Triển lãm "Tinh thần Assisi": Chung tay Xây dựng Bình An

Triển lãm "Tinh thần Assisi": Chung tay Xây dựng Bình An

WGPSG -- Với nhiều người, khi nói đến “Tinh thần Assisi” vẫn còn rất xa lạ và mới mẻ! Nhưng đó là một biến cố quan trọng, một cuộc gặp gỡ giữa đại diện các tôn giáo trên thế giới tại Assisi, đã diễn ra cách đây 25 năm. Đến tham dự cuộc triển lãm “Tinh thần Assisi” tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM, chúng ta sẽ gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và hiểu rõ hơn về “Tinh thần Assisi”.

Cuộc triển lãm được khai mạc lúc 08g00 ngày 27/10/2011, đã thu hút trên 500 người đến thưởng lãm. Khi bước vào khu triển lãm tại tiền sảnh Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh mẫn, mọi người đắm mình lắng nghe các tượng tròn và phù điêu, các bức tranh và ảnh đang truyền đạt một thông điệp khẩn thiết, mời gọi mọi người hãy: “Chung tay Xây dựng Bình An”. Ngôn ngữ tượng hình và vô thanh, những hình tượng và tranh ảnh siêu thực đã nói lên tiếng nói của mình. Nếu đứng giữa sảnh, đối diện với tượng “Khát vọng hòa bình”, là hình ảnh đôi bàn tay giơ cao kêu cứu qua tác phẩm “SOS”! Thật bình an, nếu người thưởng lãm tìm một vị trí thích hợp, sẽ nhận thấy hình ảnh đôi tay của Chúa Giêsu cũng đang giang rộng để nâng đỡ con người.

Những hình ảnh: Chung tay xây dựng bình an và đối thoại liên tôn đã được sắp xếp khéo léo với từng tiêu đề, giúp người tham dự hiểu về tinh thần Assisi, với những bước đi ban đầu và những bước nối tiếp, để cùng chung tay xây dựng hòa bình, xây dựng nền văn minh tình thương, cùng nhìn về một hướng để tìm sự an hòa và thiện hảo giữa các tôn giáo với nhau, để rồi cửa Hội trường rộng mở, mời gọi mọi người đến tham dự Ngày Hội ngộ mang chủ đề “Chung tay Xây dựng Bình An”. (Xem bài Ngày Hội ngộ mang chủ đề “Chung tay Xây dựng Bình An”).

Buổi sáng: Tinh thần Assisi

Phát biểu khai mạc, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Phụ tá TGP TP.HCM) đã nói: “Hòa bình và hạnh phúc nằm trong tầm tay của mỗi người chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm đến với mọi người để cùng xây dựng hòa bình, gìn giữ và mang an bình đến cho mọi người”.

Cha Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Phanxicô Xaviê Bảo Lộc đã trình bày những thuận lợi và khó khăn khi đối thoại với các tôn giáo bạn. Theo ngài, sự dấn thân đối thoại liên tôn của Giáo hội phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa. Ngài đã đến trần gian để đối thoại với con người qua Đức Giêsu Kitô, mà cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Ngài đã mang lại cho đối thoại lối thể hiện tối hậu. Bên cạnh đó, ngài cũng nhấn mạnh đến điều kiện để đối thoại: “Người Kitô sẽ chỉ đi xa trong việc gặp gỡ các tín đồ khác nếu người đó đã đâm rễ sâu trong truyền thống đức tin riêng của mình”.

Liên quan đến điều kiện đối thoại, đứng trước tác phẩm “Độc thoại” (Bằng chất liệu gỗ chạm) của mình, nhà điêu khắc Thiên Ân đã nêu lên chính kiến: “Bản nhạc sẽ mất hay khi không còn “dấu lặng”. Cũng vậy, con người được sinh ra đã bất toàn, không ai giống ai giống như bàn tay năm ngón. Thế nhưng, để tiếp tục đối thoại, chúng ta cần có những giây tĩnh lặng “độc thoại” để nhìn lại chính mình và chấp nhận lẫn nhau, tha thứ cho nhau và để “đối thoại” với nhau”.

