Tỉnh dòng La San VN: Bế mạc Năm Thánh 150 năm hiện diện tại Việt Nam
WGPSG -- “Trong tâm tình tri ân, gia đình La San Việt Nam xin cảm tạ Đức Giám mục, quý linh mục cùng tu sĩ các dòng và các thân hữu La San đã đến tham dự Thánh lễ bế mạc cùng cầu nguyện cho anh chị em La San... Xin tri ân bao thế hệ đàn anh đi trước đã dày công khai phá và dựng xây để Tỉnh dòng có thể tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Tri ân gia đình các sư huynh; tri ân quý ân nhân, thân hữu xa gần đã ủng hộ Tỉnh dòng trong sứ mạng giáo dục nhân bản và đức tin. Xin cám ơn quý thầy cô, phụ huynh và học sinh vẫn luôn đồng hành với Tỉnh dòng trong tinh thần gia đình La San... Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện, để mỗi thành viên La San biết cùng đồng hành và liên kết phục vụ Giáo hội và Quê hương trong sứ mạng giáo dục của mình...”.
Lời cảm ơn của sư huynh Phụ tá Giám tỉnh Anrê Hồ Quốc Thắng đã khép lại Năm thánh La San được tổ chức vào chiều thứ Năm 08.12.2016 tại cộng đoàn Mai Thôn số 970 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh.
Thánh lễ
Năm Thánh La San cử hành từ ngày 09.01 đến ngày 08.12.2016 để mừng kỷ niệm 150 năm dòng La San hiện diện tại Việt Nam (1866 - 2016) và 50 năm lập dòng Nữ La San (1966 - 2016). Chiều ngày bế mạc, cộng đoàn Mai Thôn rộn rã sắc mầu, các bạn trẻ sinh viên đứng thành hàng chào dài, vỗ tay đón quý khách. Mỗi khách mời được trao tận tay ngọn nến, tập bài hát và tràng chuỗi 60.
Các tín hữu đã quen với chuỗi thường đọc 50 kinh Kính mừng, tương ứng với vòng chuỗi Mân Côi Năm Chục. Nhưng xâu chuỗi mà Thánh Jean Baptiste De La Salle và tu sĩ La San lần hằng ngày là chuỗi Mân Côi Sáu Chục: gồm 3 kinh Kính mừng ở đầu và 60 kinh Kính mừng phía sau, tương ứng với 63 năm cuộc đời tại thế của Mẹ Maria. 5 chặng đầu vẫn suy niệm và cầu nguyện theo truyền thống Giáo hội. Riêng chục kinh thứ 6 dành để dâng kính Mẹ với tước hiệu “Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội” và xin Mẹ cầu bầu cho các công việc của Dòng...
Mở đầu chương trình bế mạc Năm Thánh La San là suy tôn Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Kiệu tượng Đức Mẹ dẫn đầu. Các bạn sinh viên nam nữ nối một tràng chuỗi Mân Côi thật to kế tiếp. Tu sĩ các dòng và mọi người tay cầm nến cháy sáng, vừa bước theo đoàn kiệu, vừa đọc kinh và hát lời ngợi ca. Trời tối dần, hàng nến hai bên đường đi lung linh thật đẹp, hợp với đoàn người tôn vinh Mẹ qua Mầu nhiệm 5 Sự Vui.
Sau 3 kinh Kính Mừng mở đầu, cộng đoàn suy niệm và đọc 10 kinh Kính Mừng ở chặng đầu tiên “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”, cầu cho ơn gọi La San trong Tỉnh dòng. 10 kinh Kính Mừng nơi chặng hai “Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave” để cầu nguyện cho các sư huynh và nữ tu La San luôn dấn thân giáo dục người trẻ. 10 kinh Kính Mừng tại chặng thứ ba “Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá” xin cho có nhiều nhà giáo dục muốn phục vụ trong sứ mạng trồng người. 10 kinh Kính Mừng ở chặng tư “Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh” ước mong những nỗ lực nơi các sư huynh đáp ứng được nhu cầu giáo dục của xã hội thời nay. 10 kinh Kính Mừng nơi chặng thứ năm “Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh” nguyện cầu cho các nhà giáo dục La San trung tín phục vụ Chúa Giêsu qua bạn trẻ nghèo. 10 kinh Kính Mừng cuối đặc biệt “kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” và mong mọi người biết nêu cao gương sáng, giúp người chung quanh sống tương quan huynh đệ...
