Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 18. Hiệp nhất và đa dạng trong Phụng vụ

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 18. Hiệp nhất và đa dạng trong Phụng vụ

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 18. HIỆP NHẤT VÀ ĐA DẠNG TRONG PHỤNG VỤ

Những bài tìm hiểu trên đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về Phụng vụ. Trong những bài kế tiếp, người đọc sẽ tìm hiểu từng bí tích một. Tuy nhiên, trước khi đi vào phần này, cần nói đến một vấn đề được sách Giáo Lý đề cập đến: ý nghĩa của sự đa dạng trong những nghi lễ phụng vụ.

Trong Hội Thánh Công giáo ngày nay, những truyền thống phụng vụ quan trọng nhất là: phổ biến nhất là nghi lễ Rôma, tức là của Hội Thánh công giáo Rôma; kế đến là nghi lễ Byzantinô, được cử hành không những trong Giáo hội Chính thống mà còn trong “Hội Thánh Công Giáo Hi Lạp”, nghĩa là những Giáo hội cử hành nghi lễ Byzantinô nhưng hoàn toàn hiệp thông với Rôma; cuối cùng, có những nhóm nhỏ hơn theo các nghi lễ Copticô, Syriacô, Armêniô, Marônita và Chalđêô (GLHTCG số 1203).

Sự đa dạng trong những truyền thống phụng vụ này được Công đồng minh nhiên nhìn nhận, coi tất cả đều “bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau”. Hơn nữa, Công đồng còn mong muốn “các nghi lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách” (số 1203).

Về mặt lịch sử, sự đa dạng này phát triển do nỗ lực “hội nhập văn hóa” của Hội Thánh vào các dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau trên thế giới. Nỗ lực này đã bắt đầu ngay từ thời đầu tiên của Hội Thánh. Tin Mừng đi đến đâu, Hội Thánh được thiết lập ở đâu, thì ở đó xuất hiện mối quan hệ hỗ tương giữa Tin Mừng và văn hóa, giữa Hội Thánh truyền giáo và các tân tòng. Những nghi lễ phụng vụ khác nhau là hoa trái của nỗ lực hội nhập văn hóa nói trên. Đó là những cách diễn tả đặc trưng của mỗi nền văn hóa về mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô (số 1202).

Nếu bạn tình cờ tham dự việc cử hành Thánh Thể theo nghi lễ Byzantinô, bạn sẽ thấy nghi lễ ấy được xây dựng trên cùng một cấu trúc nền tảng như Thánh Lễ trong nghi lễ Rôma, tuy nhiên có những cách diễn tả khác. Trong cả hai nghi lễ Byzantinô và Rôma, chỉ có một mầu nhiệm duy nhất được cử hành. Sự đa dạng này làm cho Hội Thánh thêm phong phú bao lâu còn duy trì được sự hiệp nhất trong đức tin (số 1201).

Trên khắp thế giới ngày nay, người ta tranh luận về việc Phụng vụ và Hội Thánh cần phải hội nhập vào những nền văn hóa mới, ở đó Hội Thánh đang hiện diện và hoạt động. Tại châu Phi và châu Á, đây là những vấn đề nổi cộm. Ngay cả ở phương Tây, nhiều người cũng yêu cầu Phụng vụ phải thích nghi với những thay đổi về văn hóa.

Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi người, mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Trong Thánh vịnh 2, được Hội Thánh áp dụng cho Đức Kitô, Thiên Chúa nói với Đấng Mêsia: “Ta sẽ làm cho muôn dân nước thành sản nghiệp của con, toàn cõi đất làm phần lãnh địa của con”. Bất cứ nơi đâu, khi một nền văn hóa gặp gỡ Tin Mừng, thì giống như một cuộc “trở về nhà”, trở về với Đấng đang đợi chờ nền văn hóa ấy trong chiều sâu thẳm của nó, tức là trở về với Đức Kitô. Đương nhiên điều này không thể xảy ra nếu không có sự “hoán cải” của văn hóa, nghĩa là nó cần được thanh tẩy khỏi những ngẫu tượng. Phụng vụ là nơi mà những gì tốt đẹp nhất trong nền văn hóa của các dân tộc tìm được nẻo đường đến với Đức Kitô.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top