Thư của Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

Thư của Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

Thư của Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

Các Anh em và Chị em rất thân mến của tôi,

Nguyện xin Đức Kitô hằng sống ban bình an cho anh chị em!

Năm nay, lễ Phục sinh được cử hành trong bối cảnh của một thế giới đang đau buồn bởi sự lây lan của vi-rút Corona mới. Hàng trăm ngàn người bị lây nhiễm; hàng ngàn người tử vong; còn nhiều người hơn nữa sẽ là nạn nhân trước khi thuốc tiêm chủng hiệu nghiệm được triển khai. Chúng ta còn chưa có thể bắt đầu nói về tác động của con vi-rút này trên đời sống kinh tế vùng, miền và toàn cầu. Thất nghiệp tăng cách nhanh chóng; nhiều gia đình rõ ràng đã phải quyết định nên chọn và nên bỏ những bữa ăn nào. Và không những thế, con vi-rút bây giờ phát tán đến các quốc gia ở Phi châu và Á châu là những nơi mà hạ tầng cơ sở y tế còn chưa được trang bị đầy đủ để đón nhận những người lâm trọng bệnh.

Trên hành trình này, Đức Ki-tô Phục sinh đến gần mỗi một người chúng ta, soi sáng chúng ta bằng Lời của Người và nhen nhúm lại trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa của tình yêu thuở ban đầu: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24:32) Bản văn về sự Phục sinh này có thể dùng làm như một lời mời gọi hấp dẫn đến với tình yêu, lòng thương xót và sự gần gũi của Thiên Chúa chúng ta trong mọi giây phút của cuộc sống, cách đặc biệt khi sự sống của nhân loại bị đe dọa. Chính ở vào những thời điểm này mà Chúa Giê-su làm cho chúng ta những gì Người đã làm cho hai khách lữ hành đang đi về Emmaus với con tim tan vỡ, tâm trí rối bời và hy vọng tiêu tan. Những gì mà họ chứng kiến tại Giêrusalem thì quá sức chấp nhận của họ.

Không bị nhận diện, Đức Giê-su đến cùng họ trên hành trình của họ, hỏi họ nói về những gì đang làm họ bận tâm: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” (Lc 24:17). Câu hỏi này xem ra còn hơn cả một lời yêu cầu thông tin về các biến cố đang xảy ra. Đức Giê-su mở ra một cách thế lắng nghe, và như thế, cho phép hai người bạn đồng hành tập trung vào những gì đang làm họ lo lắng: bóng tối và sự thất vọng mà các biến cố khủng khiếp của việc bị chết treo trên cây thập giá đã đem vào trong cuộc sống của họ. “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.(c. 18) Câu hỏi được hai người này đặt ra đụng đến ý nghĩa thâm sâu nhất của tình liên đới nhân loại, cộng thêm những gì có thể được nói đến từ một quan điểm Kinh thánh và chú giải. Không hay biết, nhiều khi đồng nghĩa với không muốn biết. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô gọi đây là một nền văn hóa dửng dưng. Khi người ta biết sự thật về một điều gì, người ta bị bó buộc hành động trong một cách thức rất riêng biệt: dấn thân làm những gì cần thiết và đúng để đáp ứng lại những đòi hỏi quan trọng nổi bật và sống một cuộc sống phù hợp. Đây là bản chất của hối cải: nó kêu gọi chúng ta đứng dậy và sắp xếp cho có trật tự đời sống của chúng ta. Nó đòi buộc chúng ta liên kết đời sống của chúng ta với câu chuyện của Chúa, và một phần thiết yếu của câu chuyên này là sáng kiến thường kỳ lôi kéo chúng ta đến cùng Người, cứu chúng ta và dẫn chúng ta đi trên con đường đưa đến sự sung mãn của cuộc sống.

