Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo
Thiên Đạo (the Way of Heaven) là con đường tu tập để giải thoát con người khỏi vòng luân hồi, để linh hồn được đến cảnh cực lạc, niết bàn (cũng gọi là cõi thiêng liêng hằng sống, bồng lai, nước Trời, Thiên Quốc, v.v…).
Muốn theo Thiên Đạo thì trước tiên tín đồ phải nhớ làm tròn phần Nhân Đạo (Nhơn Đạo). Đức Chí Tôn dạy: “Hễ Nhơn Đạo thành thì là phù hạp Thiên Đạo.” (1)
Thánh ngôn lại dạy:
Rằng ở đời thì Nhơn Đạo trọn,
Trọn rồi Thiên Đạo mới hoàn toàn.(2)
Trong Nhân Đạo, điều gì là chánh yếu? Đó là chữ Hiếu.
Thật vậy, trong dịp kỷ niệm lễ vía Đức Khổng Tử (ông Tổ đạo Nho, tức là Đức Khổng Thánh Tiên Sư), Ngài giáng đàn dạy như sau:
Hiếu phần chánh của Nhân Đạo vậy,
Hiếu phụ thì mới thấy hiếu nhi,
Hiếu tâm ngày tháng nhớ ghi,
Hiếu thường thăm viếng vui thì song thân.(3)
Cũng vậy, Đức Ni Sư Diệu Lộc dạy: “Từ cõi Thiên Đình hay niết bàn, bồng lai, tiên cảnh đến cửa đạo đức, không một vì Phật Tiên Thánh Thần hay nhà lãnh giáo [lãnh đạo tôn giáo] nào thiếu trung, hiếu, tín, nghĩa, nhân, lễ, liêm, sỉ mà nên.” (4)
Nhân Đạo (the Way of Man) là đạo làm người, là con đường tu tập để hoàn thiện hóa con người, bao gồm nhiều nội dung quy định các mối quan hệ giữa người với người.
Chữ Nho gọi các mối quan hệ giữa người với người (human relations) là Luân 倫. Khi nhấn mạnh đến phương diện đạo đức của các mối quan hệ người và người thì gọi là Nhân Luân (human ethical relations). Khi nhấn mạnh đến ý nghĩa nguyên tắc sống giữa người với người thì gọi là Luân Lý (ethical principles). Chữ Lý nghĩa là nguyên tắc, quy luật (principle).
Nho Giáo chia các mối quan hệ đạo đức của con người sống trong xã hội thành năm nhóm, gọi chung là Ngũ Luân. Theo Nho Giáo, năm mối quan hệ đạo đức này là chính yếu, chủ yếu, cốt yếu (cardinal) của đời người. Hiểu như thế nên phương Tây thường dịch Ngũ Luân là the Five Cardinal Relationships.
Ngũ Luân gồm có: Quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu. Điều này có chép trong sách Trung Dung (chương 20, đoạn 2).(5)
Giáo lý đạo Nho là một bộ phận nòng cốt của giáo lý Cao Đài. Nên phần Nhân Đạo của Cao Đài cũng dạy tín đồ phải làm tròn những bổn phận quy định trong Ngũ Luân. Chữ Hiếu trong Ngũ Luân thuộc về mối quan hệ phụ tử (hiểu theo mặt chữ là cha con, ngày nay nên hiểu khái quát là ông bà, cha mẹ và con cái).
* * *
Các nhà đạo đức học phương Tây hay bảo rằng con người có xu hướng phạm lỗi (Man is error-prone). Cũng thế, ngày 21-10-1925 (04-9 Ất Sửu), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy: “Người ở thế mấy ai khỏi lỗi...”
Có lỗi thì phải biết tỉnh ngộ mà sửa chữa. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,
Biết lạc lầm sám hối tội căn,(6)
Tu tâm sửa tánh ăn năn,
Ba Giềng (7) nắm chặt, Năm Hằng (8) chớ lơi.(9)
Do đó, để giúp con người làm tròn phần Nhân Đạo của mình, tức là đắp nền tảng cho phần Thiên Đạo, trong quyển Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo của Cao Đài, bài Kinh Sám Hối (dài 444 câu song thất lục bát) được đặt trong phần Kinh Thiên Đạo.
