THĐGM Trung Đông: Hiệp thông và Đối thoại
WHĐ/ESM (13.10.2010) – Sáng thứ Hai 11-10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ tọa phiên họp khoáng đại đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục Trung Đông.
Trước hết ĐTC gợi lại, cách nay 48 năm, cũng vào ngày 11-10 (11-10-1962), Đức Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng Đại kết Vatican II.
Sau đó, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Bộ trưởng Bộ Các Giáo hội Đông phương, khai mạc phiên họp.
Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tóm tắt việc chuẩn bị cho khóa họp đã được ĐTC công bố vào ngày 19-09-2009 nhân cuộc gặp gỡ các Thượng phụ Giáo chủ và các Tổng Giám mục Cả của các Giáo hội Công Giáo Đông phương.
Tiếp theo, Đức Thượng phụ Giáo chủ Anthonios Naguib của Alexandria thuộc nghi lễ Copte, Tổng Tường trình viên đã đọc bản tường trình sơ bộ, gồm những nét lớn về nội dung của THĐ: Những mục tiêu của THĐ; Tình hình Giáo hội tại Trung Đông; Những thách thức đối với người Kitô hữu; Những câu trả lời của người Kitô hữu trong cuộc sống, Người Kitô hữu làm chứng
Mục tiêu của THĐ
1) Khẳng định và củng cố bản sắc của người Kitô hữu tại Trung Đông, nhờ Lời Chúa và các bí tích.
2) Khơi lên tình hiệp thông giữa các Giáo Hội thuộc những nghi lễ khác nhau, để việc làm chứng đạt hiệu quả chung. Việc làm chứng ngày nay bao gồm các chiều kích: hiệp thông, đối thoại liên tôn và truyền giáo.
Tình hình Giáo hội Công giáo tại Trung Đông
Hiện tình các tín hữu Kitô:
“Sự hiểu biết về lịch sử Kitô giáo tại Trung Đông là rất quan trọng cho bản thân người Công giáo chúng ta và cho phần còn lại của thế giới Kitô giáo... Các Giáo Hội chúng ta, có phúc nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô và các thánh Tông đồ, đã là chiếc nôi của Kitô giáo và của các thế hệ Kitô hữu tiên khởi. Đó là lý do tại sao các Giáo hội chúng ta được ơn gọi riêng gìn giữ ký ức sống động của thời khai sinh, củng cố đức Tin cho các tín hữu và làm cho Thần Khí Tin Mừng được sống động nơi các tín hữu, hướng dẫn cuộc sống và các mối quan hệ của họ với các Kitô hữu khác và với những người không phải Kitô hữu...
Các Kitô hữu là những “công dân bản địa” tại quê hương đất nước mình, là thành viên có đầy đủ quyền hạn trong cộng đồng dân sự của mình. Họ cư ngụ lâu dài trong ngôi nhà của mình. Sự hiện diện và tham gia của họ vào đời sống đất nước là cả một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và giữ gìn. Khía cạnh đời sống trần thế tích cực của họ giúp cho Giáo Hội có thể mang lại sự đóng góp hiệu quả và sinh ơn ích, giúp cho mọi người dân khẳng định tư cách công dân của mình, dựa trên sự bình đẳng và tinh thần dân chủ…
Bằng cách giới thiệu Giáo thuyết của Hội Thánh về Xã hội, các cộng đoàn Công giáo chúng ta đem lại sự nâng đỡ hiệu quả trong việc xây dựng xã hội. Việc cổ võ các giá trị đời sống gia đình và bảo vệ sự sống phải chiếm một vị trí chính yếu trong nền giáo dục và trong sứ vụ của Giáo Hội. Giáo dục chính là lãnh vực cần phải được ưu tiên hành động và được đầu tư chủ yếu”.
Những thách đố đối với người Kitô hữu
“Tình hình chính trị - xã hội tại từng đất nước của chúng ta có tác động trực tiếp đến người Kitô hữu, vốn là những người cảm nhận rõ rệt nhất những hậu quả tiêu cực.
