Thứ Hai tuần 18 Thường niên năm I (Mt 14,13-21)

Thứ Hai tuần 18 Thường niên năm I (Mt 14,13-21)

Thứ Hai tuần 18 Thường niên năm I (Mt 14,13-21)

Đức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả,
chính anh em hãy cho họ ăn”. (Mt 14,16)

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ds 11, 4b-15

“Một mình tôi không mang nổi dân này”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, con cái Israel nói rằng: “Ai sẽ cho chúng tôi thịt ăn? Chúng tôi nhớ lại hồi còn ở Ai-cập, cá thì được ăn không, rồi có dưa chuột, dưa gang, rau cải, hành tỏi. Giờ thì chúng tôi suy nhược, thiếu hết mọi thứ: quay đi ngó lại chỉ thấy manna”.

Manna hình giống hạt ngò, sắc giống hạt châu. Dân chúng đi rảo quanh mà hốt, rồi cho vào cối mà xay hoặc lấy chày mà giã; sau cùng, bỏ vào nồi nấu thành bánh. Mùi vị nó như bánh chiên dầu. Cứ thường đêm, khi sương sa xuống trại thì manna cũng rơi xuống.

Môsê nghe dân chúng than khóc, nhà nào cũng đứng ở cửa lều. Chúa bừng bừng nổi giận. Môsê rất đỗi bực mình. Ông thưa cùng Chúa rằng: “Sao Chúa làm khổ tôi tớ Chúa? Sao con không được nghĩa với Chúa? Sao Chúa bắt con phải mang cả dân này? Con đâu có cưu mang cả đám dân này, con đâu có sinh ra nó, mà Chúa bảo con: “Hãy ẵm nó vào lòng, như vú nuôi ẵm trẻ thơ, hãy mang nó vào đất Ta đã thề hứa ban cho tổ tiên nó?” Con biết tìm đâu ra thịt để cho cả đám dân này? Họ kêu khóc với con rằng: “Hãy cho chúng tôi ăn thịt”. Một mình con không mang nổi dân này vì là gánh nặng nề đối với con. Nếu Chúa muốn xử với con như thế, thì xin giết con đi, và cho con được nghĩa với Chúa, kẻo con phải khốn cực dường này”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 80, 12-13. 14-15. 16-17

Ðáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa là Ðấng phù trợ chúng ta

Xướng: Dân tộc của Ta chẳng có nghe Ta; Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng, để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích.

Xướng: Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở, thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay.

Xướng: Quân thù của chúng sẽ phải xưng tụng chúng, và vận mạng của chúng sẽ bền vững muôn đời. Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra.

 

Tin mừng: Mt 14, 13-21

13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.”

16 Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” 18 Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.

20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Những công việc của con người tự nó không có giá trị siêu nhiên, nhưng khi cộng tác với Thiên Chúa, nó sẽ trở thành hành động cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước sự kiện Chúa làm phép lạ bánh hóa ra nhiều, con đã tự hỏi: Chúa chỉ cần phán một lời là có thể làm phép lạ, nhưng tại sao Chúa không làm thế, mà Chúa lại cần đến năm chiếc bánh và hai con cá ?

Lạy Chúa, Chúa không làm như con nghĩ. Chúa cần sự cộng tác của chúng con. Chúa cần con người góp công chung sức để mưu ích cho nhau. Sự đóng góp của các môn đệ, chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó Chúa đã thực hiện một bữa ăn no nê cho dân chúng.

Thánh Âu-tinh đã nói: “Để tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người, nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác”.

Lạy Chúa, nhìn vào thế giới hôm nay, con tin chắc rằng Chúa cũng đang chạnh lòng thương xót nhân loại đau khổ vì đói khát, vì bệnh tật, vì dốt nát, vì chiến tranh. Chúa cũng có thể làm mọi sự để cứu độ chúng con, nhưng Chúa cần đến sự cộng tác nhỏ bé của chúng con.

Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim trước nhu cầu của anh chị em. Xin dạy con biết mở rộng bàn tay dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của chúng con chẳng đáng kể là gì so với nhu cầu của thế giới, nhưng con tin Chúa đang chờ đợi đón nhận và nhân lên gấp bội. Xin Chúa dạy chúng con biết nghĩ tới nhau, biết chia sẻ cho nhau, để nhân loại khỏi bị diệt vong vì ích kỷ. Amen.

