Tìm hiểu Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng
TÌM HIỂU VĂN KIỆN ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG[1]
Linh mục Indunil J. Kodithuwakku K.
Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn
3. Các lý do cho Đối thoại và Rao giảng 4. Các định nghĩa về Phúc âm hóa, đối thoại và rao giảng |
1. Nhập đề
Ngày 19 tháng 5 năm 2021 đánh dấu Kỷ niệm 30 năm Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng: Các Suy tư và Đường hướng về Đối thoại Liên tôn và Rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô[2] (từ đây viết tắt là D&P) được công bố kết hợp bởi hai cơ quan của Giáo triều Rôma là Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn (PCID) và Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc. Hội Đồng PCID đã thảo luận quy trình soạn thảo Văn kiện D&P trong hai phiên họp toàn thể (1987, 1999). Bên cạnh đó, Văn kiện D&P đã ra đời 5 tháng sau khi Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Missio – RM) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được công bố. Hơn nữa, D&P đã được công bố nhân dịp kỷ niệm 25 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate (NA) (D&P, số 1) với ý muốn tiếp nối tinh thần cởi mở và nhạy cảm của Công Đồng đối với các tôn giáo khác.
Do đó, D&P đã tham chiếu văn kiện Nostra Aetate, Tuyên ngôn của Công đồng Vaticanô II về mối tương quan của Hội Thánh với các tôn giáo khác (NA), coi NA như là hiến chương về đối thoại liên tôn – để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn cũng như việc rao giảng Tin Mừng trong sứ vụ truyền giáo. Ngoài ra, D&P cũng thường xuyên trích dẫn văn kiện “Đối Thoại và Sứ Vụ, Thái độ của Hội Thánh đối với các tín đồ của các tôn giáo khác: Các Suy tư và Đường hướng về Đối thoại và Sứ vụ”[3] (từ đây viết tắt là DM), được ban hành năm 1984 bởi Văn Phòng Vatican cho những người Ngoài Kitô giáo (nay là Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn). Lần đầu tiên DM liệt kê 5 yếu tố chính của sứ vụ, trong đó có việc đối thoại “với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác để cùng nhau tiến bước tới Sự Thật và cùng nhau hoạt động trong các dự án quan tâm chung” (DM 13). Năm yếu tố chính này là: i) hiện diện đơn sơ và làm chứng sống động về đời sống Kitô giáo; ii) phục vụ nhân loại cho sự phát triển xã hội; đời sống phụng vụ, bí tích và cầu nguyện; iv) đối thoại với các tôn giáo khác; v) rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, Văn kiện DM không đề cập gì đến mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng với sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh. Văn kiện D&P muốn lấp đầy chỗ trống này.
2. Bố cục văn kiện
Bố cục chung của văn kiện này (D&P) gồm ba phần chính:
I. Đối thoại liên tôn (14-54);
II. Rao giảng Đức Giêsu Kitô (55-76);
III. Đối thoại liên tôn và Rao giảng (77-86).
3. Các lý do cho Đối thoại và Rao giảng
D&P nhìn việc đối thoại và rao giảng gắn kết mật thiết với nhau như là một “thực tại duy nhất nhưng phức tạp” (DM 13, D&P 2). Văn kiện này nghiên cứu đặc tính của mỗi hoạt động này, rồi mối tương quan giữa hai hoạt động này với nhau. Sau đây là các lý do tại sao Văn kiện D&P nghiên cứu mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng:
i) Có sự ý thức mới về tính đa nguyên tôn giáo và vai trò quan trọng của các truyền thống tôn giáo khác nhau;
ii) Cổ vũ việc đối thoại liên tôn tại những nơi còn có sự do dự;
iii) Cung cấp sự hướng dẫn tín lý và mục vụ về sứ vụ của Hội Thánh nhằm xóa bỏ những sự ngộ nhận, chẳng hạn như: phải chăng chỉ đơn giản là đối thoại thay thế cho rao giảng hay phải chăng việc rao giảng Tin Mừng đã mất tính cấp bách và vì thế việc dẫn đưa người ta vào cộng đồng Hội Thánh đã trở thành thứ yếu hay thậm chí thừa thãi? Ngược lại, cũng có một số người không nhận ra rằng đối thoại là một trong những yếu tố chính trong việc truyền giáo của Hội Thánh (x. D&P 4);
iv) Ngày Cầu Cho Hòa Bình năm 1986 tại Assisi và sự hợp nhất cơ bản của nhân loại, trong nguồn gốc và định mệnh của nó, và vai trò của Hội Thánh như là một dấu chỉ hữu hiệu của sự hợp nhất này (x. D&P 5).
