Thứ Tư tuần 29 Thường niên (+video)
Lc 12, 39-48
“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng,
vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến”.
(Lc 12,40)
1. Đoạn Tin Mừng này gồm 2 dụ ngôn nhỏ:
* Dụ ngôn thứ nhất nói về một chủ nhà tỉnh thức (Lc 12,39-40): Dụ ngôn này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và tên trộm đến đều bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức.
Ý chính của dụ ngôn này là tỉnh thức.
* Dụ ngôn thứ hai nói về một người quản gia trung thành (Lc 12,41-48). Dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Theo Luca thì người lãnh đạo là một người được Chúa trao cho việc coi hay nói theo từ ngữ mà Luca thích dùng đó là người “quản lý” giáo đoàn (Lc 16,1.3.8). Vì được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ lãnh đạo cho nên người đó phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa quang lâm. Nếu trung thành sẽ được trọng thưởng. Trái lại, nếu nghĩ rằng, Chúa chậm quang lâm, rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến ngày Chúa quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chức vụ càng cao thì hình phạt càng nặng.
Ý chính của dụ ngôn này là phải trung thành trong nhiệm vụ được giao.
2. Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Một linh mục chính xứ kia, được Chúa Giêsu báo cho biết trước là Ngài sẽ đến thăm giáo xứ vào Chúa nhật tới. Nghe tin đó, mọi người trong giáo xứ đều háo hức tề tựu ở nhà thờ để chào đón Chúa. Khi Chúa đến, ai cũng muốn được nghe những lời giảng dạy của Ngài, thế nhưng Chúa chỉ gật đầu mỉm cười mà không nói một lời nào. Dĩ nhiên là sau đó linh mục chính xứ đã mời Ngài vào nghỉ tại nhà xứ, nhưng Chúa Giêsu cho biết là Ngài chỉ thích ở lại trong nhà thờ mà thôi.
Sáng hôm sau, mọi người cũng tới nhà thờ để tiếp tục chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã biến mất từ lúc nào không ai biết. Nhưng có một sự việc mà cả linh mục cũng như giáo dân đều kinh ngạc, đó là trong nhà thờ chỗ nào cũng thấy hai chữ “coi chừng” được viết ở khắp nơi. Từ cửa sổ, trần nhà, bàn ghế và ngay cả quyển Kinh Thánh và Nhà Tạm, nơi nào cũng thấy hiện lên hai chữ “coi chừng” được viết bằng đủ mọi màu sắc. Nhưng “coi chừng” điều gì thì không ai biết. Và vì là chữ viết của Chúa Giêsu cho nên không ai dám xoá.
Thế rồi mọi người không ai bảo ai, mỗi khi bước vào nhà thờ ai cũng cảm thấy mình bị đánh động bởi hai chữ “coi chừng”, và họ cảm thấy mình phải sống ý tứ hơn. Và thật là một điều hết sức kỳ diệu. Từ đó, mỗi người thấy phải coi chừng đối với việc lắng nghe Lời Chúa. Họ không còn lắng nghe một cách hời hợt, nhưng nghe để rồi đem ra thực hành trong cuộc sống. Họ cũng coi chừng đối với việc lãnh các Bí tích. Họ không còn dám lãnh các bí tích như một thói quen, nhưng đã cố gắng lãnh các bí tích một cách ý thức hơn.
Cả linh mục chính xứ cũng thế. Ngài cũng đã phải coi lại cách sống của mình để biết sống khiêm tốn, dấn thân hơn trên con đường phục vụ dân Chúa. Người người ai cũng coi chừng, coi chừng cung cách cầu nguyện, coi chừng đối với cả cách họ vẫn nghĩ xưa nay về Thiên Chúa. Thiên Chúa mà họ phải tôn thờ không phải là Thiên Chúa chỉ ở trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải nhận biết Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc sống nữa. Cuối cùng, nhận thấy ý nghĩa và ích lợi quá lớn của hai chữ coi chừng mà Chúa Giêsu đã viết trong nhà thờ, người ta còn cho bắt thêm những ngọn đèn điện lớn được xếp thành hai chữ “COI CHỪNG” trên nóc giáo đường để mọi người thấy rõ hơn.
3. Câu chuyện chúng ta vừa nghe chỉ là một câu chuyện giả tưởng nhưng quả thực nó cũng có một ý nghĩa nào đó cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng phải biết coi chừng.
Trong bài giảng nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm được bầu vào chức vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, Đức Gioan Phaolô II đã làm một cử chỉ chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội, đó là ngài đã khiêm tốn làm một cuộc tra vấn lương tâm trước mặt mọi người. Ngài nói như sau:
- Sau hai mươi năm phục vụ trên quan tòa Phêrô, hôm nay tôi không thể không tự đặt ra cho mình một số câu hỏi:
a. Ngươi có làm tròn sứ vụ được giao phó không ?
b. Ngươi có chuyên cần và tỉnh thức trong chức vụ thầy dạy đức tin của Giáo Hội không ?
c. Ngươi có cố gắng đưa con người ngày nay đến gần công cuộc vĩ đại của Công đồng Vaticanô II không ?
d. Ngươi có quan tâm đến những chờ đợi của các tín hữu trong Giáo Hội, cũng như nỗi khát khao chân lý trong thế giới bên ngoài Giáo Hội không ?
Ước gì mối quan hệ và trách nhiệm đối với tha nhân luôn là điểm xét mình hàng ngày của chúng ta. “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Sáu tuần 33 Thường niên (+video)
-
Thứ Năm tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B (+video) - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 32 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video)
-
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)