Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Đường Em-maus (Lc 24,13-35)

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Đường Em-maus (Lc 24,13-35)

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Đường Em-maus (Lc 24,13-35)

Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi,
vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24,29)

 

Bài đọc 1: Cv 3,1-10

1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. 2 Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. 3 Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. 4 Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây!” 5 Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. 6 Bấy giờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” 7 Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. 8 Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. 9 Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. 10 Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.

 

Tin mừng: Lc 24,13-35

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”

19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.

22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trong tăm tối hãi hùng của bản án tử Thập giá, Tin mừng Phục Sinh vừa lóe sáng, nhưng không đủ sức thuyết phục những con người thất vọng đang trở về quê cũ. Chúa Phục Sinh đã đến để họ nhận ra Ngài và nên nhân chứng cho Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, điều chắc chắn nơi các môn đệ của Chúa, là tận mắt chứng kiến Chúa chết trên thập giá, còn việc Chúa sống lại đối với họ chỉ là một tin đồn, không có chứng cớ thuyết phục. Để chọn lựa giữa cái chắc chắn và tin đồn, các tông đồ đã chọn cái chắc chắn, một cái chắc chắn đưa đến thất vọng và thối lui. Nhưng Chúa đã sống lại và đã hiện diện giữa nỗi thất vọng của các môn đệ, đã chia sẻ nỗi lòng của họ, đã dùng Lời Kinh Thánh soi sáng cõi lòng họ và nhất là đã dùng dấu chứng của phép Thánh Thể để tỏ mình cho họ, để đem họ trở về, để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Chúa đã làm cho buổi chiều tối âm u ấy bừng sáng một sức mạnh diệu kỳ. Chúa đến biến đổi đôi chân nặng nề thành nhanh lẹ để vụt dậy chạy về Giêrusalem hô to Tin mừng Phục Sinh.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của con có những cái chắc chắn trước mắt, cái chắc chắn đầy tăm tối của ngày mai, cái chắc chắn của một cơn bệnh nan y kéo dài, cái chắc chắn của cuộc sống gia đình lắm bất hòa chia rẽ … Bao nhiêu cái chắc chắn làm cho cuộc sống con ra tăm tối, bấp bênh, bất ổn … Xin Chúa cho con nhận ra Chúa đã phục sinh và đang hiện diện giữa chúng con. Xin cho con biết đến với Lời Chúa và nhất là bí tích Thánh thể để kín múc ánh sáng niềm vui, hy vọng và sức mạnh. Xin Chúa ở lại với con luôn mãi. Amen.

Ghi nhớ: “Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Sau Mát-thêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin mừng của Luca được gọi là “Tin mừng của người môn đệ”, nên thánh Luca tường thuật tác động việc Chúa Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ.

1. Có hai môn đệ, nhưng Lu-ca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Lu-ca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào, độc giả có thể coi mình là chính môn đệ ấy và chia sẽ cảm nghiệm của người môn đệ ấy.

2. Cái chết của Chúa Giêsu đã khiến người môn đệ hoang mang, bỏ cuộc hành trình theo Chúa để trở về quê của mình.

3. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.

4. Chúa Giêsu cùng Thánh kinh và việc “bẻ bánh” (bí tích tạ ơn) để làm sống lại niềm tin nơi họ.

Ý chính của tường thuật này: Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để tôi nhận ra Ngài là Thánh kinh và dự lễ.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Khi không nêu tên người môn đệ kia, thánh Luca muốn tôi hiểu rằng mỗi người chúng ta có thể là người môn đệ ấy, nên cũng có thể chia sẻ cảm nghiệm của người môn đệ ấy với Chúa Giêsu Phục sinh: Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong hành trình đời ta mặc dù con mắt xác thịt ta không nhận ra Ngài. Những nơi ưu tiên ta có thể gặp thấy Ngài là Thánh kinh và Thánh lễ.

2. “Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày đã sắp tàn”. Một lời rất hay, ta có thể dùng làm lời cầu nguyện mỗi khi cảm thấy cảnh đời như màn đêm tăm tối đang phủ đầy xuống chúng ta.

3a. Muốn đọc Thánh kinh với một tâm hồn cháy bừng lên, ta hãy đọc với Chúa Giêsu Kitô.

3b. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao bà dùng một thí dụ để giải thích:

Một hôm tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất kỹ và đọc đi đọc lại 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng là vì tôi biết đó là lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyrian).

4. “Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có 3 yếu tố: Thánh kinh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin…Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm lại xem chúng ta có thái độ nào đối với Lời Chúa. chúng ta sống Bí tích Thánh thể ra sao, chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tin xưng đức tin thế nào” (“Mỗi ngày một niềm vui”).

5. Tôi rất quý bạn bè. Chỉ mong sao bạn được hạnh phúc: những gì có thể làm cho bạn vui hơn được một chút, là tôi nguyện cố gắng. Nhưng trước nỗi buồn chán, thất vọng của bạn, tôi thật lúng túng, vụng về cũng khi cũng “xìu” luôn.

Hôm nay thánh Lu-ca cho thấy Chúa Giêsu Phục sinh là người bạn tuyệt vời.

Hai môn đệ trên được Emau cũng là người bạn của Chúa. Họ đang chán trường, thất vọng, buông xuôi tất cả. Thế mà Chúa Giêsu đã giúp vui mừng chỗi dậy, quay lại Giê-ru-sa-lem…thất vọng thành hy vọng tràn trề.

Chúa Giêsu đã làm gì ?

Ngài đến và cùng đi với họ. Gợi cho họ thổ lộ nỗi lòng và giải thích Thánh kinh cho họ nghe, cảm thông, đồng bàn với họ. Chia sẻ cơm bánh với họ. Ngài đã đồng hành với họ trong vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của họ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con là người bạn tốt lành của anh em, bằng cách đồng hành với họ trên mọi nẻo đường cuộc sống. (Epphata).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Trên đường đi Emmau (Lc 24, 13-35)

  1. Sau Mátthêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin mừng Luca được gọi là “Tin mừng của người môn đệ”, Luca tường thuật tác động việc Đức Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ. Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.
  2. Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Messia. Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh thánh, rằng Đấng Messia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cũng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả các điều đã xảy ra cho các môn đệ.
  3. Đức Giêsu đã nhận lời mời của hai ông, dừng lại ở quán trọ Emmau, Ngài quan tâm đến nhu cầu của các ông. Ngày nay cũng vậy, Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Đúng thế, Đức Giêsu là Đấng luôn luôn biết dừng chân khi được mời gọi, Ngài là Đấng luôn luôn hiểu thấu khi được cầu cứu, Ngài là Đấng luôn luôn chữa lành khi được đụng tới, Ngài là Đấng luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài, Ngài là Đấng luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người, chẳng trừ ai.
  4. Đường Emmau của các môn đệ tượng trưng cho cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Đức Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu.
  5. Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin.

Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh thánh đều quy về Đức Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh thánh.

Nhưng Kinh thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về, một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ Bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người.

Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin: đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin” (Mỗi ngày một tin vui)

  1. Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành, thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa ở luôn với chúng con trên đường đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết trỗi dậy” và “hồi sinh”.
  2. Truyện: Cộng đoàn Emmau của cha Phêrô

Cộng đoàn Emmau khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris trong Đệ nhị thế chiến. Ban đầu quy tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày...

Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người vừa đặt chân đến cộng đoàn: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…” Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở nên hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống.

Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmau cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Đức Giêsu trong buổi chiều Phục sinh. Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmau. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Đức Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmau cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmau, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục sinh hiện diện.

Top