Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam - Một khởi đầu ý nghĩa cho đối thoại liên tôn (2)

Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam - Một khởi đầu ý nghĩa cho đối thoại liên tôn (2)

3. Từ Thập tự chinh quân sự chống Islam đến Thập tự chinh truyền giáo cho người Islam và các dân ngoại khác

Nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa trong quá trình hoán cải, PHANXICÔ đã từng bước được biến đổi thành một hiệp sĩ tâm linh, để thực hiện một cuộc Thập tự chinh tâm linh trong đời sống bản thân và đời sống Giáo Hội tại quê nhà. Vào giữa tháng 4/1208 PHANXICÔ được Chúa ban cho có những anh em đầu tiên và mặc khải cho biết phải sống theo thể thức Thánh Phúc Âm trong Giáo Hội (x. DC 14-15). Từ đó, PHANXICÔ từng bước có những suy nghĩ mới về cuộc Thập tự chinh quân sự do các Đức Giáo hoàng chủ xướng. Các năm 1212, 1213 và 1219 là những mốc điểm có ý nghĩa to lớn đối với quan niệm mới mẻ này của PHANXICÔ về Thập tự chinh truyền giáo cho người Islam.

3.1 Chuyến đi bất thành sang Syria năm 1212

Vào năm 1212, số Anh em đã tăng lên nhanh và đã ổn định chỗ ở tại Portiuncula. Từ thứ Hai Thuần Thánh (19/3) đến đầu tháng 5/1212 PHANXICÔ đã lần lượt trao áo Dòng nâu cho hai chị em Clara-Agnès và ổn định chỗ ở cho nhóm các Bà Nghèo đầu tiên tại đan viện Đamianô. Rồi vào mùa hè năm ấy, PHANXICÔ cùng với một anh em trẩy đi Syria, với ý hướng thực hiện một cuộc “Thập tự chinh bằng lời nói và gương lành”[1] , nghĩa là bằng việc rao giảng về Chúa Kitô cho anh em Islam. Chinh phục người Hồi gíao bằng lời rao giảng thay vì bằng đánh nhau, đó là một ý tưởng rất mới mẻ do Joachim de Flore, một viện phụ Dòng Xitô ở miền Nam nước Ý (1140-1202) đề xướng. PHANXICÔ có biết quan điểm của nhà thần bí tăm tiếng và “tai tiếng” này không?[2] Hay là đơn giản “những tư tưởng lớn gặp nhau”? Dầu sao chính PHANXICÔ là người đầu tiên đưa ý tưởng ấy vào hành động.

Cũng trong năm 1212 này đã xảy ra một biến cố vô tiền khoáng hậu: đó là cuộc Thập tự chinh của các thiếu niên, với khoảng 30.000 em đến từ Pháp do một anh chăn cừu ở Vendôme tập hợp, và 20.000 từ vùng sông Ranh bên Đức phấn khởi hưởng ứng sáng kiến đạo đức ấy. Không bị ai can ngăn, nhưng cũng chẳng được ai huấn luyện. Dĩ nhiên là thất bại nặng nề ngay khi mới khởi hành, vì không có khí giới, không có kinh nghiệm trận mạc, không có tổ chức, không tiền bạc, không lương thực. Rất ít em trở về được với gia đình. Không em nào tới được Giêrusalem, trừ phi là với tư cách nô lệ. Một phần chết thê thảm vì đói khát và bệnh tật. Phần còn lại bị các lái buôn nô lệ bắt và bán sang vùng Ban-căng [3]. Phải chăng PHANXICÔ cũng đã có cách hành động như trẻ con, lên đường với lòng đầy nhiệt huyết, nhưng với hai bàn tay trắng? Cuộc Thập tự chinh truyền giáo đầu tiên của PHANXICÔ cho Islam có nét cơ bản giống như thế, đó là: khâu tổ chức hết sức tồi tệ, và dĩ nhiên là không mang theo khí giới. Và cũng dĩ nhiên là không phải để chém giết người Islam, đúng hơn là để được tử vì đạo, nhưng trước khi bị họ giết, thì vẫn hy vọng có cơ hội dùng lời nói và gương lành thuyết phục họ tin theo Chúa Kitô [4]. Cuộc lên đường của PHANXICÔ giống như đám trẻ đi Thập tự chinh, nhưng may thay, kết cục không thê thảm như chúng.