Các em dự tu rước tượng Đức Mẹ từ xe hoa tiến lên lễ đài. Cộng đoàn hiệp ý với đội múa, dâng lên Đức Mẹ những đóa hoa tươi thắm, kết bằng tấm lòng thành của mỗi người hiện diện.
Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng tổng kết Năm Thánh La San, cho biết thêm về hoạt động, các việc mang tính thiêng liêng, đi hành hương của dòng nam và dòng nữ. Các Đức Giám mục của Tổng Giáo phận TP.HCM, Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Huế, Phnôm Pênh (Campuchia), San Francisco (Hoa Kỳ) đã dâng 14 Thánh lễ cử hành Năm Thánh tại nơi có cộng đoàn nhà dòng; ban phép lành Tòa Thánh và ơn Toàn xá cho 10.600 lượt tín hữu dự lễ. Gia đình La San Việt Nam đã chung tay đóng góp, đi thăm viếng và chia sẻ vật chất với 465 hộ dân ở thượng nguồn sông Gianh (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáo phận Vinh) bị thiệt hại do mưa lũ vào tháng 10.2016.
Đỉnh cao của ngày họp mặt bế mạc Năm Thánh La San là Thánh lễ do Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo - Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam - chủ tế mừng kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đồng tế có Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả và 12 linh mục.
Bài Thánh thư 1 trích từ sách Sáng thế (3,9-15.20), trình thuật lại câu chuyện chất vấn của Thiên Chúa về việc ăn trái cấm. Lời chúc dữ của Thiên Chúa đối với con rắn lại trở thành lời chúc lành cho dòng giống người đàn bà. Từ tội lỗi nguyên tổ, Thiên Chúa biến đổi thành hồng ân cứu chuộc nhân loại... Bài Thánh thư 2 trích thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (1,3-6.11-12), khẳng định trong kế hoạch Thiên Chúa đã tiền định cho loài người được đầy tràn ân sủng, được tinh tuyền thánh thiện nhờ Đức Giêsu. Lời hứa được thực hiện qua việc Đức Maria, một thụ tạo, được hưởng đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ trong dạ mẹ...
Chia sẻ sau bài Tin Mừng theo thánh Luca (1,26-38), Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo đã nói đến một niềm vui huyền nhiệm, thiêng liêng đặc biệt từ trời khiến mỗi người muốn hát ca, tôn vinh Đức Mẹ vì hồng ân Vô nhiễm. Khi yêu mến thì ta muốn trở nên giống Mẹ, phải bắt chước Mẹ trân trọng và giữ gìn tình nghĩa của Thiên Chúa trong hành trình vui buồn của cuộc sống. Đức Giám mục cũng nhắc đến Chân phước Anrê Phú Yên và Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã đi theo con đường của Đức Maria, bỏ hết tất cả để giữ nghĩa cùng Chúa mọi ngày trong đời. Đó cũng là lời mời gọi của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đối với con cái của Mẹ...
Trong lời nguyện tín hữu, cộng đoàn đã hiệp ý cùng cầu cho hàng giáo sĩ, cho dòng nam và nữ La San, cho mọi thành phần trong đại gia đình La San luôn tràn đầy hồng ân, hiệp nhất trong sứ mạng giáo dục mà Chúa đã giao phó.
Sau lời nguyện hiệp lễ, sư huynh Anrê Hồ Quốc Thắng đã thay mặt Tỉnh dòng gửi lời cảm ơn đến quý khách. Vị Phụ tá Giám tỉnh nhấn mạnh: “Đây quả là một hồng ân lớn lao cho gia đình La San Việt Nam. Và cũng là dịp để ôn cố tri tân, canh tân đời sống hiện tại và hướng đến tương lai với một quyết tâm và lòng nhiệt thành mới, noi gương bao thế hệ đàn anh đi trước trong Tỉnh dòng”.
Trước khi Năm Thánh khép lại, cộng đoàn đã cùng nhau đọc kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng và lãnh nhận phép lành Tòa Thánh bế mạc Năm Thánh La San.
