Thánh Nhạc Tổng Giáo phận Sài Gòn: Gặp gỡ 2016

Thánh Nhạc Tổng Giáo phận Sài Gòn: Gặp gỡ 2016

WGPSG -- “Trong cử hành Phụng vụ: Phụng vụ là chính, Thánh ca là phụ. Nhưng không có nghĩa là không cần. Cần đúng lúc. Vì thế, khi một hành động phụng vụ chấm dứt, chúng ta không nên hát thêm nữa”; Đây là lời Cha Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc TGP Rôcô Nguyễn Duy trong Ngày gặp gỡ Thánh Nhạc diễn ra vào sáng ngày 10/09/2016 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM.

Mục đích của buổi gặp gỡ là đón nhận sự góp ý của các ca trưởng, người đệm đàn và các ca viên về văn kiện HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC do Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phổ biến tháng 4 năm 2014. Hướng Dẫn này sẽ đến thời điểm kết thúc thử nghiệm vào ngày 28/04/2017, để được đưa vào thực hiện.

Ngày gặp gỡ đã khai mạc lúc 8g30 tại Phòng B102. Nhạc sĩ P. Kim điều khiển chương trình, nhạc sĩ Minh Tâm và nhạc sĩ Anh Tuấn làm thư ký, linh mục Rôcô Nguyễn Duy chủ tọa, và khoảng hơn 80 người tham dự - gồm các tu sĩ, ca trưởng, ca viên và đệm đàn của các giáo xứ trong TGP Sài Gòn.

Bắt đầu cuộc trao đổi, linh mục Rôcô mời mọi người cùng nghe hai nhạc phẩm “Thư gửi Elise” và “Love Story” để nói về các quãng trong âm nhạc: Quãng 8 đúng diễn tả sự chắc chắn, đầy đặn, viên mãn; Quãng 6 nói lên niềm chênh vênh, luẩn quẩn; Quãng 3 là đảo ngược của quãng 6; Quãng nửa cung tạo nét ủy mị, ray rứt…

Trong phần nhắc nhở, linh mục Rôcô đặc biệt nói đến Kinh Thương Xót: Trong câu “Xin Chúa thương xót chúng con”, cụm từ quan trọng là “Thương Xót”, được hát to; những chữ còn lại: hát vừa phải thôi.

Từ đó, cha xác định vai trò của ca trưởng: Chọn bài, tập hát cho ca đoàn và cộng đoàn, sau đó điều khiển cộng đoàn hoặc ca đoàn hát thánh ca trong cử hành phụng vụ. Các ca trưởng cần chọn bài hát cho phù hợp với tiêu chuẩn của thánh nhạc, và phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh, môi trường…

Nói đến vai trò của người đệm đàn trong nhà thờ, cha dặn dò:

- Là người dẫn và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn, ca đoàn, xướng vịnh viên, và ca xướng viên, những người đệm đàn không được để tiếng đàn lấn át giọng hát.

- Đối với bài kết lễ, dù có vui nhộn thế nào, thì người đệm đàn cũng không được để ngón tay lướt những phím đàn từ cao xuống thấp, hoặc ngược lại.

- Trong Thánh lễ, có thể dùng nhiều nhạc cụ khác nhau, nếu những nhạc cụ đó giúp ta cầu nguyện sốt sắng. Không nên đưa những tiết tấu của sân khấu vào trong nhà thờ.

Linh mục Rôcô lưu ý:

- Bài “Ave Maria, Như Song Lộc Triều Nguyên” – thơ Hàn Mạc Tử, nhạc Hải Linh: không dùng hát trong Phụng vụ.

- Trong cử hành Phụng vụ: Phụng vụ là chính, Thánh ca là phụ. Nhưng không có nghĩa là không cần. Cần đúng lúc. Vì thế, khi một hành động phụng vụ chấm dứt, chúng ta không nên hát thêm nữa.

- Đối với những bài chầu Thánh Thể, đã có văn kiện sửa đổi mới.

So sánh với nước ngoài, linh mục Rôcô cho biết: ở nước ngoài, ca trưởng, người đệm đàn… có thù lao, trong khi ở Việt Nam thì hầu hết làm việc vì thiện chí và lòng đạo đức. Vì thế, trong văn kiện “HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC” số 55 có đề cập việc này: “Mọi người cần phải nhận biết công việc của những người phụ trách mục vụ Thánh Nhạc là công việc quý giá và không thể thiếu được được trong toàn bộ các việc mục vụ của giáo xứ và giáo phận. Vì thế, Đức Giám mục, cha xứ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ nên lưu tâm chăm sóc và bồi dưỡng cho họ đúng mực, bằng những cách thức đãi ngộ khác nhau, cộng đoàn khẳng định công việc họ là thật cao quý.”

Buổi gặp gỡ có sự góp mặt của hai ca sĩ Gia Ân và Xuân Trường, phục vụ các bài Thánh ca: Trả Lại Cho Thiên Chúa do nhạc sĩ Huỳnh Minh Ký và Đinh Công Huỳnh sáng tác, Phó Thác do nhạc sĩ Kiều Linh sáng tác, Dấu Chân do nhạc sĩ Vũ Duy Thống sáng tác và bài Cho Con Vững Tin do linh mục Rôcô Nguyễn Duy sáng tác.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 12g00, sau khi linh mục Rôcô ban phép lành. Mọi người ra về với tâm tình hân hoan vì có thêm nhiều kiến thức và nhiều sự gắn bó thiêng liêng trong môi trường Thánh nhạc.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top