Thắp sáng tình huynh đệ liên tôn

Thắp sáng tình huynh đệ liên tôn

Đón mừng lễ Chúa giáng sinh năm nay, Ban MVĐTLT chúng tôi nhận được một niềm vui bất ngờ khi đón tiếp các vị chư tăng Thái Lan đến thăm Tp.HCM (12-13/12/2016). Cùng các ngài đi thăm Tăng Ni ở các chùa tại Sài Gòn, chúng tôi đã trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

1. Tại Tịnh Xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh, chúng tôi được TT. Thích Minh Thành tiếp đón. Sau phần giới thiệu hai bên, một câu hỏi được đặt ra cho vị đại sư Thái Lan: “Là một tỳ kheo, làm thế nào ngài có thể sống với người Công giáo tại Ý?”. Hòa thượng Phramaha Thongrattana Thavorn từ tốn đáp: “Ở đâu có tình thương là tôi có thể ở đấy với họ.” Câu trả lời của vị sư 78 tuổi, với 53 năm tu, thật tuyệt vời!

“Khi đến Ý, họ cho tôi nhà để ở và yêu thương tôi, họ dậy dự thánh lễ tôi cũng dậy. Có sự hiệp nhất giữa tôi và họ, chúng tôi sống cùng với nhau một thời gian dài, vì chúng tôi có tình thương với nhau”, tỳ kheo Luce Ardente – tên do chị Chiara  Lubich đặt -, chia sẻ tiếp. Nhà sư này đã gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (4 lần) và Bênêđictô XVI, còn đệ tử thì gặp Đức Phanxicô và cả hai từng tham dự nhiều buổi gặp gỡ liên tôn.

Tình thương gắn kết tình thương, giống như cầu vồng trên bầu trời mang nhiều màu sắc tỏa sáng khắp địa cầu, giúp tín đồ các đạo xích lại gần nhau, cùng hòa quyện, tôn vinh Đấng tạo nên vũ trụ hùng vĩ, đẹp đẽ muôn màu. Chung sống hài hòa với sự tôn trọng lẫn nhau, xây dựng bình an, đó chẳng phải là Ý nguyện của Tạo hóa hay sao?

Vị đón tiếp đoàn cũng có kinh nghiệm tương đồng: trong thời gian du học tại miền Nam Ấn Độ, ngài trọ tại nhà một người Hồi giáo, thay vì ở khách sạn. Gia đình Hồi giáo đón tiếp ngài rất chân tình, cởi mở. Do đó ban đầu, ngài chỉ định lưu lại vài ngày, nhưng rồi ngài đã ở 20 ngày. Phòng khách của gia đình họ trở thành phòng nghỉ của ngài. Con gái của gia đình ấy, khi ra đường che mặt kín mít theo truyền thống Islam. Nhưng ở nhà vẫn ăn mặc bình thường, sống thoải mái (có nghĩa là xem ngài như người nhà). Khi gia đình đi hành lễ ở mosque, họ tế nhị hỏi ý ngài trước xem có muốn cùng tham dự không. Ba tuần sống với gia đình này để lại dấu ấn nơi ngài về sự chân tình và cởi mở của tín đồ Islam.

Nhà sư Thái Lan tiếp lời: “Vâng, hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe nhiều tin tức không mấy vui. Nhưng khi đến đây, chúng ta rót trà, uống trà, cùng đàm đạo… Việc chúng ta ở bên nhau là một sự thật, chứ không như những tin tức kia gây chia rẽ, ganh ghét. Chúng ta ở đây có tình thương. Tôi không hỏi, nhưng nhìn các khuôn mặt tươi cười của quý vị ở đây, tôi biết chúng ta có tình thương với nhau, muốn cùng nhau chia sẻ tình thương và làm lan tỏa tình thương. Tuy có văn hóa, vị trí và xuất thân từ các gia đình khác nhau, nhưng chúng ta có chung một ý hướng là cùng nhau xây dựng hòa bình. Sức mạnh của sự thật luôn có sức thuyết phục của nó.”

2. Rời Tịnh xá Trung tâm, chúng tôi đến Pháp viện Minh Đăng Quang – Quận 2. Cơ sở của Khất sĩ Việt Nam này nằm trên một dãi đất rộng cạnh xa lộ, với quần thể kiến trúc nguy nga và uy nghi. Trong khuôn viên Pháp viện, không gian từ phòng khách đến chánh điện, đều lớn rộng và có thể đón hàng ngàn người. Pháp viện còn trong quá trình xây dựng, nên có tòa nhà đang thi công.

Tại đây, Thượng tọa Phó trụ trì, Thích Minh Tánh, hoan hỷ chào đón và mời chúng tôi dùng bữa trưa tại nhà hàng chay Thiện Duyên sau khi trò chuyện tại phòng khách. Trên lối đi tới chánh điện dưới cơn mưa bụi bay lất phất, nhìn lên trời, lòng tôi thấy thanh thản lạ lùng. Rồi một cảm xúc thật khó tả khi lần đầu tiên được nghỉ trưa tại chùa cứ bao phủ tâm tôi, và tôi không thể gọi tên đó là gì. Đúng như lời một vị chân tu nói: “Với Tâm Không, lòng ta không còn biên giới”. Cha Trưởng ban MV Đối thoại Liên tôn TGP cũng từng chia sẻ: “khi bảy màu của cầu vồng hòa vào nhau và xoay tròn, thì ta chỉ thấy một màu trắng”.