Tại Lãnh thổ Palestin đời sống hiện rất khó khăn, đôi khi vượt quá sức chịu đựng. Vị thế của những người Kitô hữu gốc Ả rập là rất tế nhị. Bằng cách lên án nguyên nhân phát sinh bạo lực, và kêu gọi tìm giải pháp đúng đắn và bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine, chúng ta bày tỏ tình liên đới với nhân dân Palestine, hiện đang phải sống trong bầu khí của chủ nghĩa cực đoan giáo điều. Lắng nghe tiếng nói của các Kitô hữu tại địa phương sẽ giúp chúng ta nắm được tình hình tốt hơn.
Quy chế dành cho Jerusalem cần phải tính đến tầm quan trọng của Jerusalem đối với ba tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo...
Thật đáng tiếc nền chính trị trên thế giới đã không xem xét đủ về tình trạng bi đát của các Kitô hữu tại Iraq, họ là những nạn nhân chính của chiến tranh và những hậu quả của nó để lại.
Tại Liban, sự thống nhất cao độ giữa các Kitô hữu đã góp phần bảo đảm sự ổn định của quốc gia.
Tại Ai Cập, các Giáo Hội được thuận lợi nhờ biết phối hợp giữa những nỗ lực củng cố các tín hữu trong đức tin với việc thực hiện những công trình vì lợi ích chung của đất nước.
Tùy theo khả năng của mỗi nước, các Kitô hữu cần phải phát huy dân chủ, công lý và hòa bình, tinh thần nhập thế tích cực trong việc phân biệt giữa tôn giáo và nhà nước, và tôn trọng mỗi tôn giáo. Thái độ tham gia tích cực vào xã hội là một câu trả lời mang tính xây dựng cho cả xã hội lẫn Giáo hội. Sự cổ võ những quyền của con người cần phải diễn ra trong hòa bình, công lý và sự ổn định. Tự do tôn giáo là một thành phần thiết yếu của nhân quyền. Quyền được tự do cử hành việc thờ phượng là một khía cạnh của tự do tôn giáo. Trong hầu hết các quốc gia chúng ta, quyền này được hiến pháp bảo vệ. Nhưng dù vậy, ở một số nước, cũng có một số quy định pháp lý hoặc trong việc thực thi pháp luật lại có những hạn chế nhất định.
Một khía cạnh khác là quyền tự do lương tâm, dựa trên sự lựa chọn tự do của con người. Tình trạng không tôn trọng quyền tự do này đã cản trở sự tự do được lựa chọn của những người muốn sống gắn bó với Tin Mừng nhưng lại lo ngại bản thân và gia đình mình bị làm khó dễ... Quyền tự do lương tâm chỉ có thể tồn tại và phát triển trong phạm vi có sự thăng tiến thái độ tôn trọng đầy đủ và toàn diện mọi quyền của con người.
Trong chiều hướng nêu trên, nền giáo dục có một ý nghĩa rất quý báu trong việc hỗ trợ sự tiến bộ của quốc gia về phương diện văn hóa, sao cho công bằng và bình đẳng hơn trước pháp luật.
Giáo hội Công Giáo mạnh mẽ lên án mọi hình thức cưỡng bức tôn giáo. Tốt nhất vẫn là thảo luận về những vấn đề này một cách nghiêm túc, chủ yếu trong nội bộ của từng quốc gia, theo cơ cấu đối thoại có sự phân cấp rõ ràng.
Các Giáo hội chúng ta vốn có nhiều cơ sở giáo dục, đó là một phương cách rất tốt để thúc đẩy nền giáo dục. Các trung tâm y tế và các dịch vụ xã hội cũng minh chứng hùng hồn cho lòng yêu thương tha nhân, không có sự kì thị hay phân biệt đối xử. Việc đề cao giá trị các ngày kỉ niệm, sự kiện và những lễ hội địa phương và quốc tế hướng đến tinh thần này đã góp phần phổ biến và củng cố nền văn hóa tình thương. các phương tiện truyền thông được dùng để truyền bá tinh thần đó”.
