Chúa nhật 17 Thường niên năm C (Lc 11,1-13)

Chúa nhật 17 Thường niên năm C (Lc 11,1-13)

Chúa nhật 17 Thường niên năm C (Lc 11,1-13)

Anh em cứ xin thì sẽ được.

Bài đọc 1: St 18, 20-32

Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp.

Bài trích sách Sáng thế.

20 Khi ấy, Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.”

22 Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23 Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” 26 Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

27 Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?” Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29 Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

30 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” 31 Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm được hai mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” 32 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

 

Đáp ca; Tv 137, 1-2a.2bc-3.6-7ab.7c-8 (Đ. c.3a)

Đ.Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại.

1Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,
2ahướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.

Đ.Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại.

2bcXin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.
3Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.

Đ.Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại.

6Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn;
đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.
7abCho dù con gặp bước ngặt nghèo,
Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con.
Địch thù đang hằm hằm giận dữ,
Ngài ra tay chận đứng.

Đ.Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại.

7cNgài lấy tay uy quyền giải thoát con.8Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất;
lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.

Đ.Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại.

 

Bài đọc 2: Cl 2, 12-14

Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

12 Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 13 Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

 

Tin mừng: Lc 11, 1-13

1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”

2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,

3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;

4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’?

8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.

10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.

11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?

12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?

13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu còn dạy các môn đệ phải cầu nguyện thế nào để được Cha nhậm lời. Khi cầu nguyện phải ở trong tương quan Cha Con, nghĩa là phải: chân thành, khiêm tốn, đơn sơ và kiên nhẫn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách thức cũng như giá trị của việc cầu nguyện. Thế nhưng trong cuộc sống, chúng con lại rất dễ chán nản khi cầu nguyện. Bởi vì với các nhìn thiển cận, chúng con chỉ biết xin những điều chúng con tưởng là tốt hoặc chỉ vì tư lợi. Và khi không được như ý muốn, chúng con bất mãn, bỏ cầu nguyện.

Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con, để Ngài dạy cho chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Vì tự sức mình, chúng con không thể làm đẹp lòng Chúa được. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.

1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.

Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.

Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Mọi người là anh em

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con... Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con... Xin Cha cho con... Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.

Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.

Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.

Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.

Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.

Cầu nguyện:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CẦU NGUYỆN CÙNG CHA TRÊN TRỜI
+++

A. DẪN NHẬP

Chỉ xét trên bình diện con người với nhau, chúng ta thấy các chuyện như thỉnh cầu, thỉnh nguyện, kêu cầu, đơn xin, nguyện vọng… là chuyện thông thường. Đối với Thiên Chúa, Đấng mà từ xưa dân Do thái đã có liên hệ mật thiết với Ngài– Và khi Đức Kitô giáng thế khởi đầu “dân mới” thì những điều Ngài thực hiện giữa loài người đã trở nên cụ thể và hiển nhiên với biết bao con người. Có một lời kinh đã đáp lại lời thỉnh cầu của các Tông đồ.

Theo lời thỉnh cầu của một Tông đồ, Đức Giêsu đã dạy các ông một lời kinh tuyệt vời mà ta gọi là “Kinh Lạy Cha”. Đây là một kinh nguyện khuôn mẫu của lời cầu nguyện cùng Cha trên trời. Với lời cầu nguyện này, chắc chắn những ước nguyện của chúng ta sẽ được Cha trên trời chấp nhận: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho”. Lời thỉnh nguyện của ông Abraham dâng lên Thiên Chúa để xin tha thứ cho dân thành Sôđôma và Gômôra đã chứng tỏ điều đó (bài đọc 1).

Đức Giêsu, trong bài Tin mừng hôm nay, còn dạy chúng ta phải có thái độ kiên trì trong khi cầu nguyện với dụ ngôn “người bạn bị quấy rầy”. Ngoài ra, Ngài cũng dạy chúng ta phải lấy tình con thảo mà cầu nguyện với Cha trên trời là Người Cha vô cùng nhân ái. Nếu người cha trần thế chẳng tốt lành gì mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, huống chi Cha trên trời lại không đáp ứng cho con cái Ngài những điều tốt lành sao? Hơn nữa, Ngài còn ban cho con người một điều vô cùng tốt lành nữa, đó là ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: St 18, 20-32

