“Tinh thần Assisi” tại New York và San Francisco

“Tinh thần Assisi” tại New York và San Francisco

Hòa bình khởi đi từ cá nhân, và mỗi người đều được kêu gọi trở thành người xây dựng hòa bình.

Đó là một trong những thông điệp chính được gửi đi bởi các tham dự viên tại Cuộc gặp gỡ liên tôn theo tinh thần Assisi vào ngày 27 tháng Mười 2011. Cuộc gặp gỡ này do các tu sĩ Dòng Phanxicô Chuộc tội tại Graymoor, Garrison tổ chức. Sự kiện này là một trong nhiều cử hành trên toàn thế giới để kỷ niệm 25 năm Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng tại Assisi ngày 27 tháng 10 năm 1986.

Các tham dự viên đã đồng ý rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình bằng cách đưa mọi người đến với nhau và giúp họ nhìn nhận sự hiệp nhất với nhau như anh chị em, con cùng một Chúa.

Chủ đề của cuộc gặp gỡ là “Làm thế nào việc hợp tác liên tôn có thể tác động đến hòa bình thế giới”.

Cha Elias Mallon, điều phối viên phát biểu khai mạc: “Không thể có hòa bình trên thế giới nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo”.

Một sự kiện tương tự, “Hành hương Chân lý, hành hương Hòa bình”, đã diễn ra tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu ở Manhattan, do các tu sĩ Dòng Phanxicô tỉnh dòng Thánh Danh Chúa Giêsu phụ trách. Tham gia cuộc gặp gỡ này có các đại diện của các Giáo hội Luther, Trưởng lão, Anh giáo, cùng Do Thái giáo và Hồi giáo.

Tại Graymoor, mỗi tham dự viên nói về hòa bình, các mối quan hệ liên tôn và sự hợp nhất muôn dân theo quan điểm niềm tin riêng của mình. Đức Tổng giám mục Công giáo Donald Reece, nguyên Tổng giám mục Kingston, Jamaica, nói rằng cần phải “tự kiểm thảo và tự phê bình” trong cuộc đối thoại liên tôn để “đạt đến thiện ích chung”. Ngài nói về cuộc trao đổi của Thánh Phanxicô với vị sultan Malik al-Kamil của Ai Cập năm 1219, vào thời Thập Tự Chinh. Bất chấp nguy hiểm, Phanxicô vẫn đến gặp vị sultan “bởi vì ngài không coi vị sultan như kẻ thù, nhưng là một người anh em”.

Ngài Douglas Hostetter, giám đốc Văn phòng Ủy ban Trung ương Liên quốc gia của Giáo hội Mennonite, cũng có bài phát biểu. Ông nói, tín đồ Mennonite “coi trọng xác quyết Kinh Thánh cho rằng tất cả mọi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Ông lưu ý rằng 500 năm nay, các tín đồ Mennonite đã từ chối tham gia chiến tranh hoặc “sống một lối sống khác nhân danh căn tính của mình”.

“Chúng ta cần nhận ra và khẳng định rằng chúng ta thuộc về một gia đình, là con cùng một Thiên Chúa”.

Rabbi Lee Paskind thuộc Đại hội đồng Do Thái giáo Peekskill nói rằng mọi người phải tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau làm việc vì thiện ích chung.

“Chúng ta có thể và cần tìm hiểu các truyền thống của nhau và cử hành các truyền thống ấy”.

Imam Syed-Mohsin Naqvi, biên tập viên của tập san Hồi giáo Monitor IIC cho biết các thành viên của các nhóm tôn giáo khác nhau không cần tìm cách thực hành khoan dung, nhưng hãy chấp nhận nhau. Người có đức tin phải chấp nhận tha nhân như những người bình đẳng chứ không được khinh thị nhau.

Nhà sư Masamichi Kamiya, người đứng đầu Trung tâm Phật giáo Rissho Kosei-kai ở New York, nói rằng nhận thức về sự thiêng thánh của đời sống chính mình dẫn đến việc đánh giá cao sự thiêng thánh nơi cuộc đời của tha nhân.

Carl Murrell, đại diện Hội Đồng Tinh Thần tôn giáo Baha’i của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, cho rằng tôn giáo là nguồn suối tối hậu mang lại ý nghĩa. Ông giải thích rằng đức tin Baha’i nhấn mạnh đến sự hiệp nhất nhân loại và sự hiệp nhất tôn giáo. Ông cho biết cộng đồng Baha’i “mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động liên tôn... để đáp trả ý muốn của Thượng Đế’.

Trong khi đó tại San Francisco, vào sáng ngày 27 tháng Mười, các đại diện của Chính thống giáo, Công giáo, Giáo Hội Luther, Anh giáo, Phật giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đã quy tụ tại Đền Thánh Phanxicô Assisi để cầu nguyện và cổ vũ cho hòa bình.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký một cam kết cho hòa bình, lên án chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cùng kêu gọi đối thoại và hiểu biết.

Họ cũng cam kết “tha thứ cho nhau những lỗi lầm và định kiến trong quá khứ cũng như hiện tại, cùng hỗ trợ nhau trong một cố gắng chung nhằm vượt qua sự ích kỷ và kiêu ngạo, hận thù và bạo lực và rút ra bài học từ quá khứ: hòa bình mà không có công lý không phải là hoà bình đích thực”.

(Claudia McDonnell, Catholic News Service, 01-11-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top