Đồng thuận với tư tưởng trên, anh Giuse Bùi Văn Hóa, Phó ban Đối thoại Liên tôn bộc bạch: “Đạo hiếu con người cần có chữ “Tâm”. Con người cần phải hạ mình xuống, phải có những giây phút “Thiền” để tìm được sự tĩnh lặng của tâm hồn, để biết lắng nghe nhiều hơn là nói, để đến với mọi người chứ không chờ người khác đến với mình”.

Buổi chiều: Gặp gỡ liên tôn

Đến tham dự, Đại đức Phước Định (Chùa Bát Chánh Đạo) cho biết: “Ngày nay, nhiều tôn giáo khác nhau đã hình thành và tồn tại trong cuộc sống mà mọi người đều công nhận, và các tôn giáo cùng bắt tay nhau xây dựng sự an bình cho con người, đó là điều đáng quý. Khi được mời tham dự, tôi nghĩ chỉ là buổi hội ngộ bình thường, nhưng sự đón tiếp nồng hậu, từ khâu tổ chức đến nội dung khiến tôi thật hoan hỉ và bình an giữa mọi người”.

Với khuôn mặt đôn hậu, Thượng tọa Thích Thiện Chiếu (Chùa Kỳ Quang II) tươi cười tâm sự: “Tôi rất vui mừng hoan hỷ khi đến tham dự ngày hội ngộ này, ở đây đã xây dựng một cái nhìn không phân biệt, mang lại bình an cho mọi người”.

Đúng vậy, hòa bình và sự an bình trong tâm hồn là khát vọng của mọi người. Khi được hỏi về ý nghĩa của bức tượng “Khát vọng hòa bình”, tu sĩ dòng Phanxicô Trần Thế Mừng cho biết: “Hòa bình là hình ảnh tuyệt vời được diễn tả qua người phụ nữ Việt Nam, với thân mình cong hình chữ S trong tà áo dài tha thướt, đang vươn mình về hướng Đông trông chờ hòa bình, dù dưới chân là đống gạch đổ vỡ hoang tàn. Nhưng bức tượng chỉ là hình ảnh siêu thực mà thôi, muốn trở thành hiện thực, đòi hỏi sự cộng tác của con người”.

Khi được hỏi cảm nghĩ của mình về ngày Hội ngộ này, giáo hữu Thái Thọ Thanh (họ đạo Sài Gòn, Quận 5) cho biết: “Đây là điều kiện rất tốt để các tín đồ thuộc các tôn giáo hiểu nhau hơn, sống chung và tôn trọng nhau sẽ mang sự an hòa đến cho mọi người”.

Anh Phêrô Trần Quý Chu thuộc Gia đình Khôi Bình (Gia đình Khôi Bình có tôn chỉ giúp các công nhân và gia đình, đặc biệt là anh chị em nhập cư sống Lời Chúa và đời sống gia đình) đã tâm sự: “Anh chị em nhập cư cũng thuộc nhiều thành phần tôn giáo khác nhau. Khi tham dự ngày Hội ngộ này, đã giúp tôi có định hướng để giúp công nhân Công giáo biết thể hiện và sống Lời Chúa thiết thực hơn với những anh chị em không cùng tín ngưỡng với mình”.

Phát biểu kết thúc, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cầu chúc tinh thần Assisi sẽ triển nở sâu đậm đến từng đạo giáo và tín hữu, để “Hoa Bác Ái - Hoa Từ Bi” sẽ triển nở và mang bình an đến cho mọi người.

Ngày Hội ngộ kết thúc bằng nghi thức cầu nguyện của các tôn giáo. Một bầu khí trầm lắng, thánh thiêng đã làm cho lòng người lắng xuống, cái “tôi” của mỗi người hầu như tan biến để “Tinh thần Assisi” thấm sâu vào con tim mỗi người.

Đúng thế, qua ngày Hội ngộ, phần nào chúng ta học hỏi được tinh thần Assisi, là biết đừng cứng ngắc trong việc phê phán cái ở bên ngoài, nhưng biết nhạy cảm với sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng con người, Thiên Chúa vượt trên tất cả.

Con đường còn dài và không dễ đi này đang chờ đợi những người Kitô hữu Việt Nam dấn thân sâu và xa hơn nữa, để “Hạt giống Ngôi Lời” vốn ẩn tàng lâu năm giữa lòng đất nước mang đậm tính tôn giáo này được triển nở, cho nền “văn hóa đối thoại” tưng bừng nở hoa trong vườn hoa muôn sắc của các tôn giáo.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top