Tháng các Linh hồn: Nhớ về Mẹ…
TGPSG -- Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…
Vào một buổi sáng tháng 11, bên Công giáo chúng tôi gọi là Tháng các Linh hồn, tôi đang ngồi ở phòng học cùng với mấy anh em, thì nhận được tin nhắn của đứa em. Em gửi cho tôi mấy tấm hình về ngôi mộ của mẹ vì tôi đi học ở xa không được đi thăm mộ mẹ.
Lúc ấy trong tôi òa lên một cảm xúc không thể diễn tả được. Dường như mắt tôi đầy tràn ngấn lệ nhưng tôi đã cố gắng ngăn không cho nó chảy ra. Tôi lặng lẽ rời khỏi phòng học để bước vào nhà nguyện. Một mình tôi với Chúa, giây phút ấy, không gian ấy thật yên bình biết bao, tôi lặng người ngẫm về khoảng thời gian mà mẹ tôi đang còn sống.
Mẹ tôi ư? mẹ tốt lắm, tần tảo từng ngày, nắng cũng như mưa. Mặt trời chưa ló, mẹ đã rời khỏi căn nhà với chiếc xe máy khá cũ cho đến tối mịt mới thấy bóng dáng mẹ trong ngôi nhà nhỏ.
Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại. Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc ra đi cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.
Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian:
4Ngàn năm Chúa kể là gì
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
hoặc:
9-10 Đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Nhìn lại quá khứ, cuộc đời mẹ tôi đa phần là sống trong khốn khó. Năm mẹ 42 tuổi, cái tuổi đang phải mưu sinh lo lắng cho 5 anh em tôi học hành thì mẹ vướng phải căn bệnh ung thư. Lúc ấy, tôi là một đứa trẻ, chỉ nghĩ rằng bệnh rồi sẽ khỏi thôi. Nhưng không… căn bệnh đã dày vò mẹ tôi suốt 6 tháng trời.
Tôi vẫn nhớ khi hóa trị lần đầu, mẹ nói với tôi “Con chụp cho mẹ cái ảnh khi mẹ đang còn tóc, lỡ tiêm về không có tóc nữa mẹ tiếc lắm!”. Nghe câu nói ấy, tôi đã cố kìm lại nước mắt, gượng cười nói với mẹ: “Mẹ thay đồ đi rồi con chụp cho, nhưng mà mẹ yên tâm đi, tóc mẹ không có rụng được đâu”. Rồi tôi chụp cho mẹ mấy tấm. Mẹ xem và dường như tôi thấy được những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt gầy gò ấy.
Rồi thời gian trôi qua, tôi đã chứng kiến những cơn đau hành hạ mẹ, có lúc phải cần đến máy trợ thở. Lần thứ ba đưa mẹ vào bệnh viện để hóa trị, tôi nghe bố tôi bảo: “Bác sĩ nói mẹ không còn đủ sức để hóa trị nữa.” Bố quyết định đưa mẹ về nhà. Thời gian này mẹ tôi yếu dần và tôi cảm nhận được ngày mẹ xa anh em chúng tôi đã đến gần.
Trong tuần áp ngày mẹ tôi mất, anh em họ hàng lần lượt ghé thăm. Đây chắc là khoảng thời gian mẹ cảm nhận được rõ nhất tình cảm mà mọi người dành cho mẹ.
Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm ấy (03.03.2020), tôi vào chào mẹ để đi học. Nhưng thật lạ, mẹ không nói gì với tôi, mà còn ngoảnh mặt vào phía trong. Tại sao mẹ không muốn nhìn tôi? Tôi nghĩ chắc do mẹ mệt nên không hỏi han thêm.
Đến 8g20, lúc tôi đang ngồi học ở trên trường, thì nhận được điện thoại của bố. Một giọng nói nghẹn ngào cất lên “Mẹ con mất rồi!” Tôi bần thần và không dám tin vào lời nói ấy. Thật sao? Mẹ tôi mất rồi sao? Từ giây phút ấy tôi đã mất mẹ.
Nỗi mất mẹ khiến tôi đau buồn khôn xiết. Tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng… Nhiều lúc tôi đã thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không nghe tiếng chúng con kêu cầu? Sao Chúa không cho mẹ con khỏi bệnh? Sao Chúa lại đưa mẹ con đi sớm thế, trong khi đứa em nhỏ nhất của con mới hơn tuổi rưỡi mà nó có biết được mẹ nó mất đâu? Nó đã cảm nhận đủ tình thương của mẹ dành cho nó đâu? Cả con nữa, con cũng muốn mẹ được khoảng thời gian an nhàn khi con trưởng thành. Con muốn, con muốn…”
Rồi thời gian cứ thế trôi, bây giờ cũng được hơn một năm từ ngày mẹ tôi mất. Nhiều lúc tôi có cảm giác là mẹ đang sống trong căn nhà nhỏ bé của tôi; Mẹ chẳng đi đâu cả, vẫn ở nhà đợi tôi về mỗi dịp nghỉ phép.
Nhưng hiện tại điều ấy chỉ là mơ ước viễn vông… Mỗi lần nghĩ đến mẹ, nhớ về mẹ là nước mắt tôi cứ thế lăn ra và nỗi đau ấp ủ ngày đêm lại tái diễn. Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…
Cầm quyển sách kinh lên, tôi lật đại một trang và đọc: “Hạnh phúc của tôi là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời.”
Câu Thánh Vịnh ngẫu nhiên ấy đã khiến tâm hồn tôi được ủi an. Đúng thế, Chúa đã gọi mẹ về với Chúa, về nơi mà mẹ sẽ không bị những cơn đau hành hạ nữa…
Suốt cuộc đời mẹ đã tin tưởng vào Chúa, giờ cuối đời mẹ cũng đã phó thác mọi sự trong vòng tay yêu thương của Chúa. Giờ đây, con tin chắc rằng mẹ đang hưởng hạnh phúc bên Chúa. Mẹ hãy dõi theo chúng con, mẹ nhé! Nhớ mẹ nhiều lắm!
Nguyễn Viết Quang, MF (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19