Ngày 29/07: Thánh nữ Martha, Maria và Ladarô (Ga 11,19-27)
Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Bài đọc 1: 1 Ga 4, 7-16
Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.
9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này:
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11Anh em thân mến,
nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.
Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng
chúng ta ở lại trong Người, và Người ở lại trong chúng ta:
đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.
14Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng
và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến
làm Đấng cứu độ thế gian.
15Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa,
thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy
và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16Còn chúng ta,
chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta,
và đã tin vào tình yêu đó.
Thiên Chúa là tình yêu:
ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Đáp ca: Tv 33, 2-3.4-5.6-7.8-9.10-11 (Đ. c.9a)
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
4Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.5Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
6Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.7Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
8Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.9Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
10Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.11Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Tin mừng: Ga 11, 19-27
19 Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời.
20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.
21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.
22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”
23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!”
24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”
25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”
27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Với tư cách là con người, Chúa Giêsu đến viếng thăm để an ủi. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài còn đến để phục sinh: phục sinh tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dựng nên con người có trái tim biết yêu thương. Nhờ đó, chúng con biết chung chia vui buồn với nhau. Khi chung vui, niềm vui như được nhân tăng và khi chia buồn, nỗi buồn như vơi nhẹ. Tuy thế, đôi lúc sự chia buồn của chúng con gần như vô nghĩa khi đứng trước nỗi đau quá lớn lao. Chúng con bó tay, chúng con ngọng miệng trước những đau khổ vượt sức chịu đựng của con người.
Loài người bó tay, loài người ngọng miệng nhưng Chúa thì không. Hoàn cảnh của chị Mác-ta hôm nay thật đáng thương: Gia đình có 3 chị em mà em trai duy nhất lại qua đời. Chúa đến không phải chỉ an ủi mà còn khơi lại niềm tin, niềm hy vọng cho chị em Mác-ta. “Em chị sẽ sống lại” là lời phục sinh niềm tin cho chị Mác-ta. Lời quyền năng của Chúa đã dẫn chị ra khỏi nỗi buồn thất vọng để tới niềm vui tin tưởng. Chị đã thưa với Chúa: “Con biết em con sẽ sống lại”.
Lạy Chúa, vì chúng con đến với nhau mà không mời Chúa đi theo, nên chúng con chưa giúp nhau được nhiều. Giúp nhau bằng sức người, có những lúc chúng con bó tay. Cần phải giúp nhau bằng sức Chúa, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh. Động viên, hướng dẫn nhau bằng Lời Chúa mới không làm chúng con bí lối. Cần phải có Chúa Phục sinh đến thăm, chúng con mới sống lại thật về phần linh hồn.
Và lạy Chúa, mỗi khi chúng con gặp gian nan, xin cho chúng con biết khôn ngoan tìm đến Chúa. Rồi khi thấy anh em khốn khó, xin cho chúng con biết dẫn anh em đến với Chúa. Đến được với Chúa là chúng con đã tìm được địa chỉ tốt nhất để được bình an. Amen.
Ghi nhớ: “Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh nữ Mátta ở Bêtania (Lc 10,38-42)
- Hai chị em Mátta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tại làng Bêtania, nơi mà Chúa Giêsu đã quen biết hai chị em. Lúc Chúa tới nhà, Mátta lo lắng chuẩn bị bữa ăn trong lúc Maria ngồi yên bên Chúa để nghe lời Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu trước đề nghị của Mátta không có nghĩa là Ngài phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mátta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quý hơn là: lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quý, nhưng để hết tâm trí lắng nghe và thi hành Lời Chúa lại càng quý giá gấp bội.
- Theo truyền thống của các giáo phụ, Mátta và Maria trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Mátta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Mátta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Mátta và chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác ái, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích, nếu không khởi đi từ tinh thần Tin mừng. Việc bác ái, tông đồ chỉ thực sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa (5 phút Lời Chúa).
- Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài, nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Mátta nhưng Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.
- Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) số 3, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa: “Xuyên suốt dòng lịch sử, Dân Chúa gặp thấy sức mạnh nơi Lời Chúa và ngày nay cũng vậy, Giáo hội tăng cường nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa”.
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của Lời Người. Mátta tất bật công việc phục vụ là tốt, nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất, là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa. Ngày nay, nhiều người chẳng đoái hoài, thậm chí còn thấy chán ngán với việc lắng nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa luôn thách thức và đòi hỏi con người thay đổi não trạng, hành vi của mình để sống đúng phẩm giá hơn. Ước gì chúng ta luôn có được niềm vui khi lắng nghe Lời Chúa, và có động lực để thực thi Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (Học viện Đa Minh).
- Chắc hẳn Chúa Giêsu đã đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Mátta. Đó là biểu hiện lòng mến cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ của cô Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đặt Ngài vào chỗ nhất trong cuộc sống, chọn Ngài làm tất cả. Chúa Giêsu muốn lấy cử chỉ đó làm biểu tượng nói lên sự chọn lựa đúng đắn của con người. Đó là chọn Ngài làm cơ nghiệp, là đặt Ngài vào trọng tâm của cuộc sống.
- Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.
- Truyện: Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viện đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 23 Thường niên năm B (Mc 7,31-37)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Thứ Bảy tuần 22 Thường niên năm II (Lc 6,1-5) -
Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,33-39) -
Thứ Năm tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,1-11) -
Thứ Tư tuần 22 Thường niên năm II (Lc 4,38-44) -
Thứ Ba tuần 22 Thường niên năm II (Lc 4,31-37) -
Thứ Hai tuần 22 Thường niên năm II (Lc 4,16-30) -
Chúa nhật 22 Thường niên năm B - Nỗ lực hoàn thiện (Mc 7,1-8a. 14-15.21-23) -
Thứ Bảy tuần 21 Thường niên năm II (Mt 25,14-30)
bài liên quan đọc nhiều
- Mùng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
-
Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Sáu Tuần Thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 2 Phục sinh - Bình an cho anh em (Ga 20,19-31) -
Mùng 1 Tết: Cầu bình an trong năm mới (Mt 6,25-34) -
Thứ Ba tuần 5 Phục sinh - Bình an Chúa ban (Ga 14,27-31a) -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23)