Theo ĐTC: Văn hóa Kitô giáo không chỉ là sản phẩm của lịch sử

Theo ĐTC: Văn hóa Kitô giáo không chỉ là sản phẩm của lịch sử

Ngài gọi đó là “bảo chứng đích thực của một tương lai đầy hứa hẹn.”

WGPSG / ZENIT -- Thành phố Vatican, ngày 2-11-2009. ĐTC Bênêđictô XVI nói rằng: di sản văn hóa Kitô giáo không chỉ là một kho báu được bảo tồn trong viện bảo tàng hay là những biên niên của lịch sử.

ĐTC đã nói về tầm quan trọng của văn hóa Kitô giáo vào thứ bảy trong dịp tiếp kiến ông Nikola Ivanov Kaludov, đại sứ mới của Bungari đến Tòa Thánh.

Ngài giải thích: “Văn hóa Kitô giáo khi đã thấm vào dân tộc của ngài một cách sâu sắc thì nó không chỉ là một kho báu trong quá khứ phải được bảo tồn, mà đúng hơn nó là bảo chứng đích thực của một tương lai đầy hứa hẹn tới mức nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ có nguy cơ khiến họ quên đi sự cao cả của chính mình, quên đi sự hiệp nhất trong nhân loại và quên những đòi hỏi phải sống liên đới được bao hàm trong văn hóa ấy.”

Trong bài diễn văn của ngài tại Pháp, ĐTC cũng nhắc nhở rằng tháng này đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 20 sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, “là biến cố đã cho phép người Bungari lựa chọn chế độ dân chủ và tìm lại những mối quan hệ tự do và tự trị với toàn thể lục địa Âu Châu.”

ĐTC Bênêđíctô XVI đã hoan nghênh những nỗ lực của Bungari để được hội nhập “một cách mạnh mẽ hơn” trong Liên minh Châu Âu, trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng đặc điểm của mỗi quốc gia để “làm giàu thêm cho toàn thể cộng đồng,” và mối quan tâm của quốc gia đó trong việc xây dựng “những mối quan hệ hòa bình với các quốc gia xung quanh.”

ĐTC nói thêm rằng: “Việc quan tâm để tạo nên những điều kiện cho một sự toàn cầu hóa thành công cũng rất cần thiết.”

Toàn diện con người

Về việc này, ĐTC đã trích trong thông điệp “Bác ái trong Sự thật” của ngài: “Điều cốt yếu là sự phát triển [...] không chỉ liên quan đến lãnh vực kinh tế, nhưng còn phải lưu ý đến sự toàn diện của con người”, vì “phạm vi của con người không giới hạn trong những gì người đó có, nhưng trong việc người đó phát triển con người của mình theo tất cả những tiềm năng mà bản chất của họ nắm giữ. Nguyên tắc này tìm thấy nguyên do tối thượng của mình trong tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, được Ngôi Lời mạc khải trọn vẹn.”

ĐTC đã đề nghị phải lưu tâm đến chiều kích tâm linh của con người và của đạo đức: “Sự phát triển xác thực của con người và xã hội phải bao hàm chiều kích tâm linh.”

“Điều đó cũng đòi hỏi tất cả những nhà lãnh đạo quần chúng một nhu cầu cấp bách lớn lao về đạo đức đối với chính bản thân để họ có thể sử dụng thẩm quyền được giao phó cho họ một cách hữu hiệu và vị tha."

ĐTC Bênêđictô XVI cũng bày tỏ hy vọng của ngài rằng: những nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia sẽ cổ vũ “đối thoại” giữa các thành phần tôn giáo khác nhau trong nước, biểu lộ “sự quan tâm” đến “những gia đình tâm linh khác nhau.”

ĐTC cũng nhấn mạnh sự đóng góp của cộng đồng Công giáo cho lợi ích chung của quốc gia và ngài khuyến khích họ dấn thân “mạnh mẽ, qua sự hợp tác chặt chẽ càng nhiều càng tốt với tất cả những công dân có thiện ý, để làm nhân chứng ở mọi mức độ chân giá trị mà Chúa đã khắc sâu vào con người.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top