Trong Kinh Sám Hối, ngày 22-4-1925 (30-3 Ất Sửu), Ðức Thái Thượng Lão Quân dạy về chữ Hiếu như sau:
Làm con phải trau giồi hiếu đạo,
Trước là lo trả thảo (10) mẹ cha,
Lòng thành thương tưởng ông bà,
Nước nguồn cây cội mới là tu mi.(11) (12)
Cũng trong Kinh Sám Hối, để răn những kẻ bất hiếu, ngày 25-8-1925 (06 rạng 07-7 Ất Sửu), Ðức Tề Thiên Đại Thánh dạy:
Con bất hiếu, xay, cưa, đốt, giã,
Mổ bụng ra, phanh rã tim gan,
Chuyển thân trở lại trần gian,
Sanh làm trâu chó, đội mang lông sừng.(13)
Ngoài Kinh Sám Hối, trong phần Kinh Thiên Đạo có những bài kinh nhật tụng, cúng vào bốn giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu trong ngày (gọi là kinh cúng tứ thời). Trong đó, ở bài kinh xưng tán Nho Giáo có câu: “Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu.”
Câu kinh này ngụ ý nhắc nhở tín đồ bốn lần mỗi ngày rằng việc giáo hóa cho con người mở mang tâm trí tất yếu đặt trên căn bản là dạy kẻ làm con phải hết lòng hiếu kính cha mẹ (đốc thân chi hiếu).(14)
* * *
Trong phần Kinh Thế Đạo, gồm hai mươi bài, thì chữ Hiếu được dạy trong bài 16: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Quy Liễu.
Bài kinh này dài ba mươi hai câu. Mở đầu bài kinh (câu 1-4) liền nhắc đến công ơn cha mẹ nhọc nhằn, khổ cực nuôi nấng con cái. Cha mẹ mất đi là một mất mát lớn của kẻ làm con vì không còn được báo hiếu.
Ơn cúc dục cù lao (15) mang nặng,
Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa,
Âm dương cách bóng sớm trưa,
Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.(16)
Nhà Nho cho rằng hiếu là duy trì được nòi giống huyết tộc của tổ tiên truyền lại. Ngoài ra, con cháu phải biết sống ở đời đúng theo đạo nghĩa để giữ thơm danh tiếng của gia tộc, tức là không làm những điều xấu xa, tội lỗi để gia tộc khỏi phải hổ thẹn, nhục nhã.
Bài Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Quy Liễu (câu 21-22) phản ánh luân lý nhà Nho về chữ hiếu như sau:
Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,
Con gìn câu chết sống trọn nghì.(17)
Theo Cao Đài, cách báo hiếu đúng nhất là con cháu nên biết tu hành, biết lập công bồi đức để hồi hướng về tổ tiên, cha mẹ. Vì thế giáo lý Cao Đài dạy rằng tu là cứu cửu huyền thất tổ, tu là giúp cho linh hồn các vị đã lìa trần được siêu thăng và lập được ngôi vị ở cõi trời.
Bài Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Quy Liễu vì thế có bốn câu (câu 25-28) vừa để nhắc nhở chơn hồn cha (hay mẹ) hãy tu học ở cõi vô hình, vừa để con cái hứa nguyện với người đã khuất là phận làm con cũng ráng lo tu ngõ hầu báo hiếu để cha (hay mẹ) phục hồi được ngôi vị cũ ở cõi trời.
Thí dụ, người mất cha sẽ khấn nguyện:
Xin phụ thân (18) định thần định tánh,
Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn [chân],
Thong dong cõi thọ nương hồn,
Chờ con lập đức giúp huờn [hoàn] ngôi xưa.