Một ngọn đuốc lớn có 4 con số ghi lại hành trình của nhà dòng được đưa lên lễ đài. Sư huynh Patrick đến từ Tỉnh dòng New York (Hoa Kỳ) giơ cao mặt số 1866 ghi nhớ năm các sư huynh thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất Việt. Sư huynh Vital Luke Nguyễn Hữu Quang đón nhận đuốc, giơ cao mặt số 1874 ghi nhớ năm mà trường Taberd được các linh mục thừa sai thành lập và giao cho các sư huynh điều hành từ năm 1890. Sư huynh Giám tỉnh Phêrô Nguyễn Văn Phát đón nhận đuốc, giơ cao mặt số 1951 ghi nhớ năm Tỉnh dòng có Giám tỉnh đầu tiên là người Việt Nam. Sư huynh Tađêô Đặng Quốc Tiến đại diện lớp trẻ đón nhận đuốc, giơ cao mặt số 2016 ghi nhớ Năm thánh La San... 4 thế hệ sư huynh cùng cầm 1 ngọn đuốc cháy sáng cắm vào giá. Sư huynh Giám tỉnh trao 22 ngọn đuốc nhỏ đến đại diện cộng đoàn nam, dòng nữ La San, cựu tu sinh và cựu học sinh La San. Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo lấy lửa từ đuốc lớn thắp cho từng đuốc nhỏ, truyền ngọn lửa đến mỗi vị đại diện.
Sư huynh Giám tỉnh Phêrô Nguyễn Văn Phát cũng trao quà kỷ niệm cho 3 cá nhân và 2 tập thể đã đóng góp công sức cho Tỉnh dòng trong việc tổ chức Năm Thánh. Sư huynh Phụ tá Giám tỉnh Anrê Hồ Quốc Thắng trao giải thưởng cho 6 cây bút đoạt giải cao trong cuộc thi viết về dòng La San.
Ngoài sân, các bạn trẻ đã xếp hai hàng, tạo thành hình con số 150. Cộng đoàn thắp lên những ngọn nến, đi theo đoàn đồng tế vào giữa con số kỷ niệm dòng Các Sư huynh Trường Kitô Giáo đến Việt Nam.
Dòng Các Sư huynh Trường Kitô Giáo
Dòng La San là tên gọi tắt tiếngViệt của dòng Các Sư huynh Trường Kitô Giáo do linh mục Jean Baptiste De La Salle thành lập ngày 24.06.1682 tại thành Reims, nước Pháp. Dòng được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIII phê chuẩn năm 1725, là dòng tu sĩ giáo dân (không làm linh mục), thuộc quyền Giáo hoàng. Dòng Các Sư huynh Trường Kitô Giáo (tên ghi theo tiếng Latinh: Fratres Scholarum Christianarum FSC, tiếng Pháp: Les Frères Des Écoles Chréstiennes FEC, tiếng Anh: The Brothers Of The Christian Schools) hiện nay có 4.481 tu sĩ thuộc 38 tỉnh dòng tại 86 quốc gia trên thế giới. Nhà Mẹ đặt tại Rôma.
Linh đạo La San diễn tả tinh thần đức Tin là “Thừa tác viên của Thiên Chúa, Sứ giả và Cộng tác viên của Đức Kitô”, nhiệt thành hướng dẫn người trẻ lớn lên như những con người và con Thiên Chúa... Đặc sủng La San là hiến mình cho Thiên Chúa, cùng đồng hành và liên kết với nhau, chu toàn thừa tác vụ tông đồ giáo dục... Sứ mạng của dòng là đem lại cho giới trẻ, đặc biệt là bạn nghèo, một nền giáo dục nhân bản và Kitô...
Các sư huynh chia sẻ sứ mạng cùng nhiều thành viên: dòng Nữ La San, dòng Nữ La San Guadalupe, Hiệp hội Signum Fidei, Hiệp hội Giáo lý viên,... hình thành “Gia đình La San”. Ngày nay, các sư huynh La San đang phụ trách, giảng dạy tại 1.000 trường cho 1.000.000 học sinh ở 78 quốc gia trên thế giới. Ở vùng Đông Á và Thái Bình Dương, nhà dòng có 200 cơ sở giáo dục ở 16 nước; có 230.000 học sinh với gần 20.000 giáo viên đứng lớp, trong đó phụ nữ chiếm 56%.
Liên kết việc thăng tiến nhân bản với việc rao giảng Lời Chúa. Đó cũng lá lý do các sư huynh La San thừa sai nhiệt thành đến Việt Nam, như những ánh sao lấp lánh trong bóng đêm của vùng quê mới.