Celanô (1 Cel 55) và Thánh Bonaventura (ĐT 9,5) đã kể lại nhiều tình tiết lý thú của chuyến đi truyền giáo bất thành này. Khi thuyền gặp gió ngược trên biển, buộc phải cập bến tại Đalmatia (tức Slovania, Nam Tư ngày nay), thì không có tàu thuyền nào khác đi tiếp sang Syria, do đó PHANXICÔ phải tìm cách trở về Ý. Vì không có tiền trả lộ phí, PHANXICÔ và bạn đồng hành bèn nghĩ kế lẻn xuống một chiếc tàu, đi lậu vé. Nhưng may mắn, một vị khách lạ cùng lên tàu, trao cho một thủy thủ có lòng đạo đức quản lý giùm một ít lương thực để cung cấp cho hai vị tu sĩ nghèo khó đang ẩn trốn dưới tàu. Gặp gió bão, tàu trôi lênh đênh trên biển nhiều ngày. Lương thực cạn kiệt. May, Chúa Quan Phòng nhậm lời cầu nguyện của PHANXICÔ làm cho bánh hóa ra nhiều, cho mọi người sống qua ngày. Câu chuyện PHANXICÔ đi lậu vé kết thúc một cách thánh thiện khi tàu cập bến tại Ancona an bình với nhiều biểu hiện lòng biết ơn của đoàn thủy thủ.

3.2 Chuyến đi Marốc bất thành năm 1213

Ý tưởng Thập tự chinh truyền giáo vẫn không buông tha PHANXICÔ, vì đã trở thành một chọn lựa chín chắn và xác tín. Sang năm sau, ngài đem theo Anh Bênađô Quintavalle đi Marốc để rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho vua Islam Miramôlinô. Khi đến Tây Ban Nha, một đất nước công giáo mà một số vùng vẫn đang bị người Maures Islam đô hộ, ngài ngã bệnh nặng, buộc phải trở vế Ý (x. 1 Cel 56; ĐT 9,6). Chính ngài mở đường và nêu gương cho một số anh em hèn mọn đi truyền giáo tại Marốc qua ngả Tây Ban Nha, nhờ đó Dòng sẽ có được năm vị Thánh Tử vì đạo đầu tiên vào ngày 16.1.1220, mà ngài sẽ gọi là “năm anh em hèn mọn đích thực” [5].

3.3 Con số 3 kỳ diệu của PHANXICÔ

Khi Chúa ban cho PHANXICÔ hai anh em tiên khởi là Bênađô Quintavallê và Phêrô Cattani, thì cả ba đưa nhau đến Nhà Thờ Thánh Nicôla tại quê hương Assisi vào một ngày đẹp trời của tháng 4 năm 1208, để cầu nguyện và tìm ánh sáng của Chúa, bằng cách giở sách Phúc Âm ba lần vì lòng kính mến Thiên Chúa Ba Ngôi (x. 3NB 28-29; Kdp 10-11a; 2 Cel 15; ĐT 3,3). Qua đó PHANXICÔ đón nhận được sự “mặc khải của Chúa về lối sống theo thể thức Thánh Phúc Âm” (x. DC 14-15). Vào năm 1219, sau hai lần đi truyền giáo cho anh em Islam bị thất bại, PHANXICÔ thử vận may lần thứ ba, và lần này thì thành công. Thánh Bonaventura viết: “Nhiệt tình của lòng mến vẫn thúc giục tinh thần ngài đi tìm kiếm phúc tử vì đạo, nên ngài lại lên đường lần thứ ba để đi đến với những người ngoại giáo, hy vọng được đổ máu để cho lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi lan rộng” (ĐT 9,7).

