Thứ Tư tuần 16 Thường niên năm I (Mt 13,1-9)

Thứ Tư tuần 16 Thường niên năm I (Mt 13,1-9)

Thứ Tư tuần 16 Thường niên năm I (Mt 13,1-9)

“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.

 

BÀI ĐỌC I (năm I): Xh 16, 1-5. 9-15

“Ta sẽ cho mưa bánh từ trời rơi xuống”.

Trích sách Xuất Hành.

Con cái Israel rời bỏ Êlim và đến hoang địa gọi là Sin, nằm giữa Êlim và Sinai, nhằm ngày mười lăm tháng hai, kể từ khi rời bỏ đất Ai-cập. Toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh đủ ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Nhưng mỗi ngày thứ sáu phải lấy gấp đôi phần mình quen lượm hằng ngày”.

Môsê nói cùng Aaron rằng: “Hãy ra lệnh cho toàn thể cộng đoàn con cái Israel biết: Phải đến trước mặt Chúa, vì Người đã nghe lời các ngươi kêu trách rồi”. Ðang khi Aaron nói cùng toàn thể cộng đoàn con cái Israel, họ nhìn về phía sa mạc, thì đây vinh quang của Chúa hiện ra trong đám mây. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel; ngươi hãy nói với họ rằng: “Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi”.

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là “Cái gì vậy?”, vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 77, 18-19. 23-24. 25-26. 27-28

Ðáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng: Họ đã thử thách Thiên Chúa trong lòng, bằng cách đòi lương thực theo sở thích. Họ buông lời nói nghịch cùng Thiên Chúa, rằng: “Thiên Chúa dọn được bàn ăn trong hoang địa này chăng?”

Xướng: Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời, Người đã làm mưa Manna xuống để họ ăn, và Người ban cho họ được bánh bởi trời.

Xướng: Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người đã ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đã khiến gió đông từ trời nổi dậy, và trổ quyền năng dẫn luồng gió Nam thổi tới.

Xướng: Người làm cho thịt mưa xuống trên họ như thể bụi tro, và những loài cầm điểu rơi xuống tựa hồ cát biển. Chúng đã rơi rớt vào trong dinh trại, chung quanh mọi nơi cư xá của họ.

 

Tin mừng: Mt 13, 1-9

1 Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển.

2 Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.

3 Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa.

4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.

5 Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. 6 Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo.

7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt.

8 Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.

9 Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Qua dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cho thấy rằng: đời sống của con người phong phú hay cằn cỗi là tùy ở thái độ đón nhận Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi hạt lúa chưa gieo xuống thì mảnh đất còn là mảnh đất hoang, nhưng khi gieo lúa xuống thì mảnh đất biến thành ruộng lúa. Chính hạt lúa đã biến mảnh đất thành ruộng và làm cho nó có một giá trị.

Chúa là hạt giống mà Chúa Cha gieo vào lòng con, con đã đón nhận Chúa và nhờ đó con đã trở nên con Thiên Chúa. Sự hiện diện sống động của Chúa trong con đã hoàn toàn biến đổi con người con, làm cho con có một giá trị mới, một ơn gọi mới, một cuộc sống mới. Một khi đã đón nhận Chúa, tâm hồn con không thể trở về tình trạng đất hoang nữa, mà chỉ còn có thể là mảnh ruộng tốt hay xấu mà thôi. Con trở nên tốt hay xấu không phải tại Chúa, nhưng là do con, tùy con đón nhận Chúa như thế nào, tùy con có sống phù hợp với giáo huấn của Chúa hay không.

Lạy Chúa, con xác tín rằng nhờ ơn Chúa, con đã có một cuộc sống mới, một cuộc sống có giá trị và phong phú. Xin cho con biết cố gắng tận lực phát huy ơn Chúa nơi con, vì đó mới chính là mục đích của đời sống con.

Sống ở trên đời này, con người đã đặt ra cho mình nhiều mục đích: đạt đến đỉnh cao danh vọng, bằng mọi cách tích lũy của cải để được giàu sang, làm sao để lưu danh thơm tiếng tốt lại cho đời… Phần con, Chúa đã cho con sống theo một hướng khác hẳn: đó là làm cho sức sống của Chúa không ngừng lớn lên trong con. Và con có bổn phận phải dọn sạch những gai góc sỏi đá và tội lỗi có nguy cơ bóp chết ơn Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,1-9)

  1. Đọc bài Tin mừng hôm nay chúng ta thấy hình ảnh người gieo giống thật lạ: không những chỉ gieo vào đất tốt, mà còn gieo vào  cả những nơi hạt giống khó có thể mọc lên như đá sỏi, bụi gai... Nhưng cuối cùng, chỉ có những hạt gieo nơi đất tốt mới sinh hoa kết trái.