“Gần đây, việc di dân đã gia tăng tại các quốc gia chúng ta. Những nguyên nhân chủ yếu là cuộc xung đột Israel-Palestine, cuộc chiến tại Iraq, tình hình chính trị và kinh tế, sự leo thang tinh thần Hồi giáo cực đoan giáo điều và tình trạng hạn chế quyền tự do và bình đẳng.
Các bạn trẻ, những người có học thức và giàu có là thành phần đông đảo trong số di dân, khiến cho Giáo Hội và quốc gia mất đi nguồn lực quý báu nhất. Di dân đang cần được sự hỗ trợ đáng kể của quốc gia và Giáo Hội. Giáo Hội tại các quốc gia gốc của người di cư phải tìm cách để duy trì quan hệ mật thiết với các tín hữu di dân của mình, bảo đảm cho họ được sự nâng đỡ tinh thần. Cần bảo đảm cho tín hữu các Giáo hội Đông phương được tham dự cử hành Phụng vụ theo nghi lễ của mình tại các vùng theo nghi lễ latinh. Việc thanh lý tài sản của họ tại quê hương thật là điều rất đáng tiếc. Nếu giữ gìn hoặc mua lại các bất động sản thì cũng là cách khuyến khích họ hồi hương. Những cộng đoàn Diaspora (lưu lạc, tha hương) có vai trò khuyến khích và củng cố sự hiện diện Kitô giáo tại Đông phương, để tăng cường và khẳng định cho việc làm chứng, vì lợi ích của đất nước. Một nền mục vụ thích hợp cần phải quan tâm vấn đề di dân ngay từ trong nước”.
Câu trả lời của người Kitô hữu trong đời sống
“Sự đa dạng trong Giáo Hội Công giáo không gây thiệt hại nhưng làm nổi bật sự hiệp nhất trong Giáo Hội”
Sự hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo và Sự hiệp thông giữa các Giáo Hội với nhau:
“Các dấu chỉ chính biểu hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo là: bí tích Rửa tội, bí tích Thánh Thể, và sự hiệp thông với Giám mục Roma, Vị đứng đầu Tông đồ đoàn. Lễ điển của các Giáo Hội Đông phương quy định các khía cạnh của sự hiệp thông này, được Bộ Các Giáo hội Đông phương và các Bộ khác thuộc Giáo triều Rôma tán đồng và thị thực.
Sự hiệp thông giữa các Giáo Hội Đông phương với nhau được biểu hiện qua Hội đồng các Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Đông phương”.
Chứng từ Kitô giáo
Làm chứng trong Giáo Hội: Dạy Giáo lý
“Hoạt động dạy giáo lý ngày nay không thể bị giới hạn bằng cách duy nhất là dùng lời giảng. Còn phải dùng các phương tiện tích cực nữa. Các phương tiện truyền thông mới mẻ rất có hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng. Các Giáo Hội chúng ta cần có những chuyên viên trong các lĩnh vực này...
Việc dạy giáo lý phải xem xét đến bối cảnh cuộc xung đột trong khu vực. Công việc này phải giúp cho các tín hữu được thêm mạnh mẽ trong đức tin, đào luyện họ sống điều răn yêu thương, trở nên người xây dựng hòa bình, công lý và biết thứ tha. Sự dấn thân tham gia vào đời sống công cộng. là một nhiệm vụ đặt ra cho việc làm chứng và sứ mệnh xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa. Tất cả điều này đòi hỏi phải huấn luyện vượt lên trên chủ nghĩa cuồng tín, bè phái và sự hận thù trong nội bộ, để nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong mỗi người, và cùng nhau làm việc để xây dựng một tương lai ổn định, hòa bình và hạnh phúc”.
Một nền Phụng vụ được canh tân và trung thành với truyền thống
“Trong các Giáo Hội Đông phương của chúng ta, Phụng vụ là trung tâm đời sống tôn giáo. Phụng vụ giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc Kitô giáo, củng cố sự gắn bó với Giáo Hội, làm sống động đời sống đức Tin, thu hút sự lưu tâm của những người rời xa Giáo Hội và kể cả những người không tin. Do đó Phụng vụ bao gồm lời loan báo và làm chứng quan trọng của một Hội Thánh đang cầu nguyện chứ không chỉ hành động mà thôi”.
