Thứ Ba tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Ba tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Ba tuần 30 Thường niên (+video)

Lc 13, 18-21

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men
bà kia lấy vùi vào ba thúng bột,
cho đến khi tất cả bột dậy men”
.
(Lc 13,21)

Với hai dụ ngôn vừa nghe, Chúa Giêsu muốn nói đến sự phát triển của Nước Trời.

1. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19)

Tại một nghĩa trang bên Đức, có một ngôi mộ rất được chú ý đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới được xây bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có nhưng không tin có Chúa cũng chẳng tin có sự sống lại. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mồ.

Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.

Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố, thế nhưng một hôm, tình cờ có một hạt giống từ một con chim bay trên trời rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây và rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng, làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.

Hạt cải cũng tương tự như hạt giống kể trên. Nó thật nhó bé nhưng có một sức sống mãnh liệt bên trong. Khi ví Nước Trời như hạt cải vô nghĩa kia, Chúa Giêsu cũng muốn nói tới sức sống bên trong của nó. Nhờ có sứ sống bên trong mà nó có thể trở thành một cây lớn, đến độ chim trời có thể đến ẩn náu dưới bóng nó được.

Nhìn vào con số ít ỏi những tín hữu ngày hôm nay trên thế giới (thí dụ tại Châu Á mới chỉ có chừng 2,8%) nhiều khi chúng ta thấy thất vọng. Chúng ta thất vọng vì chúng ta thường tính toán dựa trên những số lượng mà không để ý đến phẩm chất. Ngày xưa, lúc khởi đầu cũng như thế nên Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa.

Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Các ngài đã làm xong công việc của mình. Ngày nay trong Giáo Hội, Thiên Chúa cũng đang dùng những tâm hồn bé nhỏ, những nhóm Kitô hữu nhỏ làm hạt giống. Họ là những tâm hồn khiêm tốn nhưng siêng năng cầu nguyện; họ là những nhóm nhỏ trong giáo xứ đang cùng nhau học hỏi và sống Lời Chúa. Và chuyện quan trọng ở đây không phải nhỏ hay lớn, mà là sức sống. Sức sống ấy chính là Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội: “Thầy sẽ ở với chúng con cho đến tận thế” (Mt 28,20).

2. Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)

Dụ ngôn “Men Trong Bột” nói lên sức men thấm nhập toàn thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị thì giáo lý của Nước Trời cũng sẽ thấm nhập vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả năng nhận biết Tin Mừng. Tinh thần bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận của người Kitô hữu là đem Tin Mừng vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để tinh thần Tin Mừng thể hiện được trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của xã hội.

Ernest Gordon cô viết cuốn sách nhan đề “Ngang qua thung lũng sông Wai”, trong đó ông mô tả những chuyện có thật xảy ra tại trại tù binh Nhật dọc bờ sông Wai trong thế chiến thứ hai. Tại đây 12 ngàn tù binh chết vì bệnh tật, vì bị đối xử tàn nhẫn trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa. Họ làm việc cực nhọc dưới nắng nóng gần 50 độ, đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi!..

Nhưng điều đau khổ nhất không phải do lao động mà do họ cư xử xấu với nhau. Họ chỉ điểm nhau, trộm cắp của nhau, đánh đập chửi mắng nhau như cơm bữa!...

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức học hỏi Kinh Thánh với các tù nhân khác. Nhờ đó, họ khám phá Chúa Giêsu đang sống giữa họ, thông cảm với họ, vì Người đã từng chịu đói khát, phản bội, đòn vọt đến chết và chết treo trên khổ giá. Từ đó họ không còn chỉ điểm nhau, thù ghét nhau. Họ hoán cải rõ rệt và bắt đầu cầu nguyện cho nhau. Cả trại biến đổi lạ thường. Không còn tiếng than van oán trách mà chỉ còn lời ca tiếng hát vui vẻ, mặc dầu vẫn phải lao lực cực khổ hằng ngày.

 

Top