Thêm một lần “Nới rộng vòng tay”
Từ khi Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận Tp.HCM (MVĐTLT) được chính thức thành lập (5.12.2009) đến nay, chúng tôi đã tiếp xúc, thăm viếng, trao đổi tâm tình, giao liên với năm tôn giáo bạn trên địa bàn thành phố: Phật Giáo, Cao Đài, Islam, Minh Lý Thánh Hội, Baha’i. Chúa nhật 19.06.2011 vừa qua, Ban MVĐTLT đã đến dự đại lễ của PHẬT GIÁO HÒA HẢO.
Duyên hạnh ngộ lần này đến từ lời mời của Ban Đại Diện PGHH gởi đến Tòa Tổng Giám Mục nhân dịp KÍNH MỪNG KỶ NIỆM 72 NĂM KHAI ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO-18-5 KỶ MÃO (1939) 18-5 TÂN MÃO (2011)
Dự lễ
Theo ủy nhiệm của Đức Hồng y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita, Ban MVĐTLT đến hợp mừng Đại lễ với các “Bạn Đạo” PGHH.
Nhà Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ (số 202 đường Võ Thị Sáu) vào lúc 08g00 sáng đã đông người và xe ôtô … Cha Phanxicô Xaviê, Trưởng Ban và chúng tôi đến bàn tiếp tân khai danh và nhận sách biếu xong, thì được dẫn đến ghế khách mời.
Trên khán đài, ở giữa có căng một tấm vải màu không đen không đỏ (Tấm Trần Điều) phía trước tấm vải có bày bàn thờ hương án và hình của Đức Huỳnh Giáo Chủ treo hai bên. Hoa của các Tôn giáo bạn, các cơ quan Nhà Nước, các nhà hảo tâm được trưng bày ngập sân khấu… Trong sảnh xếp đầy ghế và đã chật người ngồi. Tôi ước chừng có ba hàng ghế trên dành cho khách mời, còn những hàng ghế sau thì Quý đồng Đạo ngồi. Tôi cũng nhận thấy có rất nhiều người ở tỉnh xa về dự lễ.
Người dẫn chương trình giới thiệu đại diện và hoa chúc mừng của các Ban ngành đoàn thể Nhà Nước, các chức sắc và hoa chúc mừng của các Tôn giáo bạn và của các nhà hảo tâm. Kế đến là mời đứng - khai mạc đại lễ: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc …” Chương trình khai mạc được tiếp tục với phần tâm linh. Ba quý ông trang phục áo dài đen, khăn đống đen kiểu trán chữ “nhân” đứng trước bàn thờ. Người dẫn lễ hô: “Kính Đức Phật” đồng đạo cúi đầu một lần. “Kính Đức Huỳnh Giáo Chủ” đồng đạo cúi đầu một lần. (tôi nghe là “thỉnh” nhưng sau này hỏi một vị tín đồ thì ah ta nói là “kính”) Đến phần nguyện hương, ba vị nhận ba cây nhang to từ một vị phụ lễ, họ xá ba xá rồi đưa nhang lên ngang trán và quỳ yên độ 30 giây rồi xá, trao hương cho vị phụ lễ xá để dâng hương lên Tam Bảo, xong rồi thì ba vị quỳ và thỉnh lễ 4 lạy. Lễ tất.
Chương trình đến phần phát biểu của bên PGHH, Đại diện các cơ quan Chính Phủ, tôn giáo bạn, Bài phát biểu của Đạo huynh Huệ Khải … trong chương trình có xen kẽ phần diễn ngâm các bài “sấm truyền” hoặc thơ Đạo do các cư sỹ nữ thể hiện, lại cũng có bài vọng cổ do nghệ sỹ Bích Phượng trình bày. Phần ồn ào và nhiều người vui nhất là “phát học bổng”. Trên đây là tôi tóm sơ chương trình đại lễ, Tôi xin dành thời gian để Quý bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về PGHH.
