Tìm hiểu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (1): Danh hiệu - Giáo lý - Tôn chỉ
Tìm hiểu Tôn giáo Bạn - Hiểu biết niềm tin và lối sống của tín đồ thuộc tôn giáo khác là một nhu cầu tương giao để có thể tôn trọng nhau và sống chan hòa với nhau, từ trong gia đình đến trường học hay công sở. Trong ý hướng đó, Ban MVĐTLT xin giới thiệu đôi nét về Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ (trích từ Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, 2007), một tôn giáo khai sinh tại Việt Nam từ năm 1926 và hiện có 2,5 triệu tín đồ.
* * *
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Đạo Cao Đài, là một tôn giáo được sáng lập vào năm Bính Dần (1926) tại nước Việt Nam, chọn Tây Ninh làm Thánh địa.
Đạo Cao Đài lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu cho nền hòa bình và công bằng xã hội nhằm mục đích phục vụ dân tộc, tổ quốc, nhân loại và chúng sanh.
Giáo lý Cao Đài tổng hợp có sáng tạo tinh hoa của giáo lý Tam giáo (Nho, Lão, Thích) và Ngũ Chi (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo), trên cơ sở đó đã xây dựng Pháp Chánh Truyền - Tân Luật là giới luật và các qui định căn bản về phẩm tước, chức năng nhiệm vụ, đạo phục của chức sắc, chức việc, tín đồ; kèm với luật công cử Chức sắc, cùng kinh lễ dùng trong nghi lễ tôn giáo.
Tôn giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh) có tổ chức Hội Thánh duy nhứt lãnh đạo tinh thần, chăm lo sự nghiệp tu hành cho Chức sắc, Chức việc, tín đồ Cao Đài Tòa Tây Ninh và chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà nước và mối quan hệ với các pháp nhân.
DANH HIỆU - HUY HIỆU - ĐẠO KỲ - TRỤ SỞ
Điều 1: Danh hiệu : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh), gọi tắt là : Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Điều 2: Huy hiệu của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là hình 03 Cổ pháp :
- Bình Bát vu (biểu tượng Thích giáo),
- Cây Phất chủ (biểu tượng Lão giáo),
- Quyển Xuân Thu (biểu tượng Nho giáo).
Điều 3: Đạo kỳ của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là cờ Tam Thanh có 03 màu vàng, xanh và đỏ.
- Màu vàng biểu hiện Thái Thanh, tượng trưng Phật giáo.
- Màu xanh da trời biểu hiện Thượng Thanh, tượng trưng Tiên giáo.
- Màu đỏ biểu hiện Ngọc Thanh, tượng trưng Thánh giáo.
Điều 4: Trụ sở trung ương của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Điều 5: Cách thờ cúng
- Thờ Đức Thượng Đế
- Tại Đền Thánh : hình Thiên Nhãn giữa quả cầu Càn Khôn.
- Tại các Thánh Thất : hình Thiên Nhãn
- Tại tư gia : hình Thiên Nhãn hoặc Thánh Tượng Ngũ Chi.
- Thờ Đức Phật Mẫu
- Linh vị "Diêu Trì Kim Mẫu" bằng chữ Nho (tại cơ sở thờ tự)
- Cúng lễ phẩm Thiêng Liêng gồm:
+ Bông (chỉ về Tinh)
+ Rượu (chỉ về Khí)
+ Trà (chỉ về Thần)
GIÁO LÝ - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH - ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐẠO - THÀNH PHẦN
Điều 6: Giáo lý của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là tổng hợp có sáng tạo tinh hoa của giáo lý Tam giáo (Nho Giáo - Lão Giáo - Thích Giáo) và Ngũ Chi (Nhơn Đạo, Thần Đao, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo).
Điều 7: Tôn chỉ mục đích là cầu xin cứu rỗi các chơn linh khỏi sa đọa trong đam mê trần tục, cầu xin mang lại hòa bình cho nhơn loại, hòa hợp hạnh phúc cho dân tộc, giáo hóa nhơn sanh vun bồi phát huy tính thiện và sự thương yêu chơn thật, tôn trọng sự công bằng, để loài người nơi trần thế được sống trong cảnh thái bình an lạc và tình huynh đệ tương thân, tương ái đại đồng.
Điều 8: Tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đoàn kết hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng giữa các tôn giáo.
Điều 9: Thành phần của Tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh gồm : Chức sắc, Chức việc, Tín đồ.
a/ Tín đồ: là những người nam hay nữ, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giai cấp, nghề nghiệp, từ 18 tuổi trở lên, đã tự nguyện thọ lễ Nhập môn, đều được nhìn nhận là tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh), được cấp Sớ Cầu Đạo để sử dụng trong phạm vi tôn giáo và được thọ phép giải oan.
• Đối với nam nữ thanh niên là tín đồ, đủ tuổi kết hôn và kết hôn lần đầu, được thọ phép Hôn phối.
• Trẻ em (đồng ấu) của tín đồ được thọ phép Tắm thánh.
• Tín đồ giữ tròn đạo pháp khi qui vị (từ trần) được thọ phép độ thăng.
b/ Chức việc: Thông Sự, Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự, nam hay nữ là những tín đồ tiêu biểu, tự nguyện tham gia vào đạo sự tại cơ sở, được đồng đạo nơi địa phương đó tín nhiệm công cử lên.
c/ Chức sắc: là những Chức việc hoặc tín đồ có công nghiệp với đạo pháp theo qui định, hoặc tốt nghiệp nơi trường đào tạo Chức sắc do Hội Thánh tổ chức, được cầu phong, cầu thăng theo luật công cử, từ phẩm Lễ Sanh và phẩm tương đương đến phẩm cao nhất.
