Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 38. Ai có thể tha tội?

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 38. Ai có thể tha tội?

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 38. AI CÓ THỂ THA TỘI?

“Ai có quyền tha tội trừ một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7). Câu hỏi này của các kinh sư dẫn đến tâm điểm của tội lỗi, đó là sự khước từ Thiên Chúa. Và vì thế chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ (GLHTCG số 1441).

Ngày nay kinh nghiệm chỉ cho thấy việc nhìn nhận tội lỗi (đúng như nó là) không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta nhìn nhận lỗi lầm khuyết điểm của mình, ân hận về những sai sót của mình và ân hận vì đã làm tổn thương người khác. Thế nhưng việc này có liên quan gì đến Thiên Chúa? Đúng là chúng ta cần phải giao hòa, phải tha thứ cho nhau. Tuy nhiên thật là khó khi nói rằng chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa! Nhìn nhận chiều kích xã hội của tội lỗi còn dễ hơn là nhìn nhận rằng mình đã phạm tội với Chúa. Thế nhưng tác giả Thánh Vịnh lại cầu nguyện: “Con đã phạm tội chống lại Chúa, duy một mình Chúa” (Tv 51).

Ngay từ đầu sách Tin Mừng đã xuất hiện lời kêu gọi sám hối và hoán cải ((Mc 1,15). Hoán cải bao gồm hai điều không thể tách rời nhau: mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và thái độ của chúng ta với tha nhân. Đời sống mới theo Tin Mừng được tóm tắt trong lệnh truyền có hai mặt là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Tuy nhiên chúng ta phải thấy thứ tự rõ ràng: phải yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” (Mc 12,30), và phải yêu mến tha nhân “như chính mình” (Mc 12,31).

Cũng thế, tội lỗi bao hàm hai mặt: khước từ tình yêu Thiên Chúa và làm tổn thương tình yêu tha nhân. Và chúng ta chỉ thật sự ý thức về tội lỗi khi gặp gỡ tình yêu của Chúa. Đó là lý do tại sao các thánh là những người có ý thức sâu sắc về tội lỗi: càng được tình yêu Chúa chiếm hữu, các ngài càng cảm thấy đau đớn vì đã xúc phạm đến tình yêu ấy.

Chúng ta không thể “xúc phạm” đến Thiên Chúa theo kiểu chúng ta chửi bới nhau. Nhưng lòng sám hối có thể dẫn chúng ta đến chỗ khám phá ra rằng mình đã đáp lại tình yêu Chúa quá ít, đã chưa yêu mến Chúa “hết lòng”. Và nỗi buồn phiền này cũng có thể xuất hiện khi chúng ta nhận ra mình đã thiếu yêu thương đối với tha nhân là những người được Chúa yêu thương. Theo ý nghĩa đó, tội lỗi luôn luôn liên hệ đến Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài có thể tha thứ.

Sứ vụ đặc biệt của Chúa Giêsu là đem đến cho nhân loại ơn tha thứ tội lỗi. Chính tên gọi của Người có nghĩa là “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội” (Mt 1,21). Vào cuối cuộc đời trần thế, Người nói: “Đây là Máu Thầy…đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28). Vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nên Người có thể nói về chính mình: “Con Người có quyền tha tội” (Mt 9,6). Người còn làm điều lớn lao hơn, đó là trao cho các môn đệ của Người quyền năng vốn thuộc về một mình Thiên Chúa, để nhân danh Người, họ thi hành “thừa tác vụ giao hòa” (2Cor 5,18) và tha thứ tội lỗi (x. Ga 20,21-23).

Đây là một trong những điều vĩ đại và đẹp đẽ nhất mà con người có thể làm nhân danh Chúa Giêsu: công bố cách hiệu quả lời chữa lành của Thiên Chúa: “Cha tha tội cho con”.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top