Tháng Ba với Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn

Tháng Ba với Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn

Thứ Ba 18.3.2014 là ngày họp tân niên của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (ĐTLT). Chiều hôm ấy là vọng lễ Kính Thánh Giuse - Bổn mạng Giáo Hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam và Đại Chủng viện Thánh Giuse TGP, cùng là quan thầy của nhiều dòng tu, giáo xứ, đoàn hội và cá nhân… Chính bởi đây là một ngày lễ lớn, nên không khí buổi họp thật khí thế.

Chương trình họp gồm ba phần: phần (I) Giới thiệu sơ về các hoạt động Đối thoại Đại Kết của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tòa Thánh. Gặp gỡ Đức TGM Phaolô. Phần (II) thánh lễ. Phần (III) bữa cơm mừng bổn mạng bốn thành viên.

Gặp gỡ Đức TGM Phaolô

Lần đầu hội kiến, toàn Ban chào đón Đức Tổng Giám mục Phaolô bằng một tràng pháo tay ròn rã. Sau khi nghe cha Phanxicô Xaviê trình bày về thời sự Đại kết của Giáo Hội, ngài bắt đầu cuộc nói chuyện bằng câu hỏi: “Trong việc làm của Ban, với hai hoạt động đối thoại liên tôn và đối thoại Đại kết, chúng ta có chia người ra để thực hiện hay là làm chung, vì hai sinh hoạt này khác nhau?”

Cha Trưởng ban thay mặt anh chị em trả lời ngắn gọn rằng “Từ khi được thành lập đến nay chúng con chỉ có ĐTLT, vì các thành viên mới được đào tạo về ĐTLT. Còn về sinh hoạt Đại kết, chúng con có từng nhóm nhỏ đến với anh chị em Tin Lành, và đang chuẩn bị mở giảng khóa về Đối thoại Đại Kết (ĐTĐK ) cho các thành viên”.

Đức Tổng Phaolô tiếp lời: “Tôi biết cố gắng của cha và cả nhóm rất nhiều, tuy chưa có một Ủy Ban về lĩnh vực này trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì chưa có đủ nhân sự và không muốn cồng kềnh cơ cấu. Phải nhìn nhận rằng ĐTĐK ở Việt Nam rất yếu, khi đi họp ở Roma mình không có gì để trình bày. Nay đã có Đức Giám mục Stephanô Tri Bửu Thiên đặc trách hai mảng Đối thoại này, đó cũng là một tin vui. Ban MV.ĐTLT của TGP Sài Gòn hoạt động mạnh trong lĩnh vực này nhờ được Đức Hồng y khuyến khích.

Tâm hồn đối thoại

Hôm nay, tôi muốn nói với Ban về “Tâm hồn đối thoại”:

- Tâm hồn đối thoại rất cần thiết cho hoạt động đối thoại. Cần có tâm hồn biết đi ra, mở ra hướng đến tha nhân. Tâm hồn này làm cho chúng ta tham dự vào hai mầu nhiệm: (1) Thiên Chúa Ba Ngôi (2) Mầu nhiệm Xuất Hành, khiến cho chúng ta “đi ra”.

- Trong thực tế, người thực hành Đối thoại phải có một tâm hồn khiêm tốn, khiêm nhường tối đa (…) người có tâm hồn khiêm tốn thì mới có thể lắng nghe. Người kiêu ngạo thì không thể yêu thương được. Phải đặt người khác trên mình khi nói đến yêu thương, thì mới đối thoại được. Cho nên đối thoại không chỉ ở “trí” mà là cái “tâm”.

- Thực hành Đối thoại có thể làm nảy sinh một nền văn hóa - như Đức Giáo hoàng đã khai mở -, “nền văn hóa gần gũi”. Đây là nền văn hóa của Tin Mừng thực sự. Đây là một tư tưởng rất hay. Do đó, người có thực hành đối thoại thì sẽ gần gũi với hết mọi người. Chúng ta cần cầu nguyện để Chúa ở trong mình, tâm hồn sẽ dào dạt tình yêu thương, và khi tâm lòng tràn đầy tình thương, tự nhiên ta muốn đem tình thương đến cho tha nhân, cho mọi người.

-   Nên suy nghĩ lại về đức tin của mình. Làm thế nào để “Đức Tin là một con đường hơn là một pháo đài, Đức Tin không phải là tảng đá nhưng là một dòng chảy” - cha Tomáš Halík, người vừa được Giải thưởng Templeton năm 2014, đã nói như thế. Thực ra ý tưởng này đã được một người Việt Nam nói đến từ lâu rồi, nhưng chúng ta chưa thực hành! Tư tưởng này giúp ta có một quan niệm mới hơn, sống động hơn về Đức Tin:  “một dòng chảy”.

Hôm nay tôi rất vui mừng đến để khuyến khích anh chị em. Tôi xin nói cách chân thành rằng dẫu tôi là  một người yếu đuối, nhưng tôi có “một tâm hồn mở ra, muốn đến gặp gỡ người khác”.

Chúng con chân thành ghi nhớ lời dạy của Đức Tổng Phaolô, trong ngày đáng nhớ này!

