Từ bên trong
Nơi con người, nội tâm là điều quan trọng. Nếu nội tâm giữ địa vị quan trọng trong mọi lĩnh vực, thì riêng trong lĩnh vực đạo đức, nội tâm càng phải được quan tâm một cách đặc biệt. Bởi vì đạo đức là chuyện làm lành tránh tội. Mà thiện ác xét về phương diện nào đó là tự nội tâm.
Chúa Giêsu phán: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, gạnh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,20-23).
Tất cả những thứ kể trên đây đều dễ nhận ra là tội. Chỉ nghe tên cũng biết là xấu. Tất cả đều từ bên trong mà thành tội.
Nhưng, có một số việc phát xuất từ bên trong không dễ nhận ra là sai. Nhưng trước mặt Chúa, chúng thực là sai. Hậu quả rất tai hại.
Ở đây, tôi xin nêu lên mấy sự kiện như thế, đã được kể trong Phúc Âm.
1/ Tưởng là nhiệt tình tốt
Phúc Âm thánh Matthêu viết: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: ‘Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy’. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: ‘Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’” (Mt 16,21-23).
Tư tưởng của thánh Phêrô xem ra diễn tả một nhiệt tình chân thực đối với Thầy mình. Nhưng Chúa Giêsu đã cho ngài rõ nhiệt tình ấy không do Thiên Chúa, hơn nữa phải xếp nó vào loại xấu thuộc Satan và thế tục.
Lời Chúa mạc khải trên đây cũng có thể áp dụng cho chúng ta. Biết bao lời nói việc làm của ta, tưởng là nhiệt tình đối với Chúa, với Giáo Hội, với người khác. Nhưng Chúa lại thấy trong đó có vết nhơ. Vết nhơ ấy cũng phát xuất từ bên trong. Đó là sự tự tin quá đáng, không dựa vào ánh sáng của thánh ý Chúa.
2/ Tưởng là vững vàng
Cũng Phúc Âm thánh Matthêu cho thấy: Sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết là họ sẽ vấp ngã vì Thầy, thì thánh Phêrô cương quyết trả lời: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Lời nói trên đây của thánh Phêrô chứng tỏ tấm lòng trung tín bền vững. Nhưng kết quả ra sao, chúng ta đã biết. Vì thế, Chúa đâu có khen thánh Phêrô. Vì trong cái tưởng là cương quyết trung thành đó có pha chút tự đắc, coi mình hơn người.
Xét mình, chúng ta thấy chuyện của thánh Phêrô vẫn thường xảy ra nơi chúng ta. Chúng ta có những tuyên ngôn và nghi thức nói lên lòng trung thành vững bền. Nhưng thực sự trước mặt Chúa những lời hứa đó chỉ để khẳng định mình. Cái tự hào nào đó cũng phát xuất từ bên trong, mà ta không hay biết.
3/ Tưởng là đạo đức
Trong Phúc Âm thánh Matthêu, Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
Những lời Chúa phán trên đây cho thấy nhiều việc coi như rất đạo đức, nhưng thực sự lại rất xấu trước mặt Chúa. Mạc khải đó làm ta phải sợ. Bởi vì không thiếu việc bề ngoài coi như đạo đức, nhưng bên trong lại do động lực xấu, như kiêu căng, phô trương, lợi dụng đạo để xây dựng uy tín và tìm tư lợi.
4/ Tưởng là truyền giáo
Cũng trong Phúc Âm thánh Matthêu, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và Pharisêu giả hình! Các ngươi rao khắp biển cả đất liền, để rủ cho được một người theo đạo. Nhưng khi họ theo đạo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi” (Mt 23,15).
Thực tế cho thấy: Không phải tất cả mọi bước chân truyền giáo đều như vậy. Nhưng có những trường hợp đúng là như thế. Nhiều người sau khi theo đạo đã cảm thấy nặng nề, hoặc trở nên xấu hơn trước, do những gương xấu và những luật lệ tuỳ tiện mà họ gặp trong đạo.
Tiện nói về truyền giáo, cũng nên nhắc tới một số nơi có đạo đã làm những việc tưởng là truyền giáo, nhưng thực sự lại gây ác cảm đối với người ngoài công giáo.
5/ Tưởng là Chúa không ở đó
Khi nói về cuộc Phán xét chung, Chúa Giêsu nói rõ là: “Mỗi lần các ngươi làm như thế (bác ái) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy... Mỗi lần các ngươi không làm như thế (từ thiện) cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40-45). Họ thưa là họ đâu có thấy Chúa.
Chúng ta thường tìm Chúa trong thánh đường, trong các nghi thức thánh. Còn tìm Chúa ở nơi người nghèo khổ bé mọn, thì không mấy khi. Đó cũng do một sai lầm phát xuất từ bên trong.
***
Đến đây, chúng ta có thể kết luận là: Bên trong chúng ta có thể có những sai lầm nguy hiểm. Nguy hiểm lớn nhất là chúng ta có lương tâm sai, mà lại tưởng mình có lương tâm tốt lành, luôn hợp với ý Chúa.
Đổi mới từ bên trong, đó là việc cần làm. Thời giờ không trong quyền của ta. Lịch sử luôn có những bất ngờ. Giờ Chúa đến ai mà biết được. Nếu Chúa ban cho chúng ta hôm nay một cơ hội, thì chúng ta nên nắm bắt để chấn chỉnh mình.
Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con tránh khỏi mọi thứ ảo, mọi thứ sai lầm dễ làm hư hỏng lương tâm yếu đuối chúng con.
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19