Người trẻ và việc phân định: Ơn gọi Độc thân Thánh hiến hay Ơn gọi Hôn nhân
Sinh ra sống ở trên đời, mỗi người chúng ta được đặt trước những lựa chọn. Chọn cho mình một lý tưởng sống là điều quan trọng nhất. Ai trong chúng ta cũng phải đối diện với sự chọn lựa ấy, nhất là người trẻ đang ở vào ngã ba đường, khúc quanh của cuộc đời. Tương lai đời ta tùy thuộc vào lựa chọn trong giai đoạn này. Người ta nói: Đời là một cuộc lựa chọn, chọn đúng thì hạnh phúc, chọn sai ta sẽ có điều ngược lại. Vì thế, người trẻ phải hết sức thận trọng trong quá trình lựa chọn ơn gọi của chính mình.
Nhưng làm sao biết được con đường Chúa muốn cho chúng ta đi, lập gia đình hay đi tu, địa vị chúng ta sống ? Nếu đi tu hay lập gia đình, thì đâu là những dẫu chỉ để ta biết được ? Là những câu hỏi lớn đặt ra cho giới trẻ.
Được Thiên Chúa tạo dựng trong yêu thương giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, con người được Thiên phú cho một sứ mệnh thể theo sự quan phòng của Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Đây là ơn chung cho hết thảy mọi người. Bởi vậy, trong mỗi quyết định, chúng ta hãy tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?
Thiên Chúa cất tiếng ngỏ lời với con người, và mong một ngày nào đó con người đáp trả. Đây là tiếng gọi từ muôn thuở, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao... Ngài gọi từng người, đặt vào một bậc sống nào đó và trao ban một sứ vụ. Lịch sử cứu độ minh chứng, Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Chúa phán: “Hỡi Abraham, hãy bỏ quê hương bà con thân thuộc, bỏ nhà Cha ngươi để đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân tộc” (St 12,1). Môsê, một con trẻ thuộc dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái, dù ông viện cớ: “Tôi là ai mà dám đi gặp vua Pharaon... Xin lỗi Ngài tôi không có tài ăn nói. Miệng tôi thô sơ, lưỡi tôi nặng nề” (Xh 4,10). Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David, cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua một dân tộc. Giona bị gọi bắt làm ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi. Chúa sai ông đi, nhưng ông: “lại chạy trốn sang Tarsis, xa Đức Giavê” (Gio 1,1-2). Maria, một thôn nữ được chọn gọi để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mathêu, kẻ đang ngồi bên két bạc, Chúa đi qua và nói: “Hãy theo Ta” (Mt 9,9)...
Sáng kiến những ơn gọi ấy phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa là tác nhân. Nhưng ơn gọi nền tảng vẫn là ơn gọi làm người. Trong kinh “Cám Ơn” sáng tối mỗi ngày chúng ta đọc: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con hư không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người.”
Khi thấy từ “Ơn Gọi” là chúng ta nghĩ ngay đến ơn gọi để trở thành linh mục, giám mục hay nam nữ tu sĩ trong bộ tu phục thánh thiện. Nhưng ơn gọi làm người là ơn gọi đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi. Từ hư vô con người trở thành hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa nghĩ đến ta trước khi tạo thành vũ trụ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người, cho con người sống và hiện hữu (x. GS 9).
Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách huyền nhiệm và độc đáo, không ai giống ai cả về thể xác lẫn tâm hồn, tính tình cũng như tài năng. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị của Thiên Chúa.
Mỗi chúng ta phải luôn tự hỏi: Tôi từ đâu mà có ? Tôi sống ở trên đời này để làm gì ? Đâu là ý nghĩa của sự hiện hữu đời tôi ? Nếu ta muốn biết lý do tại sao ta có mặt trên trái đất này, ta phải bắt đầu từ Thiên Chúa. Phải khẳng định rằng, ta không tự tạo nên mình, vì thế, chúng ta không thể hỏi: tôi được tạo dựng để làm gì ? Tôi muốn trở nên thế nào ? Đâu là những mục tiêu, tham vọng, kế hoạch, những ước mơ của tôi ? Qui vào mình như vậy ta sẽ không bao giờ biết được mục đích của đời ta. Phải bắt đầu từ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên ta. Ta chỉ hiện hữu vì Thiên Chúa muốn chúng ta hiện hữu. Chỉ trong Thiên Chúa ta mới khám phá ra được nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa và mục đích đời ta.
Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 12,1). Như vậy, con người không tồn tại do chính ý định của mình, quả là sâu thẳm và huyền nhiệm.
