Thứ Sáu tuần 3 mùa Vọng (+video)

Thứ Sáu tuần 3 mùa Vọng (+video)

Thứ Sáu tuần 3 mùa Vọng (+video)

Ga 5, 33-36
Gioan là đền cháy sáng (Ga 5, 33)

Chúng ta đã đi được hơn một nửa đường của Mùa Vọng. Ngày mai chúng ta bước vào tuần bát nhật để chuẩn bị mừng Màu Nhiệm Giáng Sinh. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về hai lời chứng: Một của Gioan Tẩy Giả và Một của Thiên Chúa. Chúa Giêsu coi lời chứng của Thiên Chúa mới là Lời chúng có giá trị.

1. Trước hết là Lời chứng của Gioan Tầy Giả.

Tin Mừng ghi Gioan là ngọn đèn cháy sáng. Ông đến để làm chứng, làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho sự thật

Chúa Giêsu nói đến những chứng cớ để người ta nhận ra người là do Thiên Chúa gửi đến. Chứng cớ đó chính là Gioan. Tin Mừng thứ Tư nói về Ông như thế này: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (Ga 1, 7-8)

“Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai? “ Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? “ Ông nói: “Không phải.” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? “ Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? “ Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ? “ Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 19-27)

Rất rõ ràng và dứt khoát. Không có gì mờ ám trong những lời làm chứng náy.

2. Bên cạnh Lời chứng của Gioan, chúng ta còn được thấy cả lời chứng của Thiên Chúa nữa.

Lời chứng cùa Thiên Chúa được Tin Mừng ghi lại trong hai biến cố xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu.

Lần thứ nhất khi Chúa đến xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Tin Mừng ghi ghi: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17)

Lần thứ hai khi Chúa biến hình trên núi. Lúc ba môn đệ đang ngây ngất trước cảnh biến hình của Chúa và lúc các: Ông còn đang nói, thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5).

Thật là rõ ràng và minh bạch thế nhưng kết quả như thế nào thì chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Tin Mừng thứ tư: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1, 10-12)

3. Lời chứng của chúng ta.

Chúng ta là những người đón nhận, tức là đã tin vào danh Người, và được Người cho quyền trở nên con Thiên Chúa. Nói thế có nghĩa là chúng ta phải làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng bằng nhiều cách nhưng cách tốt nhất vẫn là bằng cuộc sống của chúng ta.

Vào các ngày từ 4 đến 5 tháng 10 năm 1997 “Ngày Gia Đình Thế Giới gặp gỡ Đức Thánh Cha” họp tại Rio de Janeiro, nước Brazil, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đến chủ tọa Đại Hội này. Trong Đại Hội, ngoài các phần nghi lễ, phát biểu, còn có phần chứng từ. Một trong số đó có chứng từ của chị Emmanuella đã khiến mọi người cảm động sâu xa trước tình yêu cao cả của một người mẹ, mẹ của chị. Emmanuella năm nay 36 tuổi, chị đã đứng trước Đại Hội để làm chứng về trường hợp của chị. Chị nói:

“Cách đây vừa tròn 36 năm, mẹ tôi, một người mẹ Công Giáo bình thường như bất cứ một người mẹ nào. Và bà cũng có một trái tim, trái tim của một người mẹ biết yêu thương và biết hy sinh tất cả cho con cái. Tấm lòng bình thường của một người mẹ đã không còn bình thường, không còn tầm thường nữa mà đã trở nên phi thường đứng trước một chọn lựa thiết thân liên quan đến sinh mạng của bà.

Mẹ tôi lúc đó đang mang thai tôi. Bà bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo phải phá thai mới cứu được mẹ. Nếu để thai thì mẹ sẽ phải chết, và thai nhi cũng khó sống. Đứng trước chọn lựa sinh tử đó, mẹ tôi đã chọn cái chết để thai nhi được sống. Thật là một chọn lựa anh hùng và can đảm. Chỉ có con người, và chỉ có tấm lòng của một người mẹ có một tình thương bao la mới có thể có chọn lựa đó mà thôi. Bà đã không lầm khi chọn điều đó.

Kết quả là 36 năm sau tôi được vinh dự đứng trước Đại Hội về Gia Đình để làm chứng cho tình yêu bất diệt của mẹ tôi. Đây cũng là cơ hội để tôi nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với người mẹ đã cưu mang tôi, đã sinh ra tôi và đã hy sinh vì tôi. Mạng sống tôi đã được đổi bằng chính mạng sống của mẹ tôi. Thật là một sự hy sinh cao cả, sự hy sinh này đã là dấu chỉ họa lại sự hy sinh lớn lao của Đức Ki-tô, Đấng đã hy sinh mạng sống mình vì nhân loại.

Tôi xin làm chứng cho điều đó. Và tôi xin nhân danh những người con tỏ lòng biết ơn cha mẹ, tán dương công ơn trời bể của các bậc sinh thành.”

Được biết, bà mẹ của chị Emmanuella đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phúc.

Top