3.3.1 Năm 1219, một cao điểm trong cuộc đời PHANXICÔ

Đối với PHANXICÔ, năm 1219 được đánh dấu bởi những sự kiện mang nhiều ý nghĩa, mà ý nghĩa lớn lao nhất chính là sự quan tâm đặc biệt của ngài tới phần rỗi của Anh em Islam. Sau Tu nghị Lễ Hiện Xuống (tháng 5), ngài chúc lành cho nhóm anh em tình nguyện đi truyền giáo tại Marôc qua ngã Tây Ban Nha [6]. Như đã nói trên kia, đó là nhóm ứng viên Tử vì đạo đầu tiên của Dòng đấy! Ngài cất vào túi đồ của mình bản sao đỏan sắc Cum dilecti do ĐGH Hônoriô III ký ngày 11/6/1219, gửi gắm PHANXICÔ và Dòng Anh em hèn mọn cho sự quan tâm của các Đức Giám mục và các Giám chức khắp nơi. Roài PHANXICÔ cùng với 12 anh em (trong đó có anh Phêrô Cattani, anh Xêdariô thành Speyer và anh Illuminatô) đi theo tàu của Thập tự quân rời Ý ngày 24/06 sang Ai Cập [7], nơi đang diễn ra cuộc Thập tự chinh thứ năm, do ĐGH Innocentê III (1198-1216) công bố tại Công Đồng Latêranô IV vào năm 1215 và ĐGH Honôriô III (1216-1227) khởi binh vào năm 1217. Một tháng sau, đòan thừa sai đến hải cảng Saint Jean d’Acre, Syria, nơi có một cộng đòan AEHM ở dưới quyền anh Elia. Giữa tháng 8/1219 PHANXICÔ cùng với anh Illuminatô đến trại Thập tự quân đóng tại Đamietta (ở tây bắc đồng bằng sông Nile của Ai Cập) đối diện với trại binh Islam của Vua Sultan el-Melek el-Kamel (có người đọc thành al-Malik al-Kamil) tại làng Fariskur gần Đamietta .

3.3.2 Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Phanxicô và Sultan el-Melek el-Kamel

Trước khi ghi lại diễn tiến cuộc gặp gỡ, thiết tưởng nên giới thiệu hai nhân vật. Về PHANXICÔ, chúng ta đã biết khá rõ, nên chỉ cần tìm hiểu thêm về đối tác của ngài.

A. Sultan el-Melek el-Kamel (1180-1238)

Ông là cháu gọi Sultan Salađin bằng bác ruột. Salađin (tên thật là Salâh-el-Din, 1138-1193) là một nhân vật lừng danh của lịch sử Islam, vì đã lập ra vương tộc Ayoubite, đã sát nhập Syria và Lưỡng hà địa vào Ai Cập và biến Ai Cập thành vương quốc mạnh nhất của phương Đông Islam, có khả năng đương đầu với phương Tây Kitô giáo. Ông trị vì từ 1171 đến 1193. Ông đã lập được chiến công lẫy lừng là đánh thắng vương quốc Latinh của Thập tự quân và chiếm Giêrusalem vào năm 1187. Sau Salađin, đến lượt Melek-el-Adil, em ruột của ông, cai trị Ai Cập. El-Melek el-Kamel, con trai của Sultan thứ hai này lên ngôi năm 1218, sẽ là người tiếp đón PHANXICÔ vaøo năm 1219.