Thiên Chúa cho ông Abraham biết dân thành Sôđôma và Gômôra phạm tội quá nhiều, Ngài định sai lửa trên trời thiêu rụi thành này. Ông Abraham đứng làm trung gian xin Thiên Chúa tha thứ cho dân thành này vì sự hiện diện của một số người công chính. Ông biết Thiên Chúa rất yêu thương: yêu thương chính ông và yêu thương con người.Vì thế ông dám “mặc cả” với Thiên Chúa, từ con số 50 đến con số 10. Mỗi lần mặc cả của ông là mỗi lần tỏ ra rằng Chúa chỉ muốn cứu vớt hơn là trừng phạt. Qua câu chuyện này chúng ta rút ra được hai điều quan trọng:

a) Lòng thương xót của Chúa vì những người công chính mà sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi.

b) Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người, nhất là qua trung gian của các thánh.

+ Bài đọc 2: Cl 2, 12-14

Có những người cứ muốn cho tín hữu Côrintô tuân thủ các lề luật Đạo cũ. Thánh Phaolô nhắc lại cho họ biết rằng phép rửa tội trong Đức Kitô đã làm cho họ phục sinh, làm cho họ khỏi chết vì tội. Như vậy, qua phép Thánh tẩy một Kitô hữu chết cho các tội lỗi trước đây, và bắt đầu sống một đời sống mới. Còn Đức Giêsu, bằng cái chết trên thập giá, đã trở thành vị Trung gian duy nhất đưa lại ơn tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 11, 1-13

Abraham đã tin tưởng chuyển cầu cho người tội lỗi vì ông biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương, nhưng ông không dám đi xa hơn mức. Còn Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha, và khuyến khích chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Cha, với niềm tín thác của một trẻ thơ khi có những nhu cầu về tâm linh cũng như trần thế.

Kinh Lạy Cha của Luca trong bài Tin mừng hôm nay khác với kinh Lạy Cha của Matthêu (6, 9-13): điều đó cho chúng ta biết khi cầu nguyện, điều quan trọng không phải là hình thức, nhưng quan trọng là nội dung: trước hết, xin cho Nước Cha trị đến, sau đến những nhu cầu của con người; và xin thì sẽ được nhận lời vì Cha trên trời không nỡ từ chối.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lạy Cha chúng con ở trên trời

I. KINH LẠY CHA CỦA CHÚNG TA

1. Cơ hội đưa đến Kinh Lạy Cha

Các môn đệ ở gần Đức Giêsu, thấy Ngài cầu nguyện nhiều, cầu nguyện lâu giờ, nhất là trước những biến cố trọng đại. Ngài là bậc Thầy của sự cầu nguyện. Các môn đệ đã được chứng kiến tận mắt những lần Ngài cầu nguyện, không những bằng mắt thấy mà còn bằng tai nghe. Vào thời đó, cầu nguyện theo tiếng Do thái, có nghĩa là “kêu lên”, và như vậy các môn đệ đã nghe tiếng Đức Giêsu cầu nguyện.

Cha George viết: “Các môn đệ phải nghe Đức Giêsu cầu nguyện lớn tiếng, và chính trong các biến cố quan trọng, mà các ông đã có thể hình thành cho một ý tưởng cầu nguyện riêng. Đức Giêsu đã muốn người ta nghe Ngài cầu nguyện, Ngài muốn xác định lời cầu nguyện của chúng ta bắt nguồn từ lời nguyện của Ngài” (Cahiers-Évangiles”, số 5, tr 43).

Thời Đức Giêsu, có nhiều nhóm tu đạo khác nhau do hình thức hay kinh kệ của họ, trong trường hợp ở đây, chúng ta có nhóm Gioan Tẩy giả. Cách cầu nguyện riêng của mỗi nhóm diễn tả mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa là mối dây hiệp nhất của nhóm.

Hôm nay, một môn đệ được ảnh hưởng do việc Đức Giêsu cầu nguyện và vì thấy Gioan Tẩy giả đã dạy các đệ tử của ông cầu nguyện, nên đã xin Ngài dạy về sự cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.

