Tết này không bánh mứt
Tôi biết Tết này, sẽ không có bánh mứt, không có mai vàng, không bánh chưng, bánh tét. Để có chút hương vị quê nhà thì phải lên tận thủ đô xa xôi và số tiền không ít. (Lâm Quỳnh Trâm, Phần Lan)
Rời thành phố hơn 8 triệu dân với nắng ấm quanh năm, tôi đến với xứ sở của tuyết, của băng và vỏn vẹn hơn 5 triệu dân. Ngày tôi đi, thành phố mưa, ngập những con đường, trắng đất trắng trời. Cơn mưa tháng bảy – nước mắt vợ chồng Ngâu. Ở nơi này, dù có bao mùa tháng 7 qua đi thì tôi vẫn sẽ không có được những cơn mưa như thế nữa.
Nơi tôi ở là một thành phố nhỏ chỉ khoảng 22.000 dân, một thành phố yên bình, tĩnh lặng, chỉ có tuyết, rừng và hồ. Nó không ồn ào, khói bụi, không nhộn nhịp, đông đúc. Không mệt mỏi vì chen lấn như Sài Gòn, nhưng tôi vẫn nhớ Sài Gòn tha thiết. “Tình yêu đối với quê hương là vô điều kiện”. Yêu là chấp nhận và nhớ da diết cả mặt tốt và mặt xấu. Tôi yêu Sài Gòn bằng tình yêu như thế - tình yêu vô điều kiện!
Khi mùa xuân đang về trên quê hương thì cũng là lúc khắc nghiệt nhất của mùa đông nơi này, với cái rét -30 đến -32 độ. Tôi thèm cái se se lạnh của Sài Gòn đỏng đảnh, đủ để mặc thêm một cái áo, quàng nhẹ một cái khăn. Tôi nhớ cái ồn ào của tiếng còi xe mỗi chiều tan tầm. Nhớ những đường phố ngập tràn sắc hoa mỗi khi xuân về.
Nơi này không có lịch âm để xem hôm nay là bao nhiêu tháng chạp, chỉ tính Tết qua từng cái đếm ngày trên facebook của bạn bè. Khác với các thành phố lớn, nơi tôi ở để có được những món đồ mang hương vị Việt là vô cùng khó khăn. Tôi biết Tết này, sẽ không có bánh mứt, không có mai vàng, không bánh chưng, bánh tét. Để có chút hương vị quê nhà thì phải lên tận thủ đô xa xôi và với một số tiền không hề rẻ. Đời du học sinh xa nhà, tôi phải tiết kiệm từng đồng nên có lẽ phải nhấm nháp hương vị Tết qua những bức ảnh bạn bè gửi.
Một người bạn nói với tôi: “Khi mới đi nghĩ rằng mình sẽ không nhớ nhiều đâu, nhưng có đi rồi mới biết, quê hương luôn ở trong tim”. Mỗi khi nhớ nhà, nhất là những lúc gần Tết, tôi và bạn lại check vé máy bay về Việt Nam, để rồi hí hửng khi thấy giá vé rẻ, dù biết mình không về được… Khi biết mình sẽ không về thì Tết trở thành xa xỉ phẩm, chỉ để ao ước mà thôi. Ao ước được ngắm những con đường rực sắc đỏ, vàng của cờ và hoa, được chen lấn trong những ngày cuối năm, được mặc áo mới mừng tuổi ba mẹ, ông bà…
Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất vào ngày Tết ở Việt Nam? Tôi sẽ trả lời là tôi nhớ nhất những phiên chợ quê ngày cuối năm, với những người nông dân hồn hậu bên những quầy dưa hấu, những hàng hoa cúc vàng rực rỡ. Chợ ngày cuối năm đông đúc, ồn ào, người mua kẻ bán, ai cũng muốn chọn những thứ tốt nhất để đón năm mới thuận lợi may mắn. Lạ một điều là những phiên chợ tết dù đông đúc nhưng hiếm khi có chuyện cự cãi, kì kèo bớt một thêm hai như bình thường. Có lẽ ai cũng mong mình sẽ được thuận lợi, may mắn.
Ngày xưa tôi hay đi chợ hoa vào đêm giao thừa, vào lúc này bạn sẽ cảm nhận được rõ hơn cái vất vả của người nông dân. Khi hoa không bán hết, dưa vẫn còn trên kệ, người có điều kiện thì thuê xe chở về quê, còn có người vẫn nán lại, bán giá rẻ bèo để mong có thêm chút tiền ngày mai mừng năm mới. Những người đi chợ lúc này phần lớn cũng là những người không đủ điều kiện để sắm cho mình những thứ tốt nhất vào những ngày trước tết, họ cũng hy vọng sẽ mua được gì đó tươm tất cho ba ngày tết mà giá không quá đắt.
Tôi yêu cái không khí hồ hởi chuẩn bị Tết ở Việt Nam. Ngày xưa, Tết – với tôi bắt đầu khi mẹ gọi điện hỏi chừng nào về nhà để phụ bố dọn dẹp nhà cửa và phụ mẹ đi chợ mua bánh mứt. Tết là dịp sum họp gia đình, là ngày để nghỉ ngơi thư giãn sau một năm dài vất vả. Ngày bé, tôi thích nhất là được hái lá mai, thích được ngồi phụ mẹ làm đồ ăn và được sắm quần áo mới. Lớn lên rồi, chỉ ao ước được như ngày bé, nôn nao từng ngày mong đến tết. Bây giờ, mỗi lần nghĩ đến Tết lại thấy nhớ quê hương và Tết lại trở thành niềm mơ ước.
Quê hương – hai tiếng rất đỗi thiêng liêng và luôn là ngọn lửa ấm áp trong tim mỗi người xa xứ. Quê hương là nơi gốc rễ của tâm hồn người dân Việt dù xa xứ hay không. Quê hương là nơi để mỗi khi tết về, lòng những người con đất Việt lại rưng rưng “Giờ này, quê nhà đang tết".
Lâm Quỳnh Trân (từ Varkaus, Phần Lan)
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?