Trao đổi
Duyên may của tôi là được ngồi cạnh một bô lão ngoài bảy mươi tuổi: “Dạ, chào ông” - “À, chào chú”. Chuyện dẫn chuyện, một già một trẻ, một chai nước cứ vậy mà hàn huyên.
- Ông là chức sắc thế nào ở trong Đạo?
- “Tôi chỉ là “người đồng đạo”.
- Chắc ông cũng có chức vụ hay vai trò gì rong Đạo nên mới ngồi ghế này?
- “À, những người dâng nhang lúc nãy là “Người đồng đạo tiêu biểu”, còn tôi thì mấy năm qua tôi cũng dâng nhang như vậy, nhưg năm nay tôi yếu nên người khác thay”.
- À ra là thế! Vậy để được là “Người đồng đạo tiêu biểu” thì phải làm sao?
- “Người đó phải giữ cho đúng “8 điều răn cấm” của Đạo, những điều này do Đức Huỳnh Giáo Chủ quy định, ai giữ được thì người đồng đạo sẽ nhận xét về sự “sạch sẽ” của người dó và bầu chọn làm “Người đồng đạo tiêu biểu”. Về phần niềm tin thì “giữ Đạo là giữ 8 điều trên cho trọn thì sẽ được giải thoát”.
- Vậy 8 điều cấm là gì?
Thứ nhất: không uống rượu, cờ bạc, á phiện, phóng đãng, giữ tam cương ngũ thường.
Thứ nhì: không làm biếng, lo làm ăn, cần kiệm, tu hiền chơn chất, không gây gỗ, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
Thứ ba: không ăn xài chưng diện thái quá, không xu phụng người giàu, phụ người nghèo khó.
Thứ tư: Không kêu trời, Phật, Thần, Thánh mà rủa người ta.
Thứ năm: không ăn thịt trâu, chó, bò và không sát sanh hại vật mà cúng thần nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta …
Thứ sáu: không nên đốt giấy tiền, vàng mã … mà tốn tiền vô lý. Phải dùng tiền ấy mà trợ cứu cho gười lỡ đường, đói rách, tàn tật.
Thứ bảy: đứng trước mọi việc chỉ về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.
Thứ tám: Ta phải thương yêu lẫn nhau như con một Cha, dìu dắt lẫn nhau ào con đường đạo đức …
- Trang phục ông đang mặc có ý nghĩa gì? (áo dài đen, khăn đống)
- “Đây là quốc phục Việt nam, đến đại lễ thì chúng tôi mặc quốc phục”.
- Khăn đống của ông có chữ nhân, sao của người kia lại hình bầu tròn?
- “Chúng tôi đi mua thì có kiểu đó, còn ông kia đội khác vì ông ta trẻ nên cũng tùy ý chọn”
- Vấn đề trang phục trong Đạo còn có gì khác không?
“Trong dịp Đại lễ chúng tôi có mặc áo choàng dài màu trần điều, khi cúng tại gia chúng tôi mặc áo màu nâu hay màu xanh nhạt”
- Xin ông giải thích về “Trần Điều”
- “Nói về màu, thì màu trần điều là một hỗn hợp của năm màu trộn lại: màu vàng, màu trắng, màu đen, màu đỏ, màu xanh (lấy mỗi màu cùng một thể tích) trộn đều sẽ ra màu trần điều. Nói về ý nghĩa là: Đạo Phật có năm Tông, 10 chi (Thiền tông, Bắc tông, Nam tông …). Nói riêng ra thì gọi theo tên phái, nhưng gọi chung là Đạo Phật. Tấm vải căng trên sân khấu kia là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) vì Trần Điều tượng trưng cho Phật, mà có Phật thì có Tam Bảo. Điều này do Đức Thầy dạy thờ tấm Trần Điều. Nó còn tượng trưng cho mười phương Phật, mười phương Tăng.”
- PGHH có ăn chay không?
