Thứ Hai mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1,26-38)
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói:
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,
Đức Chúa ở cùng bà”.
(Lc 1,28)
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Bài đọc 1: Cv 1, 12-14
Các Tông Đồ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
12 Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. 13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. 14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
Đáp ca: Lc 1, 46-47.48-49.50-51.52-53.54-55 (Đ. c.49)
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
46Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Bài đọc 2: Gl 4, 4-7
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
Tin mừng: Lc 1, 26-38
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa.
31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.
32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.
33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Qua Mẹ Maria, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Mẹ là Đấng Đầy Ơn và là Đấng Trung Gian đem Chúa đến cho con người. Hãy đến với Mẹ và phó thác đời mình trong sự bảo trợ của Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Con Đấng Tối cao, con mường tượng phút giây Chúa trở thành một mầm sống trong cung lòng Mẹ Maria. Chúa đã đáp ứng lại niềm trông đợi trải dài suốt thời Cựu ước. Mẹ Maria chính là điểm cuối cùng; chuỗi mong đợi tưởng chừng như vô hạn đó nay đã chín và niềm mong đợi đã tròn. Mầm sống yếu ớt đang nảy nở trong lòng. Mẹ chính là chồi non cứu độ sẽ mang lại cho thế giới bộ mặt hoàn toàn mới, tràn trề yêu thương và chứa chan hy vọng. Mẹ Maria là Đấng Diễm Phúc, là tạo vật đáng yêu của Chúa, được Chúa tín cẩn trao cho vai trò tiên phong trong kế hoạch cứu độ nhân loại. Mẹ là tạo vật đẹp lòng Chúa và đại diện cho con người đón nhận Chúa. Lời xin vâng của Mẹ cũng là lời Mẹ thưa lên thay cho cả trần gian. Ngay từ giây phút ấy, Mẹ đã trở nên Evà mới, trở nên Mẹ hiền của đoàn con trần thế.
Lạy Chúa, tất cả những điều kỳ diệu ấy đều do tình yêu thương vô cùng của Chúa. Con tôn vinh Mẹ và trên hết con cảm tạ Chúa. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đến cứu độ chúng con và ban Mẹ cho chúng con. Chúa biết chúng con sinh ra từ nguồn mạch tội nguyên, vốn yếu đuối, cuộc đời là những vướng lụy triền miên, nên Chúa đã cho chúng con một sự bảo trợ vững chắc. Xin Chúa dạy con biết xin vâng như Mẹ, và xin cho con luôn bước theo Mẹ, trông cậy vào sự bảo trợ của Mẹ. Amen.
Ghi nhớ: “Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Thánh sử Luca trình bày Đức Maria trong hai bức tranh khác hẳn nhau:
1. Maria tầm thường:
- Một thiếu nữ mang tên Maria, một tên bình dân nhiều người có. Trong Tân Ước có ít ra 4 phụ nữ mang tên này: Mẹ của Đức Giêsu, mẹ của Giacôbê và Giuse, Maria Mađalêna và Maria chị của Matta và Ladarô.
- Sinh sống tại Nadarét, một thị trấn hầu như vô danh nên Cựu Ước không lần nào nhắc tới.
2. Maria cao sang:
- Thiên sứ gọi Maria bằng những tước hiệu cao sang: Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng, đẹp lòng Thiên Chúa.
- Con của Người là Cao cả, Con Đấng tối cao, Con Thiên Chúa, trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận...
3. Do đâu một thiếu nữ tầm thường bỗng trở nên cao sang như thế ?
Do sự khiêm tốn của Maria. Người đã thưa “Tôi là nữ tì của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói”. Nghĩa là Maria ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa “làm” mọi sự nơi Người, không cản trở, không đòi Thiên Chúa phải làm theo ý riêng Người.
Mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng, “Đối với Ngài, không có gì là không thể làm được”.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Trong những người biết khiêm tốn để cho ơn Chúa hoạt động thì sẽ xảy ra những điều vĩ đại phi thường.