150 năm ánh sao La San trên quê hương đất Việt (1866 - 2016)
Ngày 17.07.1865, sư huynh Tổng quyền Philippe chấp nhận lời mời của chính quyền Pháp thuộc ở Nam Kỳ và cử 6 sư huynh La San thuộc tỉnh dòng Ấn Độ đón tàu từ Toulon (Pháp) đi Việt Nam. Ngày 06.01.1866 các sư huynh đến Sài Gòn, mở đầu sứ vụ dạy học cho dân bản địa, được các linh mục thừa sai Hội Truyền Giáo Paris MEP trao lại quyền điều hành trường Adran. Các sư huynh tiếp nhận trường học tại Chợ Lớn tháng 4.1866, tại Mỹ Tho tháng 3.1867, tại Vĩnh Long tháng 7.1869, mở thêm trường cho nguời Khmer ở Trà Vinh tháng 3.1868. Khi hết hợp đồng với chính quyền Pháp, các tu sĩ La San phải đóng cửa trường, đến tháng 3.1883 thì tỏa đi Hồng Kông, Malaysia, Sri Lanka, Ấn Độ...
Những năm sau đó, linh mục Le Mée, chính xứ nhà thờ Lớn Sài Gòn xin Trung ương Dòng tiếp tục cho sư huynh La San đến với người dân Việt. Tháng 11.1889, sư huynh Tổng quyền Joseph cử 9 sư huynh từ Marseille (Pháp) đi tàu qua Việt Nam và được giao quản lý trường Taberd. Năm sau, các thầy mở trường học miễn phí ở Sài Gòn và Vũng Tàu. Tháng 8.1895, một số sư huynh đến Hà Nội, điều hành trường Hội Thừa sai cạnh nhà thờ Chính tòa.
Để phát triển dòng, các tu sĩ đã mở Tập viện ở Thủ Đức năm 1895, mở thêm Chuẩn viện, Đệ tử viện... Vào ngày 01.01.1896, Tỉnh dòng Đông Dương gồm Việt Nam và Campuchia được thành lập, do sư huynh Ivarch Louis Victor làm Giám tỉnh tiên khởi. Các sư huynh mở nhiều trường ở Hà Nội (năm 1897), Thủ Đức (1898 và 1939), Vũng Tàu (1899), Tân Định (1902 và 1923), Huế (1904 và 1909), Hải Phòng (1906 và 1951), Mỹ Tho (1908), Sóc Trăng (1913), Nam Định (1924 và 1941), Phát Diệm (1932), Nha Trang (1933 và 1952), Bùi Chu (1937), Đà Lạt (1941)... Một số trường tổ chức nội trú, miễn học phí, dành cho trẻ câm điếc, người dân tộc thiểu số... Để tỏ lòng tri ân Giáo hội, nhà dòng đã đặt tên cho nhiều ngôi trường theo tên các vị Giám mục như Taberd, Adran, Puginier, Pellerin, Mossard, ... Bước chân sư huynh La San còn vượt biên giới, qua mở trường học bên Campuchia: tại Battambang từ 1906 đến 1910, ở Phnôm Pênh từ 1911.
Vào năm 1951, sư huynh Cyprien-Gẫm Trần Văn Thiên là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm là Giám tỉnh. Tỉnh dòng Đông Dương đổi tên thành Tỉnh dòng Sài Gòn, đảm nhận thêm Phụ tỉnh Thai Lan và mở 3 trường học bên ấy. Sau hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, Tất cả 8 trường La San ở miền Bắc đóng cửa, các sư huynh di chuyển vào Nam.
Tiếp tục sự nghiệp trồng nguời, tu sĩ La San đi lập trường tại Nha Trang (năm 1954), Kon Tum (1956), Buôn Ma Thuột (1959), Đà Lạt (1960 và 1972), Đồng Nai (1961), Huế (1961), Quy Nhơn (1963, 1967 và 1969), Sóc Trăng (1966), Cần Thơ (1966), ... Viện Đại học Thành Nhân được thành lập năm 1970 do Bộ Giáo dục nước Việt Nam Cộng Hòa cấp phép. Năm 1971, Phân khoa Huấn luyện Nhân bản và Tôn giáo được mở theo văn thư của Thánh bộ Giáo dục Công giáo (Vaticăn, Rôma). Trường Đại học La San được thành lập năm 1974...