El-Melek el-Kamel có hai niềm đam mê: yêu khoa học tự nhiên và thích khoa thần bí của trường phái Sufi (Sufisme). Bên cạnh ông luôn có một vài nhà thông thái để đàm đạo với ông về khoa học, và một vài nhà hiền triết và thần bí hiểu biết chuyên sâu về kinh Koran để giúp ông sống đạo. Một số chứng từ lịch sử còn cho thấy ông là một người giàu lòng nhân ái. Ví dụ: kinh sĩ Olivier thành Cologne, từng là tù binh của Sultan này trong năm 1219, sau khi được phóng thích, đã viết cho vị ân nhân của mình một lá thư cám ơn vào tháng 9/1221 với lời lẽ rất chân thành: “Tôi đây, tù binh được ngài phóng thích, đầy tớ của ngài được Thánh Giá cứu chuộc, tôi sẽ không bao giờ quên ơn ngài. Chưa bao giờ có ai trưng ra một ví dụ về lòng tốt như thế đối với những tù binh thù địch. Khi Chúa để cho chúng tôi rơi vào tay ngài, thưa Đức Vua, thì chúng tôi đã không có cảm tưởng mình đang ở dưới quyền một bạo chúa hay một ông chủ, nhưng là ở dưới quyền một người cha, một người cha đã ban đầy ân huệ cho chúng tôi, đã cứu giúp chúng tôi trong cảnh khốn cùng, đã thăm viếng chúng tôi trong cơn thử thách, và đến cả chịu đựng những lời càm ràm của chúng tôi nữa…Ngài đã chăm sóc bệnh nhân của chúng tôi, đã nghiêm trị những người nhạo báng chúng tôi…Thật đúng như tên gọi của ngài, “Kamel” có nghĩa là “hoàn hảo”, bởi lẽ ngài cai trị một cách khôn ngoan, và với đức độ của ngài, ngài vượt xa mọi vua chúa…”. Chính ĐHY Jacques de Vitry cũng làm chứng rằng: ngài Sultan đã chứng tỏ lòng nhân ái lớn lao đối với các tù binh Kitô hữu. Sau khi ký kết thỏa thuận đình chiến, ngài trả tự do cho tất cả những ai thờ phượng Chúa Giêsu-Kitô bị xiềng xích trong các nhà tù của ngài. Số người này lên đến 30.000. Ngài để cho họ chọn: hoặc trở về với gia đình, hoặc ở lại chiến đấu dưới ngọn cờ của ngài. Ngài ra lệnh cho thuộc hạ cung cấp đủ lương thực cần thiết cho những người được phóng thích: ai có tiền thì trả, ai nghèo khó thì cho không [8].

B. Diến tiến cuộc gặp gỡ

B.1 Sự kiện lịch sử này được kể lại trong 3 tư liệu nguồn do những tu sĩ Dòng AEHM soạn ra: 1 Cel 57; ĐT 9,7-8 ; và Ký sự của Anh Giocđanô ( = ksGio 10), cộng thêm một dạng tiểu thuyết bình dân mệnh danh “Những Bông Hoa Nhỏ” ít mang tính chất lịch sử đáng tin cậy (Fioretti, Nbhn 24); và cũng được một số nhân vật bên ngòai Dòng AEHM sống cùng thời với PHANXICÔ nhắc tới: Đó là ĐHY Jacques de Vitry (trong lá thư viết cho ĐGH Hônôriô III năm 1220, ký hiệu: Vitry A; và trong quyển “Lịch sử Phương Tây: Historia Occidentalis”, ký hiệu: Vitry B); Ernoul (tác giả Ký sự cuộc Thập tự chinh thứ năm, ký hiệu: Ernoul); Bênađô Người Giữ Kho Bạc (Bernard le trésorier, tác giả quyển sách về cuộc chinh phục Thánh Địa, ký hiệu: Kho bạc), và một tác giả khuyết danh (viết lịch sử vua Eraclès và cuộc chinh phục đất đai ở hải ngoại, ký hiệu: Eraclès) [9] . Cuộc gặp gỡ này cũng được một tác giả Ả rập thế kỷ XV, Ibn al-Zayyât, kể lại [10].

B.2 Và sau đây là bảng tổng hợp các sự kiện liên quan tới sáng kiến của PHANXICÔ chủ động đi gặp Sultan el-Melek el-Kamel tại tổng hành dinh của Đức Vua ở làng Fariskur gần Đamietta, dựa trên những sử liệu đáng tin cậy:

B.2.1 Việc đầu tiên của PHANXICÔ là xin ĐHY Sứ Thần Tòa Thánh Pêlagiô Galvao cho phép mình và Anh Illuminatô đến gặp Vua Islam. ĐHY hết sức ngạc nhiên và dĩ nhiên không cho phép vì sợ hai người sẽ bị giết (x. Ernoul 1,a).

