Tổ chức Y tế tình nguyện (CYT): Khám bệnh và vui Tết Trung Thu
WGPSG -- Trong ước muốn góp phần với xã hội, chung tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, những anh chị em dân tộc thiểu số, trong đó có trẻ em khuyết tật, mồ côi ở các vùng sâu, vùng xa còn phải chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi, Tổ chức Y tế tình nguyện (CYT) đã tổ chức chuyến công tác y tế xã hội tại Lộc Nga, Bảo Lộc, thuộc giáo xứ Tân Hóa từ ngày 21.09.2012 – 23.09.2012.
Chương trình làm việc gồm có: khám bệnh, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm, phát thuốc miễn phí cho hơn 800 bệnh nhân; tặng 100 hộp thuốc gia đình cho các hộ vùng sâu, vùng xa; riêng khoa Tai Mũi Họng có bộ phận chuyên môn tư vấn, tầm soát Tai thính học và tặng máy trợ thính cho 10 bệnh nhân, trong đó có một bệnh nhân được đoàn đến tận nhà tặng máy. Để hỗ trợ về đời sống, mỗi bệnh nhân được tặng một phần quà. Bên cạnh đó, đoàn còn tổ chức buổi lễ “Vui Tết Trung Thu” cho các em.
Chương trình thực hiện thành công là nhờ sự đồng hành và chung tay đóng góp về kinh tế cũng như công sức của nhiều mạnh thường quân mà các thành phần rất đa dạng: về tuổi tác từ 21 đến 75 tuổi; về địa vị xã hội (giới kinh doanh, giới y bác sĩ, dược sĩ, sinh viên, công ty du lịch, công ty trang thiết bị y tế gia đình, công ty Dược); về tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, đạo Ông bà…). Nhưng tất cả những khác biệt ấy đã được xóa tan đi vì mọi người đều có chung một tâm tư nguyện vọng: “Xoa dịu nỗi đau và mang lại niềm vui cho những người bất hạnh”.
Địa điểm sinh hoạt hết sức đặc biệt: khu du lịch sinh thái Hoa Tài Ngọc Châu, cũng là “bảo tàng đá” với hơn 3000 hiện vật đá. Đó là một địa điểm rộng 12 mẫu đất, rất thoáng mát, thuận lợi cho việc bố trí các khâu như: nơi tiếp đón, nơi chờ đợi, nơi khám bệnh, nơi nhận lãnh quà… Công tác tổ chức được chu đáo như vậy là do sự đóng góp to lớn trong nhiều lãnh vực của Ông bà Đinh Công Phương, chủ nhân khu du lịch. Mọi người còn nhận ra tấm lòng rộng mở của Bà Phương khi bà đã chuẩn bị bánh bao cho bệnh nhân ăn sáng, vì bà đã nắm bắt được tâm lý háo hức của bệnh nhân, vội đi từ sáng sớm để được khám chữa bệnh, và cũng có thể không có gì để ăn sáng. Bà đã cho những gì người khác cần với cả tấm lòng yêu thương. Bà cũng thường xuyên phối hợp với giáo xứ Tân Hóa để giúp đỡ những người nghèo bất hạnh.
Dù đã trải qua một ngày bận rộn và nhọc mệt, buổi tối, đoàn công tác, nhất là các bạn trẻ, còn hào hứng tổ chức “Vui Tết Trung Thu” cho các thiếu nhi. Màn múa lân khai mạc do các huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Hóa biểu diễn, đã tạo bầu khí vui tươi và sinh động cho đêm vui. Dần dần, hầu như mọi người đã bị cuốn hút vào niềm vui và sinh hoạt của các em. Trước khi ra về, mỗi em nhận được một phần quà gồm bánh Trung Thu và bao lì xì. Được tham dự ngày vui hôm nay cũng là hình thức lạ đối với các em, khi các em còn “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm”, và còn phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đây cũng là một cách mang ánh sáng tin yêu đến cho các em, khi được các cô chú, anh chị trân trọng yêu thương.
Và cảm động nhất, có thể nói, đó là niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người khi chứng kiến giây phút bệnh nhân có thể nghe và trả lời, sau khi được đeo máy trợ thính. Đại diện một bệnh nhân bị điếc đã nói lên cảm tưởng của mình sau bao ngày chờ đợi tưởng chừng như vô vọng. Những giọt nước mắt biểu hiện niềm vui to lớn lăn dài trên gò má. Việc chị có thể nghe lại được sau bao nhiêu năm là điều không tưởng. Buổi sáng, khi được khám bệnh và tư vấn, chị không mấy tin tưởng, chị cứ hồi hộp chờ đợi đến giây phút này. Chị trân trọng biết ơn những mạnh thường quân, những bác sĩ đã giúp chị có thể giao tiếp bình thường với người chung quanh.
Đáp lời, Bác sĩ Hồ Quang Hải - Giám đốc tổ chức CYT - phát biểu: Niềm vui của mọi người trong Tổ chức Y tế tình nguyện còn tăng gấp bội khi nhìn thấy những nụ cười của những bệnh nhân tươi nở trên môi. Đó là một cách để góp phần của mình vào công việc chung, cũng là để trả nợ đời, vì chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều về mọi phương diện: thể xác lành mạnh, những kiến thức, những thành đạt cũng như khả năng tài chính… Phải chăng bác ái chính là sự công bằng, là trả lại cho kẻ thiếu thốn những gì mà mình được diễm phúc nhận lãnh?
Trên đường về, đoàn đã ghé thăm và tặng bánh Trung Thu cho các em trường khiếm thính Ánh Sao ở Lộc Phát, do các soeur Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách, nơi mà Bác sĩ Hải đã từng có dịp hỗ trợ về chuyên môn. Tại đây, Bác sĩ Hải, người đã gắn bó hơn 10 năm trong ngành Tai thính học, cảm thông thật rõ những nhu cầu của các em khiếm thính, chia sẻ ngắn gọn về dự án và tiến trình can thiệp sớm cho các em khiếm thính. Công tác này không chỉ cần đến máy trợ thính nhưng còn cần đến các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, các nhà tư vấn tâm lý, các nhà giáo dục và hướng nghiệp cho các em. Trong dự án cũng có phần tổ chức các gian hàng trưng bày bán sản phẩm do các em tự tay làm ra.
Thầy Khổng Tử dạy các môn đệ: “Người thông minh hiểu biết hơn người thì nên khiêm tốn, người giàu có nên bố thí và tỏ ra nhún nhường.” Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Người lớn nhất không dùng sức mạnh để áp đặt sai khiến người khác nhưng dùng con tim để cảm thông và yêu thương. Chẳng thế mà vua Salomon ngày xưa chỉ xin có một điều, là “cho trái tim biết lắng nghe”.
Qua những công tác của Tổ chức Y tế tình nguyện (CYT) và những người đồng hành, chúng ta thật sự vui mừng, vì vẫn còn đó, những “kẻ lớn” theo tinh thần của Tin Mừng. Ngay những sinh viên, những y bác sĩ trẻ, đã trở thành “kẻ lớn” vì các bạn đã không lãng phí thời gian cuối tuần cho những cuộc vui vô bổ, nhưng đã hăng say, tận tụy phục vụ bệnh nhân và các trẻ em nghèo. Thế giới ngày nay sẽ hạnh phúc biết bao khi có những người đứng đầu, những “kẻ lớn”, biết yêu thương và phục vụ trong khiêm tốn.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?