Ghi nhớ: “Mọi người đều ăn no”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Chuyện xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều:

1. Chúa Giêsu “bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng ra về. Một sự khẩn trương, vội vã, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm. Tại sao ? vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này không hợp với sứ mạng Messia của Chúa Giêsu. Ngài không muốn cho sự hăng hái lệch lạc này tác động lên các môn đệ, và vội vã bảo các ông sang ngay nơi khác.

2. Chúa Giêsu đi trên mặt nước: Cựu ước nhiều lần nói về việc đi trên mặt nước ( G 9,8- 38,16; Tv 77,20; Kb 3,15; Si 24,5) nhưng đều gán vào cho Thiên Chúa. Vậy với chi tiết Chúa Giêsu đi trên mặt nước, Mátthêu ngụ ý so sánh Chúa Giêsu với Thiên Chúa.

3. Phêrô đi trên mặt nước: So sánh với 2V 2,1-55: Ngôn sứ Êlia dùng áo choàng đập xuống nước, nước rã làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng tấm áo choàng của Thầy Êlia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của Thầy mình, nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận thần lực qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận thần lực của Thầy chỉ nhờ đức tin. Một trong những tư tưởng thần học của Mátthêu là người môn đệ được Thầy ban cho cùng quyền lực như Thầy. Hãy xem 9,6 - 9,8 - 10,1 - 16,19 - 18,18. Nhưng điều đáng lưu ý là các môn đệ nhận được quyền lực của Thầy nhờ đức tin.

4. Phêrô sợ, nên bị chìm. Ông xin Chúa Giêsu cứu thì được Ngài cần tay nâng lên. Qua việc này Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho các môn đệ (mà Phêrô là đại diện) để giúp họ tiến bước dần trên cuộc hành trình đến đức tin.

Suy gẫm

1. Tin Mừng Gioan cho biết thêm là sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mình lây nhiễm các quan niệm về Đấng Messia lệch lạc ấy nên buộc họ vội vàng rời khỏi nơi đó. Chúa Kitô không muốn người ta coi Chúa như một Đấng chỉ ban cơm bánh. Chúa không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin những ơn vật chất.

2. Chúng ta hãy coi cách Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Thánh Phêrô và các tông đồ: Ban đầu Ngài để cho các tông đồ bị bão biển đe dọa (cũng như Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sơ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp, kết quả là các ông tin vào Ngài “Thật, Thầy là con Thiên Chúa”.

Nhiều khi xem ra Chúa bỏ mặc chúng ta trong những hoàn cảng khó khăn. Nhưng đó chính là cách Chúa giáo dục đức tin cho chúng ta. Do đó đừng hoảng sợ, cũng đừng nản lòng. Hãy kêu lên Chúa như Phêrô xưa: “Lạy Thầy, xin cứu con”.

3. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi: “Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?” “Ồ không, tôi không phải là người có một đức tin lớn lao, mà chỉ là người có một đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao”.

4. “Sau khi giải tán đám đông, Người lên núi và cầu nguyện chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình”. (Mt14,23).

Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Chúa. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con, chỉ cần một chút cố gắng của Tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày con có biết bao nhiêu giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất. Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ điện thoại trả lời, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi bị kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ, thay vì bực bội nóng ruột con lại cảm thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn, để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.

5. Chúa liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (Mt14,31).

Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, vẫn rước lễ hằng ngày, làm việc từ thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen.

Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào…Vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần đần ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của Thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình đã thực sự có đức tin chưa ? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình Công giáo…

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14, 13-21)

  1. Tìm hiểu Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu có mọi đức tính đáng ca tụng: khiêm nhường, công bình, can đảm, tế nhị... nhưng nổi bật nhất là lòng thương xót. Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi. Tình thương của Người được thể hiện bằng cách giảng dạy và cứu con người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, cũng như ban bánh nuôi sống họ.

Còn chúng ta, đối với anh em chung quanh, ta có thái độ nào ? Yêu thương giúp đỡ hay lãnh đạm dửng dưng ? Cách đối xứ của ta đối với tha nhân sẽ là bằng chứng cho thấy chúng ta có phải là Kitô hữu đích thực hay chỉ là giả hiệu.

  1. Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dày của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm nhò gì với một biển người như vậy! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm cỏ để cho Người làm việc. Thánh Mátthêu kể: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu được 12 giỏ đầy”.
  2. Đọc Tin mừng chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu ”chạnh lòng thương khi gần gũi dân chúng của Người”. Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Người là thương, và vì thương nên Người chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Xem như mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.