“Có, vấn đề ăn chay thì cũng tùy người, tỷ dụ người mới ăn chay thì giữ 4 ngày một tháng vào các ngày âm lịch: 14, 15, 29,30, sau quen dần thì giữ 6 ngày, 8 ngày hoặc hơn, có người ăn chay trường luôn. Ăn chay còn có “kỳ” là kỳ tháng giêng (Thượng ngươn) kỳ tháng bảy (Trung ngươn) kỳ tháng 10 (Hạ ngươn)”
- Trên sân khấu có để đến hai bức hình của Đức Thầy, vậy ở nhà ông có trưng hình của Ngài không? Và trưng mấy bức?
“Ở nhà chúng tôi đều có hình của Ngài để hai bên bàn thờ giống như ở đây, nhưng cũng tùy, treo mấy bức ảnh Ngài cũng được, có nhà cũng chỉ trưng có một bức …
- Nói về việc tụng kinh tại gia, thì thế nào xin ông vui lòng cho biết?
“Đồng đạo chúng tôi là “Cư sỹ tu tại gia” nên “ai cúng thì người ấy hưởng” nghĩa là tôi cúng riêng phần tôi, vợ hoặc các con của tôi cũng cúng riêng rẽ. Chúng tôi cúng theo “thời” nghĩa là: nếu ai tu hai thời thì sẽ cúng vào thời sáng (trong khoảng từ 04g00 đến 07g00) và vào thời tối (trong khoảng từ 16g00 đến 18g00) Có người tu tam thời thì thêm thời trưa (12g00), nếu tu theo tứ thời thì cúng giờ khuya (24g00) cứ vậy mà tính thì có người tu sáu thời, tám thời, mười thời. Ai tu người ấy hưởng không có cúng thay”.
- Khi cúng thì đọc kinh gì? Có dùng mõ hay chuông gì không?
- “Mỗi lần cúng thì mất khoảng 10 đến 20 phút. Chúng tôi có thể dùng Kinh Phật để đọc, hoặc dùng “Sấm Giảng” của Đức Thầy để đọc. Khi cúng xong thì ngồi niệm Phật hoặc niệm câu niệm có 37 chữ của Đức Thầy dạy “NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI TAM THẬP LỤC VẠN ỨC NHẤT THẬP NHỨT VẠN CỬU THIÊN NGŨ BÁ ĐỒNG DANH ĐỒNG HIỆU ĐẠI TỪ ĐẠI BI PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH ADIĐÀPHẬT” Khi niệm câu này là chúng tôi niệm cho tất cả chúng sanh và thế giới. Khi có người qua đời thì chúng tôi đến và cùng tụng câu này (thêm câu: “tiếp dẫn vong linh” vào sau ĐẠI BI để cầu cho người chết, ngay cả với Tăng qua đời thì dùng câu “tiếp dẫn đạo sư” để cầu (trên cổ tay của ông có đeo chuỗi hột).
- Truyền thống an táng của quý vị thì diễn tiến như thế nào?
“Chúng tôi có câu nói “tử táng trong 24 giờ” nghĩa là khi có người chết thì gia đình niệm xác rồi cùng mọi người đồng đạo đọc Hộ niệm, đem đi chôn trong vòng 24 tiếng, không kèn, không trống, xác nằm tư thế bình thường, khi chôn thì đặt hướng đầu người chết về hướng Tây. Nếu đem người chết đi hỏa táng thì lấy tro cốt đó đem rải vào thiên nhiên (đồng ruộng, sông, biển) với ý nghĩa: thân xác con người là mượn của tứ đại (nước, lửa ..) thì khi chết rắc tro cốt là trả lại cho tứ đại.
Độc giả quý mến, đọc đến đây có thể có quý vị nghĩ rằng tác giả như đang chất vấn Ông cụ vậy! Số là, sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi tranh thủ giới thiệu mình với Ông (lý do đến đây theo thiệp mời Tòa TGM của PGHH, hoạt động của Ban MVĐTLT, đây là lần đầu tiên đến với đại lễ của PGHH nên rất muốn tìm hiểu …) Ông “Đồng đạo tiêu biểu” NGUYỄN VĂN THÔI hết sức vui mừng vì sự hội ngộ này, đồng thời tận tình giải đáp hết mọi câu hỏi. Tôi kể chuyện tiếp nhé …
- Về cơ cấu tổ chức của PGHH, xin ông cho biết?
