Chúa nhật 30 Thường niên năm C - Chúa nhật Truyền giáo (+video)

Chúa nhật 30 Thường niên năm C - Chúa nhật Truyền giáo (+video)

Chúa nhật 30 Thường niên năm C - Chúa nhật Truyền giáo (+video)

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Hôm nay, ngày CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đến cho lương dân, để làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Người.

Theo Công đồng Vaticanô II thì chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho lương dân trở thành môn đệ của Chúa. Vậy, thử hỏi tại sao chúng ta phải truyền giáo và chúng ta sẽ truyền giáo như thế nào?

I. LÝ DO TRUYỀN GIÁO

Chúng ta biết chính vì lòng yêu thương vô vàn đối với loài người mà Chúa Cha đã sai Con của Người xuống thế gian. Và Con của Người đến với loài người không để làm công việc nào khác hơn là làm cho mọi người nhận ra Thiên Chúa Cha là Đấng đầy lòng yêu thương và muốn cứu độ mọi người. Như vậy Chúa Giêsu là sứ giả của Chúa Cha, là tông đồ được Chúa Cha sai xuống trần gian. Ngài đã làm công việc ấy khi trở thành giá cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm tử nạn - phục sinh. Và Sau khi hoàn thành công việc tốt đẹp này Ngài muốn truyền lại cho những thế hệ mai sau sứ mạng cao cả của Ngài như lời Ngài nói "Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai chúng vào thế gian".

Vâng! Chúa Giêsu đã công khai sai các môn đệ của Ngài đi. "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19).

Xưa là như thế và hôm nay cũng như vậy. Ơn gọi của mỗi người Kitô hữu là ơn gọi tông đồ. Là tông đồ có nghĩa là được sai đi. Chính vì thế mà Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo hội là Giáo hội truyền giáo. Giáo hội gồm những người được sai đi. Và truyền giáo là lẽ sống của Giáo hội. Mọi người trong Giáo hội phải truyền giáo. Không truyền giáo là không thi hành ơn gọi của mình.

Vâng! Chúa Giêsu không thể làm thế khác. Ngài không thể cứu chuộc ai mà đồng thời lại không sai họ đi. Ngài không thể nhận ai vào thân thể của mình mà lại không để cho họ thông phần vào sự sống của Ngài. Mà sự sống của Ngài là làm theo ý Chúa Cha, là tham dự sự sống của Chúa Cha, là chia sẻ tất cả những gì Chúa Cha ban cho.
Sau khi Chúa Giêsu về trời các tông đồ đã hăng hái cất bước lên đường đi rao giảng TM ngay. Sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta thấy các tông đồ đã: "lập tức bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.(Cv 9,20).

Thánh Phaolô đã coi việc rao giảng Tin Mừng như một phần thưởng và hơn nữa như một lẽ sống "Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.(1Cr 9,18). "Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !(1Cr 9,16).

Ý thức việc rao giảng Tin Mừng quan trọng như thế nên các tông đồ đã hăng hái đi rao giảng khắp nơi.

Đầu tiên là cho những người Do thái  và sau đó là những dân tộc khác. Có một chút ưu tiên chọn lựa như lời Chúa nói: "Trước hết chúng con hãy đến với những con chiên lạc nhà Israel".

Rồi sau đó Phêrô Phaolô đã sang đến tận Roma.

Tục truyền Toma đã sang tới tận Ấn Độ.

Sách TĐCV kể: "Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri-a và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó.(Cv 8,5) Các ngài "Rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a.(Cv 14,25) Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a.(Cv 16,6).

Các ngài rao giảng một cách hết sức mạnh dạn.(Cv 28,31) và sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa Kitô : "Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go.(1Tx 2,2).

Trong Sách Khải Huyền thánh Gioan đã nói: "Tôi cũng thấy linh hồn những người đã bị chém đầu vì đã rao giảng lời chứng của Đức Giê-su và lời của Thiên Chúa; họ là những kẻ đã không thờ lạy Con Thú và hình tượng của nó, và không nhận thích dấu của nó trên trán và trên tay. Họ đã sống lại và hiển trị với Đức Ki-tô.(Kh 20,4).

II. PHẦN CHÚNG TA.

Đức cố giáo hoàng Phaolô VI trong tông thứ “Rao giảng Tin Mừng” đã nhấn mạnh : “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy và nếu được quả quyết thì họ cần những thầy dạy là những chứng nhân.

Chúng ta có thể là những chứng nhân  

1. Lời cầu nguyện.

Têrêsa Hài Đồng Yêsu nay là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.

2. Chúng ta có thể là những chứng nhân qua đời sống chứng tá.

+ Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng Chúa được lan rộng. Họ nói về sự tuyên truyền, về lài liệu và những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ XX này.

Một cô gái Phi Châu nói:

- Khi muốn truyền đạo cho một làng của chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người trong làng thành những kitô hữu.

+ Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phải phủ Hoa Kỳ tập trung ở một nhà ga xe lửa tại Chicago để chào đón người được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1953 trở về.

Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông cao lớn, tóc quăn, có một chòm râu mép dài. Các máy ảnh chớp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố giang rộng tay đón chào vị thượng khách.

Người được giải Nobel hòa bình cám ơn mọi người rồi rồi đưa mắt nhìn về một chỗ xa xa ở trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng đó. Mọi người tưởng ông để quên hành lý nào đó. Ông băng qua đám đông, trực chỉ đến một người đàn bà da đen lớn tuổi đang khệ nệ với hai va ly nặng trên tay. Ông đưa tay xách cả hai va ly thay cho bà, rồi đưa người đàn bà đó ra một chiếc xe buýt đậu gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe xong, ông không  quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì đã bắt mọi người chờ đợi.

Người được giải thưởng hòa bình năm 1953 ấy không  ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho người nghèo tại Phi Châu.

Chứng kiến cử chỉ của ông, một người thuộc ủy ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó nói với các ký giả: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy được một bài giảng biết đi".

+ Chúng ta có thể là những chứng nhân qua cuộc sống tốt đẹp hằng ngày.  

Một thương gia giàu có  xin nhập đạo. Khi được hỏi lý do, ông đáp:     

- Nhờ gương một công nhân của tôi. Đôi lúc tôi nổi nóng, quát mắng, nhưng anh không hề tỏ ra giận ghét tôi, đù tôi biết anh rất đau khổ. Có khi tôi đối xử thô bạo với anh, anh không bao giờ thốt lên nửa lời. Thái độ của anh làm tôi, dù là cấp trên, đem lòng cảm phục. Sự thực, anh chẳng bao giờ nói với tôi về đạo, nhưng đời sống đạo của anh đã chinh phục tôi. Giờ tôi không còn nghi ngờ gì nữa và tôi hy vọng Chúa Giêsu Kitô sẽ ban cho tôi sự sống đời đời.. .  .

 

Top