Tại sao Chúa lại yêu thương đến thế ?

Khi muốn làm cho người ta hiểu tại sao Chúa lại yêu con người như thế, thì các nhà tư tưởng của Ai cập xưa đã viết nên một câu chuyện thật đẹp như sau: Thiên Chúa xuống tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn và đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Chúa là khi Người thọc tay vào đất thì đúng vào một cái hang của một con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy! Cứ để cho máu của Ta hoà với máu của con người để cho con người biết Ta yêu nó như thế nào”. Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính các con hãy liệu cho họ ăn”. Chúa không để cho các Tông đồ phải tự sức mình mà lo, Ngài chỉ cần các ông cộng tác và đóng góp những gì có thể, dù chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu bao la. Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa đã thực hiện phép lạ nuôi sống 5000 đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
  2. Thánh Augustinô viết: “Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người, nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác”.

Trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ cộng tác với Người trong việc phục vụ tha nhân khi nói: “Chính anh em cho họ ăn”. Với quyền năng vô biên, Chúa Giêsu có thể tự mình làm phép lạ nuôi sống mọi người, chứ không cần sự giúp đỡ của các môn đệ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn mời gọi các ông cộng tác, để từ đó, Người dọn ra một bữa ăn no nê cho dân chúng.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ ngày xưa: “Chính anh em hãy cho họ ăn” cũng chính là lời Người mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ trong thế giới ngày nay. Tôi có gì để cho tha nhân ? Thưa, đó là tất cả những gì tôi đang có: sức khỏe, tài năng, những ơn Chúa ban... Chúa muốn tôi sử dụng những hồng ân đó để phục vụ và chăm sóc mọi người.

  1. Truyện: Lời cầu xin của người đàn bà

Truyện kể một người đàn bà nghèo về vật chất, nhưng lại giàu về lòng tin. Người chủ căn phòng, nơi bà thuê là một người đàn ông giàu có, nhưng keo kiệt và vô đạo, ông thường đem lòng tin của người đàn bà làm trò cười, đùa giỡn.

Một hôm, người đàn bà cầu nguyện lớn tiếng với Chúa rằng hiện trong nhà không còn lấy một hột gạo. Để cho người đàn bà một bài học về sự mê tín dị đoan, kẻ vô đạo liền lấy một ổ bánh mì, rón rén đặt trước cửa người đàn bà bấm chuông rồi chạy vội về phòng mình.

Người đàn bà mở cửa phòng lấy ổ bánh mì, trở lại phòng và cầu nguyện tạ ơn: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con biết rằng lúc nào Chúa cũng nhận lời con cầu xin”.

Người đàn ông rất tâm đắc khi nghe một lời cầu nguyện như thế. Ông bèn đến gõ cửa phòng người đàn bà và nói vọng vào: “Hỡi người đàn bà ngu xuẩn kia, bà tưởng rằng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của bà ư ? Chính tôi là người đã mang ổ bánh đặt trước cửa phòng bà đó”.

Làm như thể không để ý đến lời nói của ông ta, người đàn bà nghèo lại tiếp tục cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì Chúa luôn trợ giúp con trong lúc túng ngặt; Chúa dùng ngay cả một tên quỷ để đáp lại lời cầu xin của con”.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, gia nhập đạo Công giáo được bốn năm, từ ngày vào đạo, hầu như không ngày nào bỏ tham dự thánh lễ lúc 6g30 sáng.

Ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirôshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp... Đã gần hai tuần, vị linh mục phụ trách giáo điểm truyền giáo không thấy Nakamura đi lễ nên quyết định đi thăm nàng. Ngài khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà Nakamura. Hỡi ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng hai thước trơ trọi đứng đó... Vị thừa sai thổn thức vòng lại phía sau nhà. Trời ơi, một cái chòi thô sơ, bốn góc là bốn cái cột, chung quanh che bằng chiếu, mành, áo quần rách, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm xiêu vẹo. Ngài bước vào trong. Ôi lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp: Nakamura nằm trên đó, áo xống tả tơi, cháy sém, hai tay hai chân co quắp như một xác chết...