Câu truyện thời Đệ Nhị Thế Chiến của một văn hào Pháp kể cho ta về kinh nghiệm của chính ông khi bị bắt và nhốt tại trại tập trung của Đức Quốc Xã. Mọi người bị nhốt trong một căn phòng chật chội, để giết thời gian, ở trong phòng họ mới nghĩ đến cách mỗi người tưởng tượng xem mình đã có mặt trên đời này như thế nào. Có những câu chuyện được kể ra nhưng đại khái mỗi người đều kể như nhau về cuộc gặp gỡ định mệnh của cha mẹ, sau đó hai người lấy nhau và sinh ra mình. Nhưng ông tự hỏi: chẳng lẽ cuộc đời của tôi với biết bao niềm vui nỗi buồn lại bắt nguồn bởi một ánh mắt nhìn của một người con gái ? Chẳng lẽ cuộc đời đầy những thăng trầm và những biến cố của tôi lại khởi đi từ hành vi tình dục của hai người nam nữ hay sao ? Quả thực, con người không chỉ đơn thuần là vật chất nhưng là một huyền nhiệm và khởi đi từ huyền nhiệm của tình yêu giữa người với người trong ý định của Thiên Chúa. Chính trong nhãn giới đó mà con người tự nó là một huyền nhiệm và ơn gọi làm người tự nó đã là một ơn gọi cao cả. Liền sau ơn gọi làm người, mỗi người còn mang trong mình ơn gọi để trở thành một Kitô hữu.
Ơn gọi làm Kitô hữu
Trong kinh “Cám Ơn” thường ngày ta vẫn vân: “Con cám ơn ...lại cho con được Đạo Thánh Đức Chúa Trời”, đây là ơn chúng ta được Chúa thương ban qua Bí tích Rửa tội, để trở thành người Kitô hữu, tức là “có Đạo”, nền tảng cho mọi ơn gọi siêu nhiên.
Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Eph 1, 11- 12).
Từ sự hiện hữu đơn thuần nhân loại, con người được mời gọi bước vào sự hiện hữu thần linh, do công trình tái tạo của Thiên Chúa trong Chúa Kitô: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Qua phép Rửa tội, chúng ta được tái sinh trong Chúa Kitô, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, cùng vác thập giá với Người để rồi cùng được hưởng vinh quang. Ý định cứu chuộc này đã được Thiên Chúa hoạch định từ trước cho chúng ta: “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Chúa Kitô Giêsu” (2Tm 1, 9-10). “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10).
Ơn gọi luôn gắn liền với sứ vụ. Chúng ta được Chúa kêu gọi là để sống với Ngài và để được Ngài sai đi (x. Mc 3, 13- 15). “Sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này” (HĐGMVN, Thư Mục vụ 2006, số 4). Bậc sống giáo dân cũng có nhiều “ơn gọi” khác nhau: đó là những cách sống và việc tông đồ khác nhau tùy theo môi trường sống của mỗi người: “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10)
Có nhiều loại ơn gọi: có loại ơn gọi dành cho hết mọi người, có loại chỉ dành cho một số ít người; có loại ơn gọi cho cả đời người, có loại ngắn hạn. Loại ơn gọi cho cả đời người chính là ơn gọi bậc sống của mỗi người: sống độc thân, lập gia đình, hoặc tu trì.
Ơn gọi sống đời hôn nhân hay tu trì
Sau ơn gọi nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, chúng ta có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa xem mình có ơn gọi sống đời sống hôn nhân hay tu trì. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Dù sống trong bậc sống nào, chúng ta cần phải hiểu rằng TÌNH YÊU là sức sống nền tảng của mọi ơn gọi. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành, chứ không chỉ qua con đường tu trì” (x. LG 11, 42). Chúng ta cần phân biệt “nên thánh” trong bậc giáo dân và “nên thánh” trong bậc tu trì, sự thánh hiến phổ quát và sự thánh hiến riêng biệt, ơn gọi phổ quát nên thánh và ơn gọi cụ thể nên thánh theo từng bậc sống.
Thánh Têrêxa Calcutta nói: “Ơn gọi không phải là những gì chúng ta đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc tôi đã được trao phó. Những gì bạn đang làm, có thể tôi không làm được... Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa”.