2. Đức Giêsu dạy Kinh Lạy Cha

a) Hoàn cảnh của kinh Lạy Cha

Đức Giêsu đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, nhưng chúng ta không biết rõ ở nơi nào. Thánh Mátthêu đặt kinh Lạy Cha trong bài giảng trên núi. Đây chắc là do sự sắp xếp lại để dạy giáo lý cho Kitô hữu. Thánh Luca nói một cách trống: Ngày kia, không nói ở đâu.

Thánh Luca đặt kinh Lạy Cha này sau câu chuyện xảy ra ở Bêtania. Như vậy, ta có thể biết được rằng kinh Lạy Cha này Chúa dạy ở chung quanh Giêrusalem, không xa Bêtania, trong cuộc hành trình lên Giêrusalem lần thứ nhất.

Kinh Lạy Cha được lưu truyền từ thế kỷ thứ 9 rằng Chúa dạy trên núi Cây Dầu đối diện với Giêrusalem theo như những điều kiện kể trên kia có lẽ đúng.

So sánh hai kinh Lạy Cha của Mátthêu và Luca, ta thấy kinh Lạy Cha của thánh Mátthêu dài hơn kinh Lạy Cha của thánh Luca. Trong thánh Luca không có lời nguyện: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và không có lời xin: “Xin cứu chúng con khỏi sự dữ”. Kinh Lạy Cha của thánh Luca tuy ngắn hơn, nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa không thiếu gì. “Vâng ý Cha” gồm trong lời nguyện “Nước Cha trị đến”, và “Cứu chúng con cho khỏi sự dữ” gồm trong lời cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

b) Nội dung kinh Lạy Cha.

Kinh Lạy Cha gồm hai phần với 5 lời xin:

* Phần I: Hướng về Chúa với hai lời cầu: - Xin cho danh Cha cả sáng.

- Nước Cha trị đến.

* Phần II: Hướng về lợi ích của chúng ta với 3 lời cầu:

 - Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.

 - Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

 - Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Kinh Lạy Cha là kinh khuôn mẫu Chúa dạy chúng ta hãy dùng mà cầu nguyện. Theo đó, nội dung sự cầu nguyện có ba phần: Phần thứ nhất là những lời Chúa dạy phải cầu xin mỗi khi cầu nguyện. Phần thứ hai là lời khuyên hãy kiên trì trong khi cầu nguyện. Phần thứ ba là hiệu nghiệm của lời cầu xin đích thực.

II. CẦU NGUYỆN VÀ KINH LẠY CHA

1. Cầu nguyện là điều cần thiết

* Cầu nguyện nơi các tôn giáo

Mọi tôn giáo đều có sự cầu nguyện, nhưng hình thức thì khác nhau, rất đa dạng. Mỗi tôn giáo đều có hình thức cầu nguyện đặc biệt, như Gioan Tẩy giả hình như cũng có cho các người theo ông. Chính vì vậy, các môn đệ của Đức Giêsu cũng muốn cho mình phải có một hình thức cầu nguyện riêng của mình nên mới thưa với Ngài: “Xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.

Đức Giêsu đáp ứng lời cầu xin ấy và ban cho các ông một công thức kiểu mẫu độc nhất vô nhị, rồi khích lệ với lời hứa bảo đảm rằng lời cầu nguyện sẽ được nghe. Bài cầu nguyện được Luca ghi lại có ngắn hơn của Matthêu nhưng cũng chứa đủ những điều cần biết để cầu nguyện thế nào và phải cầu xin những gì.

* Chúa dạy chúng ta cầu nguyện

Trong sách Tin mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu đã truyền cho chúng ta phải cầu nguyện và cầu nguyện liên, ví dụ: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. Trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài cũng khuyên bảo chúng ta hãy cầu nguyện và cầu xin cùng Cha trên trời: “Hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở ra cho” (Lc 11, 10).

Ngày xưa, có người đặt vấn đề với thánh Augustinô: “Nếu Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta trước cả khi chúng ta xin, thì tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện?” Ngài đã trả lời: “Bởi vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện”. Có lẽ không có câu trả lời nào hay hơn câu trả lời này.