Đại kết
Hành động đại kết đòi hỏi những hành vi thích hợp: Cầu nguyện, hoán cải, thánh hóa, và giúp đỡ lẫn nhau, trong tinh thần tôn trọng, hữu nghị, cư xử bác ái với nhau, đoàn kết và hợp tác. Qua giáo huấn và các phương tiện truyền thông, những thái độ này mang ý nghĩa vun trồng và khích lệ. Đối thoại là phương thế chính yếu xây dựng đại kết. Đối thoại đòi hỏi một thái độ hiểu biết, lắng nghe, và mở ra đón nhận người khác. Điều này sẽ giúp vượt lên trên thái độ thiếu tin cậy và biết hợp tác với nhau để phát triển các giá trị tôn giáo, và cộng tác vào các dự án hữu ích cho xã hội. Phải cùng nhau giải quyết những vấn đề chung”.
Mối quan hệ với Do Thái giáo
“Cuộc xung đột Israel-Palestine đã tác động lên những mối quan hệ giữa Kitô hữu và người Do Thái. Tòa Thánh đã từng nhiều lần bày tỏ rõ ràng vị thế của mình, đặc biệt là trong chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong năm 2009. Các Giáo Hội chúng ta đã khước từ thái độ bài Do thái và chống Do Thái giáo. Những khó khăn trong mối quan hệ giữa người Ả Rập và người Do Thái thường do xung đột chính trị gây ra. Chúng ta phân biệt giữa thực tế tôn giáo và thực tế chính trị. Đọc Cựu Ước và đi sâu vào truyền thống của Do Thái giáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tôn giáo của người Do Thái, đem lại cho chúng ta một mặt bằng chung để có những nghiên cứu nghiêm túc, và giúp hiểu rõ hơn Tân Ước và các truyền thống Đông phương. Những khả năng khác của sự hợp tác đang xuất hiện trong thực tế hiện nay”.
Mối quan hệ với người Hồi giáo
“Có nhiều lý do để xây dựng mối quan hệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo. Tất cả đều là công dân chia sẻ cùng một ngôn ngữ và văn hoá với nhau, chia sẻ cả những niềm vui và đau khổ. Ngoài ra, các Kitô hữu có sứ mệnh sống làm chứng cho Chúa Kitô trong xã hội của mình. Từ khi khai sinh, Hồi giáo đã tìm thấy một số nguồn gốc chung với Kitô giáo và Do Thái giáo, như Đức Thánh Cha đã đề cập. Nền văn chương Ả Rập-Kitô giáo cần được gia tăng giá trị. Hồi giáo không phải là đồng nhất, mà đa dạng về niềm tin, văn hóa và tư tưởng. Những khó khăn trong quan hệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo nổi lên từ thực tế là người Hồi giáo, nói chung, không phân biệt giữa tôn giáo và chính trị… Do đó các Kitô hữu cảm thấy không thoải mái về tình thế phi-công-dân, mặc dù họ đã sinh sống lâu đời tại những đất nước trước đây chưa từng Hồi giáo. Chúng ta cần phải thừa nhận quyền tự do tôn giáo và nhân quyền, bắt đầu từ sự khoan dung rồi đến công lý và bình đẳng, dựa trên quyền công dân. Cần thanh lọc các sách giáo khoa trình bày sai lệch về người khác, cũng như mọi nội dung xúc phạm hoặc xuyên tạc. Sẽ phải tìm hiểu quan điểm của tha nhân nhiều hơn nữa, bằng cách hoàn toàn tôn trọng tín ngưỡng và những cách thực hành tôn giáo khác nhau”.
Làm chứng trong xã hội
“Tất cả công dân các quốc gia chúng ta phải cùng nhau đối mặt với hai thách thức lớn: hòa bình và bạo lực. Chúng ta đang sống trong khung cảnh chiến tranh và xung đột hằng phát sinh bạo lực và đang được chủ nghĩa khủng bố toàn cầu khai thác. Phương Tây vốn được coi là mang căn tính Kitô giáo và mọi chọn lựa của Nhà nước vẫn được gán cho Giáo Hội. Trong khi đó các chính phủ hiện nay là hoàn toàn thế tục, và ngày càng đi ngược lại các nguyên tắc của đức tin Kitô giáo. Cần phải giải thích cho rõ thực tế này, và phải làm rõ thế nào là sống tinh thần thế tục tích cực, đặng phân biệt giữa chính trị và tôn giáo... Trong các xã hội của chúng ta, vấn đề toàn cầu hóa, hiện đại hoá và chủ nghĩa thế tục đã có ảnh hưởng tác động đến các Kitô hữu của chúng ta... Quyền bình đẳng của công dân được khẳng định trong tất cả các hiến pháp. Nhưng tại các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, chỉ trừ vài ngoại lệ, Hồi giáo là tôn giáo nhà nước và luật sharia được dùng làm nguồn tham khảo chủ yếu để xây dựng luật pháp. Ở một số nước hoặc tại một số vùng, luật sharia được áp dụng cho mọi công dân... Tự do cử hành việc thờ phượng được công nhận, nhưng không phải là quyền tự do lương tâm. Với sự phát triển của của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo, các cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu ngày càng gia tăng”.
Sự đóng góp đặc biệt và không thể thay thế của người Kitô hữu
“Sự đóng góp cụ thể của người Kitô hữu đối với xã hội là điều không thể thay thế. Bằng chứng từ và hành động của mình, người tín hữu Kitô làm phong phú thêm các giá trị mà Chúa Kitô đã mang đến cho nhân loại. Trong số đó có nhiều giá trị chung với những người Hồi giáo, vì thế việc cùng nhau cổ võ những giá trị này là điều có thể và sẽ đem lại ích lợi chung.
Việc dạy giáo lý phải đào tạo tín hữu thành những người công dân tích cực.
Sự dấn thân xã hội và chính trị mà không mang giá trị Phúc Âm thì chỉ phản chứng mà thôi...
Phục vụ tha nhân đã là yếu tố ghi dấu ấn căn tính Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta không cần phải xưng mình ra.
Nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là sống đức tin. Hãy để cho hành động của chúng ta nói lên đức tin.
Nhiệm vụ của chúng ta là sống sự thật. Hãy công bố sự thật trong tình yêu, với lòng can đảm, và thực thi tình liên đới trong mọi tổ chức chúng ta đang có.
Chúng ta cần sống một đức tin trưởng thành, không hời hợt bề ngoài, được duy trì và sống động qua đời sống cầu nguyện. Để xứng đáng được tín nhiệm, chúng ta phải đồng tâm với nhau trong lòng Hội Thánh, phải cổ võ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, phải sống đạo đức một cách thuyết phục và đi vào cuộc sống. Chứng từ hùng hồn này đòi chúng ta phải luôn giáo dục và đồng hành với các em thiếu nhi, giới trẻ và người lớn”.
Tương lai nào dành cho các Kitô hữu Trung Đông?
“Bối cảnh hiện nay đang phát sinh những khó khăn và lo lắng. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và được Phúc âm hướng dẫn, chúng ta đối mặt với những khó khăn và lo lắng trong niềm hy vọng và đặt niềm tin tưởng của người làm con vào sự Quan phòng của Thiên Chúa. Ngày hôm nay chúng ta là “số nhỏ sót lại”, nhưng hành động và chứng từ của chúng ta có thể làm cho chúng ta trở nên một sự hiện diện phải kể đến... Đối mặt với nỗi chán nản đang thử thách mình, chúng ta phải nhớ chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô phục sinh, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết”.
Niềm hy vọng
“Các Giáo hội chúng ta đang cần những chứng nhân-tín hữu, cả mục tử lẫn giáo dân. Việc loan báo Tin mừng chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bừng lên ngọn lửa yêu mến Chúa Kitô và lòng nhiệt thành muốn cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.
Chúng ta tin tưởng THĐ không phải là một sự kiện sẽ qua đi nhưng thực sự mở ra đón nhận Thánh Thần thúc đẩy các Giáo Hội của chúng ta”.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô