Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 21. Phép Rửa của Chúa Giêsu - Phép Rửa của chúng ta

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 21. Phép Rửa của Chúa Giêsu - Phép Rửa của chúng ta

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 21. PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU – PHÉP RỬA CỦA CHÚNG TA

Bí tích Rửa Tội là cổng dẫn vào toàn bộ đời sống Kitô hữu, là nền tảng của mọi bí tích khác, cũng là “nền tảng sự hiệp thông giữa các Kitô hữu” (GLHTCG số 1213, 1271). Nhưng tại sao lại cần đến nghi thức này để trở thành Kitô hữu? Tin vào Đức Kitô và phó thác bản thân cho Người và Lời của Người, phải chăng chưa đủ sao? Việc cử hành nghi thức rửa tội – với nước, dầu, nến – lại chẳng mang nét “ma thuật”, tàn dư từ thuở hồng hoang sao? Vậy nghi thức này có ý nghĩa gì?

Trong tiếng Hi Lạp, từ baptizein mà chúng ta dịch là Rửa Tội có nghĩa là “dìm xuống”. Hãy bắt đầu từ những kinh nghiệm sống của con người. Nước là một trong những yếu tố uyên nguyên của tạo thành. Không có nước thì không có sự sống. Bất cứ ai có chút kinh nghiệm về sa mạc hoặc thời kỳ khô hạn đều hiểu được nước quý giá như thế nào. Nước không những ban tặng sự sống mà còn tẩy sạch. Đồng thời vì con người là “tinh thần nhập thể”, hai yếu tố xác-hồn liên kết với nhau, cho nên sự tẩy rửa thân xác cũng có nghĩa là thanh tẩy tâm hồn. Ngoài ra, trong những cơn lũ lụt, nước lại là vũ khí chết người, nước có thể nhận chìm tất cả và hủy hoại sự sống trong dòng thác lũ (số 1217-1220).

Cả ba ý nghĩa nói trên đều hiện diện trong bí tích Rửa Tội: (1) dòng thác hủy diệt: Phép Rửa là sự tham dự vào sự chết và chôn táng của Chúa Giêsu (Rôma 6,3-4); (2) tẩy rửa: Phép Rửa tái sinh (số 1215); (3) sự sống: Phép Rửa như là sự phục sinh với Đức Kitô trong đời sống mới (số 1214).

Nghi thức làm phép Rửa từ đâu mà có? Ngay từ những ngày đầu, các môn đệ của Chúa đã làm phép Rửa cho những ai đón nhận Lời được loan báo, cụ thể là ba ngàn người trở lại vào dịp lễ Ngũ Tuần (Cv 2,41). Phép Rửa được coi như cổng dẫn vào đời sống Kitô hữu, và điều ấy chưa bao giờ bị đặt thành nghi vấn, ngoại trừ do một vài nhóm nhỏ ngoài lề. Lời giải thích tỏ tường nhất cho việc cử hành phép Rửa là chính mệnh lệnh của Chúa Giêsu trao cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19-20).

Chính Chúa Giêsu đã chịu phép Rửa tại sông Giođan. Điều gì đã thúc đẩy Chúa Giêsu nhận phép Rửa từ tay Gioan (Mt 3,13)? Thánh Gioan đã ngần ngại khi làm phép Rửa cho Đấng đến giữa đám đông những người thu thuế, lính tráng, gái điếm, làm như thể chính Người cũng là một tội nhân đang sám hối (số 535). Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói với Gioan rằng cứ làm như thế để “làm trọn đức công chính” (Mt, 3,15). Bắt đầu thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã xác định rõ vị trí của Người: ở giữa những kẻ tội lỗi. Chính vì những tội nhân mà Người chịu phép Rửa sám hối, và phép Rửa ấy báo trước một “phép Rửa khác” mà Người phải chịu, đó là trao hiến mạng sống làm “giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,45) và để “tha thứ tội lỗi” (Mt 26,28).

Như thế, nghi thức phép Rửa của chúng ta đã bắt nguồn từ phép Rửa của Chúa Giêsu. Quyền năng và hiệu quả mầu nhiệm của phép Rửa bắt nguồn từ Thập Giá Đức Kitô: chúng ta được “rửa tội” trong sự chết của Chúa để sự sống của Chúa khơi nguồn nơi chúng ta (số 1225, 1227).


ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top