* Một vấn nạn cho việc cầu nguyện

Ngày nay, có một sự phục hồi việc cầu nguyện ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, phần lớn con người thời này, nam cũng như nữ đều có khó khăn khi cầu nguyện. Vô số những lời phê phán của tâm thức hiện tại ảnh hưởng đến tất cả chúng ta một cách vô thức: cầu nguyện là đào nhiệm: đừng xin Chúa làm thay cho bạn, bạn hãy xắn tay áo mình lên... cầu nguyện là một hành động ma thuật của những người sơ khai không biết những qui luật chính xác của tự nhiên... cầu nguyện là một sự tha hoá; bạn hãy đảm nhận tầm vóc của con người... không Chúa, không Thầy... bạn hãy gạt bỏ những điều mê tín tối tăm (Noel Quesson). Chúng ta nghĩ thế nào?

Ông Blaise Pascal, nhà toán học nổi tiếng vào thế kỷ 17 đã nói về vấn đề ấy: “Cầu nguyện là một trong những phương cách Chúa chọn, để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài với chúng ta. Giống như ơn hiểu biết của Chúa đã ban quyền năng cho mỗi người chúng ta thế nào, thì lời cầu nguyện cũng ban quyền năng cho mỗi người chúng ta như thế. Nói cách khác, Chúa đã sắp xếp vũ trụ theo một cách thức mà chúng ta có thể gây được ảnh hưởng trên vũ trụ không phải chỉ bằng việc sử dụng trí thông minh của mình mà còn bằng việc sử dụng cả sức mạnh do lời cầu nguyện của mình nữa”.

Không phải ai cũng có thể gây ảnh hưởng đến đời sống con người bằng quyền năng của trí thông minh mình, nhưng trái lại dù ngu dốt mấy đi nữa, ai cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống con người bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, sức mạnh do chính Chúa chia sẻ cho chúng ta.

Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải để chúng ta làm khán giả đứng ngắm nhìn quyền năng tạo dựng của Ngài, mà trái lại Ngài cho chúng ta thông phần vào quyền năng tạo dựng ấy. Đây chính là một phần ý nghĩa của câu “Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

2. Hiệu lực của việc cầu nguyện

Trong bài đọc thứ nhất (St 18, 20-32) chúng ta nghe một câu chuyện thật hấp dẫn về sự tin tưởng của Abraham vào lòng tốt lành và nhân từ của Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không dung tha hình phạt cho hai thành Sôđôma và Gomôra nếu có 50 người công chính trong thành sao? Thiên Chúa trả lời: “Tha chứ!” Nếu chỉ có 45 thì sao? hay 30? hay 10 thì sao? Thiên Chúa cũng vẫn đồng ý tha thứ. Thật đáng tiếc, vì 10 người vô tội thôi vẫn không thể tìm thấy, mà chỉ có 4 người là ông Lót, vợ ông, và hai người con gái. Thiên Chúa đã giữ lời hứa với Abraham vì ông tin tưởng nơi Ngài mà cứu 4 người khỏi bị tiêu diệt. Nếu chúng ta đặt tất cả sự tin tưởng ở Thiên Chúa, lòng bao dung của Ngài sẽ ban cho chúng ta rộng rãi hơn là điều chúng ta nghĩ tưởng.

Xưa kia thánh Gioan Vianney đã nói: “Tôi biết có một quyền lực nào đó còn mạnh hơn cả Thiên Chúa; một người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa phải nói “Oui”, khi Ngài đã nói “Non”.

Và thánh Gioan Chrysostômô đã nói về sức mạnh của sự cầu nguyện bằng những từ này: “Thiên Chúa điều khiển thế giới, nhưng cầu nguyện điều khiển Thiên Chúa”.

3. Cầu nguyện và khoa học

Sự cầu nguyện cũng có ảnh hưởng tới khoa học. Sức mạnh của lời cầu nguyện cũng đang được khoa học hiện đại kiểm nghiệm qua những hiệu quả lạ lùng. Bác sĩ Alexis Carrel (1873-1944), người đoạt giải Nobel về y khoa năm 1912 đã viết trong cuốn sách nhan đề “L’homme, c’est inconnu” (Man, the Unknown) như sau:

Cầu nguyện là hình thức mạnh mẽ nhất của nghị lực mà chúng ta có thể phát sinh ra được. Ảnh hưởng của sự cầu nguyện trên thân thể và tâm trí giống như những tuyến hạch nằm kín đáo trong cơ thể tạo nên sức mạnh đề kháng. Chỉ trong sự cầu nguyện, chúng ta có được sự hiệp nhất thật hoàn hảo và nhịp nhàng giữa thân xác, tâm trí và tinh thần. Nó làm cho thân phận cỏ cây yếu đuối của con người trở thành một sức mạnh không thể lay chuyển được”.