4. Các định nghĩa về Phúc âm hóa, đối thoại và rao giảng
Cả hai văn kiện Redemptoris Missio (RM) và Dialogue and Proclamation (D&P) đều nhấn mạnh rằng đối thoại và rao giảng không mâu thuẫn nhau, và Hội Thánh có nhiệm vụ cơ bản là liên kết hai việc này lại với nhau trong bối cảnh sứ vụ của Hội Thánh đối với những tín đồ của các tôn giáo khác. Hai yếu tố này phải luôn giữ được mối liên kết mật thiết, và đồng thời giữ được nét đặc trưng riêng của mỗi yếu tố (RM 55; D&P 77).
Ngay từ đầu, D&P đã định nghĩa rõ ràng những thuật ngữ nòng cốt là Phúc âm hóa, đối thoại, rao giảng, hoán cải và các truyền thống tôn giáo (D&P 8-13). Phúc âm hóa được hiểu như là sứ vụ của Hội Thánh trong tính toàn diện của nó, trong khi rao giảng có tính biệt loại hơn, đó là thông truyền sứ điệp Tin Mừng như một lời mời gọi dấn thân trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và gia nhập Hội Thánh qua Phép Rửa (D&P 10). Đối thoại có nghĩa là “tất cả các mối quan hệ liên tôn tích cực và xây dựng với các cá nhân và các cộng đồng tôn giáo khác, hướng vào việc hiểu biết và làm phong phú lẫn cho nhau, trong sự vâng phục sự thật và tôn trọng tự do (D&P 9). Rao giảng được coi là nền móng, trung tâm, và tột đỉnh của Phúc âm hóa.
5. Các nét đặc trưng nổi bật của Đối Thoại và Rao Giảng
Thông điệp của Văn kiện D&P luôn luôn hợp thời. Chúng ta vắn tắt nhắc lại ở đây những điểm nổi bật của văn kiện này:
1. Các truyền thống tôn giáo được nhìn một cách tích cực: Sự nhìn nhận này được thực hiện trong ánh sáng của Công đồng Vaticanô II. “Chúng (các truyền thống tôn giáo) phải được tôn trọng vì qua nhiều thế kỷ, chúng đã làm chứng cho những cố gắng nhằm tìm ra những câu trả lời cho những bí nhiệm sâu xa của thân phận con người” (Nostra Aeteate 1) (D&P 14). Để làm vững chắc thêm lời khẳng định tích cực này, D&P nhắc lại những lời dạy của Vaticanô II: ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô được mở ra cho mọi người thành tâm thiện ý (Gaudium et Spes 22) (D&P 14); trong những truyền thống này có sự hiện diện của “một tia sáng Sự Thật chiếu soi mọi người (NA 2)” và “các hạt giống của Lời mà Thiên Chúa đã quảng đại ban phát cho muôn dân (x. Ad Gentes 11)”. Những kho tàng phong phú này được tìm thấy không chỉ trong “các tâm trí và các cõi lòng”, nhưng cũng “trong các nghi lễ và các phong tục của các dân tộc (x. Lumen Gentium 17)” (D&P 16). “Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong thế giới từ trước khi Chúa Kitô được vinh thăng (Ad Gentes 4)” (D&P 17). Sự thiện hay sự thật trong các truyền thống tôn giáo khác được nhìn như là một sự chuẩn bị cho Tin Mừng (x. Lumen Gentium 16). “Sự nhìn nhận này thúc đẩy Hội Thánh đi vào “đối thoại và hợp tác” (NA 2; x. GS 92-93) (D&P 17).