2. “Thưa bà Maria, xin đừng sợ”: Ta đừng sợ những sứ mạng Chúa giao, miễn là ta chịu để cho quyền năng Chúa hoạt động nơi mình.
3. Trong Thánh Kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.
4. “Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa” (J.N.D. “Scripture Truth”)
5. Một hôm Satan đem bày bán những dụng cụ làm việc của hắn. Có rất nhiều món, được dán nhãn hiệu rõ ràng: nào là giận hờn, ganh ghét, dâm dục, nào là kiêu ngạo, nói dối, tham lam v.v. Và món nào cũng có ghi giá. Nhưng có một món được để riêng một bên, không dán nhãn nhưng giá lại cao nhất. Một người hỏi:
- Đó là cái gì mà cao giá dữ vậy ?
- Đó là sự ngã lòng.
- Tại sao nó cao giá thế ?
- Vì nó hữu hiệu hơn tất cả những dụng cụ khác: khi tôi không thể dùng những dụng cụ kia để đến gần người ta thì tôi dùng nó để xâm nhập tận cõi lòng người ta. Một khi tôi đã đặt nó vào lòng người ta rồi thì tôi có thể xúi người ta làm bất cứ điều gì tôi muốn. Mà đặt nó vào lòng ta rất dễ, bởi vì ít ai biết dụng cụ đó là của tôi”. (Gospel Herald)
6. Về tiếng “xin vâng” của ĐM:
a/ Vì Thiên Chúa là chủ của vũ trụ và của lịch sử, nên mọi việc trên đời, không việc gì có thể đi ngoài ý Chúa và kế hoạch của Chúa mà êm xuôi được (“thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” ; gương ngôn sứ Giôna). Cho nên biết “xin vâng” tức là biết lái con thuyền đời mình thuận theo dòng nước.
b/ Thực ra chữ “fiat” còn có thể dịch đúng hơn, là “Xin hãy thành sự nơi tôi”. Hiểu như vậy, phía chủ động là chính Thiên Chúa. Con người chỉ cần ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Nói cách khác, con người chỉ việc “buông theo ân sủng”.
7. “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm choi tôi” (Lc 1,38)
Vào một ngày đẹp trời, các phóng viên thiên thần được diện kiến “người nữ có phúc hơn mọi người nữ” là Đức Maria. Các ngài đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng:
- Chào Bà. Bà đã từng làm người. Vậy, theo Bà, sứ mệnh của nhân loại là gì ?
- … Là sống cho Chúa.
- Người nữ “chân yếu tay mềm” phải làm gì để hoàn tất vai trò của mi82nh trong gia đình, xã hội và Giáo Hội ?
- … Hãy trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa trao ban qua nữ tính của họ.
- Nhưng càng nhu mì, càng hiền dịu thì càng bị đối xử bất công. làm sao tìm được sự bình đẳng mà không đánh mất nữ tính ?
- … Mỗi người có một bản sắc riêng. Hãy thể hiện trọn vẹn nét ộc đáo ấy.
- Vậy sẽ không có sự bình đẳng tuyệt đối ?
- … Chỉ có sự bình đẳng hoàn hảo nhất, đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa…
Và Đức Maria đã minh chứng điều này qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, với bí quyết rất nữ tính: “Xin vâng”.
Thông qua hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ như thầm nhắn nhủ: Hạnh phúc và sự bình đẳng của phận người tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Ngài trong từng giây của cuộc sống như Mẹ Maria (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 7/10
Được kính trọng thể Chúa nhật đầu tháng
+++
I. MỞ ĐẦU
Hôm nay chúng ta mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta có thể gọi lễ này là Mân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi… tất cả có cùng một ý nghĩa: đó là những bông hồng đẹp, những bông hoa quý dâng kính Đức Mẹ, tuỳ theo thói quen và sở thích của mỗi người. Nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa kinh Mân Côi.