Chân phước song thân của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, là Martin và Guerine đã đi tìm hiểu ơn gọi tu trì nhưng Chúa không muốn cho họ đi con đường ấy, họ đã bước vào cuộc sống hôn nhân và nên thánh. Thật vậy, Kitô giáo là một ơn gọi nên thánh và gương của những cha mẹ thánh thiện là điều kiện thuận lợi cho việc nở hoa những ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Bởi đó, mỗi người đều được đặt trước một sự chọn lựa. Hạnh phúc cả cuộc đời tùy thuộc vào sự lựa chọn này. Sự chọn lựa luôn bao gồm trách nhiệm. Chọn lựa cũng bao gồm sự hy sinh và dấn thân để theo đuổi điều mình chọn lựa. Chúng ta chọn lựa một cách dứt khoát, nhưng hy sinh và dấn thân thì kiên trì, bền bỉ và kéo dài suốt cuộc đời. Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo ta phải chiến đấu nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời tu trì còn phải chiến đấu nhiều hơn nữa. Vì chọn lựa ấy đòi buộc sống giữa đời nhưng không để bị vương vấn mùi đời. Trước khi lựa chọn, ta cần suy nghĩ, tìm hiểu về từng ơn gọi, rồi tự xét xem mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ về đời sống nào.
Có bốn bước giúp các bạn trẻ trẻ phân định ơn gọi
- Ý thức: Trước hết cần phải cầu xin Thiên Chúa giúp ta nỗ lực tìm ra ơn gọi của chính mình trong cuộc sống. Sau là lắng nghe để phân định và sàng lọc giữa tiếng Chúa gọi qua các trung gian, với lời mời mọc của thế gian. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh khi kết thúc sứ điệp cầu cho ơn gọi năm 2017 rằng “không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô Giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ” và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, “trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến”.
- Tổng hợp các ý kiến và xem xét chọn lựa: Động cơ nào đang điều hướng những chọn lựa của ta ? Ta muốn từ khước lời mời gọi của Thiên Chúa ở điểm nào ?
- Chọn điều mà bạn biết đó là ý Thiên Chúa: Ta thích chọn lựa và thực thi điều gì nhất, lập gia đình hay đi tu ? Sự chọn lựa nào thực sự sẽ giúp ta thể hiện chính ta cách trọn vẹn hơn ?
- Xác định về sự chọn lựa: Trong lòng ta đang hướng chiều về điều gì ?
Thiết tưởng người trẻ hôm nay cũng nên lắng nghe ý Chúa thể hiện qua giáo huấn của các vị cha chung:
Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ “hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu”.
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2016, Đức Phanxicô viết: “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”.
Dịp bế mạc Ngày Giới trẻ Á châu lần thứ 7 (AYD 7) diễn ra tại Yogyakarta, Indonesia, hướng về Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 sẽ diễn ra tại Panama vào năm 2019, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ noi gương Đức Maria là người môn đệ thừa sai, can đảm đáp lại ơn gọi của mình và mời gọi các bạn trẻ nhìn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là “mẫu gương của người môn đệ thừa sai, thân thưa với Đức Mẹ như với mẹ của mình và luôn tin tưởng vào lời chuyển cầu yêu thương của Mẹ. Như thế, khi các bạn trẻ tìm cách theo sát Chúa Giêsu Kitô hơn, thì giống như người thiếu nữ trẻ Nazareth, họ cũng thực sự làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn và để lại dấu ấn làm nên lịch sử”. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bạn trẻ ở khắp Châu Á ngày càng chú tâm lắng nghe lời Chúa kêu gọi và đáp lại ơn gọi của mình với đức tin và lòng dũng cảm.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 103 (tháng 11&12 năm 2017)
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
bài liên quan mới nhất
- Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể
-
Những định hướng căn bản để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội thánh -
Cơ hội nào cho người trẻ “chữa lành”… -
Vì sao người trẻ dấn thân - Động lực hay phản lực? -
Vatican phát động cuộc thi nhiếp ảnh cho giới trẻ đánh dấu Năm Thánh Thể thao 2025 -
Giới trẻ tham gia đời sống Giáo hội -
Giới trẻ Công giáo Việt Nam loan báo Tin mừng trong không gian kỹ thuật số -
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Giới trẻ và thiếu nhi tham gia vào đời sống Giáo hội -
Giải Bóng Đá LAUDATO SI 2024 -
ĐTC Phanxicô nói với sinh viên: Hãy thực hiện "cuộc cách mạng bác ái và phục vụ"
bài liên quan đọc nhiều
- Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Phục Sinh 2024
-
Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao? -
Giới trẻ, định hướng cho cuộc đời -
JMJ Lisbon 2023: Mười lời khuyên của Đức Phanxicô cho Giới Trẻ -
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Các Thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ -
Ban Mục Vụ Giới Trẻ -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 35 (năm 2020) của Đức thánh cha Phanxicô -
Bài hát chủ đề Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, phiên bản Việt ngữ -
Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su