Điều 10: Thành viên của Tôn giáo có nhiệm vụ :
- Tín đồ được đề cử, ứng cử để bầu vào hàng Chức Việc.
- Việc cầu phong, cầu thăng vào các cấp phẩm Chức Sắc phải hội đủ điều kiện theo quy định của điều lệ Cầu Phong, Cầu Thăng.
(Hiệp Thiên Đài được thực hiện theo Hiến Pháp Chức Sắc Hiệp Thiên Đài ngày 26/12/1966).
- Nếu được cử làm đại biểu tham dự các kỳ hội nghị, đại hội thì có quyền thảo luận và biểu quyết các công việc của Đạo do Hội Thánh quy định.
- Có nhiệm vụ chấp hành Hiến Chương, Nội quy và các Quyết nghị của Hội Thánh, tự nguyện hiến cúng vào các sinh hoạt của Hội Thánh.
- Có lối sống lành mạnh, tốt đời, đẹp đạo vì mục tiêu Nước Vinh - Đạo Sáng
HỆ THỐNG - TỔ CHỨC HÀNH ĐẠO - NHÂN SỰ
Điều 11: Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh) gồm tất cả Chức Sắc nam, nữ từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên của hai Đài hữu hình là Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, là Hội Thánh duy nhứt, hành đạo theo Pháp Chánh Truyền – Tân Luật trong niềm tin tuyệt đối nơi thiêng liêng vô vi là Bát Quái Đài, để xây dựng Thánh thể hữu hình của Đức Chí Tôn từ đời này qua đời khác.
Điều 12:
- Cửu Trùng Đài: có nhiệm vụ phổ thông chơn đạo, giáo hóa và phổ độ nhơn sanh trên đường Đạo và đường Đời. Cửu Trùng Đài là chơn thể của Đạo, thuộc Tinh.
- Hiệp Thiên Đài: có nhiệm vụ bảo thủ giáo pháp chơn truyền của Đạo. Hiệp Thiên Đài là chơn thần của Đạo, thuộc Khí.
- Bát Quái Đài: là ngôi thờ Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và các Đấng Giáo chủ Tam giáo, cùng các Đấng Thiêng liêng trong Ngũ Chi Đại Đạo. Bát Quái Đài là linh hồn của Đạo, thuộc Thần.
Điều 13: Chức sắc Hiệp Thiên Đài do cơ bút Thiên phong từ buổi khai đạo gồm 15 vị:
- 1 phẩm Hộ Pháp: Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, chủ Chi Pháp.
- 1 vị Thượng Phẩm: chủ Chi Đạo.
- 1 vị Thượng Sanh: chủ Chi Thế.
- 12 vị Thời Quân thuộc ba Chi: Pháp, Đạo, Thế, đặt dưới quyền hành sự của Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh.
- Chi Pháp có 4 vị: Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp và Bảo Pháp.
- Chi Đạo có 4 vị: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo và Bảo Đạo.
- Chi Thế có 4 vị: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế và Bảo Thế.
- Các Chức sắc cấp dưới Thập nhị Thời Quân đổ xuống gồm các phẩm: Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, Chưởng Ấn, Cải Trạng, Giám Đạo, Thừa Sử, Truyền Trạng, Sĩ Tải, Luật Sự. (Luật Sự được đào tạo do khoa mục).
- Chức Sắc Hiệp Thiên Đài còn có Thập Nhị Bảo Quân, Hộ Đàn Pháp Quân, Hữu Phan Quân, Tả Phan Quân.
Điều 14: Chức sắc Cửu Trùng Đài gồm:
a/ Nam phái :
- 1 phẩm Giáo Tông là Anh Cả, lãnh đạo tối cao của nền Đại Đạo.
- 3 vị Chưởng Pháp: nghiên cứu Luật pháp Đạo trước khi ban hành.
- 3 vị Đầu Sư: cầm quyền hành đạo, ban hành Luật pháp Đạo, điều định cơ phổ độ.
- 36 vị Phối Sư: có 3 vị Chánh Phối Sư làm đầu, dưới quyền 3 vị Đầu Sư, thi hành các Luật pháp Đạo do 3 vị Đầu Sư ban xuống.
- 72 vị Giáo Sư: dạy dỗ tín đồ trong đường Đạo và đường Đời.
- 3000 vị Giáo Hữu (chia đều mỗi phái 1000 vị): lãnh phổ thông chơn đạo.
- Lễ Sanh: không hạn định số, là người có hạnh kiểm tốt, được quyền đi khai đàn Thượng Tượng cho mỗi tín đồ.
b/ Nữ phái:
- Chức sắc CTĐ nữ phái chỉ từ phẩm Đầu Sư đổ xuống Lễ Sanh, không hạn định số theo từng phẩm cấp.
- Nữ phái tùng theo Nam phái mà hành đạo. Nơi nào có bổ nhiệm Chức sắc nam phái làm Chánh thì bổ nhiệm Chức sắc nữ phái làm Phó.
Chức Sắc nam, nữ được Hội Thánh bổ nhiệm hành đạo theo phương cách tại chổ hoặc luân chuyển hành đạo các nơi.
Điều 15: Tất cả Chức Sắc nam, nữ của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đều phải thọ Thiên Phong tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh Việt Nam.
(còn tiếp)
* Xem thêm:
Câu chuyện từ cuộc viếng thăm Thánh thất Sàigòn.
Gặp gỡ liên tu sĩ Công giáo - Cao Đài tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)