Hằng ngày chúng ta vẫn đọc kinh Mân Côi từng cá nhân hay trong gia đình, nhưng trong tháng 10 này, Hội thánh thúc giục chúng ta gia tăng việc đọc kinh Mân Côi, vì là tháng được dành riêng cho việc tôn sùng Đức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi.
Chuỗi Mân Côi là chuỗi gồm 50 hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính Mừng và sau 10 hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha. Những kinh Kính Mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ. Một trăm năm mươi kinh Kính Mừng là 150 bông hồng hay 150 thánh vịnh kính Đức Mẹ, vì chuỗi Mân Côi được coi như tập thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như 150 thánh vịnh để tôn vinh ca tụng và xin cùng Chúa vậy.
II. NGUỒN GỐC KINH MÂN CÔI
Lễ Đức Mẹ Mân Côi đã được mừng kính từ lâu. Theo truyền thuyết, kinh Mân Côi là do Đức Mẹ chỉ dạy cho loài người qua thánh Đa Minh vào năm 1206, khi bè rối Albigeois ở Toulouse (nước Pháp) nổi lên đe dọa và tiêu diệt Giáo hội nước Pháp. Dù đã cố gắng rất nhiều, thánh Đa Minh vẫn bất lực và bè rối ngày càng lan rộng thêm. Thánh nhân liền cầu cứu với Đức Mẹ. Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra và giúp đỡ bằng cách chỉ dạy kinh Mân Côi. Đức Mẹ còn truyền cho mọi tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi để được bình an. Nhờ kinh Mân Côi mà Giáo hội Pháp thời đó đã vượt qua hiểm hoạ do lạc giáo Albigeois gây nên.
Tuy nhiên, Lễ Mân Côi mà Giáo hội mừng hôm nay nhằm kỷ niệm một biến cố lịch sử. Đó là biến cố Nghĩa binh Thánh giá đã chiến thắng người Hồi giáo năm 1571 tại vịnh Lépante (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong trận chiến này, người Hồi giáo hoàn toàn vượt trội Nghĩa binh Thánh giá về mọi phương diện. Nhưng nhờ lời Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người lần hạt Mân Côi cầu nguyện mà Đức Mẹ đã cho Nghĩa binh Thánh giá toàn thắng. Để nhớ ơn này, Đức Giáo hoàng Piô V đã lập ra lễ Đức Bà chiến thắng và sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
III. Ý NGHĨA KINH MÂN CÔI
1. Kinh Mân Côi dựa trên Tin mừng
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thừa biết lần chuỗi Mân Côi là để tỏ lòng kính yêu và cầu xin cùng Đức Mẹ. Nhưng kinh Mân Côi có giá trị cao quý, trổi vượt hơn các kinh khác, bởi vì chuỗi Mân Côi là một cách thức cầu nguyện dựa trên nền tảng Thánh kinh: từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng cho đến 20 mầu nhiệm cứu chuộc đều được trích ra trong sách Tin mừng.
Kinh Lạy Cha mở đầu cho mỗi chục kinh Kính Mừng, là lời kinh cao quý nhất, vì là kinh Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện. Khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta những tâm tình và cách sống làm sao cho đáng gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 6,9; Lc 11,2).
Rồi mỗi khi lặp đi lặp lại 50 hay 200 kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời chào của thiên sứ Gabriel và lời chúc tụng của thánh nữ Élizabeth, Mẹ của thánh Gioan Tẩy giả, để chào Đức Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”, là “người có phúc hơn các người nữ”, là “Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,26-38). Trước những tước hiệu cao quý ấy của Đức Mẹ, chúng ta tự nhận mình là những con người tội lỗi, và khiêm tốn kêu xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại, và nhất là trong giờ lâm tử.
Kinh Sáng Danh sẽ nối kết những chục kinh Lạy Cha, Kính Mừng này để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, lời ca khen chúc tụng muôn đời.
Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta suy gẫm về cuộc đời Chúa Giêsu đã được ghi lại trong Tin mừng. Chúng ta suy niệm 5 hay 20 mầu nhiệm cứu độ: Năm sự Vui, năm sự Thương, năm Sự Sáng và năm sự Mừng. Hay nói cách khác, chúng ta suy niệm mầu nhiệm Giáng sinh – Rao giảng – Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu; đồng thời kèm theo một lời nguyện chúng ta được biết cải hoá đời sống để sống phù hợp với gương mẫu của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Thật đúng như lời Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Chuỗi Mân Côi là bản tóm lược toàn bộ Tin mừng”.
Tràng chuỗi Mân Côi là cuốn sách Tin mừng, được rút gọn, dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhớ và được suy niệm trong tâm tình kết hợp với Đức Trinh nữ Maria là Đấng đã từng sống những mầu nhiệm ấy với Chúa Kitô, như Tin mừng đã nói: “Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những biến cố ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,35).
2. Huấn quyền của Giáo hội
Các Đức Giáo hoàng đã đề cao vẻ đẹp và lợi ích của kinh Mân Côi và khuyên nhủ giáo dân hãy siêng năng lần hạt Mân Côi trong gia đình.
Đức Giáo hoàng Piô XII đã ra 12 thông điệp, 8 văn kiện để nói về lợi ích của kinh Mân Côi. Cũng chính Ngài đã ấn định tháng 10 dương lịch hằng năm là tháng Mân Côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”. Ngài còn nói: “Ước chi chuỗi Mân Côi luôn ở trong tay mỗi người… Ước chi kinh Mân Côi vang lên trong khắp các gia đình Kitô hữu để xây dựng gia đình trên nền tảng Phúc âm. Ước chi kinh Mân Côi xây dựng gia đình yên vui hiệp nhất, củng cố niềm tin, sự yêu thương và biến nó thành trường giáo dục đời sống Công giáo”.
Đức Giáo hoàng Piô IX nói: “Ta khuyên các con hãy đọc kinh Mân Côi buổi tối trong các gia đình”.
Đức Giáo hoàng Piô X nói: “Nếu chúng ta muốn gia đình bình an hoà thuận thì hãy lần hạt Mân Côi”.
Đức Giáo hoàng Piô XI dạy: “Ta khuyến khích các bậc cha mẹ gia đình hãy in sâu vào tâm trí con cái minh thói quen lần hạt”.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết trong Tông huấn gia đình: “Các gia đình Kitô hãy tôn sùng Đức Mẹ bằng việc lần hạt Mân Côi. Đó là phương tiện đắc lực để nuôi dưỡng hiệp thông tình yêu thương trong gia đình và phát triển linh đạo hôn nhân gia đình”.
Đức Mẹ đã củng cố cho lời dạy dỗ của các Đức Giáo hoàng trong những lần hiện ra với thánh Đa Minh, với thánh Bernadette ở Lộ Đức (Pháp) và đặc biệt với ba đứa trẻ là Lucia, Giaxinta và Phanxicô ở Fatima (Bồ Đào Nha) với ba mệnh lệnh: “Hoán đời sống – Siêng năng lần hạt Mân Côi – Tôn sùng Trái tim Đức Mẹ”.
IV. HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI
Các linh mục có kinh Nhật tụng phải đọc mỗi ngày để ca tụng Thiên Chúa. Người giáo dân không có hoàn cảnh thuận tiện để đọc kinh như các linh mục. Để bù đắp vào đấy, họ có một thứ kinh Nhật tụng rất thích hợp mà ta gọi là Kinh Mân Côi. Đây là một loại kinh Nhật tụng thích hợp cho mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi nơi và mọi lúc; và có thể gọi là “Cuốn kinh Nhật tụng của Giáo dân”.