2. Cơ sở Kinh Thánh cho đối thoại: Từ lúc khởi đầu của công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao Ước với mọi dân tộc (Sáng Thế 1-11). Điều này cho thấy rằng chỉ có một lịch sử cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại, với sự hoàn thành chung cuộc nơi Đức Giêsu Kitô (x. D&P 19). Sự cứu rỗi này vượt ra khỏi ranh giới của dân tuyển chọn để mở rộng cho mọi dân tộc (x. D&P 20). Đức Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa được mở ra cho mọi người – dân tuyển chọn cũng như các dân ngoại (x. D&P 22).
3. Cơ sở Giáo Phụ cho đối thoại: Có những tham chiếu về: học thuyết của Thánh Giustinô về những hạt giống được gieo bởi Lời Thiên Chúa giữa các dân tộc, cái nhìn của Thánh Irênê về việc Thiên Chúa tự mặc khải qua Con của Người trong suốt lịch sử, thậm chí trước cả biến cố Nhập Thể, và quan niệm của Thánh Clêmentê Alexandria về giao ước của Thiên Chúa với “triết học Hy Lạp” như là một bàn đạp để đi tới triết học theo Đức Kitô (x. D&P 24).
4. Lịch sử cứu độ: “Lịch sử trở thành lịch sử cứu độ theo nghĩa là nhờ đó Thiên Chúa dần dần tự tỏ lộ chính mình và truyền thông với loài người” (D&P 25). Tiến trình này của việc Thiên Chúa tự tỏ lộ và thông truyền cho loài người đã khởi sự với chính cuộc tạo dựng (D&P 19), “đạt tới đỉnh điểm trong sự nhập thể của Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (D&P 25).
5. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Ngày Cầu Nguyện tại Assisi: Đức Giáo Hoàng nhìn nhận một cách rõ ràng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các thành viên thuộc các truyền thống tôn giáo khác (x. Redemptor Hominis 6) và thế giới (Dominum et Vivificantem (x. 53) (D&P 26). Hơn nữa, ngài lưu ý rằng “‘mọi lời cầu nguyện đích thực đều được khơi gợi bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện một cách huyền nhiệm trong lòng mọi người,’ Kitô hữu hay không phải Kitô hữu” (D&P 27). Cho nên, một “‘mầu nhiệm của sự hợp nhất” đã được tỏ lộ rõ ràng tại Assisi, ‘bất chấp những khác biệt giữa các niềm tin tôn giáo’” (D&P 28).
6. Tính duy nhất của ơn cứu độ: Mầu nhiệm sự hợp nhất loài người dẫn tới hệ quả là mọi người nam và nữ được cứu độ đều chia sẻ cùng một mầu nhiệm cứu độ duy nhất trong Đức Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, dù bằng những cách thức khác nhau (x. D&P 29).
7. Tôn trọng nhưng có sự phân định: Các truyền thống tôn giáo khác cũng có những yếu tố ân sủng. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là mọi sự trong các tôn giáo ấy đều là kết quả của ân sủng, vì vậy phải có sự phân định cần thiết (x. D&P 30-31).
8. Đối thoại và thanh luyện: Trong tiến trình đối thoại, các Kitô hữu cũng có thể thách thức một cách ôn hòa các tín đồ của các tôn giáo khác liên quan đến nội dung niềm tin của họ. Nhưng chính các Kitô hữu cũng phải để cho mình bị chất vấn, bởi vì “mặc dù mặc khải của Thiên Chúa đã viên mãn trong Đức Giêsu Kitô, nhưng cách mà người Kitô hữu đôi khi hiểu và sống đạo của mình có thể cũng cần được thanh luyện” (x. D&P 32).
9. D&P 34-35 mô tả mối tương quan một bên là giữa Hội Thánh và Nước Thiên Chúa, và bên kia là mối tương quan với các thành viên của các tôn giáo khác, những người cũng được cứu rỗi trong Đức Giêsu Kitô.
10. Đối thoại và cứu rỗi: Cơ sở cho sự cam kết đối thoại của Hội Thánh “không chỉ thuần túy có tính nhân học nhưng chủ yếu là thần học” (D&P 38). Bởi vì nó được tìm thấy trong cuộc “đối thoại ngàn đời” qua đó Thiên Chúa đã cống hiến và tiếp tục cống hiến ơn cứu rỗi cho loài người (x. D&P 38).
