Thứ Bảy tuần 16 Thường niên năm II - Kiên nhẫn và lạc quan (Mt 13,24-30)

Thứ Bảy tuần 16 Thường niên năm II - Kiên nhẫn và lạc quan (Mt 13,24-30)

Thứ Bảy tuần 16 Thường niên năm II - Kiên nhẫn và lạc quan (Mt 13,24-30)

Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”
Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.”

BÀI ĐỌC I (năm II): Gr 7, 1-11

“Nhà này là nơi phải khẩn cầu thánh danh Ta, đã trở thành hang trộm cướp rồi sao?”

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: Ngươi hãy đứng nơi cửa đền thờ Chúa, và rao giảng lời này rằng: Hỡi toàn thể Giuđa, là những người vào cửa này mà thờ lạy Chúa, hãy nghe lời Chúa. Ðây Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động các ngươi, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này. Các ngươi đừng tin theo lời dối trá này: Ðây có đền thờ Chúa, đền thờ Chúa, đền thờ Chúa! Vì nếu các ngươi cải thiện lối sống và hành động các ngươi, nếu các ngươi ăn ở ngay thẳng theo lề luật với những người trong nhà và những người thân cận, nếu các ngươi không áp bức ngoại kiều, trẻ mồ côi, và những người goá bụa, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội tại chốn này, nếu các ngươi không chạy theo các thần ngoại lai mà mang hoạ vào mình, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này, tại lãnh thổ mà Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi từ đời này đến đời nọ.

Nhưng kìa, các ngươi tin tưởng vào những lời dối trá không sinh ích lợi gì cho các ngươi, như: trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Baalim, chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi không biết; rồi các ngươi đến đứng trước mặt Ta trong đền thờ này là nơi kêu cầu thánh danh Ta, mà nói rằng: “Chúng tôi đã được bảo đảm để tiếp tục làm những việc ghê tởm đó”. Vậy, dưới mắt các ngươi, nhà này là nơi khẩn cầu thánh danh Ta, đã trở thành hang trộm cướp rồi sao? Chúa lại phán: Còn Ta, Ta hiện diện và Ta đã thấy rõ.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11

Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài (c. 2).

Xướng: Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương là Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.

Xướng: Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.

 

Tin mừng: Mt 13, 24-30

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.

26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”

28 Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”

29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.

30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nước Trời ở trần gian lẫn lộn cả người lành kẻ dữ. Lòng Chúa nhân từ và kiên nhẫn đợi chờ để người tội lỗi được cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã có lúc con thắc mắc: tại sao bao kẻ xấu cứ được ung dung, bao người gian ác gây tai họa cho người khác mà không thấy Chúa trừng phạt.

Hôm nay, qua dụ ngôn cỏ lùng, tâm trí con như được khai mở. Nếu cỏ lùng bị nhổ ngay tức khắc, chắc chắn lúa tốt sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người xấu bị tai họa và kẻ gian ác bị tiêu diệt ngay tức khắc, thì người ta sẽ sống tốt vì sợ hơn là vì yêu mến.

Lạy Chúa, trần thế này là trường học để tập đức yêu thương và là nơi luyện lòng tin cậy. Chỉ có môi trường tự do và thử thách mới làm cho tình yêu và niềm tin phát triển. Đó là lý do Chúa để cho con được tự do, kể cả tự do chống lại Chúa. Đó là ý nghĩa của những thử thách mà con gặp thường xuyên trong cuộc đời.

Lạy Chúa, kẻ dữ và người xấu, trước hết là chính con. Con cám ơn Chúa vì dù đã bao lần con làm điều dữ, xúc phạm đến anh em và chống lại cả Chúa, mà Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con thống hối. Lòng nhân từ Chúa thật là mầu nhiệm. Chúa chỉ muốn chờ đợi con hối cải để được hạnh phúc. Chỉ có người nào chống lại Chúa và cố tình chống lại mãi mãi, mới làm cho công trình sáng tạo và cứu chuộc nơi người ấy bị thất bại. Chúa luôn hy vọng nơi con, xin cho con biết trông cậy nơi Chúa. Chúa kiên nhẫn với con, xin cho con biết kiên nhẫn với chính mình. Dù con sa đi ngã lại, dù con quá yếu hèn, xin Chúa giúp con biết tin vào tình thương và ơn thánh Chúa. Xin cho con luôn luôn trung thành với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng:

1. Vấn đề: Với lời rao giảng của Chúa Giêsu, Nước trời đã bắt đầu thành lập. Vậy thì nên để cho nước ma quỷ tồn tại không? Tại sao kẻ ác vẫn sống mãi bên người lành và làm hại người lành? Sao không giải quyết dứt khoát cho sớm đi?

2. Giải đáp: Chúa Giêsu trả lời qua dụ ngôn này rằng: không nên nóng vội mà đòi cho cuộc thẩm phán diễn ra trước kỳ hạn mà Thiên Chúa đã định. Hiện tại cứ phải kiên nhẫn mà chờ, trong niềm tin xác tín rằng thế nào rồi cũng có thẩm phán và khi đó số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ ràng.

3. Ý nghĩa: Dụ ngôn này vừa mời gọi kiên nhẫn vừa mời gọi khiêm nhường.

Kiên nhẫn: Chờ cho đến kỳ hạn Chúa định.

Khiêm nhường: Trong khi chờ đợi Thiên Chúa xét xử ai là kẻ lành, ai là người dữ; mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành ai là dữ, ai là lúa tốt ai là cỏ dại. Mỗi người hãy chỉ lo một việc cần thiết thôi là trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.

4. Lạc quan: Thái độ của ông chủ ruộng thật là lạc quan.

Khi tôi tớ đến báo động là có cỏ dại, ông không cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng “Kẻ thù đã gieo” (c27-28).

Tôi tớ hoảng sợ xin đi nhổ cỏ lùng, Ông bảo “đừng”.

Ông chủ rất bình tâm chẳng chút ngạc nhiên và chẳng hề lo sợ, vì ông lạc quan tin vào khả năng của giống lúa, nó chẳng thể nào chịu thua sức mạnh của cỏ dại được.

Suy gẫm

1. Thề gian hiện nay có người tốt kẻ xấu lẫn lộn. Ngay trong con người tôi cũng có khuynh hướng tốt và khuynh hướng xấu đồng tồn tại. Tôi không nên có thái độ của những người tôi tớ trong dụ ngôn này, là khó chịu, bực tức. Nên có thái độ như ông chủ: bình tĩnh chấp nhận thực trạng, tích cực bồi dưỡng những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu, lạc quan tin tưởng vào sức mạnh của cái tốt.

2. Tôi cũng không nên sốt ruột dành quyền của Chúa mà “nhổ cỏ” những người mà tôi coi là xấu.

3. Tôi nghĩ về những cái tốt và xấu trong con người tôi, nhất là sự kiên nhẫn của Chúa không vội trừng phạt những cái xấu của tôi. Một mặt tôi cảm ơn Chúa đã thương cho tôi thời gian chứ không vội xét xử tôi, mặt khác tôi hứa sẽ tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để dần dần tu sửa con người của mình.

4. Giáo hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo hội tự bản chất là thánh thiện nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Chúng ta có một Giáo hội gồm nhiều vị thánh nhưng cũng có một số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh trong giây phút, còn các vị thánh có thể trở thành thánh thiện hơn. Các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa chúng ta.(Mỗi ngày một tin vui).

5.”Cứ để cả hai lớn lên đến mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt13, 30).

Trong lúc mọi người bận bịu ngoài vườn nho, kẻ trộm đã lẻn vào nhà mà chẳng ai hay. Khi có người biết được và tri hô lên thì bọn bất lương đã bỏ đi mất dạng sau khi đã vơ vét số tiền lớn.

Thực là nỗi đau cho gia đình Mazarello. Cha mẹ nàng hầu như tuyệt vọng. Mazarello tìm lời ngọt ngào an ủi song thân. Nhưng thỉnh thoảng lòng căm hờn đối với bọn bất lương lại bừng cháy và những lời kết án được thốt lên. Mazarello đã ngăn cản: “Không! Chúng ta không có quyền kết án họ. Tốt hơn, chúng ta hãy cầu xin Chúa đánh động tâm hồn họ và khiến họ ăn năn trở lại. Chỉ vì dốt nát nếu không họ đã chẳng làm điều đồi bại như thế”.

Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo hội như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Ngài cũng mời gọi người Kitô hữu sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Nhưng đã bao lần, tôi ý thức được điều đó?

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 24-30)

  1. Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành – dữ và hai thế lực thiện – ác lẫn lộn. Thái độ của ông chủ trong bài Tin mừng khi biết trong ruộng lúa của mình có cỏ lùng là cứ để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi những người còn yếu đuối, để cho họ được cứu độ.
  2. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi của người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha... chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năn thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt... Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người  hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi người chúng ta.

  1. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng hề biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng; nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn hảo. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

  1. Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội thánh  đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ ăn năn sám hối để được tha thứ.

  1. Bài dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng dạy ta bài học sau đây: mùa gặt, ngày tận thế là thời gian chín mùi để có thể kết án ai là cỏ lùng và tuyên dương ai là lúa tốt thực sự. Sự vội vàng xét đoán người thiện kẻ ác có nguy cơ khiến lúa tốt lại bị coi là cả lùng, cỏ lùng bị nhầm là lúa tốt. Hơn nữa, chính Chúa mới là chủ để đưa ra lời phán quyết chung thẩm. Trước mùa gặt cánh chung ấy, Chúa dạy chúng ta sống nhân từ, nhẫn nại giữa tình trạng lúa tốt xen lẫn cỏ lùng, người tốt kẻ xấu ở chung với nhau, ngay cả trong lòng một hội được gọi là Hội thánh của Ngài. Trong lĩnh vực tự nhiên, lúa tốt vẫn là lúa tốt, cỏ lùng mãi là cỏ lùng; thế nhưng, nơi cánh đồng tâm hồn con người thì không như vậy: người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất mà thành kẻ tội lỗi (5 phút Lời Chúa).
  2. Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Giáo hội hiện diện trong trần thế như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung của Đức Kitô. Sự kiên nhẫn và bao dung ấy được thể hiện qua cuộc sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ của người Kitô hữu đối với mọi người, nhất là những người không cùng niềm tin và quan điểm với mình. Qua cuộc sống như thế, người Kitô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là ơn gọi đích thực của con người.
  3. Truyện: Cải tà quy chính

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà quy chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma tuý và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quỳ gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong tim tôi... Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như có thể khóc được... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

Top