được củng cố bởi lời ghi nhận tích cực mà Nostra Aetate dành cho truyền thống Phật giáo của quý vị: “Phật giáo, dưới nhiều hình thái khác nhau, làm chứng cho sự bất toàn cốt yếu của thế giới biến dịch này, và đề xuất một lối sống nhờ đó con người – với niềm tin tưởng – có thể đạt đến trạng thái giải thoát hoàn hảo và đạt được giác ngộ tối thượng, dù là do nỗ lực bản thân hay nhờ sự trợ giúp của thần linh.” (Nostra Aetate, số 2)

Đối với quý vị, con đường giải thoát của Phật giáo là vượt qua vô minh, ái dục và khổ đau nhờ trí tuệ, giới hạnh và thiền định. Hành trình tiến đến Niết bàn – sự tự do tối hậu thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử – nhấn mạnh đến sức mạnh hoán cải của minh triết và lòng từ bi.

Khát vọng về sự giải thoát chân thực ấy gặp gỡ sâu xa với hành trình tìm kiếm chân lý và sự sống viên mãn của cả hai truyền thống chúng ta. Đức Phật dạy: “Ai dứt hết ái dục và chấp thủ, hiểu thấu ý nghĩa chánh pháp, thông suốt kinh điển theo thứ lớp chân chính – người ấy quả là kẻ đang mang thân xác cuối cùng. Người ấy thật xứng đáng gọi là bậc đại trí, người đại hùng.” (Pháp cú, chương 24, kệ 352). Còn đối với Chúa Giêsu: “Các con sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các con.” (Ga 8,32)

Trong thời đại của chúng ta, vốn bị ghi dấu bởi chia rẽ, xung đột và khổ đau, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của một cuộc đối thoại giải phóng, không chỉ giới hạn nơi lời nói, mà còn có khả năng chuyển hóa lời ấy thành hành động cụ thể cho hòa bình, công lý và phẩm giá con người.

Giống như thời điểm ban hành Nostra Aetate, thế giới hôm nay cũng đang oằn mình trong bất công, chiến tranh và những bất định về tương lai. Tuy vậy, chúng tôi vẫn xác tín vào khả năng sâu xa nơi các tôn giáo, vốn có thể đưa ra những câu trả lời đầy ý nghĩa cho “những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người” (Nostra Aetate, số 1).

Đối thoại giữa chúng ta là phương thế để chia sẻ những kho tàng quý báu của truyền thống tôn giáo mình và vận dụng khôn ngoan gia sản ấy để ứng phó với những thách đố cấp bách của thời đại.

Khao khát về tình huynh đệ và đối thoại đích thực, được diễn tả cách hùng hồn trong Nostra Aetate, thúc đẩy chúng ta nỗ lực xây dựng hiệp nhất và yêu thương giữa mọi dân tộc và quốc gia. Lời mời gọi ấy thúc giục chúng ta xây dựng trên những điểm chung, biết trân trọng sự khác biệt và để cho truyền thống của nhau trở nên nguồn cảm hứng lẫn nhau.

Tinh thần này sẽ càng sâu sắc hơn khi chúng ta can đảm đón nhận văn hóa đối thoại như một hướng đi, với “hợp tác hỗ tương làm quy tắc ứng xử, hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và chuẩn mực” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng nhau chung sống, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019).

Với những suy tư và lời cầu nguyện này, chúng tôi chân thành hy vọng rằng, nhờ đối thoại, các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể đưa ra những lời đáp xứng đáng trước các thách đố của thời đại.

Chúng tôi cầu chúc quý vị một mùa Vesak thật phong nhiêu và tràn đầy ân phúc!

Từ Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025

† George Jacob Hồng y Koovakad

Tổng trưởng

† Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage

Thư ký

Chuyển ngữ: Hạo Nhiên

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top