Vào tháng 5 năm 1998, tại Houston, Texas, một cuộc hội thảo lớn về Y học và Đức tin với sự tham dự của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nha sĩ. Những báo cáo cho thấy là những người có đức tin và được cầu nguyện cho thì mau lành bệnh gấp 12 lần những người không có đức tin sau khi được giải phẫu tim. Một cuộc khảo cứu kéo dài 28 năm trên một số người lớn tuổi cho thấy là những người chăm đi lễ nhà thờ để cầu nguyện, thì ít bệnh tật từ 25% đến 35% so với những người không có tôn giáo. Những người đi lễ nhà thờ thường xuyên có một hệ thống miễn dịch, dễ đề kháng bệnh tật mạnh hơn mức bình thường (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 261).

III. THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN.

1. Phải kiên trì

Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta: khi cầu nguyện phải biết kiên trì, và để minh hoạ cho thái độ đó, Ngài đưa ra một dụ ngôn về “Người bạn bị quấy rầy”. Nhân danh tình bạn, không sợ làm phiền một trong những người bạn mình, ngay “lúc giữa đêm”, và không ngại nằn nì đến độ sỗ sàng, để giúp đỡ, người bạn khác ở xa mới đến.

Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do: cho để khỏi bị quấy rầy nữa, hoặc là vì tình bạn... Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu lý luận theo kiểu a fortiori (huống chi): người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua thái độ kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế, nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.

Có người thắc mắc hỏi: Thiên Chúa đã biết tất cả mọi sự ngay trước khi chúng ta cầu xin, tại sao Đức Giêsu còn nhắc bảo chúng ta: “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ”? Ba động từ như ba lệnh truyền lặp đi lặp lại. Đành rằng Chúa thông biết mọi sự, cần gì phải xin, phải tìm, phải gõ? Thánh Augustinô giải thích: “Hãy xin, Ngài sẽ cho. Những điều Ngài cho, Ngài chưa cho ngay để càng làm tăng thêm ước muốn của chúng ta và làm tăng giá trị cho của Ngài ban cho”.

Tiếp theo lời giải thích của thánh Augustinô, chúng ta có thể lý luận thêm:

Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Ngài sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái.

Một hôm thánh Phanxicô Salesiô nói: “Nếu một em bé thấy con chó dữ đàng xa, hung hăng nhào tới em thì em bé sẽ làm gì? Chạy trốn ư? Không thể được vì em chưa đủ sức. Vậy em phải làm sao? Chỉ còn một cách là em la lên thật to cầu cứu cha mẹ. Và cha mẹ em sẽ chạy đến để bênh vực em và cứu sống em”.

Em bé đó chính là hình ảnh mỗi người chúng ta với sức riêng yếu đuối không thể tự mình bước tới được một bước trên con đường cứu rỗi. Và con chó đó chính là ba địch thù lợi hại của con người: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Phải làm gì đây? Phải kêu cứu, phải cầu nguyện với Chúa, nếu không, đời ta sẽ gặp nguy khốn.

Phải cầu nguyện, nhưng phải cầu nguyện thế nào để đạt hiệu quả tối ưu? Ta hãy nghe thánh Phanxicô Salêsiô trả lời tiếp: “Con ruồi đậu trên đoá hoa này liền vội vã bay sang đoá hoa khác, luôn hay thay đổi, còn con ong mật thì lặng lẽ hoạt động, dừng lâu, hút cạn nhụy hoa rồi đem về tổ làm thành mật ngon ngọt. Không nên có thứ Kitô hữu-ruồi, mà phải là Kitô hữu-ong mật, nghĩa là phải kiên trì cầu nguyện”.

2. Cầu nguyện trong tình nghĩa cha con

Dân Do thái đã gọi Thiên Chúa là “Cha” như nhiều tôn giáo khác (Osée 11, 3; Giêrêmia 3, 19; Isaia 63, 16; Khôn ngoan 5, 5vv…)

Tuy nhiên Đức Giêsu đã đổi mới từ này, khi Ngài dám thưa cùng Thiên Chúa: “Abba, Cha ơi”... từ ngữ chỉ sự thân mật mà trước Ngài ít khi người ta dùng đến. Chính khi các môn đệ nhận thức được kinh nghiệm độc nhất của Đức Giêsu, họ mới khẳng định Ngài là “Con Thiên Chúa” trong một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt. Khi chúng ta lặp lại lời “cầu nguyện của Đức Giêsu”, đến lượt mình, chúng ta dám nghĩ rằng “Chúa Cha yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Ngài yêu mến Con Một của Ngài” (Quesson).