Cùng tạ ơn với Thánh Cả

Trong thánh lễ kính Thánh Giuse, cha con chúng tôi lần lượt chia sẻ cho nhau về những cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân về Thánh Giuse. Sau cùng, cha chủ tế đúc kết bằng một công án ít ai hiểu ngay: “Chúng ta thường đánh giá mình và người khác bằng cách nghĩ đến những việc ta đã làm hay làm được… Nhưng có bao điều chúng ta không làm cũng cần phải được quan tâm: Đó là những việc xấu ta không làm vì muốn sống tốt. Đó là những việc tốt ta không làm, vì không muốn hoặc chưa làm! Đó là “những điều thiếu sót” mà người Công giáo thường thú nhận trong phần sám hối đầu mỗi Thánh lễ (…) Chính nhờ cái Tâm Không, thánh Giuse đã được Thiên Chúa lấp đầy bằng Tình yêu và ân sủng…”. Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi tay, đôi chân, ánh mắt, ngôn từ của Chúa để chúng con biết đấm ngực ăn năn, cúi xuống thấp hơn anh chị em, ra đi trong yêu thương và trao tặng NGÔI LỜI.

* * *

Trong bữa agape huynh đệ tiếp theo, cha con chúng tôi cùng chia sẻ với nhau “Vị” của Thánh Giuse, một cái “Vị” rất riêng lạ, không trùng với ai khác. “Vị” đó có tên gọi là “Vị Thánh Không”. Theo cơ duyên của từng người, ai nấy đều có thể tiếp thu được không nhiều thì ít. Không quan trọng! Vì Ngài là Vị Quản Lý Kho Tàng của Thiên Chúa (Đức Mẹ Maria và Bé Giêsu). Đàng khác, kiểu quản lý khác người của vị Thánh này là “ai đến xin Kho Tàng thì ngài đều cho. Cho nên ai muốn có thêm hãy đến cùng Giuse!

Tâm tư đọng lại

Ngẫm lại lời Đức Tổng Phaolô chia sẻ, suy nghĩ của người viết lại miên man nghĩ về những ngày tháng Ba của năm 2013. Giáo Hội toàn cầu phải chăng cũng có những tâm tình thăng – trầm khi “Từ biệt Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và chào mừng Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô”. Ngày 19.3.2013, Đại lễ Thánh cả Giuse, cũng là ngày Đức Giáo hoàng Phanxicô khởi đầu sứ vụ Mục Tử hoàn vũ của ngài. Phần mở đầu của Bài giảng đầu tiên như sau: “Trong ba Bài đọc này, tôi thấy có một cái gì đó chung: đó là sự chuyển động. Trong Bài đọc thứ nhất, đó là sự chuyển động trong hành trình trên đường đi; trong Bài đọc thứ hai, là sự chuyển động trong việc xây dựng Hội Thánh; trong Bài đọc thứ ba, bài Phúc Âm, là sự chuyển động trong việc tuyên xưng. Bước đi, xây dựng, tuyên xưng (…)

Sự kiện Bài giảng “định hướng” của Đức Giáo hoàng Phanxicô tháng Ba năm trước tương phùng với huấn dụ của Đức Tổng Giám mục Phaolô, khiến chúng tôi nhận ra cách cụ thể đặc tính “Duy Nhất và Tông Truyền” của Hội Thánh Chúa Kitô, qua các người kế vị các thánh Tông đồ. Tự nhiên mây mờ trong tâm trí chúng con tan biến. Tự nhiên dâng dâng trong lòng nỗi niềm kính yêu và tri ân Đức Hồng Y G.B vô bờ, đồng thời chúng con cũng chia sẻ tầm nhìn với Đức Tổng Giám Mục Phaolô. Song hành theo đó là tâm tình phó cậy đời sống và sinh hoạt mục vụ tương lai của TGP trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Tạ ơn Thầy Giêsu Chí Thánh đã cất tiếng “Có Thầy đây đừng sợ!” – Lời củng cố Đức Tin và gieo niềm hy vọng cho tất cả chúng con. Halleluia! Halleluia!

Là những người giáo dân thành phố, tâm tư tình cảm chúng tôi không khỏi giăng giăng nỗi niềm buồn vui lẫn lộn, vì tháng Ba năm 2014 cũng là cột mốc lịch sử ghi dấu việc “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận TP. HCM của Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn”. Đồng thời, đón nhận người “Kế nhiệm Đức hồng y Gioan Baotixita là Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc” (Cống bố hôm 22.3.2014).

Nhớ lại gần 5 năm trước, Ban Mục vụ đối thoại liên tôn được Đức Hồng y thành lập (ngày 5.12.2009), từ đó chúng tôi được ngài cưu mang và dẫn dắt trên hành trình đối thoại. Năm năm trời gắn bó Cha-con, làm sao không thương tính, mến người được! Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, Ban chúng tôi thủ thỉ chúc tuổi người Cha Kính yêu, ấp úng mãi cũng chỉ thốt được mấy lời tâm huyết là “Chúng con kính chúc Đức Hồng y luôn mạnh khỏe và kính chúc Cha luôn hưởng được niềm vui, an ủi lúc tuổi cao trong sự hiếu thảo của đoàn con TGP”.

Tai chúng tôi lại nghe ngân vang lời của Đức Phanxicô: “Tôi cầu chúc cho tất cả chúng ta được Chúa Thánh Linh, nhờ lời cầu nguyện của Đức Bà là Mẹ chúng ta, ban cho chúng ta ơn này là: bước đi, xây dựng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Xin được như vậy!”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top