Chúng ta có có thể đọc chục 50 kinh Kính Mừng, hoặc một chục kinh vừa suy niệm một mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Hoặc chỉ đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng cũng được, nhất là khi đi đường hay nằm trên giường không ngủ được. Mỗi khi đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” là chúng ta lặp lại lời thiên sứ Gabriel chào Mẹ, để cảm tạ Chúa và nói lên hồng ân cao cả mà Chúa đã ban cho Mẹ.
Truyện: Kinh Mân Côi và nhà bác học Ampère
Frederic Ozanam, vị sáng lập Hội Bác Ái Vinh Sơn, người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước tại Paris ngày 22 tháng 8 năm 1997, nhân Đại hội Giới trẻ thế giới lần XII. Hồi còn là sinh viên, một hôm Ozanam vào nhà thờ Đức Bà ở Paris, để tham quan mỹ thuật kiến trúc của thánh đường. Ozanam thấy một ông già tóc bạc quỳ trong nhà thờ, tay cầm tràng hạt, miệng thì thầm. Ozanam đưa mắt nhìn theo bỗng anh giật mình, vì đó là cụ Ampère, nhà phát minh điện từ trường. Ozanam không ngờ rằng nhà bác học trứ danh đó lại đạo đức như thế. Gương cụ Ampère đã thay đổi đời sống của sinh viên Ozanam và như ông thường nói sau này rằng: “Tràng chuỗi của cụ Ampère đã ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của tôi hơn tất cả bài giảng và sách vở”.
Đọc kinh Mân Côi không phải là việc đạo đức tầm thường, mà là một chuỗi tình yêu, một phương cách cầu nguyện theo Tin Mừng, nhằm giúp chúng ta cải thiện đời sống.
Ước gì chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của mỗi gia đình và mỗi người chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta tìm được sự an ủi, khích lệ và an bình nhờ sự lần chuỗi, nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách, như lời Đức Thánh Cha Piô X nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình anh chị em không được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban sự an vui hòa thuận yêu thương. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ tạo bầu khí cảm thông, tha thứ…”
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY
Thời xưa, người phụ nữ chưa được tôn trọng.
Người vợ bị coi như một vật sở hữu của người chồng,
nên người chồng hoàn toàn có quyền ly dị vợ.
Ông Môsê cũng đồng ý để chồng bỏ vợ
nếu thấy nơi vợ có điều chi không vừa ý mình (Đnl 24,1).
Tuy vậy các bậc thầy trong Do-thái giáo ở thế kỷ thứ nhất
lại không nhất trí với nhau về thế nào là không vừa ý.
Thầy Shammai bảo là nếu chị ấy không giữ tiết hạnh.
Thầy Hillel bảo chỉ cần chị ấy nấu một món ăn quá dở.
Còn thầy Akiba bảo nếu chồng thấy một cô khác xinh hơn.
Nói chung, người ta luôn có đủ lý do để ly dị vợ.
Có lẽ những người Pharisêu biết lập trường của Đức Giêsu
nên mới đặt câu hỏi để đưa Ngài vào bẫy:
“Chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mc 10,2)
Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này, nhưng hỏi ngược lại.
Ngài đòi họ đưa ra câu trả lời dựa trên Luật Môsê:
“Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”
Những ông Pharisêu thông thạo lề luật trả lời ngay:
“Ông Môsê đã cho phép viết chứng thư ly dị mà rẫy vợ.”
Câu đáp nhanh của người Pharisêu cho thấy
họ đã biết câu trả lời rồi, họ hỏi cốt để dò xét Ngài thôi.
Đức Giêsu có dám nói điều gì ngược với Môsê không?
Ngài đã có dám nói điều gì khác với sách Đệ nhị luật không?
Đức Giêsu không muốn đối đầu với Luật Môsê.
Ngài chỉ muốn biện minh cho Môsê khi ông cho phép ly dị.
Môsê cho phép vì lòng dạ cứng cỏi của dân Israen thời xưa,
và vì lòng chai dạ đá của các ông Pharisêu thời của Ngài.
Cho phép ly dị không phải vì đó là điều tốt,
nhưng là một nhượng bộ khi con người chưa đủ tầm.
Đức Giêsu đưa các ông Pharisêu đi xa hơn sách Đệ nhị luật.
Ngài đưa các ông đi vào sách Sáng thế,
để thấy lúc khởi đầu của công trình tạo dựng (Mc 10,6).
“Thiên Chúa làm ra con người có nam có nữ” (St 1,27).
“Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình;
cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).
Những câu trích trên của Đức Giêsu không có gì là mới mẻ.
Điều mới mẻ nằm ở hai kết luận rút ra từ đó:
“Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly” (Mc 10, 8-9).
Hôn nhân được coi là chuyện riêng của đôi nam nữ.
Yêu nhau thì gắn bó với nhau nên vợ nên chồng.
Nhưng Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa có mặt ở đây,
trong chỗ riêng tư nhất của tình yêu hai người.
Chính Thiên Chúa đã xe duyên, đã phối hợp đôi bạn.
Bởi đó hôn nhân hóa ra là chuyện của Thiên Chúa.
Vợ chồng không được ly dị vì điều đó phạm đến Ngài.
Hôn nhân trong Do-thái giáo không phải là một bí tích,
nhưng Đức Giêsu không hề coi đó là chuyện tự nhiên.
Trái lại, Ngài coi hôn nhân là thánh thiêng, bền vững.
Khi về nhà, Ngài mới nói với các môn đệ điều chưa nói:
Ai bỏ vợ, hay bỏ chồng mà đi lấy người khác
là phạm tội ngoại tình, xúc phạm người phối ngẫu trước.
Hiện nay tỷ lệ ly dị rất cao ở các nước Âu Mỹ.
Ở Việt Nam, gần đây tỷ lệ này cũng tăng lên nhiều.
Cả người Công giáo cũng đưa nhau ra tòa xin ly dị.
Loài người vẫn cứ phân ly điều Chúa liên kết.
Chẳng có hôn nhân nào không gặp sóng gió.
Đừng vội quyết định chia tay để giải quyết nhanh gọn.
Xin Lời Đức Giêsu hôm nay chạm đến khó khăn của ta,
và xin Ngài giúp ta điều chỉnh lại buồm khi ngược gió.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
Chúa không tránh cho cuộc đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên chuyến xe lửa từ Paris xuống miền Nam nước Pháp. Hành khách đông nghẹt, ồn ào, kẻ lên người xuống, hàng hóa ngổn ngang. Chàng sinh viên khoa học đang cố gắng len lỏi tìm chỗ ngồi. Bất giác chàng thấy một cụ già đang ngồi lâm râm lần hạt Mân côi. Chàng liền đến ngồi bên cụ, thực chất là để xem cụ già lẩm cẩm này làm cái gì, thời buổi văn minh bây gìờ mà còn ngồi đọc mấy cái kinh nhảm nhí. Chàng mở to tờ báo khoa học có đăng hình nhà bác học Louis Pasteur, đang nghiên cứu về đề tài bàn luận về vi trùng học. Anh vội chạy lại vỗ vai cụ, và nói: “Bác có cần sách báo gì để đọc, cho cháu điạ chỉ, cháu sẵn sàng gửi đến cho bác. Thời nay văn minh rồi, ai còn tụng niệm như bác nữa”. Cụ gật đầu, đọc hết kinh Kính mừng, cụ mở ví ra, rút tấm danh thiếp đưa cho chàng sinh viên. Chàng cầm tấm danh thiếp và đọc: “Louis Pasteur, Giám đốc Viện Nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại học Hoá học và Sinh vật học”. Chàng sinh viên bật ngửa... Chàng liền so sánh hình chụp trong tờ báo khoa học, và hình ông cụ nhà quê đang ngồi lần chuỗi Mân côi, thì giống y chang. Chàng liền quỳ xuống bên cạnh cụ, xin lỗi, và cúi hôn chuỗi hạt Mân côi mà cụ đang cầm trong tay. Rồi chàng trở về chỗ ngồi, nét mặt đăm chiêu, suy nghĩ, và hối hận…. Còn cụ già Louis vẫn tiếp tục lần chuỗi Mân côi…
Suy niệm
Kinh Mân côi bao gồm kinh Lạy Cha, do chính Đức Kitô dạy các tông đồ cầu nguyện, cho cuộc sống hàng ngày và thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4), Kinh Kính mừng là lời sứ thần Gabriel chào Mẹ: “Trinh nữ đầy ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Trinh nữ” (Lc 1,28), và Bà Êlisabéth vang lời ca tụng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42). Truyền thuyết cho chúng ta biết rằng. Kinh Mân côi được Mẹ Maria truyền dạy cho thánh Đa Minh (1170 - 1221), khi đó Mẹ của Chúa chúng ta đã trao cho ngài kinh Mân côi như là một sự trợ giúp khi gặp xung khắc với lạc giáo Albi. Đức Piô V vào năm 1569 đã chính thức chuẩn nhận hình thức kinh Mân côi như hiện nay (Sắc Chỉ Consueverunt Romani Pontifices): Kinh Mân côi đã được hoàn chỉnh với việc thêm vào phần sau của kinh Kính mừng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời... lời cầu nguyện tha thiết tín thác nơi Mẹ cầu bầu cùng Chúa trong mọi ngày cho đến khi lâm chung. Cũng như sau mỗi mầu nhiệm được kết thúc với một kinh Sáng Danh: Ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau đó Kinh Mân côi đã trở thành một trong những sự sùng đạo bình dân phổ biến nhất của thế giới Kitô giáo. Kinh Mân côi cùng với Mẹ Maria, chúng ta suy gẫm về các mầu nhiệm của cuộc đời Đấng Cứu Thế. Ban đầu suy niệm qua ba chuỗi:
• Năm sự Vui: Mẹ đón nhận tin mang thai Đấng Cứu Thế, thăm viếng và giúp đỡ chị họ Êlisabéth, đến sinh Con, vui dâng Con nơi đền thánh, lạc Con và vui tìm thấy.
• Năm sự Thương: Cùng Mẹ suy niệm cuộc Thương khó của Con Mẹ: Bắt đầu từ biến cố hấp hối trong vườn Cây Dầu, bị bắt, bị xử tử, đội mão gai, vác thập giá và chết tang thương trên thập tự.
• Năm sự Mừng: Đức Kitô, Con Mẹ Phục sinh lên trời, hồng ân Thánh Linh Hiện Xuống và chính Mẹ được hưởng vinh quang Thiên quốc cả hồn xác và được tôn vinh Nữ vương.
Và đến cuối thế kỷ XX, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm Năm sự Sáng suy gẫm những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế: Phép rửa ở sông Giođan, Chúa Giêsu làm phép lạ nước hóa thành rượu tại Cana, Đức Giêsu rao giảng nước Trời và ơn thống hối, Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể.
Chúng ta qua kinh Mân côi trong mọi ngày, đặc biệt là tháng Mân côi suy gẫm và sống với Mẹ Maria những mầu nhiệm cuộc đời Đấng Cứu Thế, mà Mẹ đã luôn suy gẫm trong lòng mình (x. Lc 2,19.51)
Ý lực sống
“Thật vậy, trước bức phông có những “lời Kính Mừng Maria” linh hồn thấy hiện lên trước mắt những cảnh đời chính của Chúa Giêsu Kitô… giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người” (ĐTC Gioan Phaolô II: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 29/10/1978).
bài liên quan mới nhất
- 27 tháng 12: Ngày thứ 3 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Tình Yêu hỗ trợ cho Niềm Tin (Ga 20,2-8)
-
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 24 tháng 12: Lời kinh Benedictus (Lc 1,67-79) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)