11. Đối thoại sâu hơn và chân thành: “Mục tiêu của đối thoại không dừng lại ở sự hiểu biết lẫn nhau và các mối tương quan thân thiết: nó đạt tới một mức độ sâu hơn, mức độ của tinh thần, ở đó sự trao đổi và chia sẻ hệ tại việc làm chứng cho nhau về niềm tin của mình và một sự khám phá chung về những niềm xác tín tôn giáo của mình (D&P 40). Mục tiêu của đối thoại do đó là “một sự hoán cải của mọi người để trở về với Thiên Chúa” (x. D&P 41). Ngoài ra, “Đối thoại chân thành bao gồm việc chấp nhận những sự khác biệt, thậm chí những mâu thuẫn của nhau, cũng như tôn trọng quyết định tự do của những người chọn theo tiếng nói lương tâm của họ” (x. Dignitatis Humanae 2) (x. D&P 41).
12. Bốn hình thức đối thoại: Đối thoại của đời sống, hành động, trải nghiệm thần học và trải nghiệm tôn giáo có liên hệ mật thiết với nhau. Đối thoại này quan trọng cho sự phát triển toàn diện (x. D&P 41).
13. Đối thoại đòi hỏi một thái độ quân bình từ phía các đối tác: cởi mở và tiếp thu, không vụ lợi, không thiên vị, và chấp nhận những khác biệt và mâu thuẫn của nhau. Đối thoại cũng cần “Ý chí cùng nhau tham gia dấn thân cho sự thật và sẵn sàng để cho mình được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ” (x. D&P 47).
14. Đối thoại chân thành và niềm xác tín tôn giáo: “Sự chân thành và đối thoại liên tôn đòi hỏi mỗi bên đi vào đối thoại với đức tin toàn vẹn của chính mình” (D&P 48). Các Kitô hữu, trong khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô, đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, và là sự mặc khải viên mãn, cũng phải nhớ rằng Thiên Chúa đã tự tỏ lộ một cách nào đó cho các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác (x. D&P 48). Hơn nữa, xét theo mỗi cá nhân, các Kitô hữu không có được sự bảo đảm rằng “họ đã hoàn toàn nắm được chân lý” và “suy cho cùng, chân lý không phải là một sự vật chúng ta sở hữu, nhưng là một con người mà chúng ta phải để cho mình được người ấy chiếm hữu” (D&P 49). Vì thế, “các Kitô hữu phải được chuẩn bị để học hỏi và đón nhận từ những người khác và qua những người khác các giá trị tích cực của các tôn giáo của họ” (D&P 49).
15. Mở ra cho chân lý và trưởng thành đức tin: Sự đối thoại này sẽ giúp người Kitô hữu “khám phá ra với sự ngưỡng mộ tất cả những gì mà hành động của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu và trong Thánh Thần của Người đã thực hiện và tiếp tục thực hiện trong thế giới và trong toàn thể nhân loại” và “sự hiện diện chủ động của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô vượt quá Hội Thánh” (x. D&P 50).
16. Các cản trở cho đối thoại: Các cản trở xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về bản chất và mục tiêu thực sự của đối thoại liên tôn. Vì vậy bản chất và mục tiêu này cần phải được thường xuyên giải thích (D&P 53).
17. Đối thoại liên tôn và rao giảng liên hệ mật thiết với nhau nhưng không thể hoán đổi cho nhau. Cả đối thoại và rao giảng đều là những yếu tố đích thực của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh. Vì vậy, cả hai đều là chính đáng và cần thiết (D&P 77).
18. Một hành trình huynh đệ: “các thành viên của Hội Thánh và các tín đồ của các tôn giáo khác thấy mình là những bạn đồng hành của nhau trên con đường chung mà nhân loại được mời gọi bước đi trên đó” (D&P 79).
19. Đối thoại liên tôn và đối thoại trong nội bộ tôn giáo: Nhờ đối thoại liên tôn, Hội Thánh khích lệ việc đối thoại, “cả giữa chính các truyền thống tôn giáo khác nhau này” (D&P 80).