Có lẽ được khích lệ bởi người bạn đồng hành đặc biệt này mà cả hai người tiếp tục giải thích những gì đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Họ thuật lại làm sao Đức Giê-su Na-da-rét đã dẫn đưa họ ra khỏi sự tầm thường của họ, sự thiếu rõ ràng về bản chất của Thiên Chúa là ai, và Người có ý nghĩa gì đối với những ai tìm kiếm Người với một con tim cởi mở và khiêm nhu. Đức Giê-su này có thể giải phóng họ khỏi phải sống trong sự lệ thuộc như nô lệ vào người La mã và khỏi sự hợp tác của những ai chỉ biết lo cho các lợi ích của bản thân họ. “Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người và thập giá”. (Lc 24:20)

Kể cả trong những lúc đen tối nhất của thất vọng của con người, khi mà xem ra không còn có lý do hy vọng nào, các người đang đi trên con đường về Emmaus đã nhận ra một tia sáng le lói. Họ có lý do để không bỏ cuộc, không cho phép nỗi thất vọng của họ chi phối họ và hủy diệt giấc mơ mà “vị ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (Lc 24:19) đã khơi dậy trong họ. Nhưng họ đã không thể dừng lại ở đây. Họ còn muốn chia sẻ thêm một điều gì khác cho vị khách bí nhiệm của họ trên đường đi: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống”.(Lc 24:22-23) “Người còn sống!” Khó mà dập tắt niềm hy vọng và tình yêu của con người, kể cả khi đối diện với những hoàn cảnh cùng cực. Mặc dù sống trong thất vọng, hai môn đệ vẫn còn duy trì khả năng là Thiên Chúa còn có thể làm một cái gì mới, rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ.

Trong phần cử hành Vọng Phục sinh, còn có một bản văn khác được nối kết rất gần với cảm thức trung thành và hy vọng này mà Thiên Chúa đem đến cho nhân loại trong con người của Người Con Giê-su yêu dấu của Người. Tin mừng của Matthêu minh họa khuôn mặt của Maria Mag-đa-la và một người đàn bà khác tên là Maria, đi đến mồ để khóc than cái chết của Đấng mà họ tin là Đấng Messia được hứa. Đất rung chuyển, hòn đá lấp cửa mộ được lăn qua một bên, và một thiên thần hiện đến nói với hai bà: “Các bà đừng sợ!.... Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (x. Mt 28:5) Bản văn nói rõ là các lời của thiên thần làm dấy lên niềm vui, nhưng cũng khơi dậy sự bối rối nơi họ. Tuy thế, họ “vội vã” rời khỏi mộ, chạy về Giê-ru-sa-lem loan báo sứ điệp mà các bà đã lãnh nhận cho một cộng đoàn ẩn giấu và sợ hãi. Giống như đã xảy ra cho hai môn đệ trên đường đi Emmaus, chính Đức Giê-su đã gặp hai người phụ nữ, chào họ, cho phép họ tiến lại gần và ôm chân Người. Đức Giê-su nói với họ: “Chị em đừng sợ; về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. (28:10)

Có nhiều hoàn cảnh thường xuyên làm nổi bật các nỗi sợ hãi của chúng ta bởi vì chúng làm chúng ta phải đương đầu với những tình huống chưa từng biết hoặc bất định. Trở về lại với chủ đề ở phần mở đầu của tôi, đại dịch vi-rút Corona đã làm dấy lên trong tất cả chúng ta sự lo lắng, mối băn khoăn và một cảm giác bất lực tuyệt đối. Các hình ảnh của những bệnh nhân chết đơn độc bởi vì họ không thể liên lạc với gia đình họ, làm chúng ta bị sốc. Trong mùa Phục sinh này, các bài đọc Kinh thánh về sự sống lại mời gọi chúng ta đối đầu với thực tại khắc nghiệt đe dọa sự sống của con người: sự sống của Đức Giê-su bị lấy đi trong một hành vi bạo lực xấu xa; sự sống của nhân loại bây giờ đối mặt với một con vi-rút có khả năng giết và làm tổn thương hàng triệu người trên hành tinh nhỏ bé này. Chúng ta biết rằng con vi-rút không chỉ là mối đe dọa mà nhân loại đang phải đối đầu, nhưng bây giờ mối đe dọa này còn trở nên cấp bách hơn hết. Thêm một lần nữa, chúng ta có lý do để lắng nghe sứ điệp của thiên thần và của Đức Giê-su, Người đến để đem lại cho chúng ta sự an ủi trong thời buổi toàn thể cộng đoàn nhân loại đang gặp khó khăn này.

Đừng sợ hãi! Vâng, Đức Ki-tô Phục sinh “đổi mới mọi sự” (Kh 21:5) và vì thế, Người muốn làm mới lại đời sống của chúng ta và cách thức mà chúng ta đối mặt với bất cứ sự đe dọa nào. Người, như thánh Bônaventura quả quyết, “đã đánh bại tác giả của sự chết, dạy chúng ta những con đường sống” (Cây sự sống 34). Người thúc giục chúng ta rời bỏ ngôi mộ của các nỗi sợ hãi của chúng ta, của các định kiến, của tính tầm thường của chúng ta; vượt qua các hoàn cảnh ngăn trở chúng ta sống ơn gọi của chúng ta cách tràn đầy, nghĩa là, được sống lại, trở thành những người nam và những người nữ mới. Tôi nhớ lại các lời của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cổ vũ chúng ta dịp Tổng Tu nghị lần cuối vừa qua: “khôi phục lại sự tin tưởng lẫn nhau để thế giới có thể nhìn thấy và tin nhận rằng tình yêu của Đức Giê-su chữa lành các vết thương và làm cho tất cả nên một”. Đây là một lời mời gọi củng cố niềm tin tưởng của chúng ta vào sức mạnh tuôn chảy từ Phục sinh.

Cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô Phục sinh, Đấng giải phóng chúng ta khỏi những nổi sợ hãi đang làm chúng ta tê liệt, thúc bách chúng ta vượt khỏi chính chúng ta, vượt khỏi sự an toàn và tiện nghi của chúng ta, khỏi cảm thức “nó luôn như thế đó”. Chúng ta được thách đố đi con đường của Tin Mừng, con đường luôn luôn mới bởi vì đó là “Lời của sự sống đời đời” (Ga 6:68) Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh trở thành sứ vụ và lời rao giảng về đời sống mới. “ Những ai đã gặp Người, những ai sống như bạn hữu của Người và gắn bó với sứ điệp của Người, phải không thể tránh khỏi nói về Người và đem lại cho các người khác lời mời gọi của Người sống đời sống mới: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (Querida Amazonia 62)

Như thế, chúng ta phải rao giảng điều gì ? Chúng ta sẽ phải không bao giờ mỏi mệt rao giảng với tiếng nói của chúng ta và làm chứng bằng đời sống của chúng ta rằng: Đức Giê-su Ki-tô đang sống và, bằng sự Phục sinh của Người, Người đã chiến thắng sự chết. Chúng ta phải rao truyền rằng sự chết, hận thù và sợ hãi không có tiếng nói sau cùng, nhưng chính sự sống của Đấng Phục sinh là lời quyết định trong câu chuyện của nhân loại và các câu chuyện của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải hô lớn tiếng: “Bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5), nhưng chính ánh sáng của Phục sinh lóe lên mỗi đêm và chiếu dọi giây phút khởi đầu của ngày mới không có cảnh mặt trời lặn. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai Người đã dựng nên và đặt định vui hưởng sự sống, tình yêu và hy vọng! Thế giới, Giáo hội và các huynh đệ đoàn của chúng ta cần nghe sứ điệp này: chúng ta là những người mang các tin vui này, vì thế chúng ta hãy quảng đại trao cho tất cả mọi người các tin vui đến từ Phục sinh!

Một Phục sinh hạnh phúc và thánh thiện cho mọi người!

Rôma, 5 tháng 4, 2020
Chúa nhật Lễ Lá
Tu sĩ Michael Anthony Perry, OFM
Tổng Phục vụ và tôi tớ

Nguồn: Dòng Anh Em Hèn Mọn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top