Thực hành trải nghiệm giúp người trẻ có đức tin sâu hơn

Thực hành trải nghiệm giúp người trẻ có đức tin sâu hơn

Thực hành trải nghiệm giúp người trẻ có đức tin sâu hơn

TGPSG/ Catholicexchange --- Có lẽ cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Giáo hội Công giáo đang đối mặt là mất dần giới trẻ Công giáo.

Những báo cáo đáng lo ngại từ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ cho thấy ngày càng nhiều trẻ nhỏ chối bỏ Thiên Chúa và tuyên bố mình là người vô thần.

Tiến sĩ Gregory Popcak, nhà sáng lập và giám đốc Viện Giải pháp Mục vụ, cho rằng các em đã được lãnh nhận các bí tích và học giáo lý, nhưng chưa được truyền giảng Tin Mừng một cách cá nhân, để các em có thể gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ thân mật với Chúa Giêsu trong đời sống của mình. Chúng ta xem các việc thương xót là nền tảng trong cách Chúa Giêsu muốn chúng ta sống và thực hành đức tin. Chúng tôi tin rằng các bài thực hành trải nghiệm có thể giúp giới trẻ chuyển từ sự hiểu biết đơn thuần sang thực hành thường xuyên, để đức tin trở thành một phần trong căn tính Công giáo của các em.

Bài viết đề xuất một hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề bằng cách lồng ghép học tập trải nghiệm vào việc dạy về các việc thương xót.

Thánh Inhaxiô Loyola dạy rằng “tình yêu cần được biểu lộ bằng hành động hơn là lời nói” (J. Marton, Hướng dẫn dành cho người gần như mọi thứ của Dòng Tên). Ngay từ ngày lên ngôi Giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh việc sống đức tin qua thực hành các việc thương xót. Điều quan trọng là cả người lớn lẫn trẻ em phải sống trong hiện tại, nhận ra nhu cầu của người chung quanh và đáp lại bằng hành động. Một cách giúp giới trẻ hiểu lời mời gọi của Chúa Giêsu trong việc sống đức tin là tạo điều kiện cụ thể để các em không chỉ học lý thuyết, mà còn được thực hành và suy gẫm điều mình học. Hy vọng rằng qua việc thực hành, các em sẽ dần hiểu được ý nghĩa lời Chúa dạy: “Giới răn thứ hai là hãy yêu người thân cận như chính mình.”

Việc học qua thực hành không phải là điều mới mẻ. Hầu hết các lớp khoa học đều kết hợp thực nghiệm trong phòng thí nghiệm bên cạnh bài đọc và bài giảng. Các bài thực hành trải nghiệm trong việc học về các việc thương xót giúp học sinh vượt qua học vẹt, đạt đến sự thấu hiểu và hình thành lòng trắc ẩn với người thiếu thốn. Mục tiêu cuối cùng là các em có cái nhìn mới về phục vụ tha nhân, và đưa việc thực hành các việc thương xót vào đời sống hằng ngày như một phần trong căn tính Kitô hữu.

Chúng tôi tin rằng phương pháp này hỗ trợ các giáo lý viên trong việc dạy dỗ và hướng dẫn học sinh sống đời Kitô hữu. Việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa giúp trẻ nhận ra nỗi khổ của người nghèo, nhu cầu của tha nhân và cách đáp lại sẽ giúp các em phát triển lòng cảm thông bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cảm nhận và suy nghĩ như họ. Điều quan trọng nhất trong mọi hoạt động là giúp trẻ hiểu mối liên hệ giữa đức tin Công giáo, lý do chúng ta được mời gọi phục vụ, và ý nghĩa của việc đứng về phía Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Người. Như các Kitô hữu tiên khởi được nhận biết nhờ đời sống biến đổi rõ rệt, những người thật sự theo Chúa hôm nay cũng sẽ được biến đổi và lan tỏa tình yêu, niềm vui, và sự quan tâm đến tha nhân. Chúng ta muốn giúp các em sống đức tin Công giáo qua hành động, để “thực thi Lời, chứ đừng chỉ nghe mà thôi” (Gc 1,22).

