Thứ Tư tuần 1 mùa Vọng (+video)
Mt 15, 29-37
“Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được bảy thúng đầy”. (Mt 15, 37)
1. Nếu chúng ta đặt câu chuyện này song song với Tin Mừng Lc 9, 10-17 thì chúng ta sẽ được biết thêm những chi tiết đặc biệt khác. Luca cho chúng ta biết, đứng trước cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng của những người trong cuộc rất khác nhau:
a/ Trước hết là phản ứng của những môn đệ. Các môn đệ phản ứng rất tiêu cực: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”. Đây là phản ứng theo lý (các môn đệ thấy mình chẳng có trách nhiệm gì đối với đám đông này), và họ chọn thái độ thoái thác, mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).
Thông thường thì chúng ta cũng như thế. Đây là thái độ của Cain sau khi Chúa hỏi anh về cái chết của Abel, em của anh ta.
Thái độ khép kín lòng từ tâm này rõ ràng chẳng làm cho con người được hạnh phúc mặc dù cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn một thứ gì.
b/ Phản ứng thứ hai là phản ứng của Chúa Giêsu. Đây là phản ứng rất tích cực “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều.
Rõ ràng đây là phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.
Tại văn phòng của một cố vấn tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa giàu sang bước vào giải bày tâm sự:
- Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng lòng của tôi lúc nào cũng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.
Nhà cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phư nữ này nghe. Cô thư ký kể:
- Chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng; con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình... tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp, được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc”.
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì mà đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
2. Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông nói: “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15, 34).
Trong bài giảng số 178, thánh Augustinô có kể lại câu chuyện xảy ra lúc ngài sống tại Milanô Bắc Italia như sau:
Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại Lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình, để nhận lại. Đọc được tấm bảng, người mất ví tìm đến nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ. Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho ông mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng, người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận. Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào”. Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giàu. Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông và ông cảm thấy lòng mình thảnh thơi.
Byron nói: “Phương thế tốt nhất để bảo toàn hạnh phúc là biết chia sẻ hạnh phúc”.
Vua Baudouin thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đau cái đau của người khác, biết khắc khoải nỗi khắc khoải của người khác. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ với người khác mọi hạnh phúc chúng con đang có”.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 1 Mùa Vọng (+video)
-
Thứ Ba tuần 1 mùa Vọng (+video) -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục (+video) -
Thứ Hai tuần 1 Mùa Vọng (+video) -
Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C (+video) -
Thứ Bảy tuần 34 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 34 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 34 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 34 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 34 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video)