- “Đạo PGHH do Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng vào năm Kỷ Mão (1939) tại địa danh Hòa Hảo, danh xưng Đức Huỳnh Giáo Chủ, Đức Thầy là do đồng đạo chúng tôi phong và gọi Ngài. Ngài chủ trương là “học Phật- tu nhân”. Học Phật là: dùng Kinh sách nhà Phật để học tập nghiên cứu, tụng niệm. Tu nhân là: lo tròn hiếu nghĩa, cụ thể là 1/ Ân với tổ tiên 2/ Ân đất nước 3/ Ân Tam Bảo 4/ Ân đồng bào và nhân loại. Vì thế nên tên Đạo là PHẬT GIÁO HÒA HẢO. Mọi đồng đạo đều đã qui y đầu Phật tu niệm tại gia, thuộc hạng cư sỹ. Không có chế độ Tu sĩ. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước PGHH được Nhà Nước công nhận. Hiện nay về cơ cấu tổ chức gồm có:
BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO
BAN ĐẠI DIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ
BAN ĐẠI DIỆN XÃ (trước năm 1975, có BAN ĐẠI DIỆN QUẬN)
Ngoài ra còn có BAN PHỔ TRUYỀN GIÁO LÝ (PTGL). Thành phần nhân sự trong các Ban do đồng đạo bầu cử. Hàng tháng BĐDT sẽ tổ chức ngày họp mặt để Ban PTGL giảng Đạo, giải đáp thắc mắc, rồi họp việc trong Đạo, thông báo …
- Vậy khoảng 150 em nhà nghèo hiếu học được nhận học bổng HƯƠNG SEN HÒA HẢO ngày hôm nay chắc là do các Ban xét duyệt?
- “Học bổng này có nhờ do vận động các nhà hảo tâm, các em muốn được nhận thì phải làm hồ sơ nộp lên (học bạ, giấy khen, lý lịch, hoàn cảnh …) các Ban tiếp nhận hồ sơ, hội ý và xác minh với BĐDX, BĐDT rồi chọn ra danh sách. Học bổng này dành cho các em đồng đạo, hằng năm chỉ cấp vào dịp này cho toàn Đạo. (Đó cũng là một lý do có rất nhiều người đồng đạo ở tỉnh xa về dự lễ, và nhìn mặt các em được nhận học bổng cũng thấy sáng lên nét thông minh, tràn niềm vui mừng lẫn hãnh diện như phụ huynh). Còn nhiều điều khác về Đạo PGHH nữa nhưng tôi xin xin tại đây-xin hẹn lần tới.
Nới rộng vòng tay - Mở rộng con tim
Hôm nay, lần đầu tiếp xúc với Bạn Đạo PGHH, mà tôi được học “no” quá, hạnh phúc quá, thương mến quá … Khi trái tim lên tiếng thì sẽ có vạn trái tim lắng nghe và hoà điệu, bỗng dưng tôi xác tín như thế. Không những tôi cảm nghiệm thân thương với Bạn Đạo, mà Bạn Đạo cũng đồng cảm. Tôi gặp ai cũng nhận được ánh nhìn đầy nhân tâm-thân thiện-hòa hiếu của quý đồng đạo.
Trước khi ra về, ông Nguyễn Văn Thôi gặp lại cha con chúng tôi nơi cuối sảnh đã cười tươi và vội vàng chỉnh tề khăn áo bắt tay cha Phanxicô Xaviê, rồi chuyện trò, rồi chụp hình lưu niệm… Kính chúc Cư sỹ họ Nguyễn cùng các Bạn Đạo Phật giáo Hòa Hảo an mạnh, trường thọ, tu đạo tinh tấn, an bình thân tâm.
Xin cảm ơn ông nhiều và hẹn gặp lại ông nhé!
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565