Sử dụng phương pháp học tập trải nghiệm với trẻ em là cách tuyệt vời để giúp các em thấm nhuần thông điệp mà bạn muốn truyền đạt. Một trong những mục đích của các bài thực hành trải nghiệm là giúp người tham gia nhìn nhận và trải nghiệm các vấn đề, tình huống, và ý tưởng từ một góc nhìn khác với chính mình. Chúng ta gọi đây là giúp học sinh nhìn nhận sự việc qua nhiều lăng kính khác nhau. Khi đối mặt với vấn đề, ý tưởng hay cơ hội phức tạp, các chuyên gia kinh doanh thường sử dụng công cụ “nhiều lăng kính” để tìm ra giải pháp tốt hơn. Công cụ này hiệu quả nhất khi được dùng trong môi trường nhóm như lớp học.

Công cụ này dựa trên ý tưởng rằng có nhiều lăng kính khác nhau để nhìn nhận các vấn đề, ý tưởng, và tình huống. Trong kinh doanh, khách hàng có thể nhìn vấn đề theo cách này, nhà cung cấp theo cách khác, nhân viên lại theo cách khác nữa - và tất cả đều có thể khác với quan điểm của chúng ta. Trẻ em thường nhìn thế giới qua lăng kính mà các em quen thuộc nhất. Liên quan đến các việc thương xót, những người cần giúp đỡ thường nhìn nhận hoàn cảnh của mình qua một lăng kính khác với người bên ngoài. Mỗi người quan sát từ bên ngoài cũng sẽ có lăng kính riêng biệt. Việc nhìn nhận các tình huống qua nhiều lăng kính giúp ta hiểu sâu hơn và chọn được cách tiếp cận hiệu quả nhất để giải quyết. Đồng thời, nó giúp ta đồng cảm với những người nhìn cùng một hoàn cảnh qua một lăng kính khác. Điều này giúp ta “cảm nhận” điều người khác thấy qua lăng kính của họ và hỗ trợ cho việc thảo luận trở nên hiệu quả hơn.

Ví dụ, khi dạy trẻ về các việc thương xót thể xác, phương pháp nhiều lăng kính giúp các em cảm thông với người nghèo theo cách mà nếu không có phương pháp này các em khó có thể làm được. Qua việc cảm nhận nỗi đau của người cần giúp đỡ, trẻ hiểu rõ hơn nhu cầu và cảm xúc của họ, hiểu cách đáp lại tốt hơn và được khích lệ hành động để giúp đỡ. Cần nhận thức rằng chỉ tham gia một bài tập hay hoạt động thôi không đủ để gọi là học tập trải nghiệm.

Các bài tập, hoạt động phải có mục đích giảng dạy rõ ràng, liên quan trực tiếp đến nội dung được truyền đạt. Do đó, phần thảo luận sau hoạt động là quan trọng nhất vì giúp học sinh hiểu sâu hơn về tình huống và ý tưởng dưới góc nhìn khác. Mục tiêu của phần thảo luận là giúp học sinh học cách đồng cảm, chứ không chỉ đơn thuần thương cảm người khác.

Chúng ta không muốn giới trẻ nghe Chúa Giêsu nói: “Ta không biết các ngươi.” Đây là những lời kinh hoàng nhất mà ai cũng không muốn nghe khi đứng trước cửa thiên đàng. Tại sao Chúa Giêsu không biết bạn? Bởi vì, như Thánh Mát-thêu chương 25 đã rõ ràng ghi chép:

Rồi Ngài cũng sẽ nói với những người bên tay trái rằng:

‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.!

 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’

Rồi những người ấy cũng sẽ đáp lại rằng: “Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?’”

Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 

Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Vì vậy, chúng ta hãy sử dụng các bài tập trải nghiệm trong việc giảng dạy đức tin cho giới trẻ, giúp các em phát triển một sự hiểu biết đức tin thực sự sống động, để đức tin trở thành một phần của bản thân các em, và các em sống đức tin đó một cách rõ ràng, nhận diện mình là môn đệ của Đức Kitô.

Tác giả: Vic and Judy Sower

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Catholicexchange

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top