Bài kinh nói trên do Đức Ðoàn Thị Ðiểm giáng cơ ban cho. Tiền kiếp Ngài là danh Nho Việt Nam, bút danh Hồng Hà Nữ Sĩ (1705-1748). Quả vị của Ngài trong Tam Kỳ Phổ Độ là Giác Minh Thánh Đức.(19)
* * *
Chữ Hiếu là một chủ đề có thể bàn rất rộng trong giáo lý Cao Đài. Bài viết này chỉ mới tạm khái quát và giới hạn chữ Hiếu trong khuôn khổ quyển kinh tụng căn bản của người đạo Cao Đài là Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
Phú Nhuận, 11-11-2010.
----------------------
(1) Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1: Đàn ngày 01-3-1927.
(2)Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1: Thi Văn Dạy Đạo, bài 92.
(3) Hườn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, quận 4), đàn đêm 30 rạng sáng 01-9 Nhâm Dần (28-9-1962).
(4) Đàn cơ tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự, quận 3), ngày 01-5 Kỷ Dậu (15-6-1969).
(5) Thay vì huynh đệ, trong sách Trung Dung viết côn đệ. Chữ côn có nghĩa là anh (huynh).
(6) Tội căn: Cội rễ gây ra lỗi lầm, tội lỗi (the root of sins).
(7) Ba Giềng: Tam Cang (Cương), gồm ba mối quan hệ xã hội: 1. Quân thần cang là quan hệ chánh phủ và người dân (dân trung thành với Tổ Quốc, chánh phủ chăm lo cho dân); 2. Phụ tử cang là quan hệ cha mẹ và con cái (cha mẹ thương yêu con, con hiếu thảo với cha mẹ); 3. Phu thê cang là quan hệ vợ chồng (chung thủy).
(8) Năm Hằng: Ngũ Thường, gồm năm đức tính mà con người phải luôn luôn có: 1. Nhân: Lòng thương người, thương vật (tương ứng giới cấm Nhứt bất sát sanh); 2. Nghĩa: Cách sống hợp lẽ phải, đạo đức (tương ứng giới cấm Nhị bất du đạo); 3. Lễ: Sự trang nghiêm, khuôn phép, đứng đắn trong tư tưởng và hành vi. Thí dụ: ăn nói tục tằn; xem những hình ảnh, sách vở thô tục; ham muốn sắc dục ngoài tình vợ chồng... đều là trái lễ (tương ứng giới cấm Tam bất tà dâm); 4. Trí: Sáng suốt, biết phân biệt phải trái nên hư, biết lúc nào tiến lúc nào lui (tương ứng giới cấm Tứ bất tửu nhục, vì say sưa làm tâm trí mê muội); 5. Tín: Đối với bản thân thì tự tin ở mình; đối xử với người khác thì không dối trá, lừa gạt; đối với các Đấng thiêng liêng thì làm đúng những gì đã nguyện hứa (tương ứng giới cấm Ngũ bất vọng ngữ).
(9) Tòa Thánh Tây Ninh, Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo: bài Kinh Sám Hối, câu 425-428.
(10) Trả thảo: Trả hiếu, báo hiếu (to fulfil one’s filial duty).
(11) Tu mi: Đàn ông, kẻ mày râu (tu: râu; mi: lông mày). Phụ nữ không có râu lại thường cạo hoặc nhổ sạch lông mày để vẽ cho đẹp; do đó tu mi chỉ đàn ông.
(12) Kinh Sám Hối, câu 49-52.
(13) Kinh Sám Hối, câu 329-332.
(14) Thân nghĩa là cha, mẹ. Gọi cha là phụ thân, mẹ là mẫu thân, cả cha và mẹ là song thân.
(15 ) Cúc dục: Nuôi nấng. Cù lao: Vất vả, khổ nhọc.
(16) Thân: Cha, mẹ. Hiếu thân: Báo hiếu cha, mẹ.
(17) Trọn nghì: Trọn nghĩa.
(18) Người mất mẹ thì đọc: Xin mẫu thân… Nếu mất cả cha và mẹ thì đọc: Xin song thân…
(19) Hội Thánh Tam Quan, Kinh Tam Thừa Chơn Giáo. Quyển 1 (phẩm Tiểu Thừa): bài Tam Tùng Tứ Đức, đàn cơ ngày 19-8 Canh Tý (09-10-1960).
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Gặp gỡ Hội Thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam tại Trung tâm Mục vụ