Cha Jean-Luc Vesco nói thêm: “Lời cầu nguyện Kitô giáo, giúp môn đệ Đức Giêsu bước vào sự thân mật duy nhất liên kết Chúa Con với Chúa Cha. Trong lời cầu nguyện của người con thảo, người Kitô hữu có thể lấy lại lời cầu khẩn này của Đức Kitô: “Lạy Cha” (Ga 4, 6; Rm 8, 15). Tiếng kêu Cha đó có tính cách riêng biệt, cá nhân. Nó diễn tả một sắc thái thân mật và cũng muốn nhấn mạnh là, mối liên hệ duy nhất và đặc biệt mà Chúa Con có với Chúa Cha cũng là mối liên hệ nối kết tất cả các Kitô hữu với Chúa” (Jérusalem et son prophète, Cerf, tr 72).

Trong khi cầu nguyện, chúng ta hãy mang lấy tâm tình của Đức Giêsu đối với Cha Ngài, chúng ta hãy lấy tư cách của người con nói chuyện với cha. Cha trên trời luôn luôn là người Cha thương yêu của chúng ta, Ngài thích chúng ta nói chuyện với Ngài trong tư cách của một người con. Ngài sẽ lấy làm vinh dự khi chúng ta kêu Ngài bằng “Abba, Cha ơi”.

Tướng Mac Arthur nói lên tâm sự của ông là một người cha: “Tôi là một chiến binh chuyên nghiệp. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy, nhưng tôi còn vô cùng hãnh diện hơn vì được làm một ông bố. Tôi hy vọng rằng một mai khi tôi qua đời, đứa con trai của tôi sẽ không nhớ đến tôi như một chiến binh lúc nào cũng ở trận địa, mà là một ông bố hiện diện trong gia đình đang cùng nó đọc kinh nguyện đơn sơ hằng ngày: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng.... Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Hôm nay Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và trong tinh thần con thảo. Cầu nguyện! Đó là một từ ngữ của đức tin. Một Kitô hữu mà không cầu nguyện thì còn nghĩa gì nữa. Thế nhưng, phải nhận là điều đó không dễ dàng, cầu nguyện cũng là một thử thách.

Ngày nay có người cho việc cầu nguyện là đào nhiệm; đừng xin Chúa làm thay, hãy xắn tay áo lên. Cầu nguyện là một ma thuật của những người sơ khai không biết những qui luật chính xác của tự nhiên... Cầu nguyện là một sự tha hoá; hãy đảm nhận tầm vóc của con người... không Chúa, không Thầy... hãy gạt bỏ những điều mê tín.

Trái ngược với khẳng định của một số người, bác sĩ Alexis Carrel, trong cuốn sách nhan đề “L’homme, c’est inconnu” (Man, The Unknown) đã không tiếc lời ca tụng giá trị và sự cần thiết của việc cầu nguyện. Ông nói: “Cầu nguyện là một hành vi sáng suốt của con người”. Theo bác sĩ, cầu nguyện đúng nghĩa là thực thi cái chức năng “con người thụ tạo” con người của ta với Đấng Sáng tạo tối cao, tức là Thiên Chúa.

Truyện: Một đứa bé cầu nguyện

Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin quỳ gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu. Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không?” Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói: “Cháu hãy để cho Chúa liệu... Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm: cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ” (Mỗi ngày một tin vui).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ABBA! CHA ƠI!

Trong Tin Mừng Luca, khi bắt đầu cầu nguyện

Đức Giêsu thường gọi Thiên Chúa là Cha.

“Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha” (10, 21).

Trong Vườn Dầu, giữa lúc phải chiến đấu ác liệt,

Ngài kêu xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn…” (22, 42).

Và ngay khi bị đóng đinh trên thập giá,

Ngài vẫn gọi Cha và cầu cho những kẻ giết mình (23, 34):

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài lớn tiếng gọi Cha:

“Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha” (23, 46).

