Thứ Tư tuần 8 Thường niên (Mc 10,32-45) - Để phục vụ

Thứ Tư tuần 8 Thường niên (Mc 10,32-45) - Để phục vụ

Thứ Tư tuần 8 Thường niên (Mc 10,32-45) - Để phục vụ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ (Mc 10,45)

BÀI ĐỌC I: Hc 36, 1-2a. 5-6. 13-19

“Các dân tộc nhận biết rằng không có chúa nào khác ngoài Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Lạy Chúa muôn loài, xin thương xót chúng con, và xin đoái nhìn chúng con, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa. Xin cho các dân tộc nhận biết Chúa như chính chúng con đã nhận biết Chúa, vì lạy Chúa, ngoài Chúa ra, không có Chúa nào khác.

Xin Chúa tái diễn các điềm lạ và làm các việc kỳ diệu khác. Xin Chúa quy tụ mọi người vào các chi họ Giacóp, để họ nhìn biết rằng không có Chúa nào khác ngoài Chúa, để họ cao rao các việc lạ lùng Chúa đã làm, và để Chúa cho họ được hưởng phần gia nghiệp như lúc ban đầu. Xin Chúa đoái thương đến dân Chúa, một dân được mang danh thánh Chúa, và xin thương đến Israel mà Chúa đã đặt làm con đầu lòng của Chúa. Xin cũng thương đến thành thánh Giêrusalem, nơi Chúa an ngự. Xin làm cho Sion vang dậy lời chúc tụng Chúa, và cho dân Chúa được đầy vinh quang của Ngài.

Xin Chúa hãy minh chứng cho dân tộc, tạo vật đầu tiên của Chúa và xin thực hiện những điều các tiên tri đầu tiên đã nhân danh Chúa mà tiên báo. Xin thưởng công cho những người đã trông cậy nơi Ngài, và xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực.

Xin nhậm lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa, theo như lời Aaron chúc phúc cho dân Ngài, xin hướng dẫn chúng con đi trên đường công chính, và xin cho mọi người sống trên trần gian biết rằng Ngài là Thiên Chúa, Đấng thống trị muôn đời.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11. 13

Đáp: Lạy Chúa, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa (Hc 36, 1b).

Xướng:

1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con, xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Đáp.

2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Đáp.

3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử.

4) Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. – Đáp.

 

Tin mừng: Mc 10, 32-45

32 Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:

33 “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”

35 Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”

36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” 37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

38 Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” 39 Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.

40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. 42 Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.

43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.

45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lý tưởng cao cả nhất của Kitô giáo là phục vụ trong khiêm tốn. Chúa Giêsu ở giữa chúng ta như một người tôi tớ. Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình, để cùng Ngài đi vào con đường thập giá bằng đời sống phục vụ mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ và người Do Thái ngày xưa, đã mong chờ Chúa là Đấng cứu tinh uy quyền và đầy sức mạnh. Nhìn thấy phép lạ Chúa thực hiện, cảm nhận uy tín trong lời Chúa giảng dạy, họ hy vọng một cuộc đổi mới, và họ sẽ được vinh quang. Nhưng chính lúc tưởng rằng sắp đạt tới tột đỉnh uy quyền, thì các ông lại ngỡ ngàng thất vọng khi nghe Chúa nói đến cái chết. Lạy Chúa, quyền bính mà Chúa thiết lập là thứ quyền bính của phục vụ. Cái chết của Chúa trên thánh giá là đỉnh cao của phục vụ, như một tên nô lệ. Nếu một người nô lệ sống là sống cho người khác, và chết cũng là chết cho người khác, thì Chúa đã chấp nhận sống và chết như một tên nô lệ.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đang phục vụ con nơi bàn tiệc Thánh, Chúa phục vụ con nơi bà tiệc Lời Chúa, và bàn tiệc Thánh Thể. Chúa đã hoán đổi địa vị một cách bất ngờ. Con được trở thành người ngồi bàn, còn Chúa tự nguyện đi lại hầu hạ con. Chúa đã dọn bữa sẵn sàng và mời con hưởng dùng. Con xin dâng lời tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết sống tinh thần phục vụ theo kiểu của Chúa: muốn làm lớn thì phải làm nhỏ. Xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ. Và trong phục vụ, con sẽ có hạnh phúc. Bởi vì nếu con thông phần vào thập giá của Chúa thì con cũng được chia phần sự sống phục sinh với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

1. Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Máccô đã nhấn mạnh hành trình lên Giêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết.”

Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Đã Nhập Thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Người bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.

Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Đấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô con đường dẫn đến sự sống đích thực.

Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.

2. Đây là câu chuyện vui của thầy Anrê với cây Thập giá bị bỏ lại. Trước khi bắt đầu cuộc hành hương về Núi Thánh, thầy tu viện trưởng dẫn các tu sĩ của mình đến nơi có trưng bày nhiều loại Thập giá lớn nhỏ khác nhau và nói: “Nào chúng ta mỗi người hãy chọn lấy cho mình một cây Thập giá để vác trong suốt cuộc hành hương này.” Các tu sĩ chạy đến tranh nhau dành cho mình cây Thập giá nhỏ nhất bao nhiêu có thể. Họ nghĩ thầm rằng đó là cây Thập giá nặng nhất, tiện đường vì cuộc hành hương còn xa.

Khi mọi tu sĩ đã chọn cho mình cây Thập giá rồi, thì còn lại một cây Thập giá to nhất cho thầy tu viện trưởng. Thầy bước đến vác lấy cây Thập giá đó mà chỉ dùng có một tay nhấc cây Thập giá lên cùng đi. Ai cũng có vẻ thích thú vì có thái độ “Lãnh nặng, tìm nhẹ” để vác lấy Thập giá trên đường hành hương, nhưng người dành được cây Thập giá nhỏ nhất mới vỡ lẽ ra rằng Thập giá mà mình cầm lấy lúc đầu lại là Thập giá nặng nhất.

Câu chuyện vui phơi bày tâm lý tầm thường của mỗi người. Miệng chúng ta quyết mạnh mẽ là mình vác lấy Thập giá theo Chúa nhưng có thể trong thâm tâm chúng ta ước ao có một cây Thập giá nhẹ nhàng, tiện lợi theo ý muốn riêng của mình hơn là vác lấy Thập giá theo thánh ý Chúa gởi đến cho mình. Hay tệ hơn nữa, chúng ta có thể xin Chúa cho mình được vâng lời, hay ngồi bên hữu, bên tả Chúa, như lời cầu xin của hai anh em con ông Giêbêđê được kể lại trong Phúc Âm (Mc 10,32-45).

Như vậy thánh Máccô dường như muốn làm nổi bật thái độ sống chưa trọn vẹn của các môn đệ Chúa. Những bất toàn của các ngài không phải để làm chúng ta thất vọng, nhưng để chứng tỏ cho chúng ta hai điều kiện:

Thứ nhất là những kẻ được chọn theo Chúa còn bất toàn, còn những tật xấu, khuyết điểm như bao người khác.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tinh thần phục vụ (Mc 10, 32-45)

  1. Địa vị và quyền hành đã gây ra chia rẽ giữa các môn đệ. Điều đó cho thấy mục đích theo Đức Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba.

Đức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Đức Giêsu nói rõ, con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình, là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Đó là vinh quang đích thực của Đức Giêsu và của những môn đệ Ngài.

  1. Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ: “Ngài sẽ bị nộp cho các thượng tế và luật sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Ngài... nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại” (Mc 10, 33). Đây là lần thứ ba Chúa nói cho các môn đệ biết về điều này. Nhưng thật đau lòng, khi nghe Chúa nói như vậy, các môn đệ không quan tâm gì, các ông lại tranh giành ngôi thứ với nhau. Nhân cơ hội này Chúa đã sửa bảo các ông một cách tế nhị, và dạy các ông bài học sâu xa về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng vượt tính ghen tương.
  2. Khởi đầu câu chuyện là hai ông Giacôbê và Gioan, hai anh em ruột, xin Chúa cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn xin được địa vị cao trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái. Đây cũng là điều bình thường, ai lại không muốn cho mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự?

Đức Giêsu quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi người, muốn được làm lớn, được vinh dự, được làm thủ lãnh sai khiến người khác. Bởi vì các môn đệ hãy còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian này, nên các ông còn thích quyền hành danh vọng và muốn người ta phục vụ mình.

Nhưng Đức Giêsu lại suy nghĩ khác, nước Ngài không thuộc về thế gian, cho nên người có quyền hành không được dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, để lên mặt ta đây, và bắt người khác phục vụ mình, nhưng trái lại phải biết phục vụ, không phải chỉ dành quyền lợi cho cá nhân mình, nhưng để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.

  1. Các môn đệ được coi như những con người còn rất “thô sơ”, còn đầy những nết xấu ví dụ như trường hợp hôm nay, các ông có tính ghen tị. Lòng kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm đầu mọi người là điều không tốt, nhưng lòng ganh tị cũng không tốt đẹp gì. Khi thấy hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa được ngồi bên hữu bên tả Chúa, các môn đệ khác khó chịu, bực mình. Các ông ghen tị, không muốn cho hai anh em kia được phần hơn. Các môn đệ của Chúa cũng vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Điều này cũng chứng tỏ các ông còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian. Vì thế, Chúa cũng sửa bảo các ông phải loại bỏ tính xấu này.

Kiêu ngạo và ghen tị là hai nết xấu đã cản trở sự phát triển đời sống chúng ta về mọi phương diện. Chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu này để sống hòa hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng ai kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng ai phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.

  1. Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45).

Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là “thừa tác” hay “trợ tá” theo đúng nghĩa của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ; hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos” là đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.

Trong các vị lãnh đạo của Giáo hội cũng phải có phẩm trật như người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu” (tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “Cá đối bằng đầu” (tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là huỷ bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.

  1. Truyện: Gương Đức Giáo hoàng Gioan 23

Một lần kia, phái đoàn tòa Giám mục ra đón Đức Hồng y Roncalli mới đi xa về, vừa từ trên xe xuống. Mọi người ngạc nhiên, vì trên áo Hồng y có vương mấy cọng rơm đồng quê.

Ai hỏi, ngài cũng cười, nhưng các người đi cùng thì hiểu. Vì xe của Ngài đang từ hướng bắc về miền nam, đi qua đồng ruộng. Giữa đường có chiếc xe bò chở rơm sa hố. Ngài liền cho xe của Ngài dừng lại, xắn tay áo, ngài hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh lên đường.

Những cọng rơm trên áo Hồng y, ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng sự thực tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này lên ngôi Giáo hoàng, với tước hiệu Gioan 23, Ngài vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ như thế.

Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: “Đức Giáo hoàng mất tích”. Nhân viên an ninh đi tìm. Cuối cùng gặp ngài đang nói chuyện với tù nhân trong khám đường Rôma.

Top