Trao đổi với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Hội nghị khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á châu

Trao đổi với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Hội nghị khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á châu

WHĐ (16.08.2009) – Từ ngày 10 đến 16-08-2009, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã họp Hội nghị khoáng đại tại Manila, Philippines. Ban biên tập WHĐ đã có cuộc trao đổi ngắn với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Hội nghị lần này. Trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

WHĐ: Thưa Đức cha, Đức cha vừa đi dự Hội nghị khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC) về?

ĐC Khảm: Vâng, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và tôi đã tham dự Hội nghị khoáng đại lần IX của LHĐGMAC, được tổ chức tại Trung tâm công giáo Piô XII, Manila, Philippines. Chính ra còn có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh tham dự nhưng vào phút chót, ngài không thể đi được vì lý do mục vụ.

WHĐ: Đức Cha có thể cho biết đôi nét về LHĐGMAC?

ĐC Khảm: LHĐGMAC là một tổ chức mang tính tự nguyện của các Hội đồng Giám mục tại Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á. Tổ chức này được thiết lập với sự chấp thuận của Toà Thánh, nhằm mục đích thúc đẩy và cổ võ sự liên đới và tinh thần đồng trách nhiệm của các Giáo Hội địa phương để phục vụ ích lợi của Giáo Hội cũng như của các dân tộc tại Á châu. Những quyết định của LHĐGMAC không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng chỉ diễn tả sự liên đới và tính hiệp đoàn của hàng giám mục tại Á châu.

Cơ cấu cao nhất của LHĐGMAC là Hội nghị khoáng đại, được tổ chức 4 năm 1 lần. Tham dự Hội nghị khoáng đại là tất cả các Chủ tịch của các HĐGM thành viên, đồng thời các giám mục đại biểu của mỗi HĐGM, được phân bổ theo tiêu chuẩn số lượng thành viên của mỗi HĐGM như sau: từ 1-30: 2 đại biểu, từ 31 – 45: 3 đại biểu, từ 46 – 60: 4 đại biểu, trên 60: 6 đại biểu.

Ngoài ra, các Chủ tịch của các HĐGM thành viên họp thành Uỷ ban trung ương. Để điều hành công việc thường xuyên, có Uỷ ban thường trực gồm Tổng thư ký và 4 uỷ viên của Uỷ ban trung ương. Các Văn phòng của LHĐGMAC được thiết lập nhằm mục đích nghiên cứu và đề xuất những sáng kiến mục vụ liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau.

WHĐ: Hội nghị lần này bàn về những vấn đề gì?

ĐC Khảm: Hội nghị tập trung vào ba công việc chính: (1) thảo luận về chủ đề Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể tại Châu Á; việc thảo luận dựa trên tư liệu làm việc (working paper) đã được Ban Trù bị soạn thảo trước, từ đó tiến đến văn bản cuối cùng được Hội nghị phê chuẩn; (2) trao đổi và biểu quyết về một số điều chỉnh Bản Quy chế của LHĐGMAC; (3) lắng nghe và góp ý với các Văn phòng (Uỷ ban) của LHĐGMAC về từng lãnh vực của mỗi Văn phòng : Giáo Dân, Tu Sĩ, Giáo Sĩ, Giáo Dục, Phát Triển, Thần Học, Đại Kết và Đối Thoại Liên Tôn, Truyền Thông Xã Hội, và Truyền Giáo.

WHĐ: Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đã họp vào tháng 10 năm 2008 về chủ đề Lời Chúa, tại sao LHĐGMAC không chọn chủ đề này mà lại nhấn mạnh về Thánh Thể ?

ĐC Khảm: Thực ra, chủ đề của Hội nghị lần này đã được chọn từ sau Hội nghị lần trước tại Daejon, Hàn Quốc vào năm 2004, cũng có nghĩa là sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới bàn về Thánh Thể với kết quả là tông huấn Bí Tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis) do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành. Hơn nữa, theo đúng thời hạn, Hội nghị lần này đã phải nhóm họp trong năm 2008 (4 năm 1 lần) nhưng vì lý do bất khả kháng nên phải thay đổi cả thời điểm lẫn địa điểm họp: thay vì năm 2008 thì 2009, thay vì Bangalore (Ấn Độ) thì là Manila (Philippines). Dù không đi sát được với Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần này, thiết nghĩ đề tài về Thánh Thể vẫn là đề tài tốt cho Á Châu, ít nhất vì hai lý do: (1) Á Châu không chỉ bàn về mầu nhiệm Thánh Thể cách lý thuyết nhưng muốn nhấn mạnh đến việc sống mầu nhiệm Thánh Thể, đồng thời liên kết mầu nhiệm ấy với những thực tại cụ thể và đặc thù của châu Á; (2) tài liệu của LHĐGMAC về Thánh Thể được khai triển theo khung diễn tiến của Thánh Lễ, trong đó bàn tiệc Lời Chúa được quý trọng cách đặc biệt, cho nên chủ đề Lời Chúa của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2008 vẫn có vị trí đặc biệt trong tài liệu này.