Từ năm mười hai tuổi, tại Đền thờ,

Cậu bé Giêsu đã nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình:

“Cha mẹ không biết Con phải ở nhà của Cha Con sao?” (2, 49).

Từ đó, tương quan Cha-Con cứ nảy nở thêm mãi.

Chúa Cha gọi Đức Giêsu là Con khi Con chịu phép rửa:

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (3, 22).

Chúa Cha còn giới thiệu cho các môn đệ Đức Giêsu là Con:

“Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn” (9, 35).

Tình nghĩa Cha-Con giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu

là độc nhất vô nhị.

Chẳng ai là Con Thiên Chúa như Đức Giêsu:

“Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha,

cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con

và kẻ Người Con muốn mặc khải cho” (10, 22).

Chỉ Cha và Con biết nhau trong thế giới thần linh.

Thế giới này hết sức riêng tư nhưng lại không khép kín,

vì Cha vẫn mặc khải về Con, và Con vẫn mặc khải về Cha.

Khi một môn đệ xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện,

Ngài đã chẳng đưa ra một phương pháp nào,

nhưng Ngài dạy cho anh ấy một lời kinh.

Lời kinh ấy bắt đầu bằng lời xưng hô quen thuộc của Ngài,

“Lạy Cha!”

Như thế Đức Giêsu đã muốn chia sẻ cho các môn đệ

tương quan thân thiết của mình với Thiên Chúa,

muốn đưa họ đi vào tương quan thân thiết ấy,

và muốn cho họ cũng sống như các con đối với Cha.

Trong Vườn Dầu, Ngài đã gọi Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ:

“Abba! Cha ơi!” (Mc 14, 36).

“Abba” là tiếng gọi thân thiết, âu yếm, của đứa con với cha.

Chắc Đức Giêsu đã nhiều lần gọi Thiên Chúa là “Abba”.

Và rất có thể khi dạy môn đệ cầu nguyện,

Ngài cũng dạy họ gọi Thiên Chúa là Abba! Cha ơi!

Đây là lối gọi đặc trưng của người môn đệ Đức Giêsu.

Sau này thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu ở Rôma

hãy gọi Thiên Chúa là: Abba! Cha ơi! (Rm 8, 15; Gl 4, 6).

Khi dám gọi Thiên Chúa là Abba,

chúng ta được mời gọi cộng tác với Cha

để làm cho mọi người nhận biết Danh Cha,

và xây dựng Nước Cha trên trần gian.

Khi dám gọi Thiên Chúa là Abba,

ta thấy mình bình yên như bé thơ ngồi trong lòng mẹ,

vì biết mình sẽ được hàng ngày dùng đủ,

được tha thứ mỗi khi lỗi phạm,

và được bảo vệ khỏi cơn cám dỗ của kẻ thù (Lc 11.3-4).

Thế giới hôm nay đầy những biến động đau thương,

Người ta giết nhau bằng những vũ khí tối tân nhất.

Cả ngàn người chết vì nắng nóng do biến đổi khí hậu.

Đói kém và dịch bệnh thường xuyên đe dọa con người.

Nhưng ta đừng để mất niềm cậy trông vào tình thương Cha.

Đừng ngại làm phiền Thiên Chúa.

Đừng ngại gõ cửa Ngài lúc nửa đêm để nói nhu cầu của mình,

vì Ngài là Người Cha muốn cho con mình những của tốt.

Thế giới của chúng ta hôm nay như thế đó,

phải chăng vì chúng ta chỉ đọc Kinh Lạy Cha ngoài môi miệng?

Nếu chúng ta bằng lòng với lương thực hàng ngày (Lc 11, 3),

nếu chúng ta tha mọi nợ nần, mọi lỗi lầm cho nhau (Lc 3, 4),

thì thế giới này sẽ trở thành Nước Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha là Chúa trời đất,

Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.

Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.

Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,

và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,

dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.

                                  

Lạy Cha toàn năng,

Khi trao cho loài người chúng con tự do,

Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.

Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.

Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,

Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.

Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công

của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.

Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha

trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,

chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.

Cha vẫn trao bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.

Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.

Chúng con tin vào tình yêu Cha

dành cho từng người ngay giữa sóng gió.

Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng.

Top