Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay (+video)

Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay (+video)

Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay (+video)

Mt 21,33-43.45-46

Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

(Mt 21,43)

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như một Giuse mới. Giuse cũ trong Cựu Ước đã lấy ơn để trả oán. Chúa Giêsu - Giuse mới trong Tân Ước còn hay hơn: Không phải chỉ lấy ơn trả oán mà còn lấy cái chết để cứu chuộc cả những người hành hạ mình nữa. Việc làm của Chúa quả là một việc lạ thường, con người khó mà hiểu nổi.

Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc (Mt 21,42).

Viên đá mà “những người thợ xây” - tức loài người chúng ta - coi là đồ bỏ, thì Thiên Chúa đã biến thành tảng đá góc tường. Xin mở một dấu ngoặc: Vào thời Chúa Giêsu, khi phải xây ngôi nhà có mái vòm lớn trên nóc, người ta phải có một viên đá đặt ở trên chóp đỉnh để chịu lực. Viên đá đó có một vai trò rất đặc biệt. Nó giữ cho những viên ngói trên mái vòm được liên kết với nhau nhờ thế mà cả mái vòm được đứng vững. Khi ví mình như một viên đá góc, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: Hãy nhìn mọi sự trong tinh thần lạc quan, không được phép thất vọng hay buồn phiền, nhất là khi phải đối diện với những bất công khổ đau trong cuộc sống.

Ở Mỹ có một tảng đá rất nổi tiếng. Đó là tảng đá Balebon tại tiểu bang California.

Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà cửa của họ; và thế là với hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá lên xa lộ.

Theo dõi câu chuyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đã đến xin mua tảng đá ấy. Sở Kiều lộ của thành phố đã bán tảng đá này với giá 100 Mỹ kim. Những người có trách nhiệm của thành phố đã mừng thầm vì cảm thấy ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái “của nợ” ấy đi. Sau đó, người Úc kia đã bỏ ra 20.000 Mỹ kim nữa để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài làm việc, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà quí nhất mà người này dành cho tài tử yêu quí trước khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm ấy đã được bán cho một người chuyên sưu tầm tượng ảnh với giá một triệu Mỹ kim.

Tảng đá Balebon trên đây đã bị nhiều người xem là một “của nợ”, nhưng một người Úc đã nhìn ra những giá trị tiềm ẩn trong đó. Nó đã trở thành một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Và cuối cùng, công trình đã được hoàn thành. Từ một tảng đá đáng bỏ đi nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật và giá trị của nó không thể ngờ được.

Trước Công nghị Do Thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường (Cv 4,11).

2. Hãy nhìn vào tấm gương đó để chúng ta bắt chước.

Thời Xuân Thu chiến Quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới và dân cư của hai nước sống ở gần biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vì chịu khó vun xới chăm bón cho nên dưa tốt, quả nhiều. Còn người bên nước Sở thì vừa lười vừa làm biếng, chẳng chịu chăm sóc tưới bón nên dưa xấu, quả ít. Quan huyện sở tại bên nước Sở thấy vậy thì tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, nên cứ tối tối, lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác.

Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng định rắp tâm sang phá dưa bên nước Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, mưu cao liền can ngăn và bảo:

- Nếu lấy ác mà xử ác thì chỉ gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao. Thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí.

Nói là làm. Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, cũng để ý rình rập, sau mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Quan bản địa bên nước Sở thấy vậy lấy làm hổ thẹn. Sự việc đến tai vua nước Sở. Vua nước Sở cũng lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng, ngoài cái tội phá dưa của người ta ra, còn thêm một tội khác nữa là gây ra thù oán. Vua nước Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hòa bang giao.

Thế là hai nước giữ được sự yên bình lâu dài và dân cư thái bình.

Giá mà mỗi người chúng ta cũng biết sống như quan huyện nước Lương thì cuộc sống của mọi người sẽ đẹp biết bao!

Top