Thường huấn Linh mục 2011: Tông huấn Lời Chúa

Thường huấn Linh mục 2011: Tông huấn Lời Chúa

WGPSG – Vào lúc 8g30 sáng nay 2-3-2011, buổi thường huấn đầu năm 2011 của Linh mục đoàn TGP.TPHCM đã diễn ra tại Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn của Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM. ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm và gần 200 linh mục của Giáo phận đã hiện diện để lắng nghe ĐGM Giuse Võ Đức Minh và cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long trình bày về Tông huấn Lời Chúa.

Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) của ĐTC Bênêđictô XVI được chính thức công bố vào ngày 11-11-2010. Đây là Tông huấn được mọi thành phần Dân Chúa chờ mong sau khi có Thượng Hội đồng Giám mục thế giới XII về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội” năm 2008.

Sau khi được ĐGM Phêrô giới thiệu, hai vị diễn giả tiến lên khán đài, và để khởi sự, ĐGM Giuse đã trình bày những “chìa khoá” để hiểu được Tông huấn. Ngài nói:

- Tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới XII về “Lời Chúa” có 253 vị, gồm 83 vị là chuyên viên Thánh Kinh, còn lại là các mục tử. Các chuyên viên đào sâu chuyên môn, còn các mục tử lựa chọn những yếu tố Lời Chúa nào cần thiết cho Dân Chúa.

- Tông huấn không dùng công thức chuyên môn, nhưng dùng những lời lẽ rất huynh đệ. Không truyền đi những mệnh lệnh, nhưng chỉ trao gửi những lời khuyên ân cần.

Theo Đức cha Giuse, Tông huấn đã trình bày về: Tiếng của Lời, Khuôn mặt của Lời, Ngôi nhà của Lời và Nẻo đi của Lời.

- Tiếng của Lời: là sứ điệp của các ngôn sứ (tiên tri).

- Khuôn mặt của Lời: là chính Đức Giêsu Kitô. Khi công bố Lời Chúa và giảng lễ, các linh mục phải thấy Đức Giêsu ở trước mặt mình, phải diễn tả Đức Giêsu và trình bày được khuôn mặt của Đức Giêsu cho cộng đoàn.

- Căn nhà của Lời: là Giáo Hội. Trong nghi thức tấn phong Giám mục, vị thụ phong được đặt Sách Thánh trên đầu: Lời Chúa chính là mái nhà của Giám mục. Giám mục ở trong Lời Chúa như bào thai ở trong lòng mẹ. Linh mục phải sống và bơi lội trong Lời Chúa. Sinh hoạt Lời Chúa của Giáo Hội thể hiện trong việc loan báo Tin Mừng, trong Thánh lễ, kinh nguyện và sự hiệp thông.

- Nẻo đi của Lời: là truyền giáo. Lời được loan báo không mang tính khoa bảng trường lớp, nhưng gần gũi thân tình như lời nói của tình bạn.

Cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long nối tiếp phần diễn giảng của Đức cha Giuse. Cha triển khai số 73 của Tông huấn: “phải linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh” để làm cho công việc mục vụ thực sự “có hồn”. Kinh Thánh là nhựa sống. Không Kinh Thánh, việc mục vụ sẽ chết, và Giáo Hội cũng chết.

Cha Phanxicô nhắc lại năm bước của Lectio Divina:
- Bước 1: Lectio, đọc nhẩn nha từng câu như đọc thư tình.
- Bước 2: Meditatio, nhai đi nhai lại để thấm dần và cảm nhận nỗi sung sướng.
- Bước 3: Oratio, dâng lên những tâm tình trìu mến thiết tha.
- Bước 4: Contemplatio, hạnh phúc sững sờ, lời nói bất lực, nên ngây ngất chiêm ngắm.
- Bước 5: Actio, cảm thấy cần làm một điều gì đó để đáp trả.
Cần phải cảm nghiệm Lời Chúa như thế để có thể linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh.

Cha Phanxicô chia sẻ thêm kinh nghiệm giảng Lời Chúa: soạn bài giảng với người nghe và hỏi ý kiến người nghe sau khi giảng. Ngài đề nghị nên có khoảng 5 phút đọc Phụng vụ Giờ Kinh trong các buổi gặp gỡ, hội họp.

Sau phần diễn giảng của hai diễn giả, các linh mục giải lao 20 phút rồi trở về Hội Trường để đi vào phần trao đổi ý kiến.

Khởi đầu, ĐGM Phêrô có 3 câu hỏi:
- Có nên thay cụm từ “tư thế” bằng “tâm thế” chăng?
- Thực hiện cuốn “cẩm nang giảng lễ” như thế nào?
- Cổ động việc “thuộc lòng một số đoạn Kinh Thánh” ra sao?

Hai vị diễn giả lần lượt trả lời:
- Có thể dùng cụm từ “tư thế”, hay “tâm thế”, hoặc cụm từ nào thích hợp.
- Có thể soạn “cẩm nang giảng lễ” riêng cho Việt Nam song song với cẩm nang toàn cầu.
- Ý kiến “thuộc lòng một số đoạn Kinh Thánh” là của một nghị phụ Hàn Quốc. Nên làm như thế để ghi khắc khuôn mặt Giêsu vào lòng.

Sau đó là phát biểu của một số linh mục:
- Cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng, giáo xứ Bình Đông, chia sẻ về việc tổ chức học thuộc Lời Chúa cho thiếu nhi.
- Cha Phêrô Nguyễn Quang Toàn, giáo xứ Môi Khôi, có một số câu hỏi về lộc Xuân, giảng ngắn dài, giảng bằng đời sống và nguy cơ Internet...
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền diễn tả việc dạy giáo lý không mang tính trường lớp, nhưng là những cuộc gặp gỡ Giêsu. Cha đề nghị “cẩm nang giảng lễ” nên trình bày thêm bối cảnh thời Chúa Giêsu của các đoạn Tin Mừng…

Cuối cùng ĐHY ban huấn từ:
- Lời Chúa giúp ta đi trên đường Chúa đã đi. Việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi rất hữu ích cho việc này.
- Lời Chúa cần được hội nhập trong không gian và thời gian.
- Lời Chúa giúp ta biến đổi những thách đố thành cơ hội thanh tẩy và tăng trưởng.

Buổi thường huấn đã kết thúc sau bữa cơm trưa thân mật tại sảnh đường của Hội trường.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top