WHĐ: Đức cha vừa nói rằng tài liệu của LHĐGMAC về Thánh Thể được khai triển theo diễn tiến của Thánh Lễ. Xin Đức cha nói rõ hơn.

ĐC Khảm: Cho phép tôi nhắc lại một số chi tiết liên quan đến tư liệu làm việc lần này. Trước khi tiến hành Hội nghị, Ban Trù bị đã xin ý kiến từ các Hội đồng Giám mục thành viên của LHĐGMAC. Từ đó, họ soạn thảo Tư liệu làm việc. Thế nhưng lần này, sau khi soạn thảo, họ phát hiện ra rằng Tư liệu làm việc chỉ giống như Tông huấn Sacramentum Caritatis thu nhỏ. Ban Trù bị trao đổi lại với nhau và quyết định giao cho Đức cha Tagle, một giám mục và cũng là nhà thần học vừa trẻ trung vừa nổi tiếng về giảng thuyết, biên soạn lại từ đầu đến cuối. Trong Hội nghị lần này, tư liệu mà chúng tôi dựa trên đó để thảo luận chính là tư liệu mà ngài biên soạn, và hầu hết mọi người đều phải nhìn nhận ngài biên soạn rất công phu, súc tích và sống động.

Khi biên soạn tư liệu làm việc, Đức cha Tagle đã dựa vào diễn tiến của Thánh Lễ để khai triển ý nghĩa thần học của mầu nhiệm Thánh Thể cũng như đòi hỏi sống ý nghĩa đó trong đời sống Giáo Hội. Cách cụ thể, phần mở đầu Thánh Lễ giúp ta ý thức sống Thánh Thể là sống chiều kích cộng đoàn (living in community), phụng vụ Lời Chúa nhấn mạnh sống Thánh Thể là sống trong đức tin và vai trò của Lời Chúa được đề cao cách đặc biệt ở đây (living in faith), phụng vụ Thánh Thể làm nổi bật niềm hi vọng Kitô giáo (living in hope), phần hiệp lễ nhấn mạnh sự hiệp thông trong yêu thương (living in love), và phần kết lễ là mệnh lệnh lên đường (living in mission).

Cách khai triển như trên khiến tôi liên tưởng đến cách dạy giáo lý của các thánh giáo phụ ngày xưa, giúp người tín hữu hiểu giáo lý khởi đi từ chính những cử hành phụng vụ, những cử hành đã thành quen thuộc nhưng nhiều khi mình làm mà không hiểu rõ điều mình làm. Vì thế, tôi tin rằng tài liệu này sẽ là tài liệu dạy giáo lý về Thánh Thể rất tốt. Ngoài ra, như đã nói, trong mỗi phần, tài liệu này luôn liên kết cử hành phụng vụ và ý nghĩa thần học với những thực tại (tốt cũng như xấu, mạnh cũng như yếu) của đời sống Á Châu, vì thế gần gũi với hơi thở của cuộc sống.

WHĐ: Khi nào người Công giáo Việt Nam có thể có bản văn bằng tiếng Việt?

ĐC Khảm: Tôi chưa thể xác định ngày giờ, nhưng tôi sẽ cố gắng nhờ các chuyên viên giúp chuyển dịch sang tiếng Việt sớm hết sức có thể.

WHĐ: Hội nghị để lại cho Đức cha những ấn tượng nào?

ĐC Khảm: Chắc chắn là có nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhưng ấn tượng lớn nhất là tình hiệp thông liên đới giữa các Giáo Hội chị em với nhau tại Á Châu. Giám mục nào cũng bận rộn cả, cho nên chỉ nguyên việc các ngài cố gắng thu xếp công việc để đến với nhau, gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau về những công việc chung, đã là điều đáng quý lắm rồi. Dĩ nhiên không chỉ gặp nhau cho vui nhưng để làm việc chung và làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, chương trình làm việc dày đặc từ sáng đến tối cho thấy điều đó. Chính trong tình liên đới hiệp thông đó mới có thể hiểu được ý nghĩa của những sự kiện như vị giám mục đại diện Giáo Hội Nhật Bản, trong bài phát biểu của mình, đã nhân danh Giáo Hội để xin lỗi vì những điều không tốt mà Nhật Bản đã gây ra cho các nước láng giềng, và cam kết sẽ làm hết sức để bảo vệ hoà bình. Cũng trong tình liên đới đó, các giám mục đã rất cảm thông khi thấy Đức TGM của Đài Loan phải rời Hội nghị sớm để về với dân của mình đang chịu đau khổ vì thiên tai, và các giám mục theo khả năng của mình đã góp phần chia sẻ với họ. Và còn bao nhiêu chia sẻ khác, không chỉ trong bàn hội nghị, nhưng ở bàn cơm và những cuộc trò chuyện riêng. Tất cả giúp cho tôi cảm nhận bàu khí hiệp thông liên đới và cũng cho tôi mở rộng tầm nhìn, mở rộng con tim đến những chân trời khác của Giáo Hội.

WHĐ: Xin chân thành cảm ơn Đức cha.

WHĐ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top