Thứ Năm tuần 29 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 29 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 29 Thường niên (+video)

Lc 12, 49-53

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi
lửa ấy đã bùng lên!”.
(Lc 12,49)

1. Đoạn này có hai ý:

Bằng hai hình ảnh “lửa”“phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50):

- “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.

- “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới: việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.

Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53). Nhiều người nghĩ rằng, Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng, đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng, Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Như vậy, hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẻ”:

Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh chân Lý Á Châu, đã có lần đã cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.

Thế nhưng ngày kia, niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công giáo của người con trai duy nhất của ông.

Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.

Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công giáo và cũng xin đi tu.

Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công giáo, đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.

Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị chỉ biết cầu nguyện, để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhậm lời. Vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.

2. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)

Vâng, lửa phải cháy bùng lên. 

Một bữa tối tại sân vận động trường Los Angeles – Mỹ, một diễn giả nổi tiếng – ông Keller- được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:

- Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn sáng trong sân vận động này.

Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông Keller nói tiếp:

- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to: “Đã thấy!”.

Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: “Đã thấy!”.

Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông Keller giải thích:

- Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên:

- Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên! Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

Ông Keller kết luận:

- Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hoà bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.

Cách tốt nhất để xây dựng hoà bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và cái ác. (Theo The Love and Life).

 

Top