Nói chuyện với một thiếu niên khép kín, thật là một thách thức lớn!

Nói chuyện với một thiếu niên khép kín, thật là một thách thức lớn!

Nói chuyện với một thiếu niên khép kín, thật là một thách thức lớn!

TGPSG/Fr.Aleteia --- Im lặng, nhún vai, trốn sau chiếc điện thoại thông minh... Các thiếu niên không phải lúc nào cũng sẵn lòng nói chuyện với cha mẹ mình. Làm sao để giúp các em cởi mở hơn trong đối thoại?

Tất cả các bậc cha mẹ có con tuổi vị thành niên đều từng trải qua điều này! Khi nói chuyện với con mình trong độ tuổi dậy thì, họ thường nhận được câu trả lời ngắn gọn "con không biết" hay "vâng", hoặc đôi khi là sự im lặng đến nghẹt thở. Điều này có thể gây thất vọng cho các bậc cha mẹ khi nhận ra giao tiếp với con cái dường như bị đứt gãy. Nhưng cần nhớ rằng tuổi vị thành niên là giai đoạn xây dựng bản sắc cá nhân và sự độc lập. Đôi khi, sự im lặng không phải là thiếu niềm tin, mà chỉ là nhu cầu tự mình suy nghĩ về mọi chuyện. Tuy nhiên, mọi mối quan hệ đều dựa trên giao tiếp. Không phải ép buộc sự chia sẻ, mà là tạo ra một không gian để thiếu niên cảm thấy được chấp nhận và lắng nghe. Làm thế nào để thực hiện được điều đó?

1. Những chủ đề trung lập để làm tan băng giao tiếp

Không phải cuộc trò chuyện nào cũng cần phải nói về việc học, điểm số hay các vấn đề cần giải quyết. Đôi khi, dễ bắt đầu hơn bằng những chủ đề trung lập. Một bộ phim xem cùng nhau, một cuốn sách đọc hay một bài báo có thể trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc trò chuyện thân mật. Bạn có thể hỏi con vị thành niên của mình nghĩ gì về quyết định của các nhân vật hoặc nếu là mình thì sẽ hành xử thế nào trong tình huống tương tự. Ngay cả một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng về tin tức trên mạng xã hội cũng có thể là cơ hội tốt để biết được quan điểm của các em. Cách tiếp cận này giúp không tạo cảm giác rằng cuộc nói chuyện bị ép buộc. Thiếu niên bắt đầu nhận ra rằng không phải là bị thẩm vấn hay kiểm soát, mà là được quan tâm thật sự đến bản thân và những suy nghĩ của mình.

2. Nghệ thuật đặt những câu hỏi đúng

Một số câu hỏi khiến thiếu niên khép mình lại như con hàu. Chúng gần như ngay lập tức đánh dấu sự kết thúc của cuộc trò chuyện. Câu hỏi truyền thống "Hôm nay học thế nào?" luôn kết thúc bằng "tốt" và không dẫn đến cuộc đối thoại sâu sắc hơn. Tại sao không đặt câu hỏi theo cách khuyến khích một cuộc trò chuyện thực sự? Để làm được điều đó, tốt hơn nên hỏi phần khó nhất trong các tiết học hôm nay là gì hoặc điều gì đã làm em vui. Đôi khi, cũng dễ dàng hơn khi nói về trải nghiệm của người khác. Vì vậy, bạn có thể thử nói về bạn bè của mình và hỏi con bạn nói về bạn bè của em ấy. Hoặc kể về những gì đã xảy ra với bạn trong ngày. Điều quan trọng nhất là không gây áp lực và để con bạn nói chuyện theo nhịp điệu của riêng mình.

3. Trò chuyện buổi tối

Một số người thấy dễ nói về những khó khăn hay sự kiện quan trọng họ trải qua khi không phải nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Trong các bộ lạc nguyên thủy, người ta vẫn quây quần bên lửa trại vào ban đêm để kể chuyện. Vì thế, buổi tối có thể là thời điểm thuận lợi để có những cuộc trò chuyện chân thành với con vị thành niên. Hoặc thậm chí trong những chuyến đi xe ô tô! Các bậc cha mẹ chờ con về sau buổi tối cũng có thể tạo cơ hội trò chuyện bằng cách mời con uống trà hoặc ăn nhẹ, cùng chia sẻ trên chiếc ghế sofa êm ái, bắt chuyện một cách tự nhiên. Quan trọng là không biến những khoảnh khắc này thành cuộc thẩm vấn, mà để cuộc nói chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Đôi khi, chỉ cần một câu nói là trẻ đã bắt đầu tự nhiên mở lòng.

4. Mạng xã hội như một cầu nối

Nhiều phụ huynh phàn nàn về TikTok, Instagram hay YouTube, nhưng thay vì chỉ xem các nền tảng này là mối đe dọa, tốt hơn nên dùng chúng làm cớ để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Bạn có thể hỏi con mình gần đây xem gì và điều gì làm con thấy thú vị, hoặc cố gắng hiểu các xu hướng phổ biến bằng cách tự hỏi điều gì khiến chúng thu hút các bạn trẻ đến vậy.

Những cuộc trò chuyện này giúp thiết lập một sợi dây liên kết hiểu biết và thể hiện rằng người lớn không chỉ muốn phê phán mà thực sự quan tâm đến thế giới của con mình. Dù bạn không đồng ý với quan điểm của con, cũng nên lắng nghe trước rồi mới bày tỏ ý kiến của mình. 

Tác giả: Bogna Białecka - Tổng biên tập Aleteia

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Fr.Aleteia

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top