Không ít người ngày nay vẫn còn nghĩ rằng khi tín đồ các tôn giáo tụ họp lại, là có sự mâu thuẫn, xung khắc hay e ngại đánh mất căn tính của đạo mình! Vì sao chúng ta không thể chung sống hòa bình với nhau dưới bầu trời này, khi mọi người có chung mặt trời, mặt trăng, các tinh tú và hít thở cùng một bầu khí quyển? Giáo lý đích thực các tôn giáo - tuy khác nhau theo niềm tin -, đều khuyến thiện và nhằm đến lợi ích của đại chúng. Khi cố gắng vượt qua cách nghĩ và cái tâm khép kín - chỉ mưu cầu lợi ích cho bản thân hay tập thể tôn giáo riêng mình -, chúng ta có thể giúp nhau thăng hoa bản thân, phát triển xã hội và đạt đến Chân-Thiện-Mỹ.

3. Rời Pháp viện, chúng tôi đến chùa Kim Liên, Quận 4, nơi tu tập của hàng chục chư ni. Đoàn chúng tôi trao đổi với sư cô Thích Nữ Thánh Tuệ và hai tỳ kheo ni tại phòng khách, trước khi thăm chánh điện và nhà thờ các vị tổ của chùa. Nhìn bề ngoài, chùa này khá đơn sơ bên cạnh các tòa nhà cao tầng giữa lòng thành phố nhộn nhịp này, nhưng vào bên trong chúng tôi lại gặp được tấm thịnh tình của những vị chân tu, hiền hòa, cởi mở và trí thức. Đang lúc trò chuyện, thì thấy một đoàn ni cô trở về sau ngày học, tôi nhận ra sức sống và sự phát triển của chùa. Ở đâu “đất lành thì chim đậu”, ở đâu có đời sống tâm linh và tình thương thì ở đó sẽ có nhiều tâm hồn tìm đến nương thân, trú ngụ.

Một ngày thăm 3 cơ sở Phật giáo tại thành phố, lắng nghe đạo từ của quý tăng ni, tôi được mở rộng tầm nhìn về chân lý và sự sống tâm linh bằng cảm nghiệm. Thần Khí của Chúa là thần khí của tự do và sự sống. Ước gì tôi không trói buộc Chúa Thánh Thần trong một khuôn khổ suy nghĩ hay vài ý tưởng cố định, bởi vì mọi sự tốt lành, hài hòa và bình an đều là những hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5,22-23).

Trong thông điệp Redemptor Hominis (ban hành ngày 4.3.1979), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng chất vấn Kitô hữu: "Phải chăng nhiều khi lòng tin vững chắc của các thành phần những tôn giáo ngoài Kitô giáo - vốn cũng là hiệu quả của Thánh Thần chân lý tác động xa hơn những biên giới hữu hình của Thân mình mầu nhiệm - lòng tin ấy đáng làm cho các Kitô hữu hổ thẹn vì quá nhiều khi họ đâm ra nghi ngờ những chân lý do Thiên Chúa mặc khải và Giáo hội rao giảng, vì họ quá dễ dàng buôn lỏng các nguyên tắc luân lý và mở rộng cửa cho một thứ luân lý tùy tiện?" (RH 6).

*

Lạy Thiên Chúa của con,

Chúa đã dựng nên trời đất này cho con và cũng cho mọi người. Khi chúng con vui  sống bên nhau, cùng chia sẻ bình an và hạnh phúc Chúa ban, thì chắc Chúa sẽ vui lắm!

Chúa là Chân-Thiện-Mỹ. Ai có thể ngăn cản con nghĩ tưởng đến Chúa, khi đang ở trong chùa hay môi trường nào khác? Điều gì cấm con trò chuyện, trao đổi với các vị tu hành khác tôn giáo, về sự thật, đạo hạnh và cuộc sống? Phải chăng chướng ngại là do bất đồng ngôn ngữ, địa vị hay niềm tin tôn giáo? Không! Không ai và chẳng có sức mạnh nào có thể cản trở con người đi tìm chân lý. Và khi cố gắng tìm kiếm sự thật, chúng con sẽ gặp gỡ được nhiều người bạn đồng tâm và đồng hành.

Chúa Giêsu đã dạy chúng con rằng: “hãy yêu thương nhau như Thầy” và ai yêu thương tha nhân thì Thiên Chúa ở trong người đó.

Quà Giáng Sinh Chúa trao tặng chúng con giữa Mùa Vọng này thật quý hóa: được gặp gỡ, trao đổi và ở cùng những người có tâm đạo. Ngồi bên nhau uống tách trà, dùng bữa, rồi lên đường trên cùng một chiếc xe. Quả là một ngày sống đầy ý vị và thân thương!

Chúng con nghe lời ca khen của các thiên sứ thật sống động: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Lời nhập thể thật gần gũi, thân thương! Viva Emmanuel! 

Xin tạ ơn Chúa đã làm cho mùa Vọng và Giáng sinh  của chúng con thật phong nhiêu, thắm thiết Tình Trời và tình người!

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top