Thiên Chúa của chúng ta cũng vậy, mặc dù con người có tội đến đâu đi nữa, nhưng ơn Chúa vẫn tuôn tràn trên tất cả. Nếu chúng ta để cho ơn Chúa biến đổi, Người sẽ làm cho chúng ta  được sinh lợi gấp trăm. Còn nếu chúng ta cố chấp, lười biếng... khiến hạt giống bị chết nghẹt, đó là trách nhiệm về phía chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tin tưởng vào sức mạnh của Chúa và tích cực cộng tác với ơn Chúa ban.

  1. Chính vì lớn lên ở thôn quê, chứng kiến cảnh gieo trồng, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã để nói về Nước trời. Việc gieo giống là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi của cuộc sống để trình bày giáo lý của Ngài. Tất cả những sự việc bình thường hằng ngày có thể trở thành đề tài cho chúng ta chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn, biết chiêm ngưỡng và một thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.

Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hằng ngày và hàng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho chúng ta  một cách quảng đại. Khi chúng ta dự Thánh lễ, khi chúng ta nghe giảng, khi chúng ta đọc sách đạo đức, khi chúng ta nguyện ngắm, khi chúng ta nghe huấn đức, khi chúng ta học...

  1. Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu chôn vùi, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Thiên Chúa luôn luôn gieo vãi Lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn (Hiền Lâm).

  1. Quả thật, Thiên Chúa vô cùng quảng đại, mặc dầu Ngài biết chúng ta sẽ lãng phí thật nhiều ân huệ của Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ vung tay ban phát thật rộng rãi. Chúng ta thử tưởng tượng: nếu Chúa so đo tính toán để không uổng phí chút nào những ân huệ của Ngài thì tình cảnh chúng ta sẽ ra sao? Nhưng không bao giờ Thiên Chúa hành động như thế. Sự quảng đại của Thiên Chúa trong việc ban phát các ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại tình yêu ấy, chỉ có chúng ta có thể từ chối hoặc bóp nghẹt, không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta mà thôi.
  2. Chắc chắn thính giả của Chúa Giêsu hôm ấy không điếc, họ đều có tai và nghe được lời Ngài giảng dạy. Thế mà cuối dụ ngôn, Chúa lại thêm một câu “khó nghe”: “Ai có tai thì nghe”. Quả thật, có những tâm hồn bịt tai lại trước Lời Chúa, như trường hợp những mảnh đất mà hạt giống bị chối từ hoặc chết yểu vì không đâm rễ sâu. Không phải Ngài sợ người ta  không nghe được câu chuyện, nhưng Ngài muốn nhắc nhở người nghe hãy biến Lời Ngài thành hiện thực. Nghĩa là, nghe thôi thì không đủ mà còn phải làm theo Lời đó nữa. Lời Chúa chỉ đem lại ơn cứu độ cho những ai biết hoán cải cuộc sống của mình bằng việc thực thi Lời đó.

Muốn cho hạt giống phát triển tốt thì phải bỏ thời gian chăm nom tưới bón đàng hoàng. Muốn cho Lời Chúa sinh hoa kết quả, chúng ta cũng không làm gì khác. Cần phải biết dùng thời giờ để lắng nghe, suy gẫm xem Chúa muốn ta làm gì mới có thể làm đúng ý Ngài và chắc chắn sẽ cho hoa quả tốt: “Hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi” hay không là tuỳ thuộc  mức độ thấm nhuần Lời Chúa trong tâm hồn người tín hữu (5 phút Lời Chúa).

  1. Truyện: Không có lối học đế vương

Cách đây 23 thế kỷ, nhà toán học Euclide, thành Athènes ở Hy Lạp, đến thành Alexandria để mở trường dạy học. Vua Ptolémée nước Ai cập lúc đó dẫn hoàng tử Seronus đến xin học. Nhà vua xin dạy môn toán sao cho thật dễ bởi vì Seronus là hoàng tử.

Euclide trả lời:

- Tâu đức vua, không có lối học đế vương. Mọi môn đồ giầu cũng như nghèo đều phải hết sức tập trung ý chí và cố gắng làm việc hăng say thì mới có kết quả. Cách ngôn nói: “Không bao giờ thời tiết làm nên một thuỷ thủ” hoặc “Đại dương dễ dàng rơi ra những viên sỏi, nhưng giấu kín những hạt ngọc”.

Lời Chúa cũng chỉ có kết quả nơi những tâm hồn biết đón nhận và đem ra thực hành như thế.

Top