Khi đất nước thống nhất vào cuối tháng 4.1975, dòng bước vào thời kỳ trầm lặng, đổi tên thành Tỉnh dòng La San Việt Nam. 27 cơ sở dạy học bị quốc hữu hóa. Các sư huynh rời trường học, tản mát nhiều nơi. Từ hơn 300 sư huynh trước năm 1975, chỉ còn lại 172 tu sĩ vào năm 1976, đến năm 1983 chỉ còn lại 93 sư huynh ở lại Việt Nam. Một số sư huynh đi khai hoang vùng kinh tế mới, một số phải về sống với gia đình.
Trong giai đoạn mới, các sư huynh vẫn tiếp tục dạy học: Mở lớp tin học (từ năm 1989), tổ chức học hè (1990), ôn tập văn hóa (1992), mở cơ sở dạy nghề Đức Minh (1992), trung tâm ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ (1993), lập lưu xá sinh viên Taberd (1994), học viện thần học Mai Thôn (1997), trường tình thương Tân Hưng (2000), cơ sở dạy nghề Tam Nông - Đồng Tháp (2003), giáo dục y tế và khám bệnh, phát thuốc miễn phí (2004), mở trường nội trú Trương Vĩnh Ký - Gia Lai (2006), dạy nghề người khuyết tật (2008), trung tâm dạy nghề Đà Lạt (2010), mở chương trình văn hóa hè ra miền Bắc (2011), xây nhà nội trú học sinh nghèo miền Trung (2014), ... Song song đó cũng có nhiều cộng đoàn được thành lập tại Đồng Nai, Buôn Ma Thuột, Huế, Nha Trang, Gia Lai, ... Nhà dòng trở lại đất nước Campuchia, mở nhà ở Phnôm Pênh năm 2005 và lập cộng đoàn Đức Tin, xây trường ở Kandal...
Đầu tháng 8.2016, sư huynh Robert Schieler - vị Tổng quyền thứ 27 của Trung ương Dòng La San - đã viếng thăm mục vụ Tỉnh dòng Việt Nam và nhận định: Tỉnh dòng đã gắn bó với Giáo hội địa phương trong việc Loan báo Tin Mừng; tiếp tục triển nở ơn gọi dù có khó khăn; có tình huynh đệ trong cộng đoàn; luôn có những sáng tạo trong sứ mạng với nhiều hình thức khi không có trường học; tổ chức nhiều hoạt động để chăm sóc người trẻ...
Hiện nay, dòng La San có khoảng 90 sư huynh trong 22 cộng đoàn tại 7 giáo phận. Hình ảnh vị tu sĩ La San rất nổi bật: mặc áo chùng đen dài, trên cổ có đeo raba trắng như hình hai trang vở mở ra. Đã có 4 hồng y và 7 giám mục và rất nhiều linh mục, tu sĩ, tín hữu của Giáo hội Công giáo Việt Nam xuất thân từ mái trường La San. Nhìn lại lịch sử 150 năm qua, dòng La San là một trong những tổ chức Công giáo đã tích cực góp phần vào sự nghiệp văn hóa giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và nếp sống văn minh cho xã hội và dân tộc.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ truyền chức linh mục thầy phó tế Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Ngọc Thuận, CS
-
Thánh lễ khai giảng lớp Thần học Liên dòng Nữ năm học 2024-2025 -
Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Đắc Lộ dâng Thánh lễ Tạ ơn Gia nhập Tập viện và Tuyên khấn lại -
Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng: 50 năm hiện diện tại Việt Nam và hồng ân vĩnh khấn -
Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả với Hồng Ân Thánh hiến -
Đan Viện Thánh Clara Thủ Đức: Thánh lễ kính trọng thể Thánh nữ Clara -
Buổi diễn nguyện kính thánh nữ Clara 11.08.2024 -
Với chủ đề: “Về Nguồn”, Hội Dòng Mến Thánh Giá khai mạc Khóa Bồi dưỡng năm 2024 -
Học viện Thánh Giuse Dòng Tên Thông báo tuyển sinh khóa Thần Học Giáo Dân -
Khai giảng khóa Thần học Hè 2024 của Liên Dòng Nữ tại Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021 -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui”