Theo Đạo - Giữ Đạo - Sống Đạo
Trong xã hội thực dụng ngày nay, khi đời sống gặp nhiều khó khăn, sóng gió, con người luôn đi tìm một giải pháp tâm linh bằng cách tin vào một Đấng Vô Hình nào đó. Vì vậy, trong những năm vừa qua, số người học giáo lý tân tòng và xin gia nhập đạo Công Giáo ngày càng tăng. Có giáo xứ mỗi quý, rửa tội mấy chục hoặc cả trăm người. Đây phải chăng là một tín hiệu đáng mừng hay là một mối lo cho Giáo Hội Việt Nam? Họ theo đạo, giữ đạo và sống đạo như thế nào?
I) THEO ĐẠO
Theo đạo là gắn chặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa, tin vào lời Chúa dạy, tin vào sự sống đời sau. Xã hội ngày nay đang “ngày càng sa đọa”, luân lí con người đang dần bị phá vỡ thì nhu cầu vào đạo, tin vào Thiên Chúa lại càng trở nên xa vời. Đi tìm hiểu nguyên nhân gia nhập đạo, chúng ta thấy những câu trả lời sau đây:
- Gia nhập đạo để cưới vợ lấy chồng (tỉ lệ này khá cao).
- Vào đạo vì nghe bạn rủ rê, hoặc vì thích môi trường sinh hoạt nhà thờ: ca đoàn, giáo lý viên…
- Vào đạo vì có niềm tin hoặc gặp một biến cố lạ trong cuộc sống (số ít)
Với những lí do trên, ta thấy hiện tượng theo đạo đang trở thành một mối lo cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Các tân tòng vào đạo đa số không phải vì niềm tin vào Thiên Chúa mà vì một nguyên nhân khách quan khác. Vì vậy, số người theo đạo ngày càng nhiều nhưng việc giữ đạo và sống đạo được bao nhiêu?
II) GIỮ ĐẠO
Giữ đạo đơn giản là giữ đúng những gì mà Giáo Hội yêu cầu: Đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, xưng tội rước lễ một năm ít là một lần… Vậy mà vẫn có một số người, đặc biệt là giới trẻ họ vẫn không giữ được đạo của mình. Có người vì tiến thân trong công việc hoặc địa vị xã hội đã không dám xưng mình là người theo đạo Thiên Chúa trong tờ sơ yếu lí lịch khi đi học, xin việc làm hoặc vào Đoàn, vào Đảng. Có người không dám bày biện bàn thờ trong nhà khi ở trong khu phố có nhiều Đảng viên. Trong nhà hàng, quan sát những khách ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối… có mấy người theo đạo dám “làm dấu thánh giá” trước bữa ăn? Có một số người lại mặc cảm, không dám xưng mình theo đạo trong các cuộc gặp gỡ bạn bè. Hoặc rất ít gia đình tổ chức đọc kinh gia đình mỗi ngày, hoặc đọc kinh trước bữa ăn, mặc dầu chỉ là một kinh lạy cha.
Do đâu mà hiện tượng giữ đạo lại bị mất dần đi như vậy? Phải chăng do mâu thuẫn hay thành kiến giữa những người vô thần và người theo đao? Hay là do lối sống tất bật đã làm cho người Kitô hữu quên mất những điều cần mà giáo lý Công Giáo đã dạy? Giữ đạo đã khó còn sống đạo lại càng khó hơn. Làm sao để người tin đạo biết sống đạo?
III) SỐNG ĐẠO
Sống đạo là thực hiện những điều Chúa dạy, gói gọn trong cụm từ “Mến Chúa yêu người”. Yêu mến Chúa là làm đẹp lòng Chúa bằng cách sống đúng theo 10 điều răn Chúa dạy. Ví dụ như Chúa dạy ta “Kính mến Chúa hết lòng trên hết mọi sự” vậy mà không ít Kitô hữu lại tin vào tử vi bói toán, tin vào những lề thói của xã hội. Có một số gia đình theo đạo lại để bàn thờ ông địa trong nhà hoặc xem ngày giờ động thổ, xem ngày giờ di quan… Sống đạo là thực hành lời Chúa bằng lối sống “bác ái” với tha nhân và với cả những người “Không yêu mến mình”. Mỗi kitô hữu sống đạo tốt sẽ trở thành tấm gương sáng, một công cụ loan báo tin mừng trong sứ vụ truyền giáo đối với những người chung quanh. Thánh Giacôbê đã nói : ”Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2. 17-26) Khi vào nhà thờ, một số người tỏ ra khiêm cung lâm râm khấn nguyện, nhưng ra khỏi nhà thờ thì họ lại không minh chứng được mình là những người tín hữu. Chúa cũng đã khẳng định: ”Không phải cứ Lạy Chúa! Lạy Chúa! thì được vào Nước Trời, nhưng là những người làm theo Thánh Ý Thiên Chúa dạy”.
Chúa dạy ta “Mến Chúa và yêu người”, hai điều này là căn bản của việc sống đạo. Mến Chúa là tôn thờ, tin tưởng và phó thác mọi việc cho Chúa và trong mọi hoàn cảnh, thử thách ta luôn gắn bó với Người; yêu người là biểu hiện bác ái với những người quanh ta. Họ có thể là những người nghèo đói ăn xin, bị xã hội miệt thị và cũng có thể là những người luôn hiềm khích, chống đối và thậm chí là những “kẻ thù” của ta. Sống đạo là biết ”Đem thứ tha vào lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Sống bác ái theo Chúa dạy khó quá phải không bạn? Chúng ta bắt gặp không ít cảnh ”ghen ghét”, “thù hằn” ngay giữa những người trong cùng xứ đạo, trong cùng giáo họ… Có người lại xô đẩy nhau, tranh giành chỗ ngồi khi tham dự các nghi thức phụng vụ, hoặc vừa ở trong tòa giải tội bước ra lại vén tay áo lên sinh sự với người khác…
Muốn sống đạo tốt, bản thân mỗi người phải liên kết với Thiên Chúa Ba Ngôi qua cuộc sống cầu nguyện trong đời sống hằng ngày. Sống cầu nguyện là phó thác mọi sự cho Chúa, chấp nhận mọi thử thách, vui buồn như là Hồng Ân Chúa ban. Khi làm bất cứ việc gì, mỗi phút giây đều nghĩ đến sự quan phòng của Chúa, sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy dành ít phút để dâng và phó thác cho Chúa ngày hôm đó. Có Chúa đồng hành, bạn sẽ được gắn bó với Thiên Chúa và “sống đạo” tốt hơn.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19