Trào lưu thế tục hóa và đời sống đức tin hôm nay

Trào lưu thế tục hóa và đời sống đức tin hôm nay

WGPSG -- Vào lúc 19 giờ Chúa nhật 10/1/2010 tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh Ba Chuông, linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP, giáo sư triết học tại Học Viện Đa Minh thuyết trình về đề tài: “Trào lưu thế tục hóa và đời sống đức tin hôm nay.”

Sau nghi thức khai mạc, linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn đã khai triển đề tài thành 3 phần:
- Lịch sử thế tục
- Ý nghĩa
- Sống đức tin trong thế giới trần tục hóa.

I/ Thế tục hóa là gì?

- Trong thần học của Thánh Phaolô, từ ngữ này được dùng để chỉ “thế giới hiện tại bị tội lỗi thống trị.”
- Đến thời đầu Trung cổ từ ngữ Saeculum được các Giáo Phụ sử dụng để chỉ thế giới mà người ta phải xa lánh, thế giới của những chuyện trần gian như chính trị, kinh tế, gia đình… Như thế từ một quan niệm trong Kinh Thánh có tính chất luân lý, từ ngữ đã chuyển sang ý nghĩa không gian và thời gian cụ thể; theo đó, tất cả những sinh hoạt trần thế trong cuộc sống trần gian điều trở thành xấu xa. Như thế nguồn gốc trào lưu tục hóa được xuất phát từ Kinh Thánh.
- Từ quan niệm tội lỗi: thế gian, xác thịt, ma quỷ, xã hội-tôn giáo Trung cổ Tây Âu phân chia người Kitô hữu ra làm 2 loại:
- những con người thiêng liêng: các tu sĩ và hàng Giáo phẩm;
- những con người xác thịt: người giáo dân.

Trong bối cảnh đó thế tục hóa là một trào lưu chống lại và đi đến lập trường triệt để: người ta muốn làm giàu, muốn thăng tiến hơn là muốn nên thánh.

Thế tục hóa sau đó gắn liền với thời đại khoa học kỹ thuật, với tinh thần duy lý, với thái độ thực dụng, với tinh thần thụ hưởng của nền kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ với nhiều hiện trạng như:

- Các sinh hoạt tôn giáo ngày càng ít người tham dự, nhiều người Kitô hữu chỉ đến nhà thờ ba lần trong đời: sinh ra, kết hôn và qua đời.

- Khá đông tín hữu Tây Phương không còn cần đến ân phúc Chúa qua các sinh hoạt phượng tự. Ngược lại, tất cả cuộc sống được giải quyết bằng khoa học và các phương tiện kỹ thuật tân tiến.

- Với những ưu thế về đời sống vật chất, nhiều tín hữu cảm thấy ý nghĩa và giá trị tôn giáo như thuộc về một thế giới khác, thế giới “khảo cổ”.

II/ Ý nghĩa thế tục trong thần học Kitô giáo

Với cái nhìn đúng đắn hơn, giới thần học Công giáo lại coi trào lưu thế tục hóa là một tiến trình hợp pháp và cần thiết. Đó là một nẻo đường đúng đắn giúp ta khám phá khuôn mặt Thiên Chúa trong cuộc sống thực, miễn là đừng rơi vào thái độ “duy thế tục.”

Công Đồng Vatican II xác định: Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế, có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật, những giá trị thiêng liêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là ý muốn của Tạo Hóa.

Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỷ thuật[…]

Nhưng nếu “sự độc lập của thực tại trần thế” có nghĩa là: các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa, thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm…(MV. số 36 )

Trong Kinh Thánh Thiên Chúa luôn dấn thân vào dòng lịch sử của con người, tự buộc mình trong giao ước với con người… rồi Thiên Chúa lại nhập thể làm người, sống như con người…

Niềm tin Kitô giáo không mời gọi con người đi vào tôn giáo bằng thái độ trốn tránh cuộc sống, xa cách trần gian, ngược lại, đòi hỏi con người thể hiện niềm tin trong những thái độ, những chọn lựa về phương diện chính trị, văn hóa, luật pháp… hoặc trong tương quan cuộc sống hằng ngày giữa người với người. Niềm tin Kitô giáo là niềm tin nhập thể.

Người Kitô hữu được kêu gọi biến đổi trần gian vì giáo huấn của Thiên Chúa từ trời cao nhưng được thể hiện trong dòng đời.

III/Sống đức tin trong thế giới trần tục hóa

Sống đức tin trong thế giới trần tục hóa là sống trưởng thành và có trách nhiệm với đời để xác tín hành động quyền năng của Chúa trong lịch sử trần gian.

Sau phần thuyết trình là phần trao đổi, chia sẻ của cộng đoàn về ranh giới giữa tốt và xấu của xu hướng thế tục hóa.

Top