B.2.2 PHANXICÔ được biết Thập tự quân, dù đã hai lần thất bại khi tấn công trại binh Islam, vẫn lăm le tấn công tiếp. Ngài được ơn Chúa soi sáng cho biết: nếu Thập tự quân tấn công lần thứ ba thì vẫn sẽ thất bại nữa. Ngài tâm sự với anh Illuminatô: “Nếu tôi nói ra, người ta sẽ cho tôi điên. Nếu thinh lặng, tôi sẽ cảm thấy một lỗi đè nặng trên lương tâm. Tôi phải làm sao đây?”. Anh Illuminatô trả lời:”Thưa Cha, đâu phải hôm nay người ta mới gọi Cha là điên. Cha cứ xả hết gánh nặng lương tâm đi! Sợ Chúa vẫn hơn là sợ người ta”. PHANXICÔ bèn lên tiếng cảnh báo, nhưng chẳng ai tin, lại còn cười vào mặt ngài. Ngày 29.8.1219, quân lực Thập tự chinh đùng đùng tấn công trại binh Islam, nhưng bị thất bại nặng nề, mất cả thảy 6.000 chiến sĩ, trong đó hơn 4.000 hy sinh, số còn lại bị bắt làm tù binh. Bị nặng nhất là cánh quân tây Ban Nha (x. 2 Cel 30; ĐT 11,3) [12]. Đức Sứ Thần cũng như giới tư lệnh Thập tự quân tỏ ra ân hận và tư lự vì đã không nghe theo lời cảnh báo của PHANXICÔ. Về phần mình, PHANXICÔ đau buồn khôn tả, và lặp lại lời xin với Đức Sứ Thần, cho mình được đi gặp Sultan. Lần này Đức Sứ Thần ban phép, nhưng ngài nói rõ không phải ngài sai PHANXICÔ đi gặp Sultan đâu (x. Ernoul 1,b).

B.2.3 Thời điểm cuộc gặp được một số sử gia đặt vào khỏang thời gian giữa ngày 29/8 và 26/9, hoặc theo một số sử gia khác sau ngày 5/11/1219, nghĩa là sau khi Thập tự quân chiếm được thành phố Đamietta. Theo chúng tôi, thời điểm trước xem ra hợp lý hơn, vì sau khi Đamietta bị Thập tự quân chiếm, dễ gì ngài Sultan còn giữ được sự bình tĩnh thanh thản để tiếp PHANXICÔ “một cách trọng thị”? Dầu sao, những điều sau đây được xem là chắc chắn:

- PHANXICÔ được phép của Đức Sứ Thần Tòa Thánh (x. Ernoul; Kho bạc).

- PHANXICÔ cùng đi với anh Illuminatô đến trại binh Islam. Bị lính Islam chặn lại, PHANXICÔ xưng mình là “Kitô hữu” muốn yết kiến Đức Vua, nên đuợc dẫn tới Tổng hành dinh của Sultan (x. Vitry B; Ernoul 2,a; ĐT 9,8).

- Sultan hỏi PHANXICÔ: “Ai sai Thầy đến đây và đến với mục đích gì?”. PHANXICÔ khẳng khái trả lời: “Chính Thiên Chúa Tối Cao sai tôi đến chỉ đường cứu rỗi cho Đức Vua và thần dân của Ngài”. Rồi PHANXICÔ rao giảng Phúc Âm, trình bày giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu Cứu thế. Còn Sultan, thấy PHANXICÔ hăng say, mạnh dạn như thế, thì lắng nghe cách thích thú (x. Kho bạc 2; 1 Cel 57b; ĐT 9,8c ).

- Các nhà hiền triết của Sultan từ chối không chấp nhận đối chất với PHANXICÔ như PHANXICÔ đề nghị. Trái lại, họ xin Đức Vua giết PHANXICÔ đi (x. Ernoul 3; Kho bạc 2), nhưng Đức Vua, “với một trái tim hiền hậu” (x. Kho bạc 2), đã tiếp đón vị khách khác thường này rất nồng hậu – rất trọng thị (“a Soldano tamen honorifice plurimum est susceptus”: x. 1 Cel 57; KsGio 10), ban tặng nhiều của cải và mời ở lại với mình. PHANXICÔ không nhận quà tặng và cũng không nhận lời mời của Đức Vua, bởi lẽ Đức Vua không muốn cải đạo; và sau ít ngày (x. Vitry A2+B14), Sultan ra lệnh cho cận vệ Islam dẫn PHANXICÔ về lại trại binh Thập tự quân “cách trọng thị và an toàn” (x. Vitry B 14; Ernoul 4,b-c; Kho bạc 3). Như vậy, theo Vitry, PHANXICÔ đã ở lại trong tổng hành dinh của Sultan ít nhất vài ba ngày. Chúng ta có thể hình dung ra rằng hai nhân vật này đã nói chuyện với nhau khá nhiều trong tình thân hữu: phía Sultan luôn tỏ ra “chăm chú lắng nghe” (x. Vitry B 14; ĐT 9,8c), phía PHANXICÔ rất hăng say rao giảng Phúc Âm cho Sultan (x. Ernoul 2; Kho bạc 2; ĐT 9,8b).

- Khi chia tay, Sultan nói riêng với PHANXICÔ: “Xin Thầy cầu nguyện cho tôi, để Thiên Chúa đoái thương chỉ cho tôi biết đạo nào và đức tin nào đẹp lòng Người hơn” (x. Vitry A2+B14).

- Mặc dầu các sử liệu thinh lặng, nhưng nhiều tác giả ngày nay suy luận rằng, trên đường về lại Ý, PHANXICÔ đã phải đi qua Syria (Saint Jean d’Acre, nơi có một cộng đoàn AEHM), tức là trước đó phải đi qua Thánh Địa mang nhiều dấu vết của Chúa Cứu Thế. Đây là cơ hội ngàn vàng để PHANXICÔ hành hương kính viếng các Nơi Thánh, đặc biệt Mộ Thánh là điểm ngắm của mọi khách hành hương thời Trung Cổ, kể cả các Thập tự quân tòng chinh để giải phóng Mộ Chúa. Có thể Sultan el-Melek el-Kamel đã trao vào tay PHANXICÔ một thư giới thiệu với bào đệ là Sultan el-Mu’azzam đang cai trị Syria, để vị tu sĩ áo nâu được tự do hành hương Thánh Địa bấy giờ thuộc về Syria [13].

- Và hầu như chắc chắn vào mùa xuân 1220, PHANXICÔ cùng với các anh Illuminatô, Phêrô Cattani, Xêsariô thành Speyer và Elia trở về Ý.

B.3 Bảng tổng hợp trên đây đã loại trừ ba yếu tố được các tác giả Phan sinh ghi lại, vì mang tính huyền thoại, khó tin, đó là:

- PHANXICÔ và anh Illuminatô đã bị hành hạ thậm tệ trên đường đến tổng hành dinh của Sultan (x. 1 Cel 57; ĐT 9,8; KsGio 10).

- PHANXICÔ thách thức Sultan hãy để cho một đại diện của mình cùng với PHANXICÔ nhảy vào đống lửa (ordalie, ordeal), hoặc một mình PHANXICÔ nhảy vào cũng được, để chứng minh đạo của ai là đạo thật (x. ĐT 9, 8; Nbhn 24). Nhưng Sultan từ chối nhẹ nhàng.

- Sultan hứa với PHANXICÔ sẵn lòng cải đạo (x. Nbhn 24).

Lời bàn:

- Đối với ba yếu tố bị loại trừ vì mang tính huyền thoại, chúng ta có thể hình dung ra rằng đó là kết quả của khuynh hướng khá phổ biến trong thế giới Kitô giáo thời Trung Cổ: dễ dàng tô đậm sự tàn bạo của người Islam, dễ dàng biện bạch cho ước muốn tử vì đạo của người Kitô hữu, ước muốn mãnh liệt đến mức cuồng tín và sẵn sàng nhảy vào lửa để minh chứng đạo của mình là đạo thật. Xu huớng ấy được phản ánh rõ ràng nhất vào trong quyển “tiểu thuyết” Những Bông Hoa Nhỏ (Fioretti). Tác phẩm nổi tiếng này còn thêu dệt thêm câu chuyện huyền thoại về PHANXICÔ bị một cô gái điếm Ả rập rủ rê làm tình, với một cái hậu rất đạo đức: bằng cách thách thức cô ấy đến với mình đang nằm trần truồng trên đống than hồng mà không bị cháy (vẫn là cái trò chơi với lửa!), PHANXICÔ đã khiến cô ấy hoa mắt, thán phục, xin theo đạo và sống một đời sống thánh thiện, gương mẫu! (x. Nbhn, 24).

