Tôi đi tĩnh tâm
WGPSG -- “…Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 13,34)
Tôi đã than thở với Chúa nhiều lần về câu Phúc âm này: “yêu người sao khó quá! Yêu thế nào thì giống Chúa?”. Kỳ này đi tĩnh tâm với cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi được đào sâu tình yêu với con người thông qua phân tích về hoa trái của Thần Khí: bác ái, từ tâm, khoan hòa, ân cần, hiền hậu, kiên nhẫn, hoan lạc, bình an.
Chúa dạy chúng ta rất khắt khe: “…Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Vậy mà Chúa không hề đem lề luật ra kết án người đàn bà ngoại tình. Lòng cảm thương vượt lên trên cả lề luật, khiến Ngài chỉ còn biết bảo vệ, ủi an và khuyên nhủ như một người bạn, một người anh em. Người đàn bà đã được tình thương của Chúa chạm đến và chữa lành: “Tôi cũng không kết án chị đâu! Chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa”. Khi ấy, lề luật được tuân giữ một cách tự nguyện, vui vẻ và biết ơn. Sống bác ái ta sẽ được tự do, vì mọi việc ta làm đều được tình yêu Chúa nâng đỡ và không có luật nào trên đời chống lại bác ái.
Cảm nhận được tình yêu Chúa, phó thác mọi nhu cầu trong tay Chúa, đóng đinh tính xác thịt mỗi ngày vào thập giá Chúa Kitô, chúng ta mới có đủ sức lực, tình thương để vui vẻ phục vụ anh em, để sửa lỗi anh em với thái độ hiền hòa, để gánh đỡ cho nhau những gánh nặng, trong khi vẫn cố gắng mang gánh của riêng mình.
Từ tâm là năng lực xuất phát từ sự cảm thương, thúc đẩy người ta ra tay giúp đỡ mình và người khác. Đoạn Kinh Thánh mô tả Chúa thấu cảm nỗi tuyệt vọng của bà góa thành Nain, đã cho con trai duy nhất của bà sống lại, nói lên hành động từ tâm của Ngài. Từ tâm không giống hiền nhu ba phải cốt để yên thân, từ tâm phải trong sự thật vì là hoa trái của Thần Khí; Từ tâm cũng khác vị tha chủ nghĩa, quên cả phẩm giá của mình vì lo cho người khác, giống như lý lẽ của các bạn gái lấy chồng Đài Loan hay đi bán bia ôm là để báo hiếu cha mẹ; Từ tâm Kitô giáo không chỉ dừng lại ở việc đáp trả sự tử tế của người khác, mà còn là yêu kẻ thù, như Chúa Kitô trên thập giá xin tha tội cho kẻ giết mình.
Khoan hòa là thái độ khoan dung, hòa nhã với người dưới quyền mình. Khoan hòa không chỉ là sửa sai, ban ơn, mà còn toát lên lòng khiêm nhường và con tim nhân hậu, biết tôn trọng sâu xa con người - tạo vật mà Chúa yêu quí đến nỗi phải hy sinh cả Con Một để cứu chuộc họ. Tỏ ra khoan hòa, mà bên trong thì tức giận, vẫn làm tổn thương hay gây lo sợ cho người khác. Khoan hòa đòi mỗi người phải tự chủ trong việc sử dụng quyền lực, không áp đặt ý muốn của mình trên người khác; biết tự chủ những xung năng bản năng, để không xúc phạm chính mình và người khác.
Ân cần, hiền hậu và kiên nhẫn cũng là hoa trái của Thần Khí. Ai sở hữu những hoa trái này sẽ biết lắng nghe, quan tâm đến nhu cầu của người khác, chậm giận, khiến người kia cảm thấy thoải mái vì được hiểu và tôn trọng; họ cũng không cãi cọ, biết chịu nhục và chịu gian khổ để chờ thời cơ làm chứng cho sự thật.
Hoan lạc và bình an là niềm vui sâu thẳm khi có Chúa hiện diện. Cả xung đột, chiến tranh, đau khổ, lo toan, mất mát… cũng không làm mất đi được. Bình an là cảm giác “được ở nhà” trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Xây dựng hòa bình, đơn giản hóa cuộc sống, mài bớt những góc cạnh của mình, làm dịu mâu thuẫn, là bí quyết sống bình an.
Sau một ngày được sống với Chúa trong Thánh Lễ, đọc Kinh Phụng Vụ sáng, chiều, nghe giảng phòng và cầu nguyện riêng, chia sẻ nhóm, chúng tôi lại được Chầu Thánh thể, thân mật hơn với Chúa trong chiêm niệm. Chúng tôi thinh lặng mở lòng mình ra với Chúa. Những lời cầu nguyện tự phát và những bài Thánh ca cũng tự phát, cùng sự hiệp ý cầu nguyện của anh chị em khiến lòng người gần gũi nhau như anh em một nhà. Chúng tôi đi vào giấc ngủ êm ái như đứa trẻ nép mình bên lòng mẹ.
Sáng Chúa nhật tôi thức dậy sớm, vừa đi lên đi xuống trên con dốc dài, dọc khu nhà tĩnh tâm, vừa cảm nhận khí trời se lạnh sau cơn mưa rả rích hai ngày qua, lòng hân hoan đầy biết ơn, ơn Chúa, ơn người!. Các loại hoa trái của Thần Khí hòa quyện vào nhau, cùng mùi hương của các loài hoa trong vườn, tạo thành mùi hương dịu dàng của Thiên giới. Tôi đang yêu bằng tình yêu của Chúa sau bao năm khổ đau kiếm tìm. Chúa đã dẫn tôi vào bình an, hoan lạc bằng cách nong rộng trái tim tôi, để nó mở ra với những người khác mình, mở ra đón nhận cả những người gây tổn thương cho mình. Chúa cũng mở rộng tầm mắt, cho tôi nhìn sâu hơn vào tâm tư con người, thấy nhiều cảnh đời bất hạnh và tin rằng trong mỗi người đều có Chúa, nếu không thì tại sao có đủ mọi thứ mà ta còn khắc khoải?, và ta biết xấu hổ cụp mắt nhìn xuống khi làm điều sai quấy? Chúa mở rộng gia đình tôi ra với gia đình Chúa và gia đình nhân loại. Dù không có đạo nhưng những người thân của tôi vẫn vui vẻ, bằng lòng cho tôi đến với gia đình Chúa.
Trong gia đình Chúa, chúng tôi là những đứa trẻ được cha Tuấn và các sơ Mến Thánh Giá Chợ Quán chăm sóc. Nhà nguyện là nơi linh hồn được trở về với cõi linh thiêng sâu thẳm trong lòng mỗi người, nơi Chúa Thánh Thần ngự đến. Chúng tôi tha hồ được thổ lộ tâm tình, được tạ ơn, ca ngợi Chúa và cảm nếm tình yêu tinh tuyền của Ngài. Lớp học là nơi trí hiểu được bồi đắp, tư duy phát triển và nhận thức được uốn nắn. Nhà cơm, phòng ngủ, giống như trong gia đình, là nơi chúng tôi được thỏa mãn thể lý, được quây quần bên những người thân, chia sẻ…bằng ngôn ngữ không lời. Con đường dốc tôi đang đi giống như công việc hàng ngày của chúng tôi, có lúc phải cố gắng tất tả để hoàn thành đúng thời hạn (đi lên dốc), có lúc chậm rãi, từ từ giải quyết (xuống dốc). Đi dạo trong vườn giống như đi chơi du lịch với gia đình. Gia đình này mang trong nó sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, bù đắp lại những tổn thương, những thiếu sót trong đời sống gia đình thường nhật. Gia đình Hạnh+Thương, đã vượt qua bao khó khăn để đến được với kỳ tĩnh tâm này. Họ quả là Bí Tích của gia đình Chúa khi quấn quít, vui đùa bên nhau, cùng nhau chăm sóc con cái và cùng quỳ bên Chúa.
Sau khi được cảm nếm hạnh phúc Phục Sinh ngay ở đời này, tôi thấy tiếc cho những ai cho rằng người Kitô hữu là những người mơ mộng hão huyền, hạnh phúc trước mắt không biết giành lấy, mà lại đi ôm nhục, nuốt sầu cho đến chết, để mong được hưởng vinh quang Phục Sinh.
Có lần đọc báo, tôi bắt gặp một tin thú vị: người mẹ xâm một bông hồng trên cánh tay đã sinh ra một bé gái cũng có dấu xâm như vậy. Chắc hẳn người mẹ đã xâm bông hồng ấy khi đang yêu nồng nàn, đến nỗi nó in dấu tận trong gene, trở thành một đặc tính di truyền. Tôi tin rằng đời sống chúng ta không hệ tại ở hiện tại, mà là sự nối tiếp của nhiều thế hệ. Niềm hạnh phúc hay nỗi u sầu của chúng ta có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể lý cũng như tinh thần của các thế hệ sau. Bởi vậy, chúng ta mới có phương pháp “Trị liệu gia đình xuyên thế hệ” cho những người bị “trăm năm cô đơn”.
Tôi hay đùa nên đành xin lỗi những ai không thích đùa! Về nhà Chúa, tôi trở nên đứa trẻ nghịch ngợm, chẳng chịu tĩnh tâm mà chỉ thích đi lang thang, hái hoa bắt bướm. Tôi tin chắc Chúa rất vui khi thấy con cái mình hồn nhiên như thế!
Yêu quí cả nhà, đặc biệt là Bố, Mẹ, “bà trùm”, chị Trinh và gia đình Hạnh + Thương!
Bảo Lộc 18-21/07/2013
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19