6. Đọc Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng ba mươi năm sau
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, các tôn giáo vượt qua nhiều ranh giới và các cuộc gặp gỡ liên tôn và trong nội bộ các tôn giáo tiếp tục tạo nên những kết quả hỗn hợp. Tôn giáo ngày càng được chú ý nhiều hơn, mặc dù đôi khi theo những cách đối chọi nhau. Vì vậy, các xu hướng tương đối hóa, cực đoan hóa, chính trị hóa và phân cực hóa các tôn giáo cũng như việc đối thoại và hợp tác liên tôn đang là những hiện tượng xã hội hôm nay. Đại dịch Covid-19, cùng với biến đổi khí hậu, nạn đói, chiến tranh và xung đột trên thế giới, tình trạng di cư và tị nạn trên thế giới, v.v…, tiếp tục gây nên những đau khổ rộng khắp cho mọi người, đặc biệt những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Khoa thông diễn đặc thù mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã áp dụng cho toàn bộ giáo huấn của ngài là: “chúng ta phải đi đến các vùng ngoại biên, đó là điều Thiên Chúa đang làm.” Vì thế, Đức Giáo Hoàng chỉ rõ ra một bản đồ hành trình cho một “tình liên đới giải phóng” với mọi người. Ngài nêu bật ra rằng sự đau khổ của loài người, đặc biệt tiếng kêu gào của người nghèo, tiếng kêu gào của trái đất, cung cấp cho các tín đồ của các tôn giáo khác nhau và cho tất cả những người thành tâm thiện chí một diễn đàn để hợp tác cho lợi ích chung. “Ước mong các tôn giáo là những lòng mẹ của sự sống, mang tình thương xót của Thiên Chúa cho một nhân loại bị tổn thương và túng quẫn; ước mong các tôn giáo là những cánh cửa hy vọng giúp chọc thủng những bức tường được dựng lên bởi tính kiêu ngạo và sự sợ hãi” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi tiếp kiến liên tôn, 3-11-2016).
Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh thêm, “Đây là hệ hình nhân loại mà việc đi theo Chúa Giêsu của chúng ta phải dựa vào, bởi vì “đề nghị mà Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta là một đề nghị cụ thể, không phải một khái niệm. Nó cụ thể, “Anh hãy đi và làm giống như thế”, Ngài nói với người hỏi Ngài “ai là người thân cận của tôi?” (Ecuador, 7-7-2015). Cho nên sự cứu rỗi diễn ra trong lịch sử. Mô hình xã hội thay thế của ĐGH Phanxicô dựa trên khoa cứu chuộc học của lòng thương xót, “cách mạng của sự dịu hiền” diễn ra nhờ đối thoại xã hội-chính trị liên văn hóa cũng như nhờ đối thoại liên tôn và đại kết. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng “đối thoại của lòng thương xót” dọn đường cho “đối thoại hành động” và “đối thoại hành động” dẫn đến “đối thoại của hy vọng”.
Tuyên ngôn Abu Dhabi và Thông điệp “Fratelli tutti” (FT) tìm cách vun trồng một “văn hóa gặp gỡ” thay vì một “văn hóa xung đột”; một “văn hóa bao gồm” thay vì “văn hóa loại trừ”; một “văn hóa tôn trọng và chăm sóc” thay vì một “văn hóa kỳ thị và khinh miệt.” Về phương diện này, Hội Thánh có sứ mạng “đánh thức năng lượng thiêng liêng” (FT 276) của các Kitô hữu và của những người khác qua đối thoại để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng “Thái độ này hoàn toàn không có nghĩa là dẹp bỏ hay che giấu các xác tín thâm sâu nhất của chúng ta” (FT 282). Trái lại, đối thoại tuôn chảy từ căn tính của chính chúng ta.
Ngoài những thách thức trực tiếp và nóng bỏng đang hiện hữu, ngày nay cũng có một nhu cầu nghiên cứu thần học phê bình về Phong Trào Tôn Giáo Mới, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và vấn đề thuộc về hai/nhiều tôn giáo. Cũng cần có thêm những nghiên cứu về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, tự do tôn giáo, giáo dục việc đối thoại, vai trò của giáo dân và giới trẻ trong đối thoại, truyền giáo, rao giảng và hoán cải, v.v…
Sau cùng, Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng vẫn còn là một nguồn tài liệu vô giá, tuyệt vời và cơ bản cho mọi người quan tâm tới các vấn đề trong thần học truyền giáo và đối thoại liên tôn.
Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)
WHĐ (22.10.2023)
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565