- Còn đối với câu nói của Sultan được ĐHY de Vitry ghi lại: “Xin Thầy cầu nguyện cho tôi…” (x. Vitry A2+B14): Có thể đó là một câu nói chân thành. Có thể đó là một câu nói khôn ngoan đúng phong cách ngoại giao. Dầu sao chúng ta vẫn có thể tin rằng ngài Sultan el-Melek el-Kamel, dù không cải tâm theo đạo của PHANXICÔ, cũng đã cải tâm để quý mến đặc biệt vị tu sĩ áo nâu này , bởi lẽ với các tù binh Kitô hữu là tử thù mà Đức Vua còn đối xử cách nhân ái, thì phương chi với một ông thầy Dòng hiền như bột, trong tay không hề có bất cứ một thứ khí giới nào để giết người…! Mặt khác, chúng ta thấy giữa hai con người đồng trạc (xấp xỉ tứ tuần) này, đến từ hai tôn giáo và hai nền văn hóa rất khác nhau, lại có hai điểm tương đồng hiếm có: cả hai người đều yêu thiên nhiên, dù ngài Sultan yêu với trí tuệ của một nhà thông thái, còn PHANXICÔ yêu với trái tim của một nhà thơ bình dân. Và cả hai đều bị cuốn hút vào cảm nghiệm thần bí, vào tình yêu tha thiết dành cho Đấng Tạo Hóa. Riêng đối với PHANXICÔ cuộc gặp gỡ với ngài Sultan el-Melek el-Kamel đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nội tâm. Chúng ta gọi đó là “kinh nghiệm Đamietta” của PHANXICÔ.

(còn tiếp)

-----------------------------------------
Ghi chú:

[1] ”A crusade verbo et exemplo”: xem Smith, Sđd, tr. 95.
[2] Tai tiếng vì nhà thần bí này đã nói tiên tri rằng từ năm 1260 một Giáo Hội h
n toàn mang sắc thái “đan tu” sẽ thay thế Giáo Hội do các Giám mục cai quản, và cả thế giới sẽ hoán cải trở về với đức nghèo Phúc Âm: Xem Sđd “THÉO”, tr. 366.
[3] Xem Smith, Sđd, tr. 94.
[4] Xem Smith, Sđd, tr. 94
[5] Đó là các Thánh Bêrađô, Phêrô, Adjuto, Accursio và Ottone.
[6] Xem Fortunato MARGIOTTI, Missione, trong Dizionario Francescano. Spiritualità. A cura di Ernesto CAROLI. Padova. II edizione 1995. I ristampa 2002, cột 1160.
[7] Xem Giulio BASETTI-SANI, OFM, Mohamed et Saint Francois. Ottawa, Canada 1959, tr. 158.
[8] Hai chứng từ trên đây được đăng trong Sđd của Giulio BASETTI-SANI, OFM, tr. 167-168.
[9] Có thể đọc các chứng từ « ngòai Phan sinh » này trong bản dịch bằng tiếng Ý :Fonti Francescane. Nuova edizione 2004 a cura di Ernesto CAROLI, tr. 1457-1473.
[10] Xem Giulio BASETTI-SANI, Sđd, tr. 269, chú thích 36.
[11] Chúng tôi dựa theo: Fortunato MARGIOTTI, Sđd, cột 1157-1160; và J.H. SMITH, Sđd, tr. 123-135.
[12] Xem Giulio BASETTI-SANI, Sđd, tr. 163; J.H. SMITH, Sđd, tr. 127.
[13] Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 134.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top