Vị linh mục khựng lại, không sao nói được một lời. Sau một lát, ngài lấy can đảm gọi tên nàng. Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được. Nàng bị thương nặng quá, chân tay mình mẩy, chỗ nào cũng thấy sây sát. Ở đầu vai bên phải, thịt xương cháy xám lòi ra, để một lỗ hổng, có thể đút lọt bàn tay. Vị linh mục xắn áo, lau chùi, dọn dẹp rồi giúp nàng xoay mình. Nakamura mở hai mắt nhìn vị linh mục, tràn ra mấy giọt lệ, cựa quậy tay trái như muốn giơ lên chào mà không giơ lên nổi. Nàng nói thì thầm: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không ?”. Vị linh mục chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt đã trào ra. Sau ít phút trao đổi, vị linh mục được biết, đã 14 ngày qua, trừ ra cha nàng, ông cũng bị thương nặng, mỗi ngày đem cho nàng chút ít đồ ăn, nước uống, còn ngoài ra, chẳng ai lo lắng chăm sóc nàng. Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca than thở, không kêu xin xót thương giúp đỡ. Nàng như quên hết mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không ?”. Vị linh mục nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt cứ thi nhau trào ra...

Ngài trở lại nhà, lấy Mình Thánh Chúa cho Nakamura rước lễ, rồi ngài nán ở lại, lau chùi, dọn dẹp thêm chút nữatúp lều của nàng... Nakamura nhỏ nhẹ nói với ngài: “… Đã bốn năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, muốn phục vụ hết mình những người nghèo khó, bệnh tật. Hiện giờ, con thế này, không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu ? Dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, Chúa là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con...”.

Hôm sau, vị linh mục trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa… nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí Thánh Giêsu... không còn trên mặt đất khổ đau này nữa. Nakamura mới gia nhập đạo được mấy năm, hằng ngày đi lễ ban sáng và rước lễ... bị tai nạn, cửa nhà tan nát, thương tích đầy mình, đớn đau tinh thần, thể xác, mà không một lời kêu ca, ta thán. Gặp linh mục Nakamura chỉ hỏi đến Mình Thánh Chúa... Vị thừa sai xác tín: Ngoài trường “Thánh Thể” ra, không còn trường nào khác dạy được như vậy! (Theo tạp chí “Mater nostra”, Trương Vân Thục, OSB sưu tầm).

Suy niệm

Dân Chúa khao khát nước Trời, họ bỏ tất cả để được lắng nghe và như lời dạy của Đức Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Ngài đã cho họ thêm: Đã làm cho họ được no đủ, họ được thỏa lòng khao khát Lời công chính, Lời đó dẫn về nước Trời. Nước đó được bắt đầu nơi tâm hồn của người theo Chúa, bởi vì khi theo và nghe Đức Kitô giảng dạy, chính Ngài thương xót và chữa lành những người bệnh tật, Ngài làm cho họ no thỏa nhu cầu sự sống con người tại “chỗ hoang vắng” (Mt 14:13), chỗ Ngài làm bánh hóa nhiều gợi lại cho chúng ta hình ảnh sa mạc mà dân Do Thái đi trong bốn mươi năm và được nuôi bằng manna, bánh bởi Trời để dân Người được sống trong hành trình về đất hứa, nơi đó “mọi người sẽ được nuôi ăn và ăn no nê” (x. Đnl 6,11; 11,15; 31,20).

Trước sự khao khát Lời Hằng Sống mà dân Chúa đứng trước sự đói khát của nhu cầu thân xác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “…các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn về lương thực cho năm ngàn người. Người bảo các ông: “Hãy đem lại cho Thầy”. Chúa truyền cho dân “ngả lưng trên cỏ” (Mt 14:19) có nghĩa là sửa soạn ăn, ngả lưng là tư thế để ăn, như là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận hồng ân. “Cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”: Chúa làm hành động giống như trong bữa tiệc ly (x. Mt 26,26), và cũng để chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời (x. Mt 8,11-12; 22,1-10). Hành động trung tâm của nước Trời và mọi người đều ăn no. Sự dư dật này là một dấu chỉ được loan báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia trong Kinh Thánh (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10). Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta sự việc: Tiên tri Êlisê ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi mang hai mươi chiếc bánh nuôi cả trăm người (x. 2V 4,42-44). Các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta sáu lần hóa bánh ra nhiều (Mt 14:13.21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

Như dân Chúa tìm về đất hứa, như những người cất bước tìm nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy, chúng ta đến với Chúa, được Ngài chăm sóc đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, cho đủ thỏa tất cả…

Ý lực sống

“Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê” (Tv 144,16).

Top